gia ret

Nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa, có khí hậu khắc nghiệt. Tuy được gọi là bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông nhưng thực chất chủ yếu chỉ có 2 mùa đông xuân và hạ thu và bệnh tật cũng theo hai mùa đó. Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, không khí khô hanh kèm theo gió thường tạo điều kiện cho một số bệnh dễ mắc và tái phát như dị ứng, cảm lạnh, thấp khớp, hạ thân nhiệt và các bệnh về phổi. Mùa xuân lạnh, thời tiết ẩm là cơ hội cho các bệnh nguy hiểm như bệnh tim, viêm khớp và các loại virus gây bệnh phát triển. Như vậy phải biết  đề phòng và điều trị cho đúng để đảm bảo sức khỏe đặc biệt cho người già, trẻ nhỏ và những người đang bị bệnh

1. Dị ứng

1.1.  Viêm mũi dị ứng

Mùa đông thường khiến cho niêm mạc mũi khô, và trở nên nhạy cảm hay dễ bị kích ứng với các tác nhân gây dị ứng như: không khí lạnh, khói bụi, hóa chất… Gây ra hay mắc viêm mũi dị ứng. Triệu chứng của bệnh bao gồm: ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai hay vòm họng. Chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi. Đau họng, khàn giọng. Mũi mất khả năng ngửi. Bệnh nhân thường phải thở bằng miệng, nhất là khi ngủ, nên ngáy ngủ.

Tuy không nguy hiểm nhưng viêm mũi dị ứng khiến cho người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, bệnh tiến triển đến viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm xoang…

Để phòng tránh cần: mặc ấm, khi ra đường nên đeo khẩu trang, vệ sinh nơi ở sạch sẽ. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày.

1.2.Dị ứng da.

Những người bị dị ứng cơ địa thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết, do đó khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh hoặc lạnh sang nóng đều bị nổi nốt đỏ từng mảng lớn, gây ngứa, khó chịu. Khi thấy da có biểu hiện bị dị ứng, sẩn ngứa thì không được chủ quan, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ chỗ vết dị ứng, chàm, không chà xát mạnh quanh vết chàm, dị ứng để tránh bị nhiễm trùng. Đặc biệt hạn chế gãi, tránh da bị xước gây nhiễm trùng, viêm da. Mặc quần áo thật ấm, nhưng không quá chật, tránh những chất liệu dễ kích ứng da. 

Để bảo vệ da khỏi những triệu chứng này, nên uống nhiều nước, tránh tắm nước quá nóng, và nên dùng các loại sữa tắm, kem dưỡng có độ ẩm cao. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, nên đeo găng tay khi giặt đồ hoặc rửa bát.

2. Cảm lạnh

Thời tiết mùa đông nhưng thường không ổn định, khi thời tiết thay đổi thường gây bệnh cảm lạnh, nhất là nhũng ngày mưa. Người bệnh có triệu chứng: Sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh nhiều, không mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi, chảy mũi, người đau ê ẩm.

Cách phòng chống chỉ là vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang mắc bệnh. Không có cách điều trị triệt để cảm lạnh thông thường, mà chỉ điều trị triệu chứng của bệnh gây ra. Nên lưu ý không dùng kháng sinh trong những trường hợp cảm lạnh thông thường, do tác nhân gây bệnh là virus cúm, hợp bào cúm, không phải là vi khuẩn nên thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với những trường hợp này. Cách hữu hiệu nhất để “trị” chứng cảm lạnh là bạn cần tránh vận động khi không cần thiết, dành thời gian để nghỉ ngơi, bổ sung đủ lượng nước đầy đủ cho cơ thể , đặc biệt là nên uống thêm các loại nước quả để bồi phụ sinh tố. Dân gian thường đánh cảm bằng đồng bạc trắng với lòng trắng trứng cũng có hiệu quả.

3. Cúm.

Nhiều người hay nhầm lẫn cúm và cảm lạnh. Thực ra đó là 2 loại bệnh hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên có thể có bệnh cúm nhưng không có cảm lạnh nhưng cảm lạnh  sức khỏe giảm có thể bị bệnh cúm. Mùa đông đã đến và vi trùng ở khắp mọi nơi, dễ dàng khiến bạn bị sổ mũi, viêm họng. Một trong những lý do cúm thường xảy ra vào mùa đông là bởi mọi người thường ở trong nhà nên virus dễ dàng lây lan. Ngoài ra virus cũng phát triển trong không khí ẩm. Do môi trường thay đổi thường xuyên lúc lạnh và hanh hoặc lạnh và ẩm làm cho cơ thể thay đổi nhiều để  thích nghi vì vậy thường giảm sức đề kháng. Để phòng tránh căn bệnh này bạn nên: Rửa tay thường xuyên để loại bỏ vi trùng; Uống nhiều nước để tránh thiếu nước; ngủ đủ để cảm thấy khỏe khoắn hơn. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cũng như ăn đủ trái cây để tăng cường chức năng sinh lý các cơ quan trong cơ thể  đặc biệt để tăng cường hệ miễn dịch. Mùa đông cơ thể thường thiếu hụt các vitamin nhóm B và C nên nhất thiết phải được cung cấp đủ.

4. Nhiễm độc Carbon monoxide.

Mùa đông mọi người, mọi nhà thường hay quây quần bên bếp lửa, hoặc đốt lửa để sưởi ấm. Một số gia đình thường hay dùng lò sưởi, bếp hay máy phát điện trong nhà mà lại đóng kín cửa đề tránh gió vì vậy có thể nhiễm độc Carbon Monoxide (CO).  Carbon Monoxide (CO) là chất khí không màu, không mùi có nguồn gốc từ các khí đốt nhiên liệu. Các triệu chứng bị nhiễm độc CO là nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt. Lúc này phải đưa bệnh nhân đến nơi thoáng ?

Cách đề phòng là không được đóng kín cửa, phải có chỗ thông gió ra ngoài, có thể mở quạt thông gió ở  một nơi nào đó ở trong nhà. Tuyệt đối không đốt lửa để sưởi trong phòng kín.

5. Hạ thân nhiệt.

Rất nhiều người mùa đông phải làm việc ngoài trời trong môi trường lạnh. Nếu  cơ thể tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ thấp dễ xẩy ra hạ thân nhiệt có thể ảnh hưởng đến tư duy và hoạt động. Khi bị hạ thân nhiệt, cơ thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, bối rối, mất phương hướng và không thể kiểm soát được các hoạt động, da chuyển sang màu xanh tái, giãn đồng tử và mất ý thức. Hãy mặc ấm, bảo đảm đủ lượng nhiệt cho cơ thể trong mùa lạnh. 

6. Các bệnh về phổi

Mùa đông xuân là mùa các bệnh phổi - phế quản vì thời tiết cuối đông, đầu xuân với những cơn mưa phùn làm cho độ ẩm không khí cao, khí áp thấp, nhiệt độ không quá lạnh, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, các vi sinh vật có cơ hội phát triển thuận lợi thì các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao.

6.1. Hen phế quản

Người có tiền sử bị hen suyễn là đối tượng dễ tái phát bệnh. Phế quản của họ trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích gây bệnh như: bụi bặm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa, lông chó mèo, lông sợi len...Để phòng tránh bệnh phải loại trừ được các yếu tố dị nguyên gây kích thích đồng thời cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất, không để cơn hen phát triển thành ác tính.

6.2. Viêm phổi

Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ vì hai đối tượng này sức đề kháng cũng như khả năng chịu lạnh kém. Tác nhân gây bệnh là: Virus cúm, vi khuẩn Gram âm ái khí, các tụ cầu vàng,… Việc phòng viêm phổi trong mùa đông vì thế rất quan trọng. Ngoài giữ ấm, tránh lạnh, tránh gió... nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở... bệnh nhân cần đến khám bác sỹ ngay để được điều trị kịp thời.

7. Bệnh tim.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) các nguy cơ về bệnh tim tăng nhanh trong suốt mùa đông xuân. Các nhà khoa học giải thích do cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ lạnh có tác động đến sự hoạt động của tim. Đặc biệt ở những người không thường xuyên hoạt động thể chất hoặc có tiền sử bệnh tim. Theo báo cáo của AHA, thời tiết lạnh khiến hàm lượng thủy ngân trong không khí giảm xuống, người bị bệnh tim có xu hướng bị đau ngực và khó chịu. Để giữ an toàn cho tim mạch, AHA khuyến cáo những người bị bệnh tim không nên lao động quá sức, tránh bị sốc gây nên những cơn đau tim, dẫn đến đột quỵ. Những người có tiền sử bệnh tim mạch càng phải giữ ấm, trách tiếp xúc với môi trường lạnh quá lâu, không nên mặc áo quá chật, không nên dùng các chất kích thích và rượi bia trong mùa này.

8. Các bệnh về khớp

8.1 Viêm đa khớp dạng thấp

Ở những người lớn tuổi, vào mùa đông hay gặp bệnh Viêm đa khớp dạng thấp. Triệu chứng của bệnh là viêm các khớp bé trong cơ thể như: viên khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp đốt ngón tay, khớp cổ chân,… Nếu tiển triển bệnh kéo dài, có thể gây cứng khớp, khó cử động, dính khớp và mất dần chức năng vận động của khớp.

Do vậy, vào mùa đông, cần phải giữ ấm cơ thể và đặc biệt là chân tay, hạn chế ra ngoài khi trời quá lạnh, mưa phùn. Khi ra ngoài trời lạnh nên đeo găng tay cẩn thận, trong trường hợp bệnh nặng lên phải đi khám bác sỹ chuyên khoa.

8.2. Giảm cử động ở người phục hồi sau xuất huyết não, nhũn não

Những bệnh nhân bị liệt do hậu quả của xuất huyết não, nhũn não đang dần hồi phục về cảm giác và vận động cần vận động để hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên mùa đông xuân do thời tiết lạnh những bệnh nhân đó các khớp và cơ sẽ cứng hơn và cử động trở nên rất khó khăn. Nếu không tập cử động thì việc phục hồi sẽ chậm hoặc sẽ không tiến bộ. Vì vậy những bệnh nhân đó phải được ở trong phòng ấm và vẫn phải tập theo tiến độ để đạt được điều mình mong muốn. Nhất thiết không được tập luyện cở động đi lại ở ngoài trời lạnh rất nguy hiểm.

Ths Bs. Lâm Văn Tiên

Nghiên cứu viên cao cấp

Viện Y Học Bản Địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/11.2018\/china-2-1515090740034.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/11.2018\/china-2-1515090740034.jpg","subHtml":"gia ret"}]