Tiêu hoá là một quá trình sinh lý phức tạp diễn ra trong ống tiêu hoá biến đổi các chất thức ăn từ những dạng phức tạp, đặc hiệu và không hoà tan thành những dạng đơn giản, không đặc hiệu, hoà tan và hấp thu vào máu, bạch huyết.

1.1- ý nghiã của sự tiêu hoá.

* ý nghĩa tạo hình. 
Nhờ tiêu hoá và hấp thu các chất-đặc biệt là protid, lipid, glucid, nước và muối khoáng mà cơ thể có nguyên liệu cấu tạo nên các tổ chức.

* ý nghĩa cung cấp năng lượng.
Các chất thức ăn chủ yếu là glucid và lipid hấp thu vào cơ thể, được oxy hoá để tạo năng lượng cho hoạt động sống của cơ thể.

* ý nghĩ a điều tiết và chuyển hoá.
Trong thức ăn có các sinh tố, nước và muối khoáng là những chất cần thiết cho sự điều tiết hoạt động của các cơ quan và các quá trình chuyển hoá vật chất trong cơ thể.
 

1.2- Các hiện tượng của quá trình tiêu hoá.
Quá trình tiêu hoá bao gồm các hiện tượng sau:

1.2.1- Hiện tượng cơ học.
Do các lớp cơ của ống tiêu hoá co bóp, có tác dụng nghiền nát, nhào trộn thức ăn với dịch tiêu hoá và chuyển thức ăn dọc theo ống tiêu hoá.

1.2.2- Hiện tượng bài tiết.
Các tuyến của niêm mạc ống tiêu hoá hoặc các cơ quan liên quan đến tiêu hoá (gan, tuỵ) tiết ra các dịch tiêu hoá (nước bọt, dịch vị, dịch tuỵ, dịch mật, dịch ruột) trong đó có các men tiêu hoá và nước cần thiết cho quá trình thuỷ phân các chất dinh dưỡng của thức ăn.

1.2.3- Hiện tượng hoá học.
Đó là phản ứng hoá học kế tiếp nhau ở trong ống tiêu hoá được xúc tác bởi các men đặc hiệu, biến đổi thức ăn từ các dạng phức tạp thành các dạng đơn giản.
Các men tiêu hoá có nhiều, được gom thành ba nhóm sau:
– Men tiêu hoá protid: protease.
– Men tiêu hoá lipid: lipase.
– Men tiêu hoá glucid: cacbohydrase.
Trong những men này có nhiều men vốn ở dạng chưa hoạt động (tiền men) vì trung tâm hoạt động của chúng bị che khuất. Trong những môi trường có điều kiện phù hợp, trung tâm hoạt động của men được bộc lộ, tiền men biến hành men hoạt động và có thể tiếp xúc với cơ chất để thuỷ phân chúng.

1.2.4- Hiện tượng hấp thu.
Dọc theo ống tiêu hoá các chất dinh dưỡng ở dạng đơn giản được hấp thu qua niêm mạc vào máu. Nơi hấp thu chủ yếu là ruột non.1.3- Sự điều tiết hoạt động tiêu hoá.
Các hiện tượng tiêu hoá kể trên được điều tiết bởi hai cơ chế cơ bản là cơ chế thần kinh và cơ chế thần kinh-thể dịch.

1.3.1- Cơ chế thần kinh:
*- Phản xạ không điều kiện. 
Thức ăn tác động trực tiếp lên các thụ cảm thể cơ học và hoá học ở niêm mạc ống tiêu hoá gây ra những phản xạ biến đổi tiết dịch và co bóp cơ trơn của ống tiêu hoá.
*- Phản xạ có điều kiện.
Phản xạ có điều kiện về tiêu hoá hình thành trong quá trình sống của cá thể, do tiếp xúc nhiều lần với các loại thức ăn quen thuộc và ưa thích. Do đó chỉ cần ngửi, nhìn, thậm chí chỉ nghe nói về loại thức ăn đó đã xuất hiện các phản xạ như tiết nước bọt, tiết dịch vị, co bóp dạ dày.v.v…
*- Phản xạ phức tạp. 
Thực tế khi ăn uống, thức ăn không chỉ tác động lên các thụ cảm thể đặc hiệu ở 
niêm mạc ống tiêu hoá và gây ra phản xạ không điều kiện, mà mùi, hình dáng, màu sắc của thức ăn tiếng va chạm bất đĩa .v.v… còn tác động lên nhiều cơ quan nhận cảm khác và gây ra những phản xạ có điều kiện tiêu hoá. Sự kết hợp phản xạ không điều kiện và có điều kiện không thể tách rời nhau, Pavlov gọi là phản xạ phức tạp.
Trung khu của các phản xạ tiêu hoá là một phức hợp thần kinh từ tuỷ sống đến thể lưới, vỏ não limbic và vỏ não mới, do đó hành vi có liên quan tới tiêu hoá trở nên tinh vi và có ý thức, tức là có vỏ não điều khiển.

1.3.2- Cơ chế thể dịch.
Trong quá trình tiêu hoá các chất thức ăn cùng với một số thành phần của dịch tiêu hoá kích thích tế bào nội tiết ở niêm mạc ống tiêu hoá làm tiết ra các chất tương tự hormon, gọi là các chất hormon tiêu hoá. Những chất này đổ trực tiếp vào máu, trở lại cơ quan tiêu hoá, kích thích hoặc ức chế các hoạt động bài tiết, co bóp và hấp thu của cơ quan này.

nguồn: benhhoc.com

Doctor SAMAN

[]