Cây thuốc

Gừng

  Tên khác: Sinh khương, can khương, bào khương, Zingiber (Anh), Gingembre, Amome des Indes (Pháp). Tên khoa học: Zingiber officinale Rose, họ Gừng (Zingiberaceae). Mô tả: Cây thảo cao tới 1m. Thân rễ nạc và phân nhánh xoè ra như hình bàn tay gần như trên cùng một mặt phẳng, màu vàng, có mùi thơm. Lá mọc […]

Gừng - yhocbandia.vn

 

Tên khác: Sinh khương, can khương, bào khương, Zingiber (Anh), Gingembre, Amome des Indes (Pháp).

Tên khoa học: Zingiber officinale Rose, họ Gừng (Zingiberaceae).

Mô tả: Cây thảo cao tới 1m. Thân rễ nạc và phân nhánh xoè ra như hình bàn tay gần như trên cùng một mặt phẳng, màu vàng, có mùi thơm. Lá mọc so le, không cuống hình mác, có gân giữa hơi trắng nhạt khi vò có mùi thơm. Cánh hoa dài cỡ 20cm, mang cụm hoa hình bông, gồm nhiều hoa mọc sít nhau. Hoa có tràng hoa màu vàng xanh, có thuỳ gần bằng nhau nhọn. Cánh môi ngắn hơn các thuỳ của tràng, màu tía với những chấm vàng. Nhị hoa màu tím. Quả mọng.

Dược liệu: Thân rễ (quen gọi là củ) không có hình dạng nhất định, thường phân nhánh, dài 3 – 7 cm, dày 0,5 – 1,5 cm. Mặt ngoài màu trắng tro hay màu nâu nhạt, có đốt tròn rõ rệt và vết nhăn dọc. Đỉnh các nhánh có vết thân khí sinh. Vết bẻ màu trắng tro hoặc ngà vàng, có bột, vân tròn rõ. Mặt cắt ngang có nhiều chấm sáng (tế bào chứa dầu nhựa) và có sợi thưa. Mùi thơm, vị cay nóng.

Bộ phận dùng: Thân rễ. Gừng khô được gọi là Can khương. Gừng tươi là Sinh khương.

Phân bố: Gừng là loại cây gia vị cổ điển được trồng ở nhiều nước trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ Đông Á đến Đông Nam Á và Nam Á. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản là những nước trồng Gừng nhiều nhất thế giới. Ở Việt Nam, cây được trồng ở khắp các địa phương, từ vùng núi cao đến đồng bằng và ngoài các hải đảo.

Thành phần hoá học: Gừng chứa 2-3% tinh dầu với thành phần chủ yếu là các hợp chất hydrocarbon sesquiterpenic: β-zingiberen (35%), ar-curcumenen (17%), β-farnesen (10%) và một lượng nhỏ các hợp chất alcol monoterpenic như geraniol, linalol, borneol. Nhựa dầu chứa 20-25% tinh dầu và 20-30% các chất cay. Thành phần chủ yếu của nhóm chất cay là zingeron, shogaol và zingerol, trong đó gingerol chiếm tỷ lệ cao nhất. Ngoài ra, trong tinh dầu Gừng còn chứa α-camphen, β-phelandren, eucalyptol và các gingerol.

Công năng: Gừng tươi có tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn giúp tiêu hoá. Gừng khô có tác dụng ôn trung tán hàn. Vỏ gừng tiêu phù thũng.

Công dụng: Gừng tươi giải cảm hàn, làm gia vị, làm mứt, cất tinh dầu làm thuốc. Gừng khô chữa đau bụng lạnh, kém tiêu, ỉa chảy.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 2-10g, sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Chế biến: Đào lấy củ gừng già, rửa sạch, phơi hoặc sấy đến khô (Can khương).

Bài thuốc:

TT

Bài thuốc

Thành phần

Cách sử dụng

  1. 1.

Tán hàn giải biểu: các chứng ngoại cảm phong hàn, đau đầu ngạt mũi

Gừng tươi              12g

Tô diệp                    8g

Phòng phong          12g

Sắc uống. Có thể kết hợp thuốc hạ nhiệt giảm đau Tây y (như paracetamol, decolgen, efferalgan)

  1. 2.

Làm ấm dạ dày, cầm nôn mửa

Sinh khương          12g

Bán hạ                    12g

Sắc uống

  1. 3.

Ôn trung hồi dương: dùng cho người tỳ vị dương hư, tứ chi lạnh ngắt, mạch yếu muốn tắt

Can khương            16g

Phụ tử chế              12g

Chích thảo                4g

Sắc uống

  1. 4.

Ấm tỳ cầm tả: chữa tiêu chảy vì tỳ hàn, phân loãng không thối, sôi bụng đau thắt

Gừng nướng            60g

(bào khương)

Giã, rang, bọc bằng vải đắp lên rốn (phủ trên huyệt đan điền), đặt trong 1-2 giờ

  1. 5.

Ấm vị cầm mửa: Trường hợp hàn uất xâm phạm vào vị, nôn mửa ra nước trong

Can khương

Nhân sâm

Bán hạ

(Liều lượng bằng nhau)

Nghiền thành bột, dùng nước gừng làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8-12g

  1. 6.

Ấm kinh cầm máu: dùng cho chứng hư hàn mà thổ huyết, đái ra máu, băng huyết

Can khương

Can khương đốt tồn tính nghiền mịn thành bột. Mỗi lần 2-4g, uống bằng nước ấm

  1. 7.

Trị phụ nữ băng huyết

Can khương              8g

Tông bì                  12g

Ô mai                    12g

Tất cả đốt thành tro, nghiền mịn. Uống với nước

  1. 8.

Ấm phổi dịu ho: dùng khi khí lạnh vào phổi gây ho hen

Phục linh                12g

Cam thảo                  4g

Ngũ vị tử                  4g

Can khương              4g

Tế tân                       2g

Sắc uống

Kiêng kỵ: Âm hư nội nhiệt sinh ho, biểu hư làm ra mồ hôi nhiều hoặc mất máu không nên dùng.

Doctor SAMAN

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

Sưu tầm

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận