Trong hệ Thần kinh trung ương có nhiều chất dẫn truyền thần kinh, có hai chất dẫn truyền Thần kinh phổ biến nhất là Acetylcholine và Dopamine. Tiếp đó là Serotonin. Nếu những chất dẫn truyền Thần kinh này bị rối loạn, nó sẽ gây nên rất nhiều căn bệnh (đặc biệt là bệnh Thần kimh) rất khó chữa, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người.

1) ACETYLCHOLINE.

ACETYLCHOLINEE

+ Acetylcholine có ở khắp của cơ thể, đặc biệt có trong thể Vân (Triatum). Sự cân bằng về chức năng giữa Acetylcholine và Dopamine có vai trò rất quan trọng trong sự hoạt động bình thường của hệ thần kinh trung ương.

+ Trong hệ Thần kinh ngoại vi, Acetylcholine có ở hệ phó giao cảm, sợi trước hạch hệ giao cảm, đồng thời Acetylcholine cũng tác động lên mảng Thần kinh – cơ. Acetylcholine là một chất dẫn truyền loại kích thích. Người ta thấy chỉ cần tiêm một liều nhỏ Acetylcholine cũng làm cho hệ Thần kinh bị kích thích rõ rệt.

+ Acetylcholine có liên quan nhiều đến các bệnh Nhược cơ, chứng Lão suy, bệnh Alzheimer… còn trong bệnh Parkinson, người ta thấy hoạt tính của Acetylcholine tăng một cách tương đối do lượng Dopamine giảm, làm mất cân bằng tác động Dopamine – Acetylcholine.

2) DOPAMINE.

DOPAMINE

+ Dopamine cũng giống như Catecholamine (Noradrenaline và Adrenalin) được tạo ra ở cơ thể người từ những acid Amin Phenylalanine.

+ Ở hệ Thần kinh trung ương Dopamine  có trong nhân Bèo nhạt (Pallidum), nhân đuôi (Nucleus Caudatus), nhân dưới đồi, Liềm đen.

+ Liềm đen là phần đặc biệt của não giữa, có 2 phần: phần đặc sản xuất ra Dopamine, phần lưới sản xuất ra GABA (acid Gamma Amino Butyric).

+ Ở hệ Thần kinh ngoại vi Dopamine có trong tim, phổi, phế quản, gan, đại tràng, thận.

+ Tác động của Dopamine phụ thuộc vào liều lượng sử dụng, ở hệ Thần kinh trung ương nó gây tác dụng ức chế.

+ Ở não Dopamine trực tiếp là chất chuyển hóa trung gian (Mediator), còn ở ngoại vi nó là tiền thân của Catecholamine (Noradrenaline và Adrenalin). Các tế bào Thần kinh (Neron) tiết ra Dopamine có ở Liềm đen, ở hệ thống Limbic -Thể Lưới, vùng dưới đồi (Hypothalamus), Nucleus Accumbens… Thân của các Neuron nằm ở Liềm đen, các sợi trục (Axon) tạo thành đường dẫn truyền Nigro-Striatum, đi qua cuống não, bao trong và kết thúc ở Neostriatum dưới dạng các đám rối, mà tận cùng của nó là những nang nhỏ có chứa nhiều Dopamine. Lượng Dopamine ở Neostriatum nhiều gấp 10 lần ở Liềm đen.

Trên thực nghiệm thấy khi Liềm đen bị tổn thương, nồng độ Dopamim ở Neostriatum giảm xuống từ 70-80% so với lúc ban đầu. Chính đường dẫn truyền này khi tổn thương sẽ gây Hội chứng Parkinson.

*  Tổng hợp, tích tụ và giải phóng Dopamine:

Sự tổng hợp Dopamine không phải xảy ra ở đầu tận cùng, không phải ở sợi trục (Axon) mà ở chính thân Neuron, Ở đây đã xảy ra quá trình chuyển Phenylalanine tyrosine -> Dopa -> Dopamine -> Noradrenaline -> Adrenalin. Dopamine được tích tụ vào những nang nhỏ gọi là nang dự trữ. Các nang nhỏ này hình thành cũng ở thân Neuron và được vận chuyển với tốc độ 3 – 4mm/giờ, tới đầu tận cùng nhờ các vi quản ở Axon.

Sự giải phóng Dopamine xảy ra dưới ảnh hưởng của các xung động Thần kinh và được thực hiện ở khoang tiền hạch ở khe Synap.

Các quá trình chuyển hóa các chất hóa học trung gian trong Synap là một quá trình phức tạp. Người ta cho rằng khoảng 80% các chất hóa học trung gian tiết ra được tái hấp thu trở lại khoang tiền hạch, do khử hoạt tính nhờ men COMI (Catecholamine-C-Metyl Transferaza) hoặc men MAO (Monoamine Oxidase).

Sự tái hấp thu này nhờ những cơ chế đặc hiệu, thực hiện ở bề mặt tế bào, tập trung các chất hóa học trung gian vào các nang nhỏ để sử dụng lại.

Theo Birkmaier w.Riederer (1976), có 5 đồng men (Isoenzyme) MAO và chúng được chia làm hai nhóm MAO-A và MAO-B. Khi sử dụng các chất ức chế men MAO sẽ đưa đến kết quả Dopamine tích tụ lại ở tế bào và các Sinap.Tuy vậy tất cả các giai đoạn biến đổi của Dopamine trong các tế bào Thần kinh, ở các tổ chức tiền và hậu hạch còn được kiểm tra bằng cơ chế tự điều chỉnh, cơ chế quan hệ ngược của khu vực cơ quan thụ cảm (Autoreceptor), và phụ thuộc vào thụ cảm thể-Gamma Aminobutyric Acid, vào sự toàn vẹn (lành lặn) của tiền hạch và hậu hạch.

Theo tác giả (Levin CL, 1972), trong bệnh Parkison, đa số đều có sự thoái hóa tiền hạch, mặt khác sự thiếu hụt Dopamine kéo dài trường diễn làm cho các thụ cảm thể sẽ không còn nhạy cảm với Dopamine. Sự nhạy cảm này là một thoái hóa thứ phát của các thụ thể.

Trên thực tế lâm sàng người ta thấy L-dopa có tác dụng điều trị chỉ trong điều kiện các tiền Sinap của các tế bào Thần kinh còn nguyên vẹn, nó sẽ không có tác dụng khi cơ quan này bị hủy hoại hoặc bị thoái hóa nặng nề, và L-dopa  chuyển thành Dopamine chỉ thực hiện được ở các tổ chức tiền Sinap.

Người ta cũng có thể gây ra Hội chứng Parkinson bằng cách đưa vào cơ thể các chất trung gian hóa học giả như: Metyldopa, Alpha Metyldopa… các chất hóa học trung gian giả này rất giống và khi đạt đến một nồng độ cao, nó sẽ phong tỏa hay tranh chấp hoàn toàn, làm Dopamine không đến các thể thụ cảm được.

*  Ý nghĩa của những hệ thống chất chuyển hóa trung gian khác, các chất hoạt hóa sinh vật.

Vấn đề ý nghĩa của hệ thống Cholin trong bệnh Parkinson đã trở thành đối tượng nghiên cứu  từ đầu thế kỷ 20 và cho đến nay vẫn mang tính thiết thực. Charcot đã sử dụng chất như Atropin và cho đến nay vẫn là những thuốc cơ bản, truyền thống để điều trị bệnh Parkinson.

Theo Levin AC (1972) nồng độ Cholin tập trung tương đối cao ở nhân Đuôi. Bloon PE (1965) thấy rằng Dopamine ức chế hoạt tính của nhân Đuôi, nhưng Acetylcholine lại kích thích hưng phấn các neuron của nhân Đuôi (tăng tần số hưng phấn lên gấp 10 lần).

Trạng thái chức năng của nhân Đuôi phụ thuộc vào sự cân bằng giữa hệ thống tiết Dopamine và Cholin.

Người ta thấy rằng, có lẽ trong bệnh Parkinson có sự rối loạn tất cả các chất chuyển hóa trung gian (Dopamine, Acetylcholine, Serotonin…) nên vấn đề là không phải giải quyết chất này hay chất khác, mà là tỷ lệ giữa các chất ở khâu này hay khâu khác ở các phần khác nhau của não, các tác giả đều thấy rằng theo một tỷ lệ: Dopamine – Acetylcholine – Serotonin, và một điều quan trọng là nguyên nhân nào làm cho có sự thay đổi tỷ lệ này.

3) SEROTONIN

SEROTONIN

+ Serotonin là một chất trung gian hóa học của Hệ Thần kinh trung ương, có tác dụng lên các cơ quan đích như Thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu… Nó gây ảnh hưởng đến cảm xúc (như sự hung hăng hoặc trầm tĩnh), liên quan đến giấc ngủ, cảm giác đói thèm ăn… Có một số thông tin còn gọi Serotonin là hoc môn “Hạnh phúc”.

+ Serotonin được sản xuất ra từ mô  acid Amin gọi là L-Tryptophan, ở tế bào Thần kinh ở đáy não, ở hệ Tiêu hóa, ở mọt số tế bào da và máu.

+ Những nghiên cứu gần đây (2/2011), Serotonin đóng vai trò rất quan trọng trong Tự kỷ, chứng Trầm cảm… Có tác giả khẳng định bị Trầm cảm là do sự sụt giảm chất Serotonin trong cơ thể.

+ Serotonin có nhiều trong tự nhiên, phổ biến cả ở động vật và thực vật, Serotonin có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nên nó là mục tiêu hứa hẹn của nhiều loại thuốc chữa bệnh bằng cách nâng mức Serotonin trong hệ Thần kinh để điều trị Trầm cảm, bệnh đau nửa đầu, bệnh Tâm thần phân liệt…

Ngô Quang Trúc

TS.BS Cao cấp chuyên ngành Tâm Thần Kinh

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2014\/01\/ACETYLCHOLINEE-yhocbandia.png","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2014\/01\/ACETYLCHOLINEE-yhocbandia.png","subHtml":"ACETYLCHOLINEE"},{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2014\/01\/DOPAMINE-yhocbandia.png","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2014\/01\/DOPAMINE-yhocbandia.png","subHtml":"DOPAMINE"},{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2014\/01\/SEROTONIN-yhocbandia.png","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2014\/01\/SEROTONIN-yhocbandia.png","subHtml":"SEROTONIN"}]