Cách đây 14, 15 năm người ta đồn rằng cây Tu lình hay còn gọi là cây con khỉ hoặc cây hoàn ngọc chữa khỏi nhiều bệnh ung thư và một số bệnh khác như tiểu đường, tăng huyết áp… thế rồi, vị thế của nó dần chìm nghỉm, chẳng ai nhắc tới nữa. Sau đó lại rộ lên chuyện rằng cây lược vàng chữa bách bệnh như ung thư, xuất huyết não, đau thần kinh tọa, điều hòa miễn dịch, chữa thoái hóa khớp, u xơ tiền liệt tuyến, bệnh vảy nến… thế rồi, vị thế của nó dần chìm nghỉm, chẳng ai nhắc tới nữa. Lại sau đó cây Xáo tam phân giảm béo, chữa xơ gan, ung thư gan, chữa bệnh khớp và bách bệnh khác… thế rồi, vị thế của nó dần chìm nghỉm, chẳng ai nhắc tới nữa. Lại cây thạch tùng – teo não, lại nấm ngọc cẩu – cường dương, xạ đen – ung thư… chắc chắn các vị thuốc này cũng có số phận như các vị tiền bối thôi… chìm nghỉm.

 

Tại sao vậy, chả lẽ chúng không tác dụng như các bài viết hoặc lời đồn đãi. Không phải vậy, mà tại cách tiếp cận của chúng ta về thông tin. Tiếp nhận thông tin theo cách khoa học và/hoặc tiếp nhận theo tâm lý số đông do 2 phía trục lợi – cả tin. Dạo này sài gòn có bán tràn lan cây cúc bách nhật cũng kiểu, kiểu như vậy. Cúc bách nhật, còn gọi hoa nở ngày, cây nở ngày đất, bách nhật hồng, thiên nhật hồng, thiên kim hồng thuộc chi Gomphrena, họ rau dền Amaranthaceae, Bộ Cẩm Chướng Caryophyllales thuộc ngành ngọc lan, tên khoa học đầy đủ là Gomphrena globosa L.

cuc bach nhat1

Cây hoa nở ngày đất

Ở nước ta chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu cây này để làm thuốc chữa bệnh, nếu có dùng thì chỉ là kinh nghiệm dân gian trong một số trường hợp sau: đau khớp nhẹ không tiêu chuẩn chẩn đoán; viêm phế quản thể hen, nhiễm khuẩn, lợi tiểu, giảm hàm lượng đường trong máu. Do tính mát và lợi tiểu sẽ dẫn đến 2 hệ quả giảm sốt ở trẻ em và tăng thải urat qua đường niệu, điều đó trong ngành đông y cũng là thường tình. Bệnh gout là bệnh chuyển hóa hóa học hết sức phức tạp, liên quan mạnh đến thận, tim, gan, nội tiết tố nam, nữ, chuyển hóa mỡ… và hệ miễn dịch…

 

Với tư cách là một thầy thuốc có trách nhiệm, cá nhân tôi khẳng định cây nở ngày đất không thể và không bao giờ chữa khỏi được bệnh gout. Chúng có thể giảm đau, chống viêm, chống oxy hóa và lợi tiểu tạm thời trong bệnh gout mà thôi. Một số thành phần hóa học trong cây nở ngày đất cũng đã được các nhà hóa thực vật xác định: cấu trúc betacyamin, amaranthin, isoamaranthin, celosianin, gomphrenol và gomphrenosid. Một nghiên cứu mới nhất của Bangladesh, đại học Dhaka, 2012 cho thấy cây nở ngày đất có 3 tác dụng sau:

 

1. Khả năng kháng khuẩn: nở ngày đất có tác dụng kháng một số vi khuẩn gram dương như:Aspergillus niger với vòng vô khuẩn lớn nhất trong điều kiện chuẩn là 25 ± 0,33; Saccharomyces cerevisiae là 25 ± 0; Bacillus cereus là 44 ± 0,234; B. megaterium 44 ± 0.33; Staphylococcus aureus 44 ± 0,370. Với gram âm chúng tác dụng tốt với Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi, Shigella boydii, Sh. Dysenteriae, Mimicus Vibrio, Vibrio parahaemolyticus, S. paratyphi và với cả nấm Candida albicans.

 

2. Khả năng chống oxy hóa: với dịch chiết thô cây nở ngày đất bằng chloroform, n-hecxan, cacbon tetrachloride thì chiết với hecxan hiệu ứng chống oxy hóa là mạnh nhất, nhặt rác cho cơ thể tốt nhất. 3. Độc tính: Các sinh trắc nghiệm nuôi tôm và cho thêm một lượng nhỏ dịch chiết của cây nở ngày thì gây chết tôm đáng kể. Tác giả làm thí nghiệm này không nói rõ liều và không xác định độc tính cấp hay liều chí tử 50 (LD50. Tác giả này cũng khuyến cáo không nên uống liều cao hoặc kéo dài vì cúc bách nhật có thể gây độc tế bào theo chương trình khi so sánh với Vincristin sunphat.  Kết luận theo hiểu biết của cá nhân tác giả: 1. Khả năng chữa khỏi bệnh gout của cây nở ngày đất là không có thật. 2. Cây nở ngày có khả năng chống oxy hóa khá mạnh, nên có thể pha dạng trà với liều thấp 12 – 20 gam/ngày.

 

3. Cây nở ngày kháng khuẩn phổ khá rộng với gram âm, gram dương và ngay cả với nấm Candida albicans nên có thể dùng cho viêm nhiệt mồm, tưa lưỡi trẻ em hoặc đắp mụn nhọt. 4. Nở ngày đất có khả năng gây chết tôm nuôi ở liều thấp và có thể gây độc tế bào người theo chương trình kiểu Vincristin.

 Bác sỹ Hoàng Sầm

 Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam

Bách nhật: 

Tên khoa học: Gomphrena globosa L. thuộc họ Rau dền - Amaranthaceae

Mô tả: Cây thảo mọc hằng năm, cao 30-80cm, có lông. Lá mọc đối; phiến lá có hình hơi bầu dục, mặt dưới phủ lông mềm màu trắng nhạt.

Hoa họp thành đầu, màu đỏ tía, có hai lá ở gốc; trục cụm hoa có lông nhung. Lá bắc hình thuôn nhọn, khô xác; Lá bắc con ôm lấy hoa. Đài 5 dính thành ống, nhị 5. Bầu hình trứng với hai đầu nhụy hình chỉ. Quả là một túi có vỏ mỏng như màng. Hạt hình trứng màu nâu đỏ, bóng loáng. 

Sinh thái: Cây trồng làm cảnh. Ra hoa từ tháng 4 đến tháng 9.

Phân bố: Có nguồn gốc ở Ấn Độ, được nhập trồng phổ biến ở Việt Nam.

Bộ phận dùng: Hoa - Flos Gompheranae, thường gọi là Thiên nhật hồng - 天日红. Cũng dùng toàn cây. Có thể thu hái hoa vào mùa hè, thu khi hoa nở, dùng tươi hay phơi khô. Cây có thể thu hái quanh năm.

Thành phần hóa học: Trong cụm hoa có Gomphrenin I, II, III, V, VI. Còn có amaranthin và isoamaranthin.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, hơi chát, tính bình; Có tác dụng khư đàm, bình xuyễn, tiêu viêm, chống ho. Có sách ghi: Chỉ khái bình suyễn, bình can minh mục.

Công dụng: Thường dùng trị: 

1. Hen phế quản, viêm khí quản cấp và mạn.

2. Ho gà, lao phổi và ho ra máu.

3. Đau mắt, đau đầu.

4. Sốt, trẻ em khóc thét về đêm.

5 Lỵ.

Liều dùng: 9 đến 15b, dạng thuốc sắc. Dùng ngoài trị chấn thương, bầm dập, bệnh ngoài ra, nghiền cây tươi giã đắp hoặc nấu nước tắm rửa. Ở Campuchia, người ta dùng trị thấp khớp, đau nhức mình sau khi sinh.

Đơn thuốc: 

1. Hen phế quản: Cụm hoa Cúc Bách nhật 6g, Tỳ bà diệp 6g, Bảy lá một hoa 6g, Nhót 10g sắc nước, chia hai lần uống cách xa nhau. Các thành phần trên có thể nghiền thành bột, mỗi lần dùng 1,5 đến 3g, 2 hay 3 lần trong ngày.

2. Trẻ em khóc thét về đêm: Cụm hoa CúcBách nhật 5g, xác ve sầu 3g, Cúc hoa 2g, sắc nước cho uống.

cuc bach nhat

Cúc Bách nhật

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/cuc-bach-nhat1-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/cuc-bach-nhat1-yhocbandia.jpg","subHtml":"cuc bach nhat1"},{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/cuc-bach-nhat1-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/cuc-bach-nhat1-yhocbandia.jpg","subHtml":"cuc bach nhat"}]