Bệnh khớp

Khêu chiên chữa đau vai gáy, phương pháp lạ lùng

Câu chuyện bắt đầu cách đây 15 năm, khi đó tôi đang là  học sinh trường PTTH Chuyên Thái Nguyên. Phụ thân tôi (Bác sỹ Hoàng Sầm) hành nghề y hơn 20 năm, tiếng tăm cũng có, thành phố Thái Nguyên ai cũng biết, đặc biệt giới xe ôm, trạm đón tiếp bệnh nhân tỉnh […]

Câu chuyện bắt đầu cách đây 15 năm, khi đó tôi đang là  học sinh trường PTTH Chuyên Thái Nguyên. Phụ thân tôi (Bác sỹ Hoàng Sầm) hành nghề y hơn 20 năm, tiếng tăm cũng có, thành phố Thái Nguyên ai cũng biết, đặc biệt giới xe ôm, trạm đón tiếp bệnh nhân tỉnh xa đầu tiên khi họ tìm đến chữa bệnh.

Ngày nọ, anh xe ôm Bùi Văn Q đưa 1 nữ bệnh nhân từ Cát Quế –  Hoài Đức – Hà Tây đến nhà khám bệnh, trong lúc đợi, qua trò chuyện trò anh Q kể rằng trước kia anh ta bị viêm cột sống dính khớp, chữa mãi không khỏi.

Theo y văn hiện đại, bệnh này là 1 viêm tự miễn do kháng nguyên hòa hợp mô HLA B27, là một bệnh thấp viêm đặc trưng bởi tổn thương khớp cùng chậu, cột sống và các khớp ở chi dưới, thường kèm theo viêm các điểm bám gân. Bệnh tiến triển chậm song có xu hướng dính khớp.

Năm 2002, anh Q được giới thiệu đến 1 chị người Mán tên Lý Thị T, trú tại Yên Ninh, Phú Lương, Thái Nguyên điều trị. Kể rằng chị T không cho anh dùng thuốc, chỉ dùng kim khâu gảy trên vùng da mà cột sống anh đau nhức, mỗi tuần 1 lần, sau 1 tháng, Q đỡ đi rất nhiều và sau đó khỏi hẳn. Bất ngờ về thông tin này, thân phụ tôi là Bs Hoàng Sầm trưởng Phòng khám hỏi thăm cặn kẽ về địa chỉ và cách liên lạc với chị T người chữa khỏi cho anh Q. Vì khi đó điện thoại di động chưa phổ biến, muốn liên lạc với chị T thì phải qua điện thoại cố định ở xã, rất bất tiện Bs Hoàng Sầm quyết định thu xếp 1 chuyến đi cùng anh Q lên nhà chị T.

Hai ngày sau, Bs Sầm, anh Q cùng nhau “vi hành” đến nhà chị T xin trao đổi về phương pháp chữa bệnh trên. Chị T sởi lởi tiếp đón trò chuyện về chuyên môn, hào hứng kể về những trường hợp đau vai gáy, đau khớp, đau cột sống mà chị đã chữa cho, “tôi chỉ chữa bệnh là niềm vui chứ không lấy nhiều tiền của người ta, thấy người ta khỏi là tích phúc đức cho con cái rồi”.

Chị kể rằng cách chữa đau lưng này còn gọi là “khêu chiên” là do bà nội chị truyền lại, còn trước đó ai truyền cho bà nội thì không nắm được; cũng chỉ chữa cho bà con chòm xóm đau lưng đau vai đau khớp; sau này nhờ hiệu quả tốt nên dần có những người bệnh từ xa đến xin chữa.

Phương pháp này dùng kim khâu vải khêu dưới da vùng bị đau khớp để moi ra “con ma” gây bệnh, là những sợi tơ dày mỏng tùy mức độ bệnh; những người/ những chỗ không bị bệnh sẽ không kiếm được “con ma” gây bệnh này.

Cùng với máu tò mò của 1 người làm khoa học y học, mong muốn được truyền thụ để nghiên cứu nhân rộng ứng dụng phương pháp chữa bệnh kỳ lạ này, Bs Sầm mạnh dạn đề nghị chị T đến Phòng khám của mình tại thành phố Thái Nguyên để mục sở thị và cùng nhau nghiên cứu về nguyên lý chữa đau vai lưng khớp phương pháp gia truyền này. Rất may mắn công việc đồng áng của chị T đang nhàn rỗi mà các con đều đã ở riêng nên sau 1 hồi thuyết phục, chị T thu xếp tư trang cùng Bs Sầm di chuyển về TP Thái Nguyên “du dạy” chữa bệnh.

Ngay ngày hôm sau, tại Phòng khám Đông y Hoàng Sầm trên đường Bắc Sơn TP Thái Nguyên (ngày nay) tụ tập hơn 10 bệnh nhân đau vai gáy mạn tính, thoái hóa đốt sống cổ/thắt lưng để chị T thực hành chữa trị. Ngay bệnh nhân đầu tiên, mọi người đã trầm trồ “Ồ” lên khi thấy chị T bằng 1 cây kim khâu và kỹ thuật khêu ra dưới da của người bệnh những sợi tơ có khi trong suốt, có khi đục như nước vo gạo, dài 2-3 cm, dai và bám chắc vào chân vùng da nó được tìm thấy. Cứ kéo ra rồi giựt nhẹ liên tục cho sợi tơ này bộc lộ ra ngoài hết cỡ rồi dùng kẹp gắp y tế giựt đứt sợi tơ này; mỗi người bệnh chị khêu khoảng 3-4 điểm “có ma” liền cho nghỉ, 3-7 ngày sau khêu tiếp những chỗ khác. Kỹ thuật khêu thì không khó khăn nhiều, cái khó chính là cách tìm ra chỗ có “ma” để bắt, đây chính là mấu chốt.

Liên tục như vậy trong 1 tháng, chị T nhiệt tình chữa bệnh và “cầm tay dạy việc” cho cán bộ Phòng khám chúng tôi. Trong thời gian này, phương pháp được cải tiến 1 chút dưới góp ý của Bs Hoàng Sầm, thay kim khâu vải bằng kim khâu y tế để có độ cong cần thiết móc sợ tơ bệnh lý dễ dàng hơn, bổ sung thêm thuốc tê tại chỗ khêu chiên để giảm đau cho người bệnh. Đều là những cải tiến hữu dụng.

Cũng trong thời gian này, chúng tôi liên tục liên lạc với người bênh được thụ hưởng khêu chiên đánh giá kết quả điều trị, thật bất ngờ là 100% những người được “bắt ma” đều đỡ ngay chứng đau mỏi sau ngày đầu tiên.

Chia tay chị T, Phòng khám Đông Y Hoàng Sầm bắt đầu triển khai chữa đau vai gáy mạn tính/ thoái hóa cột sống bằng phương pháp chị T truyền thụ. Những mẫu bệnh phẩm lấy được từ người bệnh được bảo lưu và gửi Gs Tôn Thất Bách giám định và cùng nghiên cứu, không may chẳng lâu sau Giáo sư Bách qua đời, việc thành dở dang;

Bs Hoàng Sầm tiếp tục nghiên cứu, soi tiêu bản bệnh phẩm lấy được thì xác định được đó là sợi collagen, các tế bào dài dẹt và có nhân teo đét, ông cũng tiến hành 1 đề tài khoa học đánh giá hiệu quả của phương pháp khêu chiên tại Đại học Y dược thái nguyên, kết luận là tốt.

Đến ngày nay, tôi là người được được truyền thụ từ cha phương pháp khêu chiên này, ứng dụng chữa cho rất nhiều người rồi mà trong lòng vẫn chưa lý giải được sợi bệnh lý kia.

  • Ai cũng có collagen trong da mà sao chỉ người có viêm khớp/đau vai gáy mới tìm ra được sợi bệnh lý này?
  • Làm theo cách chỉ điểm bí truyền của cô T thì mới tìm ra được sợi bệnh lý này. Khêu ngẫu nhiên trên da cùng 1 người bệnh thì sẽ không được
  • Tại sao người bị đau vai gáy lâu năm sợi lại to dài và chắc hơn? Rõ ràng có tương quan với mức độ bệnh lý.

Những câu hỏi này vẫn tồn tại trong tôi mà chưa có lời giải Thích, có lẽ lý do tồn tại của sợi bệnh lý này khoa học hiện tại chưa đủ “trình” giải thích, nền y học bản địa của Việt Nam ta thực phong phú về cây thuốc – con thuốc – và phương thức chữa bệnh, “còn rất nhiều thứ biết là chữa được nhưng chưa hiểu tại sao”. Đành đợi thế hệ sau minh bạch.

Hiện tại phương pháp này đã được tôi truyền thụ cho các cán bộ y tế của hệ thống Viện Y học bản địa Việt Nam điều trị cho bà con dân tộc ít người tại Tả Phìn Hồ – Hoàng Su Phì – Hà Giang, nơi mà người bệnh cần được chăm sóc y tế nhiều hơn, với chi phí điều trị thấp hơn.

Bác sỹ Hoàng đôn Hòa

Phó chủ tịch hội đồng Viện Y học bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

BS. Hoàng Đôn Hòa

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận