Hoạt động Viện

Ký sự kế thừa bài thuốc chữa bệnh vảy nến ở Cao Bằng

Năm 2000 trong một chuyến công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số ở huyện Nguyên Bình Cao Bằng Bác sỹ Đinh Quang Hùng học K16 trường Đại học Y khoa Thái Nguyên – một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình được đào tạo ở Hà Lan đã có cơ duyên […]

Năm 2000 trong một chuyến công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số ở huyện Nguyên Bình Cao Bằng Bác sỹ Đinh Quang Hùng học K16 trường Đại học Y khoa Thái Nguyên – một chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình được đào tạo ở Hà Lan đã có cơ duyên phẫu thuật chỉnh hình dị tật sứt môi cho cậu con trai út của 1 bà Lang khá nổi tiếng ở vùng đó – tên gọi Lang Khăm.

 Vì cùng niềm đam mê chữa bệnh cứu người cùng với sự nể trọng tài năng và đức độ của Bác sỹ Hùng; Bà Khăm qua chuyện trò đã thổ lộ muốn truyền lại cho Bác sỹ Hùng một bài thuốc chữa bệnh vảy nến hiệu quả của dòng họ bà. Vì lý do đặc thù công việc ngoại khoa vô cùng cấp bách, Bác sỹ Hùng đã xin khất và hứa bà Khăm khi nào thu xếp được thời gian sẽ xin phép được quay lại học hỏi.

Thời gian trôi qua, công việc bề bộn nhưng Bác sỹ Hùng vẫn canh cánh trong lòng lời hứa với bà Khăm năm nào. Vài lần đi công tác các tỉnh miền núi anh thỉnh thoảng được nghe đồng nghiệp kể về bà lang ở Nguyên Bình có tài chữa vảy nến.

Năm 2012, trong một lần hội khóa cấp 3 gặp lại người thầy giáo dạy Toán mà anh rất mực kính trọng, thầy tâm sự đã bị vảy nến 5 năm nay dù đã đi chữa chạy nhiều nơi, nhiều cơ sở chuyên khoa da liễu, dùng nhiều phương pháp dân gian điều trị mà không khỏi. Bệnh tình ngày càng nặng, vì ngứa thầy mất ăn mất ngủ, thân thể xây xát vì gãi, gày yếu xơ xác.

Nhớ đến lang Khăm và tin tưởng bài thuốc của bà có thể chữa khỏi cho thầy giáo của mình anh đã hứa đầu năm 2013 sẽ lấy thuốc cho thầy dùng. Bản thân anh là 1 Bác sỹ ngoại khoa kiêm quản lý y tế, anh nghĩ bụng nếu có thừa kế thì mình cũng không có cơ hội để ứng dụng rộng rãi bài thuốc chữa bệnh cho cộng đồng.

Thầm nhủ tìm 1 cơ sở nghiên cứu ứng dụng thảo dược chăm sóc sức khoẻ để chuyển giao quyền thừa kế như đã hứa kia, anh tìm đến 2 người thầy giáo uyên bác của mình khi còn học Đại học Y Thái Nguyên là thầy Lâm Văn Tiên và Hoàng Sầm, hiện là lãnh đạo Viện y học bản địa Việt Nam.

Sau khi tiếp xúc và trao đổi về vấn đề trên, nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa của sự việc rất phù hợp với tôn chỉ Tôn vinh nền Y Học Bản Địa Việt, lãnh đạo và các nghiên cứu viên Viện Y Học Bản Địa Việt Nam đã lập tức tổ chức 1 đoàn nghiên cứu viên gồm 3 người là: Ths Bs Lâm Văn Tiên, Bs Hoàng Đôn Hoà và cử nhân Triệu Thị Chinh cùng Bs Hùng gấp rút chuẩn bị hành trang trực chỉ Cao Bằng đi tìm hiểu về bài thuốc gia truyền đó.

Chuyến công tác lên Cao Bằng trong 1 ngày giá rét sương mù. Để bảo đảm an toàn khi đi công tác miền núi đường đèo dốc, hiểm trở, thời tiết không thuận lợi lãnh đạo Viện  đã quyết định sử dụng xe Mercedes-240 có khả năng mang nặng, leo đèo dốc. Theo đó Bác sỹ Lâm Văn Tiên làm trưởng đoàn chịu trách nhiệm chỉ đạo chung: Bác sỹ Hòa và Bác sỹ Hùng hoạt động dưới sự phân công cụ thể Bác sỹ Tiên – thành viên cao tuổi và dày dặn kinh nghiệm chuyên môn và từng trải nhất đoàn. Cử nhân Chinh kiêm hậu cần, thư ký, kế toán.

Khẩu hiệu thống nhất của đoàn trong chuyến đi là: Dân vận tốt, đi về an toàn, lắng nghe kỹ, thấu hiểu nhiều, chu đáo nhất.

Đoàn xuất phát từ thành phố Thái Nguyên lúc 7h30 phút, theo hướng Bắc Kạn thẳng tiến, tuy đường xá xa xôi hiểm trở vì sương mù kèm mưa rét, nhưng nhờ tay lái vững vàng của Bs Hùng & Bs Hoà cùng những mẩu truyện cười, những bài thơ của Bs Tiên nên suốt dọc đường không khí trên xe luôn vui vẻ, con người tỉnh táo.

 

Bs Hùng & Bs Hoà được dịp trổ tài lái xe miền núi

Dừng chân, uống nước và mua quà biếu ở Bắc Kạn lúc 9h30. Vượt qua những cung đường đèo hiểm trở, ngoằn ngoèo đoàn nghiên cứu đến Cao Bằng, ăn trưa lúc 12h30. Mất hơn 2 tiếng đồng hồ đoàn đến huyện lỵ Nguyên Bình do đoạn đường đang thi công nên xe đi lại gặp nhiều khó khăn. Từ trung tâm huyện Nguyên Bình đi xe về phía bắc 8km cả đoàn phải dừng xe và đi bộ vào làng mất 4km leo núi nên 16h tới nơi.

 

Gặp đường khó ta ló… cuốc bộ

Gặp lại người Bác sỹ thân thuộc năm nào bà Khăm vô cùng xúc động và hồ hởi, bà năm nay đã ngoài 80 tuổi sống 1 mình trong căn nhà cấp 4 (vì các con đã đi làm xa cả), mắt kém, nặng tai. Sau màn chào hỏi hàn huyên, Bác sỹ Hùng giới thiệu các thành viên cùng đi và nói rõ lý do có sự gặp mặt này là quay lại gặp mong bà thực hiện lời hứa truyền thừa kế năm nào, nêu rõ hạn chế về đặc thù chuyên ngành của mình sẽ không làm cho bài thuốc được đi vào cộng đồng, sẽ thật đáng tiếc cho người bệnh vảy nến trong trường hợp bài thuốc bị thất truyền (vì các con bà đều không theo nghiệp chữa bệnh cứu người của bà), đề nghị bà truyền thụ bài thuốc cho Viện Y Học Bản Địa Việt Nam nghiên cứu ứng dụng diện rộng trong cộng đồng, khi này câu chuyện trở nên nghiêm túc.

Bà trầm tĩnh 1 hồi rồi kể cho cả đoàn nghe về gốc gác, lịch sử bài thuốc gia truyền này, đoàn chúng tôi yên lặng lắng nghe và cảm nhận giá trị thiêng liêng của bài thuốc với bà. Sau khi nghe bà tâm sự Bs Lâm Văn Tiên với tư cách trưởng đoàn thay mặt Viện Y Học Bản Địa Việt Nam phát biểu nhận thức về tầm quan trọng, giá trị ảnh hưởng lớn lao của những bài thuốc gia truyền với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe và nhấn mạnh tôn chỉ của Viện trong sự nghiệp bảo tồn và ứng dụng tri thức Y học bản địa Việt cùng niềm hoài mong đóng góp của bà với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Hứa với bà nếu được truyền thụ, bài thuốc sẽ được đưa vào nghiên cứu nghiêm túc dưới ánh sáng khoa học hiện đại, ứng dụng rộng cho cộng đồng người bệnh.

Sau khi nghe đoàn nói chuyện, bày tỏ khát khao cống hiến, bà Khăm trầm tư suy nghĩ 1 hồi lâu. Bà bảo cả đoàn lui ra ngoài rồi tự tay thắp nén nhang cho linh vị cha và ông nội trên bàn thờ, chúng tôi đứng ngoài đợi bà khấn 10 phút, bà gọi chúng tôi vào nhà, bà đồng ý lời đề nghị của đoàn, bà sẽ truyền lại bài thuốc gia truyền cho Viện Y học Bản Địa Việt Nam nhưng Viện phải hứa trước tổ tiên của bà là Viện sẽ tiếp lưu giữ bài thuốc lâu dài và nghiên cứu phát triển làm sao cho bài thuốc hiệu quả hơn, chữa trị được cho nhiều người hơn. Với tính cách cẩn thận của người thầy thuốc lâu năm bà dặn dò hết sức tỷ mỷ và cẩn thận về cách nhận diện các vị thuốc trong bài thuốc, cách thu hoạch, bào chế, gia giảm và chống chỉ định trong thời kỳ người bệnh dùng thuốc. Cả Đoàn chú ý lắng nghe, cử nhân Chinh cẩn thận ghi chép tỷ mỉ những lời dặn dò của bà khăm. 

 

Bà Khăm đóng gói thuốc cho người bệnh

Để bảo đảm đúng thuốc, đúng bệnh Thạc sỹ, Bác sỹ Lâm Văn Tiên –  nguyên chủ nhiệm bộ môn sinh lý bệnh Đại học Y khoa Thái Nguyên và Bác sỹ Hùng đương nhiệm phó chánh thanh tra sở y tế Thái Nguyên đều rất kinh nghiệm, thận trọng. Họ đưa ra các ảnh tổn thương gần giống nhau để bà phân biệt các hình vảy phấn hồng gibert, hắc lào, êczema, chàm nhiễm trùng và cuối cùng là hình ảnh 5 loại tổn thương do vẩy nến. Do kinh nghiệm thực thụ bà Khăm đã loại trừ để chẩn đoán phân biệt đúng gần hết. Duy nhất trừ trường hợp vảy nến phun trào(Guttate psoriasis) khá hiếm gặp nên bà không nhận diện được.

 

 lang kham

Bà Lang Khăm

Chia tay lang Khăm với nhiều cảm xúc rối bời đan xen giữa cảm động, tri ân, hoài niệm, hào hùng quanh ánh lửa bập bùng nhà sàn trưởng xóm dưới núi rừng hùng vĩ hiểm trở, được tiếp xúc với những con người miền núi trực tính, khẳng khái, niềm vui được cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ con người bằng chính cây thuốc trên mảnh đất Việt làm Ths Bs Tiên không khỏi cảm khái, xuất khẩu thành thơ:

Vượt qua Chợ Mới, thác Giềng

 Vượt trùng sương gió thuốc thiêng phải tìm

Yêu nghề lắng ủ trong tim

Nếu không hoài cổ biết kim là gì

 Đường xa, ghềnh dốc quản chi

Chưa tìm được thuốc còn đi chưa về

Đoàn về tới Thái nguyên lúc 01h30 của ngày hôm sau. Ngay trong đêm các lá còn nguyên được ly vị, ép tiêu bản, cố định tiêu bản hóa chất làm cơ sở dữ liệu cho nghiên cứu tại Viện y học bản địa Việt nam được tiến hành ngay.

(Chuyến công tác thừa kế Viện y học bản địa Việt Nam ngày 01/2013)

 

Cử nhân Triệu Thị Chinh

Văn phòng Viện Y Học Bản Địa Việt Nam

 

Doctor SAMAN

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

Cử nhân Triệu Thị Chinh

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận