Miền núi phía Bắc cuối thu đầu đông, có một thứ quả được gọi là me rừng hay còn có tên gọi khác là quả mắc kham. Quả ăn thoạt đầu có vị chua chát pha ít đắng, nhưng khi ăn xong lại để vị ngọt thanh trong miệng rất lâu. Me rừng thường được các chị em phụ nữ mang về, rửa sạch, đập dập bỏ hạt rồi dầm cùng với muối ớt ăn rất ngon. Không chỉ là một thứ quả ăn vặt, me rừng còn là một vị thuốc với nhiều công dụng chữa bệnh tuyệt vời.

Quả me rừng, Mắc kham

Quả me rừng, Mắc kham

Me rừng có tên khoa học là Phyllanthus emblica L, thuộc họ Thầu dầu Euphorbicaeae. Cây mọc hoang có nhiều tại các vùng rừng núi Việt Bắc và Tây Bắc nước ta. Cây thân gỗ nhỡ cao 5-7m. Lá nhỏ xếp sít thành 2 dãy nom như lá kép lông chim. Hoa nhỏ màu vàng, ra hoa vào tháng 4-5. Quả thịt hình cầu có 6 khía mờ. Cả quả, vỏ thân, lá và rễ đều được dùng làm thuốc.

Quả me rừng có chứa khoảng 45% tanin, thành phần tanin gồm axit chebulinic, axit chebulagic, corilagin, axit gallic, axit ellagic..; axit phyllemblic, emblicol, axit music, quercetin rất nhiều vitamin C (1-1,8g/100g). Me rừng được coi là vị thuốc quan trọng trong Y học cổ truyền của Ấn Độ ( Ayuraveda),  sử dụng đơn độc hay phối hợp với một số thuốc khác để làm thuốc lợi tiểu, nhuận tràng, thuốc bổ gan, chống loét dạ dày, thuốc chống viêm, hạ sốt….

Theo tài liệu cổ (“Đường bản thảo” và “Nam phương thảo mộc trạng”) có ghi: Quả có vị chua, ngọt, đắng, tính mát, có tác dụng nhuận phế, hóa đờm, sinh tân chỉ khát, hạ nhiệt, tiêu viêm…Thường dùng chữa cảm mạo, phát sốt, ho, đau cổ họng, miệng khô khát:  mỗi ngày dùng 10-30 quả sắc uống. Viêm ruột, đau bụng, đi ngoài, cao huyết áp: ngày dùng 15-20g rễ sắc uống. Lở loét, mẩn ngứa dùng lá nấu nước rửa bên ngoài.

Y học hiện đại cho rằng, quả me rừng là vị thuốc hứa hẹn đầy tiềm năng trong cuộc chiến chống và phòng ngừa ung thư. Chiết xuất từ quả me rừng được chứng minh là có đặc tính chống khối u mạnh đối với một số loại ung thư cả in vitroin vivo. Bằng chứng tiền lâm sàng sử dụng một loạt các dòng tế bào ung thư cho thấy chiết xuất từ quả me rừng gây ra quá trình apoptosis (sự chết tế bào) ở nồng độ từ 50-100 mcg/ ml. Dịch chiết nước của quả me rừng gây ức chế đáng kể sự tăng trưởng tế bào của sáu dòng tế bào ung thư ở người bao gồm : A549 (phổi), HepG2 (gan), HeLa (cổ tử cung), MDA-MB-231 (vú), SK-OV3 (buồng trứng ) và SW620 (đại trực tràng). Trong một mô hình gây ung thư da ở chuột, việc sử dụng liên tục chiết xuất quả me rừng ở mức 100mg/kg làm giảm tỉ lệ khối u xuống gần 60%. Hai nghiên cứu độc lập khác cũng cho thấy dịch chiết nước của quả me rừng được sử dụng với liều 250mg/kg đã ngăn ngừa ung thư tế bào gan ở chuột từ 80-100% gây ra bởi N- nitrosodiethyamine .

Không chỉ có tác dụng chống ung thư, quả me rừng còn có tác dụng chống oxy hóa mạnh, chống viêm, bảo vệ tế bào gan, chống bệnh tiểu đường và một số vấn đề tim mạch…

Tài liệu tham khảo:

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4477227
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20812284
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16101333
  4. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20812284
  5. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y hoc, Hà Nội

Doctor SAMAN

Ds.Ncv Phạm Thị Thu Hương

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/Me%202.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/Me%202.jpg","subHtml":"Qu\u1ea3 me r\u1eebng, M\u1eafc kham"}]