Tâm thần kinh

Một số đặc điểm về trầm cảm

I. Khái niệm    Khái niệm về Trầm cảm cũng khá rộng, phức tạp, nhiều khi thuộc lĩnh vực của các bác sỹ chuyên khoa Tâm thần, mà các bác sỹ này phải học tập có bài bản, cộng với thực tế lâm sàng hàng ngày, khám điều trị cho bệnh nhân Tâm thần nhiều […]

I. Khái niệm

   Khái niệm về Trầm cảm cũng khá rộng, phức tạp, nhiều khi thuộc lĩnh vực của các bác sỹ chuyên khoa Tâm thần, mà các bác sỹ này phải học tập có bài bản, cộng với thực tế lâm sàng hàng ngày, khám điều trị cho bệnh nhân Tâm thần nhiều năm mới cảm nhận hết được, có khi ngay cả họ muốn có một chẩn đoán chính xác Trầm cảm, nhiều khi cũng gặp không ít khó khăn.

   Chúng tôi viết những dòng trên ý muốn nói thêm một điều là lý thuyết là quan trọng, nhưng thực tế có khi còn qua trọng hơn,  nhiều khi chỉ có lý thuyết mà không thực tế thì chỉ là lý thuyết suông, chỉ là ”bẻm mép” mà chẳng làm được gì… Vì thế nên có câu: “học phải kết hợp với hành”. Câu này đúng trong mọi trường hợp, nhưng với ngành Y và đặc biệt với chuyên khoa Tâm thần lại càng đúng, vì các bệnh Tầm thần phần nhiều là các rối loạn về chức năng, không có (hoặc chưa có) tổn thương thực thể, vì khoa học hiện nay còn chưa  hiểu biết hết được.

   Khi còn là sinh viên, khi nghe giảng về Tâm thần, một thày là giáo sư đầu ngành Tâm thần của Việt Nam đã nói: “việc chẩn đoán  bệnh Tâm thần rất phức tạp và khó khăn, các bác sỹ phải trực tiếp khám bệnh nhân mới có được chẩn đoán đúng”.  tôi lấy thí dụ ở nước ngoài,  một giáo sư bác sỹ chuyên ngành Tâm thần đã đưa triệu chứng của một bệnh nhân cho 10 giáo sư bác sỹ là chuyên khoa Tâm thần ở các nước khác nhau (nhưng không khám trực tiếp mà chỉ gửi hồ sơ tài liệu về bệnh nhân này). Cuối cùng đã cho kết quả thật bất ngờ là 10 giáo sư thì có đến 10 chẩn đoán bệnh Tâm thần  khác nhau.

Chúng tôi viết như vậy không phải là tự đề cao các bác sỹ chuyên khoa Tâm thần, nhưng đó là sự thật.  Ngày nay nhờ sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật của Thế giới, các cơ chế bệnh nguyên, bệnh sinh của các bệnh Tâm thần nói chung và Trầm cảm nói riêng đã dần được hé mở.

1. Trầm cảm có thể chỉ là một cơn Trầm cảm, gặp trong bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, nhưng cũng có thể là cơn trầm cảm gặp trong bệnh Trầm cảm.

2. Rối loạn cảm xúc bao gồm rối loạn trầm cảm (trầm cảm đơn cực), rối loạn lưỡng cực, loạn khí sắc, khí sắc chu kỳ. Ngoài ra còn có rối loạn cảm xúc do bệnh cơ thể, rối loạn cảm xúc do một chất.

3. Rối loạn trầm cảm nghĩa là hiện đại (hoặc trong tiền sử) chỉ có các giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Thí dụ bệnh nhân đã bị 3 cơn rối loạn cảm xúc, nhưng tất cả các cơn đều là trầm cảm.

4. Rối loạn lưỡng cực là hiện tại (hoặc trong tiền sử) có các giai đoạn hưng cảm, pha trộn (hưng cảm và trầm cảm xuất hiện cùng một lúc) hoặc hưng cảm nhẹ, thường phối hợp với các giai đoạn trầm cảm chủ yếu (hiện tại hay đã có trong tiền sử). Thí dụ: hiện tại bệnh nhân có cơn hưng cảm, nhưng trong tiền sử đã có 1 cơn trầm cảm và một cơn hưng cảm.

5. Rối loạn cảm xúc do một bệnh cơ thể được đặc trưng bởi rối loạn bền vững và nổi bật của khí sắc do một bệnh của cơ thể gây ra. Thí dụ: trầm cảm do loét dạ dày ở bờ cong nhỏ gây đau dạ dày.

6. Rối loạn cảm xúc do một chất được đặc trưng bởi một rối loạn bền vững và nổi bật của khí sắc, do ma túy hoặc do một chất gây ra. Thí dụ như trầm cảm do nghiện rượu…

II.  Một số đặc điểm về Dịch tễ học

1. Tỷ lệ mắc:

Bệnh trầm cảm ngày càng có xu hướng gia tăng, nhất là trong những năm gần đây, theo một số tác giả nghiên cứu nhiều về bệnh này, họ đã giải thích vấn đề này như sau:

– Do tuổi thọ của con người ngày càng được nâng lên, vì vậy sẽ tăng tỷ lệ trầm cảm ở ngườ cao tuổi.

– Tốc độ đô thị hóa cao và tác phong công nghiệp hóa đã khiến cho con người phải chịu nhiều áp lực, cùng với mặt trái của kinh tế thị trường, sẽ phát sinh nhiều sang chấn tâm lý (Stress) làm cho con người dễ bị trầm cảm.

–  Do sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật, các thày thuốc đã áp dụng các tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh ngày càng  chặt chẽ hơn, chính xác hơn, vì vậy phát hiện ra nhiều bệnh trầm cảm hơn.

2. Giới tính

– Người ta đã nhận thấy một điểm chung là: Ở hầu hết các nước, trầm cảm gặp ở nữ nhiều hơn nam, giải thích hiện tượng này các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do sự khác nhau về hóc môn sinh dục giữa hai giới, do phụ nữ phải sinh con, cũng có thể có sự khác biệt về chấn thương  tâm lý (Stress) cũng khác nhau.

– Nhiều nhận xét nghiên cứu thấy có những bệnh nhân nữ bị trầm cảm các triệu chứng xấu đi khi có kinh nguyệt, sau đó các triệu chứng xấu lại giảm đi khi hết kinh nguyệt.

3. Tuổi mắc.

– Trầm cảm có thể gặp ở bất kỳ tuổi nào, từ tuổi thiếu niên cho đến tuổi già, nhưng hay gặp nhất là ở độ tuổi 40.

– Trầm cảm cao nhất ở nhóm tuổi từ 25 – 44 tuổi. Nhưng sau tuổ 65, trầm cảm giảm dần ở cả nam và nữ.

4. Tình trạng hôn nhân.

– Người ta thấy rối loạn trầm cảm chủ yếu rất thường xuyên ở những người không có quan hệ tốt với những người khác. Những người đã ly hôn, ly thân hoặc góa bụa… rất hay mắc trầm cảm.

5. Tình trạng kinh tế – văn hóa.

– Các nghiên cứ thấy rằng không có sự liên quan giữa kinh tế – văn hóa với trầm cảm, tức là trầm cảm có thể gặp ở bất kỳ tầng lớp nào trong xã hội, từ giàu đến nghèo, nhưng người ta lại thấy rằng lại phổ biến ở vùng nông thôn hơn vùng thành thị.

– Nhưng người ta thấy yếu tố văn hóa có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng của trầm cảm: thí dụ như đau đầu, than phiền bị căng thẳng (trong văn hóa La tinh và vùng Địa Trung Hải). Suy nhược, kiệt sức, mất thăng bằng (trong văn hóa Trung Quốc  và văn hóa châu Á khác), các vấn đề của trái tim hoặc bị đau tim có thể là một biểu hiện của trầm cảm (Văn hóa Trung Đông).

   Từ thế kỷ 18 người ta đã biết dùng thảo dược chữa chứng trầm cảm, như cây thánh Giôn. Nay, nhiều công trình nghiên cứu chữa trầm cảm bằng thảo dược do Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh tiến hành và Viện y học bản địa Việt Nam nghiên cứu từ cây chùm bao lớn, chùm bao nhỏ… cho kết quả tốt.

TS. BS. Ngô Quang Trúc
Chuyên ngành tâm thần kinh

Doctor SAMAN

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

TS.BS Cao cấp Ngô Quang Trúc

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận