Sóng siêu âm đã được con người sử dụng để chẩn đoán hình ảnh học khoảng 40 năm nay, nhưng hiện nay sóng siêu âm đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu và áp dụng thành công trong điều trị bệnh.

   Siêu âm là sóng cao tần có tần số từ 20.000 Hertz đến hàng chục megahertz, tai con người không cảm nhận được và không thể nghe nhận được nó.

   Do đặc tính sóng siêu âm có thể đi xuyên qua qua các phần của cơ thể mà không gây các biến đổi sinh học, mà từ đó con người đã chế tạo ra máy siêu âm để giúp chẩn đoán bệnh. Năm 2014 nước Pháp đã có 27 triệu máy siêu âm, đứng hàng thứ 2 trong chẩn đoán hình ảnh, sau máy X quang. So với máy X quang, máy siêu âm có thể mang đi mang lại dễ dàng, giá thành vừa phải, không có tác dụng không mong muốn, nên có thể dùng cho cả phụ nữ có thai.

   Ngày nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và làm thay đổi một số thông số kỹ thuật của máy siêu âm, có thể làm cho siêu âm trở nên “quyền lực” hơn, có thể áp dụng siêu âm không những trong chẩn đoán, mà cả trong điều trị các bệnh lý khó chữa như ở não bộ và bệnh ung thư ....

1. Thám sát cơ quan mà không phải làm sinh thiết

   Từ nay, người ta có thể quan sát sự di chuyển của hồng cầu hay sự co thắt của các sợi cơ ... nhờ sự phát triển của “siêu âm siêu tốc”, có thể đạt được từ 50 đến 10.000 ảnh/giây, với độ phân giải như vậy, con người có thể đi vào thế giới của “mili – giây”, mà ở đó chúng ta thấy được bên trong của cơ thể mình, ở mức độ tường tận từng “chân lông kẽ tóc”. Do chụp được hình ảnh trong khoảng thời gian “giây”, nên độ phân giải càng trở nên chính xác hơn.

   Kết quả của sự ra đời của những ứng dụng mới nhất, nổi bật nhất của siêu âm phải kể đến là siêu âm độ đàn hồi của mô tế bào, theo nguyên lý: siêu âm siêu tốc đo được độ lan truyền của sóng siêu âm trên bề mặt cơ thể, sự rung chấn cực vi này cho phép vẽ được “bản đồ độ đàn hồi” của vú, tuyến giáp trạng và gan, đây là một chỉ số rất quý về tình trạng của các cơ quan, giúp chúng ta đánh giá được sự lành tính hay ác tính của khối u. Trong viêm gan do virus, chỉ cần đo độ đàn hồi, tránh không phải sinh thiết gan cũng cho biết gan có bị xơ hóa hay chưa, căn cứ vào độ rắn của gan bằng siêu âm.

2. Cải thiện hiệu ứng của phương pháp hóa trị liệu

   Làm sao và bằng cách nào đó để đưa thuốc đến tận mục tiêu một cách tối ưu nhất? Bằng nghiên cứu của mình các nhà khoa học đã có thể trả lời được câu hỏi này, đó là áp dụng siêu âm, còn gọi là phương pháp “Sonoporation”, theo đó người ta sẽ tiêm vào cơ thể bệnh nhân những bọt khí cực nhỏ, đồng thời phát ra các sóng siêu âm ở tại các vùng đang chữa trị (như vùng có khối u ung thư), dưới tác động của sóng siêu âm các bọt khí sẽ bị nén lại, rồi dãn ra và cuối cùng thì vỡ tung. “Các vụ nổ” được lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho tế bào bị rối loạn mà không bị tổn thương, lúc đó màng tế bào trở nên dễ ngấm thuốc hơn.

   Kết quả thử nghiệm trên tế bào ung thư cho thấy đây là một thiết bị đầy hứa hẹn, so với phương pháp hóa trị liệu kinh điển, liệu pháp siêu âm chỉ cần dùng 1/1.000 so với liều lượng kinh điển là đã cho kết quả tương đương.

3. Diệt tế bào của khối u mà không phải phẫu thuật

   Trong chẩn đoán hình ảnh học nhìn chung sóng siêu âm là không có hại, nhưng người ta thấy rằng: nếu tập trung sóng siêu âm với cường độ cao trên một vùng nhất định của cơ thể thì nó lại có thể phá hủy tế bào, khi đó nó có hiệu ứng tăng nhiệt độ lên đến 60 – 80 độ C, đủ sức để đốt cháy mô tế bào bệnh lý mà chúng ta cần loại bỏ. Từ năm 2014, bệnh viện Edouard – Herrot ở Lyon, nước Pháp đã đi tiên phong trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp siêu âm. Liệu pháp này sẽ thay thế cho phẫu thuật và xạ trị trong điều trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

   Đối với những vùng cơ thể mà sóng siêu âm nhiều khi rất khó đi qua, hoặc bị giảm đi, làm méo tia siêu âm như hộp sọ chẳng hạn, để khắc phục trở ngại này, viện đại học Virginia, Hoa Kỳ, đã nghiên cứu thành công trong việc tập trung sóng siêu âm vào trung khu não bộ, cụ thể là các vào vùng rất nhỏ gây bệnh ( như gây chứng run bẩm sinh chẳng hạn), sóng siêu âm sẽ phá hủy vùng não này và làm giảm triệu chứng run. Từ kết quả này, người ta sẽ tiến hành chữa trị các bệnh khó chữa của thần kinh như u não, bệnh Parkinson ....

4. Thâm nhập não bộ mà không gây tổn thương

   Như chúng ta biết não bộ được bảo vệ bởi hộp sọ, cùng hệ thống các màng não, có hàng rào máu – não, có dịch não tủy...những hệ thống này rất tinh vi và phức tạp có tác dụng bảo vệ rất hữu ích và nuôi dưỡng não bộ. Các hệ thống hàng rào này các “chất lạ” của cơ thể (như thuốc điều trị, các vi trùng, virus ...) rất khó qua. Một công trình nghiên cứu lâm sàng của Pháp trên các bệnh nhân bị ung thư não: sóng siêu âm được phát ra từ một ống thông được cắm trong xương sọ, làm cho thuốc vượt qua hệ thống hàng rào máu – não, ngấm vào não bộ gấp 5 lần bình thường mà không có tác dụng phụ và không làm tổn thương các tế bào thần kinh. GS Alexandre Carrpentier hy vọng trong thời gian tới, dựa trên nguyên lý này, có thể áp dụng để chữa bệnh Alzheimer.

5.  Siêu âm thay thế cho các điện cực kích thích não

   Siêu âm có khả năng hoạt hóa dòng điện não hay không? Theo nhà khoa học Ayache Boukaz là có.

   Nhiều công trình nghiên cứu trên động vật cho thấy sóng siêu âm có thể tập trung vào một trung khu vận động của não để làm cử động, thí dụ như chân hay đuôi chuột làm thí nghiệm.

   Một công trình nghiên cứu để tìm ra những phương pháp mới trong điều trị trầm cảm, do việc dùng thuốc điều trị trầm cảm đã không còn tác dụng nữa, các nhà khoa học đã chuyển sang việc nghiên cứu kích thích não sâu, thông qua các điện cực để tạo ra dòng điện trong não, họ đã thực hiện để chữa chứng trầm cảm và các bệnh khác như Parkinson, động kinh, nhược điểm là phải khoan sọ để đưa điện cực vào trong các trung khu não nên có thể gây nhiều nguy cơ.

   Siêu âm có thể thay thế cho điện cực kích thích não này không ?

   Các nhà khoa học hy vọng siêu âm sẽ là phương pháp thay thế. Bước đầu các thử nghiệm trên chuột đã cho kết quả khả quan, trong khoảng thời gian 5 năm tới người ta sẽ tiến thử nghiệm trên lâm sàng.

( Theo C,a MI’nte’resse, 8/2017)

Doctor SAMAN

TS.BS cao cấp Ngô Quang Trúc

Viện Y học bản địa Việt Nam

[]