Cây thuốc

Rau sam – khắc tinh của giun kim

Ai trong đời cũng đã từng, đang và sẽ có thể bị giun kim quấy rầy, bởi nó không hề kiêng nể bất kể người già hay trẻ nhỏ. Nó gây buồn buồn khó chịu phần hậu môn đặc biệt là lúc tối đi ngủ, làm cho chúng ta khó có thể ngủ yên, ngủ […]

Ai trong đời cũng đã từng, đang và sẽ có thể bị giun kim quấy rầy, bởi nó không hề kiêng nể bất kể người già hay trẻ nhỏ. Nó gây buồn buồn khó chịu phần hậu môn đặc biệt là lúc tối đi ngủ, làm cho chúng ta khó có thể ngủ yên, ngủ ngon được.

Tôi cũng từng bị giun kim quấy rầy, tôi đi tìm mãi mới được khoảng 100g rau sam tươi, định bụng là dùng tạm mai đi tìm tiếp. Buổi tối sau khi ăn cơm, tôi đem rau sam rứa sạch, thái nhỏ ngắn bằng đốt ngón tay, cho nước xâm xấp, đun sôi độ 3-5 phút, chắt lấy nước uống, lại đun lần 2 và uống tiếp lần nữa. Thật kỳ lạ là tối đó tôi đã có giấc ngủ ngon lành không bị giun kim quấy rầy nữa. Hôm sau tôi không phải đi tìm thêm nữa. Thật hiệu nghiệm phải không các bạn. Các bạn cứ dùng thử đi, một cây thuốc có sẵn xung quanh ta, không phải mất tiền mua. Ngoài ra, cây rau sam còn nhiều công dụng khác nữa đấy, hãy xem tiếp sau đây.

Theo bác sỹ Hoàng Sầm, đây cây thuốc đặc hiệu chữa viêm âm hộ. Trường hợp sưng viêm âm hộ chỉ việc giã nát cây này thêm mấy hạt muối, đem đóng khố ấp vào âm hộ, khoảng 4h sau là hết sưng, 3 ngày, mỗi ngày đắp 4h là hết viêm hoàn toàn. Có người thấy hiệu quả với Lupus ban đỏ nhưng chưa được khoa học kiểm chứng thực tế. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc, hồi đó Bác sỹ Hoàng Sầm đi phục vụ chiến trường này bị kiết lỵ nặng, mỗi ngày phải đi cầu 30-40 lần. Đơn vị phải cử người đưa ông từ khu vực Tu đồn, Ba Xá tỉnh lạng sơn về Hậu phương điều trị. Các thuốc tây đều đã được dùng, hầu hết là kháng lỵ trực trùng và Amib … nhưng không sao khỏi được. Khi đó Thầy Nguyễn Quang Thông trưởng bộ môn đông y, Đại học y khoa Bắc Thái có kê cho 1 đơn thuốc rất đơn giản: Rau sam tươi 300gr, rau má 100 gr, cỏ nhọ nồi 100gr. Bài thuốc này cho thấy chỉ 12h sau đã hết đau quặn, mót rặn, phân lầy nhầy máu mũi. Uống hết 1 thang này khỏi từ bấy đến giờ đã 38 năm.

rau sam tri giun kim

       Cây rau sam tên khoa học là Portulaca Oleracea L. thuộc họ Rau sam Portulacea. Còn tên gọi khác như Mã xỉ hiện – vì lá giống hình răng ngựa Mã xỉ thái, trường thọ thái… là một loài cây sống một năm, thân mọng nước có thể cao tới 40 cm. Nó có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Đông. Rau sam sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành mầm, nhẵn, màu đỏ nhạt, mọc bò lan trên mặt đất. Lá hình bầu dục, phần đáy lá hơi nhọn, không cuống, phiến lá dày, mặt láng. Hoa màu vàng. Hạt màu đen.

      Để làm thuốc, chọn loại đỏ, to, lấy toàn cây (bỏ rễ) dạng tươi, hoặc khô. Rau sam phơi khô làm thuốc thường được thu hái từ nguồn hoang dã vào mùa hè và mùa thu. Rau tươi có thể tìm thấy quanh năm ở những nơi ẩm mát. Rau sam là loại rau giàu chất dinh dưỡng, chất lượng thay đổi tùy nơi mọc và mùa thu hái.

     Theo Viện Vệ sinh Hà Nội (1972), rau sam thu hái tại Việt Nam có 1,4% protit, 3% gluxit, 1,3% tro, 85% mg canxi, 5,6%mg photpho, 1,5%mg sắt, 26%mg vitamin C, 0,32%mg caroten, 0,03%mg vitamin B1, 0,11%mg vitamin B2, 0.07%mg vitamin PP.

     Theo các tài liệu thì trong rau sam có các axit béo, đặc biệt là omega-3 với tỷ lệ cao nhất so với các thực vật khác. Các axit hữu cơ như axit glutamic, axit nicotinic, axit malic… các chất noradrenalin, dopamin, flavonoit. Trong rau sam còn có hai loại betalain ancaloit, là các betacyanin màu đỏ và các betaxanthin màu vàng (trong các hoa và những phần màu vàng của lá). Cả hai loại ancaloit này đều là các chất chống ôxi hóa tiềm năng và người ta cũng phát hiện ra các tính chất chống đột biến gen trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

      Những nghiên cứu ở Đài Loan và Úc còn cho thấy trong rau sam có nhiều kali nitrat và canxi oxalat.

      Về thành phần hóa học của các nhóm hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học cao trong cây rau sam, tôi và cử nhân Nguyễn Bích Thủy đã tiến hành phân tích dịch chiết của cây rau sam bằng các phản ứng định tính đặc trưng của các nhóm chất thiên nhiên, phân tích định lượng một số nhóm chất và đã thu được các kết quả sau đây:

      – Kết quả xác định định tính các nhóm chất hữu cơ có trong cây rau sam (thân, lá, hoa) bằng các thuốc thử đặc trưng thấy có mặt 8 nhóm chất sau: cumarin, flavonoit, ancaloit, glycozit tim, saponin, protein, đường, dầu béo; không thấy có nhóm xianua.

     – Kết quả định lượng một số nhóm chất trong cây rau sam (thân, lá và hoa):

  1. Nước: 91,06% (tươi)
  2. Chất hòa tan: 46,42% (khô)
  3. Flavonoit tổng số: 0,34% (khô)
  4. Cumarin tổng số: 0,76% (khô)
  5. Saponin tổng số: 0,72% (khô)
  6. Protein : 21,22% (khô)

      Tiến hành phân tích định tính axit amin của dịch chiết cây rau sam bằng sắc ký giấy (giấy Whatman của Đức) với hệ dung môi n-butanol-axit axetic- nước (4:1:5) có đối chứng với 20 axit amin chuẩn của Hunggari trên cùng một sắc đồ (thời gian chạy 20 giờ, chiều cao dung môi 21 cm) chúng tôi thu được sắc đồ thấy có ít nhất 12 vết axit amin ; đã xác định có 10 vết có giá trị Rf gần với Rf của các axit amin chuẩn, trong đó có 5 axit amin không thay thế là: Leucine, lysine, phenylalanine, methionine, histidine (Hình 1)

Hình 1 Hình 2

        Bước đầu phân tích định tính saponin bằng sắc ký lớp mỏng với dung môi n-butanol-axit fomic- nước (75:15:10) thấy có 6 vệt chất (Hình 2)

        Qua các kết quả trên, chúng ta thấy cây rau sam (thân, lá và hoa) có chứa nhiều nhóm chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học cao (trừ nhóm xianua) như: cumarin, saponin, glycozit tim, flavonoit, ancaloit. Điều đó giải thích được tại sao rau sam lại được dân gian dùng chữa nhiều loại bệnh.

       Nghiên cứu khoa học cho thấy rau sam có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi trùng lỵ và thương hàn.

      Theo Đông y, rau sam vị chua tính hàn, vào kinh tâm và đại tràng. Có tài liệu ghi vào can và đại tràng. Không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lương huyết, lợi tiểu, giảm đau. Từ lâu y học dân gian nước ta thường dùng rau sam làm thuốc sát trùng trong những chứng lở loét ngoài da, làm tiêu nhọt độc và làm lợi tiểu trong chứng tiểu buốt, tiểu rát.

      Trong danh mục những cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới ghi rau sam dùng chữa thấp khớp, phụ khoa, giảm đau, lợi tiểu, trợ tim, hạ sốt cao, trị giun kim, kích thích tiết mật, hạ đường huyết, làm thuốc bổ dưỡng. Dùng ngoài chữa chàm, mụn nhọt lở loét…

      Người Ai Cập cổ dùng Rau sam để chữa các bệnh tim mạch và suy tim. Người Trung Quốc và Ấn Độ dùng rau sam để trị bệnh ho, lao phổi, giải độc rắn hoặc côn trùng cắn. Người Ấn Độ còn dùng rau sam làm thuốc co mạch. Người Haiti và Thổ Nhĩ Kỳ dùng rau sam để làm thuốc an thần, chữa bệnh mất ngủ. Nhiều vùng ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Cộng hoà Dominique dùng rau sam để lọc máu, tiêu viêm, giảm đau.. Những nhà khoa học Mỹ và Úc còn cho biết trong rau sam có nhiều axit béo Omega-3 có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và tăng cường sức miễn dịch của cơ thể.

      Khi dùng rau sam cần chú ý:

      – Không dùng cho người có thai vì rau sam hoạt huyết và tính hàn.

      – Những người có thể tạng hư hàn, hay đi tiêu chảy, khi dùng cần phối hợp với những vị thuốc cay, ấm để không làm trệ tỳ.

      – Người có tiền sử về sạn, sỏi thận cần thận trọng khi dùng vì nó có nhiều muối Oxalat.

 

GS. Hứa Văn Thao

Phó viện trưởng Viện Y học bản địa Việt Nam.

Doctor SAMAN

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

GS. Hứa Văn Thao

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận