Kali là nguyên tố hoá học ký hiệu K, đứng số 19 trong bảng tuần hoàn của nhà bác học Nga Dmitri IvanovichMendeleev. Ion Kali là yếu tố tối quan trọng trong truyền dẫn nơron thần kinh người và động vật. Sự giảm Kali ở con người, dẫn đến rối loạn các chức năng của tim, thần kinh. Kali có nhiều trong cây cối, đặc biệt cao trong Cam, Quýt, Chuối, Rau mùi tây, Mơ khô, Xoài, Măng khô, Cà chua, Củ cải đường, Cám, Đậu nành, Khoai tây, Sô cô la, Cá, Thịt và Mù tạt… Đó là những nguồn cung cấp lượng Kali tốt cho cơ thể. Không chỉ với người, sự sống của thực vật cũng rất cần Kali vậy nên phân bón luôn có sự hiện diện nguyên tố này, như phân bón NPK chẳng hạn.

Kali chiếm tới 0,2% khối lượng trong cơ thể người, mức độ phổ biến có thể sánh ngang với Clo, Lưu huỳnh, chỉ kém Can xi và Phốt pho. Người có cân nặng 60kg chứa khoảng 120g Kali. Như vậy có thể nói Kali trong cơ thể người là rất dồi dào.

Kcùng với Na+, Ca++ có vai trò quan trọng trong việc hình thành điện thế màng để các tế bào thần kinh ngoại vi cũng như trung ương dẫn truyền xung động, hoạt động; chúng còn làm cân bằng thẩm thấu giữa nội tế bào và ngoại tế bào, được phân bố ở  tất cả các môi trường, các mô của con người và động vật. Bơm Na+/K+-ATPase, bơm những ion này qua lại trong và ngoài màng tế bào tạo ra chênh lệch điện thế màng – gradient điện hóa – ở tất cả các tế bào. Đó là cách tế bào của người, động vật làm việc.

Sự thiếu hụt Kali trong máu, gây tình trạng cơn mệt rũ, cơn giả liệt, chướng bụng do liệt dạ dày ruột, suy thở, giảm phản xạ, loạn nhịp tim và có thể tử vong. Nôn mửa, tiêu chảy, ăn thiếu Kali, rối loạn nội tiết ở thận, giảm andosterol… thường là nguyên nhân giảm Kali máu.

Vào khoảng giữa năm 1990 tôi có khám cho một bệnh nhân nữ là giáo viên dạy cấp I ở xã Quảng Khê huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Thái. Bệnh như người giả vờ, đang đi xe đạp hoặc đang leo cầu thang nhà sàn có thể đột nhiên ngã xuôi lơ do yếu cơ lực đột ngột. Dùng Kalicholoride chỉ với 1 viên 600mg đỡ ngay, sau khuyên ăn nhiều măng khô, chuối, xoài và các rau quả giàu Kali thì khỏi hẳn.

Kali chủ yếu dự trữ trong nội tế bào nên lọc và tái hấp thu ở thận không nhiều như Natri.

Nghiên cứu dịch tễ học và các nghiên cứu động vật thấy khẩu phần nhiều Kali có thể giảm nguy cơ cao huyết áp và đột quỵ. Năm 2004 của Viện Y học Hoa Kỳ (Institute of Medicine) trong tài liệu tham khảo về chế độ ăn cho rằng nên ăn 4,0 gram Kali/ngày; theo báo cáo năm 2011 của các nhà nghiên cứu người Ý, họ cho rằng một lượng Kali cao hơn 1,64g mỗi ngày có sự liên hệ với việc giảm 21% nguy cơ đột quỵ. Khẩu phần Kali như vậy là quá cao so với người Việt Nam.

Tăng Kali máu cũng nghiêm trọng như giảm, nếu tăng đột ngột cần được coi là một cấp cứu vì nó gây tử vong nhanh chóng do ngừng tim không tâm thu, lại trên nền suy thận thì vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn. Nguyên nhân có thể do ăn uống thực phẩm giàu Kali quá mức; dịch truyền, thuốc tiêm có chứa nhiều muối Kali; sự phân huỷ mô trong giai đoạn xạ trị; tan máu; tắc nghẽn đường dẫn niệu; hội chứng tiêu cơ vân; bỏng sâu và rộng; thiếu Mineralocoticoide; hoặc do một số thuốc như spirolactone, triamterene, thuốc ức chế Angiotensine…

Theo Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Xang một trong những chuyên gia đầu ngành về thận tiết niệu (Bách khoa thư bệnh học, tập 1, trang 253; Bách khoa thư bệnh học, tập 2, trang 389) không cho thấy cảnh báo nào rằng thuốc Nam hay thảo dược là nguyên nhân gây suy thận hoặc làm cho bệnh thận nặng thêm như một số người nói. Theo giáo sư Xang:

Nguyên nhân suy thận nặng giai đoạn cuối Tỷ lệ
Viêm cầu thận 30%
Thận đa nang 10%
Thận đái đường 10%
Viêm thận kẽ 7%
Tăng huyết áp 7%
Bệnh thận do dùng nhiều thuốc giảm đau 2%
Bệnh thận mạch máu 2%
Tắc đường dẫn niệu 2%
Phụt ngược bàng quang – niệu quản 2%
Hội chứng Alport 1%
Nguyên nhân hỗn hợp 14%
Không rõ nguyên nhân 13%

Hiện nay chưa có công trình khoa học nào về đề tài “Thuốc nam làm bệnh thận nặng thêm”; cũng chưa có công trình nghiên cứu nào về “So sánh hàm lượng Kali trong thuốc nam với rau củ quả”. Tuy nhiên tự tiện nghe mách nhau hoặc đọc báo mạng rồi tự chữa bệnh bằng thuốc nam, thuốc bắc là không nên. Vì ngoài việc tổ chức bài thuốc theo quân, thần, tá, sứ  người thầy thuốc còn phải xem xét sự tính năng của dược vật mà phối hợp theo bảy cách thức sau: đơn hành, tương tu, tương sử, tương úy, tương ố, tương sát, tương phản để thuốc có hiệu quả mà không gây tác dụng không mong muốn.

Với người suy thận, dù do nguyên nhân nào thì việc giảm thiểu Natri và Kali trong khẩu phần ăn theo chỉ dẫn của bác sỹ trực tiếp theo dõi và điều trị là hết sức cần thiết.

Bác sỹ Hoàng Sầm

Chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/benh-than-man-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/benh-than-man-yhocbandia.jpg","subHtml":""}]