Cây thuốc

Tác dụng giải rượu của cây Màng tang – điều ít người biết đến

   Tuổi thơ tôi, những năm tháng vô tư nơi núi rừng Hà Giang gắn liền với những trò chơi đầy chất thôn dã.    Vào kỳ nghỉ hè, cứ sau giờ cơm trưa là chúng tôi lại nháy nhau trốn nhà đi tắm sông, tắm suối. Bến nước đầu nguồn sông Lô, ven bờ […]

   Tuổi thơ tôi, những năm tháng vô tư nơi núi rừng Hà Giang gắn liền với những trò chơi đầy chất thôn dã.

   Vào kỳ nghỉ hè, cứ sau giờ cơm trưa là chúng tôi lại nháy nhau trốn nhà đi tắm sông, tắm suối. Bến nước đầu nguồn sông Lô, ven bờ mọc đầy những cây cơi già cạnh xí nghiệp gạch ngói thị xã, là nơi chúng tôi hẹn nhau mỗi buổi trưa hè. Còn gì thú vị hơn, khi được ngâm mình dưới dòng nước trong mát, ngắm nắng hè rực rỡ đang đổ lửa trên đầu, hoặc được trèo lên ngả mình trên lưng trâu tận hưởng hơi ấm từ “ đầu cơ nghiệp của nhà nông” khi cả người đã ngấm lạnh nước sông, nghe những âm thanh từ chú trâu mộng, sau mỗi hồi ngụp nước lại ngẩng mặt lên thở ra “phì phì” đầy khoan khoái. Cái cảm giác bình an, vô tư lự ấy theo mãi cuộc đời tôi tới tận bây giờ. Một trong những trò chơi tôi thích thú nhất sau những giờ mê mải sông nước, tưởng như không bao giờ biết chán, là trò chơi trận giả với khẩu súng “phốc” trên tay. Những khẩu súng được bàn tay con trẻ chúng tôi làm ra từ thân cây tre hóp đá. Chọn đoạn hóp thẳng mà chắc, thân rỗng, đường kính khoảng 2,0 cm để “sản xuất súng”. Khẩu súng có 2 phần: phần quy lát được găm chặt bằng một chiếc đũa tre, phần nòng súng là một dóng hóp dài độ 25 -30 cm đã cắt 2 đầu mặt để thành một cái ống thông. Khi lắp quy lát vào nòng cần tính sao cho đầu nòng súng còn phải để lại một khoảng rỗng gần một xen-ti-met để khi bắn (ấn mạnh quy lát vào viên đạn lắp ở cuối nòng súng) thì một viên đạn bay ra, một viên ở lại đầu nòng làm chức năng “cái nút”. Khi nạp viên đạn khác vào nòng và lại ấn quy lát thì cái nút đầu nòng sẽ chặn hơi lại tạo ra một áp lực, tới khi lực đẩy quy lát lớn hơn áp lực nén trong nòng súng thì viên đạn cũ bay ra và viên đạn mới lại là cái “nút”. Mỗi lần bắn, súng lại phát ra một âm thanh vui tai “phốc” nên lũ trẻ chúng tôi gọi là “súng phốc”. Chúng tôi còn phát minh ra “súng phốc liên thanh” bằng việc thiết kế một băng đạn. Băng được lắp trên thân nòng. Nhét đầy vào băng là những viên đạn có khả năng tự nạp vào nòng bằng lực ép của một sợi cao su buộc quanh từ đầu băng tới thân nòng súng. Thế là, chỉ việc kéo quy lát ra trước băng đạn và ấn, mỗi lần như thế, lại một tiếng “phốc” vang lên. Lũ trẻ chúng tôi mải mê với trò chơi “đánh trận giả” với cây “súng phốc” mà viên đạn chính là những quả Màng tang thông thường đang ở độ chắc xanh, đến nỗi tối lúc nào cũng chẳng ai hay.

 

   Màng tang (còn gọi là mần tang, giã hương rừng, hay sơn kê tiêu, tên khoa học là Litsea cubeba (Lour.) Pers, thuộc họ Long não – Lauraceae không chỉ cung cấp cho lũ trẻ loại quả làm đạn chơi súng phốc mà còn là cây thuốc quý. Màng tang là cây thân gỗ cao độ 5-8m, thân non có vỏ xanh, có lỗ bì, phần thân già có màu nâu xám, cành cây nhỏ và nằm ngang. Lá mọc so le, phiến lá hình mác dài độ 9 – 10cm, rộng 1,5 – 2,5cm, khá dày và dòn, mặt trên màu xanh lục, mặt dưới xám sau biến màu đen, mép lá nguyên, cuống lá mảnh, gân lá rõ. Hoa nhỏ màu trắng hơi ngả vàng nhạt, mọc thành chùm ở nách lá. Quả mọng hình tròn hay hình trứng, khi chín màu đen như quả tiêu, mùi rất thơm. Hoa thường nở vào quãng tháng 1-3 còn quả thường chín vào quãng tháng 4-9.  Cây mọc hoang rải rác trong các khu rừng thứ sinh ở Hà Giang, Lao Cai, Thái Nguyên… tới tận Kon Tum, Lâm Ðồng. Tất cả các phần của cây Màng tang, nhất là vỏ tươi, lá, quả đều chứa loại tinh dầu có mùi thơm đặc trưng không thể lẫn, tôi rất thích vò nát lá Màng tang đưa lên hít hà hương thơm của nó mỗi khi thấy mũi mình bị tắc.

   Xí nghiệp Dược phẩm thị xã hồi ấy thường thu mua tinh dầu Màng tang được chưng cất từ quả, mãi về sau khi vào đại học tôi mới biết là dùng để làm thuốc vì dầu màng tang có vị cay tính ấm, có tác dụng tán phong hàn, ôn trung hạ khí, trừ thấp giảm đau.

   Dân gian dùng thân rễ, lá quả Màng tang để chữa nhiều bệnh khác nhau, tỷ dụ như: Rễ được dùng trị ngoại cảm, nhức đầu đau dạ dày; phong thấp,  đau nhức xương, đau ngang thắt lưng, đòn ngã tổn thương; đầy hơi; sản hậu ứ trệ, bụng đau, kinh nguyệt không đều; quả cũng dùng trị ăn uống không tiêu, đau dạ dày; lá dùng ngoài trị nhọt, viêm mủ da, viêm vú và trị rắn cắn.

   Sách báo cung cấp cho tôi rất nhiều hiểu biết về giá trị của cây Màng tang. Tuy nhiên điều chiêm nghiệm có ý nghĩa nhất trong tôi ngoài trò chơi súng phốc với đạn là quả Màng tang thời con trẻ lại chính là phần vỏ tươi của nó. Trong lần vào bản Mán xã Phong Quang chơi, chào mọi người trước khi đi học xa. Tôi được uống rượu lần đầu tiên với các bậc cha chú trong bản. Mọi người thấy tôi đã lớn khôn, thành chàng trai đang độ bẻ gãy sừng trâu lại học hành giỏi giang, được đi học đại học nên ai cũng chúc tụng, động viên. Vốn chưa từng uống rượu trước đó, tôi không hình dung được cái cảm giác quá chén sẽ ra sao, nên được mời lá cứ uống. Bữa đó tôi mới hiểu thế nào là nỗi khổ của người say rượu. Trong lúc say li bì, tôi vẫn kịp mơ màng cảm nhận có đôi tay phụ nữ mềm mại đang nâng đầu mình dậy và đổ vào miệng một thứ nước cay cay, tê tê, nong nóng. Từ cốc nước tỏa một mùi hương thật thân thuộc. Tôi chợt nhận ra mình đang uống nước từ vỏ cây màng tang giã nát.

Tôi tỉnh rượu rất nhanh khi mà cuộc vui vẫn chưa tàn./.

PGS.TS Hoàng Toàn Thắng

Viện trưởng Viện Y học bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

PGS.TS Hoàng Toàn Thắng

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận