Theo Freud, bản ngã gắn liền với các xung động tâm thần mang tính bản năng, bản năng mang tính tự nhiên, là phần “động vật”, phần “con” của con người. Bản ngã hành động theo nguyên tắc “khoái cảm”, “thoả mãn”, “cái lợi mù quáng” trước hiện thực khách quan và “coi khinh” tất cả. Bản năng có những hành vi không tính đến hậu quả và các điều kiện thực tế bên ngoài có cho phép hay không. Thế nhưng nó lại là nguồn năng lượng cực mạnh, giống như ngọn núi lửa đang “tiềm phục”, chỉ chờ có cơ hội là hoạt động không hề tính toán hơn thiệt: mới quen nhau vài phút vài giờ nam, nữ có thể làm tình với nhau; loại tình yêu sét đánh, tình yêu say nắng… rồi phạm tội do không cưỡng được, hy sinh bản thân cứu người gặp nạn… Bản ngã tương tự như vô thức, cho nên những gì mà chúng ta nói về vô thức, cũng áp dụng được với bản ngã.

 

   Ông chủ bản ngã: Bản ngã gắn liền với những xung động phi lý, với những “vùng tối ” trong lòng người. Cho nên một số nhà tâm lý học đã ví bản ngã như một thứ “hồng thuỷ mãnh thú” (ghê gớm như cơn lũ và con ác thú). Vậy “anh đầy tớ ” tự ngã, “cái tôi khốn khổ”, phải ứng xử với con “hồng thuỷ mãnh thú” này ra sao?

 

   Tự ngã lại hoạt động theo “nguyên tắc duy thực”. Ở những nhân cách lành mạnh, tự ngã chính là kẻ “chấp hành” nhân cách, khống chế hành vi tự phát của con người. Tự ngã có thể hiểu đó là ý thức. Để có thể tồn tại được, tự ngã phải điều khiển hành vi của mình theo đúng những quy tắc sinh hoạt xã hội, những quy luật khách quan của thế giới thực tại. Và nhiệm vụ đầu tiên của tự ngã là phải tìm ra những giải pháp có khả năng dung hoà những xung động của bản ngã ở bên trong và thế giới hiện thực bên ngoài.

 

   Mặc dù tự ngã đóng vai trò của một “anh đầy tớ ”, song sự “chấp hành” ở đây không phải là thứ có tính chất “nô lệ” hoàn toàn. Thực chất đấy là một sự “điều hoà”. Vậy tự ngã phải sử dụng những “chiêu thức” cụ thể gì, để điều hoà mâu thuẫn giữa những xung lực yêu sách của bản ngã với thế giới hiện thực bên ngoài?. Chiêu đầu tiên, đó là thoả mãn những yêu sách của bản ngã dưới hình thức thay thế, được gọi là “thoả mãn thay thế”. Nếu ai yêu tha thiết một người khác nhưng tình yêu ấy không được đáp ứng thì anh ta sẽ xuất hiện hình thức thoả mãn thay thế. Đó là sự thoả mãn bằng trí tưởng tượng, bằng ảo giác, ảo tưởng… và bằng những giấc mơ trong khi ngủ. Giấc mơ sẽ giúp con người được thoả mãn phần nào những khát vọng mà khi thức còn chưa đạt được. Có điều ông chủ bản ngã của chúng ta cũng chẳng “ngu đần” đến mức dễ bị đánh lừa như vậy, nên tưởng tượng vẫn chỉ là tưởng tượng, giấc mơ chỉ là giấc mơ. Sau mỗi lần tưởng tượng, sau mỗi giấc mơ, sự thật phũ phàng lại trở về, con người lại thấy đau khổ hơn, cô đơn hơn… buồn chán hơn và thất vọng.

 

   Thế là tự ngã lại phải dùng chiêu võ thứ 2, đó là “Sự trì hoãn”. Chẳng hạn khi bạn đang đói và rất muốn được ăn (do nhu cầu của bản ngã). Thế nhưng xét “nguyên tắc duy thực” bạn biết rất rõ là: không phải cứ đói bụng là được ăn và “nhét” vào bụng bất kể cái gì mà mình muốn (thí dụ: chúng ta đang rất đói bụng chưa được ăn uống gì, nhưng khi đến một nhà nào đó mà phải xã giao, người ta hỏi bạn đã ăn gì chưa? để họ nấu ăn cho, nhưng sợ phiền luỵ thường chúng ta trả lời “cảm ơn… tôi vừa ăn rồi”). Cho nên phải từ từ, phải “trì hoãn”  sự thèm ăn lại… cho đến khi thích hợp mới được ăn.

 

   Vì vậy trì hoãn thực ra đó là thái độ “khoan dung” của tự ngã với bản ngã. Trì hoãn không phải là khước từ mà là chờ đợi, tạm thời gác mong muốn sang một bên, chờ đợi đến khi có điều kiện “khả thi ” thì mới thực hiện. Như vậy “nguyên tắc  duy thực” không hoàn toàn loại bỏ “nguyên tắc duy lạc ”. Trì hoãn thực ra cũng là sự quan tâm, chấp thuận, trì hoãn để tránh phải “làm liều”, để khỏi bị “xôi hỏng bỏng không”. Nói khác đi, tự ngã không phủ nhận Bản ngã nhưng tìm cách khác, tìm cơ hội để bản ngã thực hiện ước mơ nguyện vọng của mình trong điều kiện hợp lý hơn.

 

   Trong nhiều trường hợp hai chiêu võ “thay thế” và “trì hoãn” không có kết quả, tự ngã lại phải sử dụng chiêu thứ 3 là chiêu cuối cùng: đó là chiêu “từ chối” hoặc “ức chế”. Có điều chỉ dựa vào sức mình chưa thể đủ, để uy hiếp những xung động phi lý của ông chủ “bản năng”, tự ngã phải “nhờ ” tới sự hiệp trợ của hai ông chủ khác là ông chủ “siêu ngã” và ông chủ “ngoại giới” (thế giới bên ngoài). Đoạn độc thoại này có lẽ khá quen thuộc của con người, khi phải dẹp bỏ những ham muốn phi lý của mình, chúng ta vẫn thường làm như thế: “Này anh bạn, anh đòi hỏi như vậy là hết sức viển vông, hoàn toàn không phù hợp với thực tế! Nếu xét về đạo đức và lương tâm thì lại càng không nên! Đừng nghĩ bậy nữa! Hãy nên thực tế một chút đi!…”.

 

   Ông chủ siêu ngã:

   Sự “quản thúc” và ức chế của ông chủ siêu ngã đối với tự ngã còn nghiêm khắc hơn nữa. Đối với siêu ngã thì “ý nghĩ và hành vi cũng chỉ là một”, dưới con mắt của siêu ngã, ý muốn “định làm” và hành “làm thật” chẳng có gì khác nhau cả. Cũng tương tự như bản ngã, đối với siêu ngã, giữa chủ quan và khách quan chẳng có gì là khác biệt. Pháp luật và những quy định của thế giới bên ngoài có khi không nghiêm khắc bằng “pháp luật” trong thế giới tâm hồn.  Nếu trong đời sống bên ngoài (đời sống thực tiễn) chỉ có hành vi sai trái với chứng cứ rõ ràng, thì mới có thể bị pháp luật trừng trị. Thế nhưng, đời sống tinh thần chỉ cần xuất hiện một ý nghĩ tội lỗi ở trong đầu, là đã bị lương tâm trừng phạt. Chính những day dứt, áy náy tinh thần, là sự “trừng phạt lương tâm” lại thường gây những nỗi đau lớn nhất cho con người.

 

   Siêu ngã có nghĩa là “cái tôi cao thượng”, cái tôi ở vị trí cao độc tôn. Sau khi phát triển và tách khỏi tự ngã, siêu ngã đã trở thành ông chủ “danh chính ngôn thuận”, có nhiệm vụ giám sát và phán xét hành vi của tự ngã. Vì đứng trên cao nên nên những yêu cầu mà siêu ngã đưa ra thường có cả nhân tố siêu thực, không ít trường hợp đó là những yêu sách quá cao mà trên thực tế không thể thực hiện được. Thế là tự ngã lại phải đóng vai trò “trung gian hoà giải” để dàn xếp giữa siêu ngã với thực tế cuộc sống. Đối với siêu ngã, tự ngã trình bày: “Siêu ngã tiên sinh, xin ngài hãy thực tế một chút, không nên quá nghiêm khắc với anh chàng bản ngã, những tiêu chuẩn quá cao như vậy ngay đến tự ngã tôi cũng không làm nổi…”

 

   Còn đối với ông chủ thực tiễn, tự ngã nói: “Thực tiễn tiên sinh, xin ngài hãy gắng hy sinh một chút, vì đạo đức cao thượng, vì mục đích lâu dài…”. Nhưng có điều hiện thực vẫn cứ là hiện thực, những gì mà phi thực tiễn đều không thể chấp nhận. Làm như vậy trên thực tế là tự lừa dối mình, là “giả câm, giả điếc”

 

Ông chủ thứ 3: hiện thực tự nhiên và xã hội…

(còn nữa)

Ngô Quang Trúc

Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần Kinh

Doctor SAMAN

[]