1. Tầm quan trọng của dưỡng sinh với tuổi thọ và sức khoẻ.

Người thượng cổ biết rõ phép tắc dưỡng sinh, sống tuân theo quy luật âm dương, điều hoà cơ thể theo thuật số, ăn uống làm lụng, nghỉ ngơi chừng mực, điều độ, không lao lực bừa bãi nên thể xác, tinh thần khoẻ mạnh, sống lâu trăm tuổi.

Người đời nay uống rượu như nước, sinh hoạt bất thường, say rượu nhập phòng, phóng túng sắc dục, kiệt hết tinh khí, hao tổn chân nguyên, sử dụng tinh lực quá mức, chỉ cốt thoả mãn một chốc, trái ngược lẽ dưỡng sinh nên khoảng 50 tuổi đã già yếu.

2. Tương tác nguyên nhân trong ngoài gây bệnh.

Mưa gió, nóng lạnh là lẽ tự nhiên của đất trời không hại gì cho sức khoẻ con người. Hư tà chỉ xâm nhập được vào cơ thể khi chính khí hư sẵn mà phát bệnh.

3. Phép tắc dưỡng sinh.

3.1. Người đời thượng cổ biết phòng tránh hư tà tặc phong, trong lòng thanh tĩnh, không mơ tưởng hão huyền, tinh thần vững vàng, chân khí sung túc, ý chí an nhàn, ít dục vọng, thần an, chí định, không sợ sệt gì, mệt nhưng không quá, chính khí điều hoà, mọi sự mãn nguyện. Thử hỏi bệnh tật chen vào đâu mà phát sinh được.

3.2. Thời thượng cổ có những bậc chân nhân, sống hợp với đạo, biết lẽ âm  dương, điều khiển tạo hoá, thở hít tinh khí, tinh thần vững ở trong, da dẻ già mà không thay đổi, sống lâu muôn tuổi.

3.2. Thời trung cổ có những bậc chí nhân, đạo đức cao thâm, hiểu lẽ dưỡng sinh, sinh hoạt theo sự biến hoá của âm dương, khí hậu 4 mùa, thoát ly sự bất thường của thế tục, tích tinh tồn thần, thông minh nhìn xa , hiểu rộng, thân thể khoẻ mạnh, tuổi thọ dài lâu.

3.4. Sau nữa có những bậc thánh nhân, sống yên ổn trong khí hậu ôn hoà, thuận theo qui luật biến đổi của 8 hướng gió, thích nghi tập quán đời thường, lòng không hờn giận, ăn mặc giản dị. Bên ngoài thể chất không quá mệt nhọc, bên trong yên lặng lạc quan, vui vẻ với sự đầy đủ của mình, hình thể rất khó già, tinh thần khó hao tán, sống lâu trăm tuổi.

3.5. Sau nữa có những bậc hiền nhân, bắt chước qui luật vận hành của tự nhiên mặt trăng, mặt trời, sao gần, sao xa. Thích hợp với sự thăng giáng của âm dương, phân biệt sự thay đổi của thời tiết mà điều dưỡng thân thể. Sống cũng thọ nhưng có kỳ tận cùng.

Như vậy những phương pháp dưỡng sinh khác nhau cho những kết quả khác nhau, tuy vậy dù phương pháp nào cũng phải dựa vào qui luật âm dương, biến hoá của thời tiết để điều dưỡng.

4.Phương pháp cụ thể.

4.1. Ba tháng mùa xuân, dương khí thăng lên vạn vật thay cũ đổi mới, sinh khí phát động mọi vật nảy nở tốt tươi.

– Tối ngủ muộn một chút.

– Sáng dạy sớm một chút, nới lỏng quần áo, xoã tóc.

– Đi bách bộ nhẹ nhàng trong sân.

– Không tiêu hao sức khoẻ, chỉ nên bồi dưỡng.

– Nên vừa lòng vui mắt mọi điều, không nên cáu giận.

Nếu trái lẽ này sang mùa hạ sẽ bị chứng hàn tích không thích nghi được với khí trưởng thịnh mùa hạ.

4.2. Ba tháng mùa hạ muôn vật tươi tốt phồn vinh, khí trời giáng xuống, khí đất bốc lên, thực vật khai hoa kết quả.

– Nên ngủ muộn dậy sớm

– Trong lòng nên khoan khoái

– Nên vui cười, thở sâu, mạnh cho dưỡng khí khai tiết ,nếu trái lẽ ấy mùa thu sẽ sinh bệnh sốt rét.

4.3. Ba tháng mùa thu vạn vật thành thục, gió mạnh, trời mát.

– Khí đất lặng im, muôn vật biến sắc.

– Nên ngủ lúc gà lên chuồng, dậy lúc gà xuống chuồng.

– ý chí nên an nhàn, tĩnh tại, hoà hoãn.

– Thu liễm thần khí, tránh nghĩ vẩn vơ cho phế khí thanh tĩnh. Trái lẽ ấy sang mùa đông sẽ bị sống phân, mất khả năng chịu đựng hàn khí của mùa đông.

4.4. Ba tháng mùa đông mọi vật ẩn náu, chui rúc, nước đóng băng ,đất nứt nẻ.

– Tránh nhiễu động dương khí.

– Ngủ sớm dậy muộn.

– ý chí nên kín đáo, thầm lặng.

– Giữ ấm tránh rét.

Trái lẽ sẽ tổn thương thận khí, sang xuân mất khả năng thích ứng mà sinh bệnh nuy quyết ,chân tay liệt mà lạnh lẽo.

4.5. Thuận theo lẽ âm dương thì tồn tại, trái lẽ âm dương thì tử vong, thánh  nhân biết phòng bệnh hơn chữa bệnh. Ta biết bốn mùa sinh trưởng hoá thu tàng, mùa xuân hạ bảo dưỡng dương khí, mùa thu đông bảo dưỡng âm khí, thể theo qui luật vạn vật sinh, trưởng, suy, lão, tử. Bậc thánh nhân nhận biết tuân theo, kẻ ngu đần thì coi thường.

Khí trời và khí con người có mối liên hệ nhau, khi trời trong trẻo yên lặng thì khí của người cũng được tĩnh tại. Thuận theo ý trời mà điều chính khí của người, giữ cho dương khí được vững mạnh thì tà khí gió độc không thể làm hại con người được.

Bậc thánh nhân giác ngộ tinh thần ấy, thích ứng với khí trời mà thông đạt thần minh. Ngược lại chín khiếu không thông cơ nhục ủng  tắc, vệ khí không bảo vệ được bên ngoài, ngoại tà xâm lấn, nguyên khí suy nhược.

4.6. Khi ngoài trời rét mướt, mọi hoạt động của con người nên ở chỗ kín gió, tránh tiết dương khí ra ngoài. Còn khi ngoài trời nóng nực, tránh sao mồ hôi ra quá nhiều mà phiền khát, suyễn thở.

4.7. Dương khí trong người nếu gặp sự phiền muộn hay mệt nhọc quá độ sẽ trở nên cang thịnh khẩn trương. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhiều lần, tới mùa hạ nóng bức thiêu đốt, tinh âm hao kiệt khiến cho ta bị phát bệnh tiễn quyết.

4.8. Phong là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu, tuy nhiên nếu ý chí tĩnh tại, dương khí kín đáo,  bì phu cơ nhục săn chắc, có sức đề kháng thì gió độc cũng không xâm nhập được. Vậy cốt nhất là thuận theo 4 mùa mà thích nghi , thích ứng.

4.9. Từ sáng tới trưa dương khí thịnh vượng dần đến bảo vệ bên ngoài về chiều dương khí ít dần đi, lỗ chân lông đóng dần lại, khi mặt trời lặn lỗ chân lông đóng kín, không nên nhiều động gân xương nữa. Làm trái với quy luật ở 3 khoảng thời gian trên, tà khí sẽ xâm hại cơ thể khốn quần.

Âm tinh không hao tuyệt ở trong, dương sẽ không việt phù ra ngoài, âm đầy đủ, dương kín đáo tinh thần ung dung tự tại. Âm dương cách biệt không giao hợp nhau, tinh thần theo đó mà li tán. nên có câu “Âm bình dương bĩ tinh thần nãi trị, âm dương ly quyết tinh thần nãi tuyệt”.

5. Ăn uống

5.1. Âm tinh bắt nguồn từ tân, toan, khổ, cam, hàm có sẵn trong đồ ăn uống. Ăn chua quá làm can khí thịnh mà tương thừa tỳ thổ; ăn quá mặn xương lớn bị tổn thương, bắp thịt teo toả, tâm khí bị chế ước; ăn ngọt nhiều tâm phiền ,khó thở, sắc mặt đen, thận khí bất hoành; ăn vị đắng quá ảnh hưởng sự nhu thuận của tỳ vị. Ăn quá cay gân mạch bại hoại, tinh thần tổn hại; ăn uống cần sự cân đối nghiêm cẩn mới có thể kéo dài tuổi thọ.

– Nhìn lâu hại huyết, ngồi lâu hại cơ, nằm lâu hại khí, đứng lâu hại xương, đi lại nhiều hại cân gọi là ngũ lao sở thương.

6. Bởi vậy để điều nhiệt âm dương cần hiểu lẽ thất tổn bát ích. 40 tuổi âm khí giảm một nửa, đi lại chậm chạp, 50 tuổi mắt mũi kém dần, âm mười mất 6, khí suy mạnh, chín khiếu không thông lợi, trên thực dưới hư dẽ chảy nước mắt, nước mũi. Người ta vốn giống nhau, do lối sinh hoạt khác nhau mà cho 2 kết quả sức khoẻ khác nhau. Biết điều nhiếp âm dương cơ thể già nhưng vẫn tráng kiện, người khoẻ thì khoẻ thêm. Bởi người biết lý sự không làm việc miễn cưỡng, tư tưởng không vẩn vơ, luôn lạc quan vui vẻ, tâm hồn khoáng đạt, nếp sống yên tĩnh, hưởng hết tuổi thọ. Đó là phương pháp bảo dưỡng thân thể của bậc thánh nhân.

                                                                                                              

Bs. Hoàng Sầm

Nghiên cứu viên cao cấp

Viện Y Học Bản Địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2009\/10\/duongsinh%20-%20yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2009\/10\/duongsinh%20-%20yhocbandia.jpg","subHtml":""}]