Trong tuỷ xương có những tế bào nhân khổng lồ (40-100mm). Các tế bào này được biệt hoá từ tế bào gốc vạn năng. Tế bào có nhân rất to, nhiều thuỳ, đa dạng với nhiễm sắc thể phân bố không đều. Bào tương nhiều, màu nhạt, có nhiều hạt rất nhỏ màu xanh lơ. Tế bào nhân khổng lồ cho giả túc để di chuyển. Các giả túc này bị teo lại, tách ra, đứt đoạn thành tiểu cầu lưu thông trong máu. Như vậy, tiểu cầu (thrombocyt) là một phần bào tương của tế bào nhân khổng lồ, là một tế bào không hoàn chỉnh, không có nhân, rất đa dạng, bào tương tím nhạt có hạt màu xanh, rất khó đếm vì dễ vỡ khi lấy ra khỏi cơ thể 

Tiểu cầu có kích thước 2-4mm, thể tích 7-8mm3. Bình thường có 150-300 x 109 tiểu cầu trong 1 lít máu ngoại vi.
Tiểu cầu có cấu trúc màng glycoprotein, lớp này ngăn cản tiểu cầu dính vào nội mạc nhưng lại dễ dính vào nơi thành mạch tổn thương có chất collagen lộ ra. Màng tiểu cầu cũng rất dễ dính vào các vật lạ. Khi bám vào vật lạ, chúng lại có thể tự bám vào nhau thành từng đám. Tiểu cầu chứa actomyosin, thromstbohenin nên tiểu cầu có khả năng co rút. Tiểu cầu co rút mạnh sẽ bị vỡ ra và giải phóng serotonin gây co mạch, các phospholipid và các yếu tố gây đông máu tham gia vào quá trình gây đông máu.
– Yếu tố 1 là yếu tố có khả năng chuyển prothrombin thnàh thrombin. Về bản chất yếu tố 1 gần giống yếu tố V của huyết tương.
– Yếu tố 2 là yếu tố có tác dụng đẩy nhanh fibrinogen thành fibrin khi có mặt của thrombin.
– Yếu tố 3 là một phospholipid có hoạt tính của thromboplastin.
– Yếu tố 4 là yếu tố có hoạt tính của antiheparin tạo điều kiện thuận lợi cho giai đoạn đầu của quá trình đông máu.
– Yếu tố 5 là serotonin có khả năng gây co mạch và có khả năng làm máu đông tại chỗ.
– Yếu tố 6 là một protein có tác dụng làm dầy thành mạch và làm giảm tính thấm thành mạch.
– Yếu tố 7 là antifibrinolysin, chất có tác dụng ngăn cản phản ứng làm tan cục máu.
– Yếu tố 8 retractozym là một yếu tố có tác dụng làm co cục máu đông.
– Yếu tố 9 là một chất làm ổn định fibrin. 

Với đặc điểm chức năng trên đây, tiểu cầu đã tham gia vào quá trình cầm máu, được xem như là một hàng rào bảo vệ sự mất máu. Tiểu cầu cũng có khả năng gắn lên vi khuẩn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực bào được dễ dàng. Ngoài ra tiểu cầu còn có tác dụng khác nữa như làm hạ huyết áp, chức năng miễn dịch và chức năng sản xuất các enzym huỷ protein.

Sự sản xuất tiểu cầu được điều hoà bằng số lượng tiểu cầu nhờ cơ chế do các yếu tố trong huyết tương kiểm soát. Tiểu cầu bị tiêu diệt ở lách. Đời sống tiểu cầu chưa được nghiên cứu đầy đủ, người ta cho rằng nó sống ở trong máu khoảng 9-11 ngày.
Số lượng tiểu cầu tăng lên khi lao động, khi ăn uống, khi bị chảy máu, bệnh đa sinh mạn tính thể tuỷ bào, bệnh Hodgkin, bệnh Vaquez. Số lượng tiểu cầu giảm trong nhiễm độc, nhiễm xạ, xuất huyết dưới da, niêm mạc, suy tuỷ, bệnh Biermer, bệnh Werlhoff.

nguồn: benhhoc.com

Doctor SAMAN

[]