Theo các nghiên cứu khoa học trên thế giới thì có khoảng từ 30 – 70 % tự sát là do trầm cảm (Theo các tác giả: Dopart 30%, Halgason 59%, Barra Clough 70%...), tỷ lệ trung bình là 60%.

Do đó vấn đề tự sát do trầm cảm là một vấn đề lớn.

* Định nghĩa tự sát

Người ta gọi tự sát là có ý muốn và/hoặc mong muốn một cách có ý thức và có suy nghĩ để tự mình làm cho mình chết.

* Hình thái lâm sàng của tự sát do trầm cảm

Những bệnh nhân bị trầm cảm thường “bị quyến rũ bởi cái chết gần như là định mệnh ...”.

Từ khi có ý nghĩ chán đời đến khi chuyển qua hành vi tự sát hầu hết người bệnh trầm cảm đều có hội chứng tiền tự sát, thời gian dài ngắn khác nhau tuỳ từng bệnh nhân, được mô tả bằng tam chứng sau:

+ Co cụm lại nhân cách, thu mình sống cô độc.

+ Ức chế tính hung hãn.

+ Ý tưởng tự tử tràn ngập cuộc sống huyễn tưởng.

Ngược lại có một số bệnh nhân chuẩn bị và thực hiện tự sát trong trạng thái “máu lạnh”, chúng ta cần phải đưa vào diện theo dõi đặc biệt tất cả những bệnh nhân núp bên trong nụ cười mỉm, hoặc là bệnh nhân có ý tưởng tôn giáo, tình yêu, thương con v.v để che đậy không cho thày thuốc biết. Hoặc là những bệnh nhân không nói gì cả, những người suốt ngày sững sờ không động đậy, hoặc suốt ngày trầm tư mặc tưởng vì một ảo thanh nào đó rõ ràng hay mơ hồ.

Môi trường tâm lý xung quanh cũng có thể là giảm nhẹ cử chỉ tự sát. Các bác sỹ đã mô tả một trạng thái khoái cảm sau khi bệnh nhân định tử tử không thành công, nên chúng ta cần đề phòng tự sát tái phát ở bệnh nhân trầm cẩm.

Ở những người lớn tuổi bị trầm cảm nguy cơ tự sát tăng gấp 3 lần so với các lứa tuổi khác. Trong loại trầm cảm phản ứng còn có hiện tượng thử tự sát: do chết theo người thân (chồng hoặc vợ) đã chết, do chịu bệnh tật dày vò đã lâu, do sống cô đơn cách biệt... Trạng thái trầm cảm này có thể mang dáng vẻ của một trạng thái thoái triển cấp hoặc một trạng thái sa sút giả.

Một trạng thái chán ăn kéo dài có thể là biểu hiện đơn độc của trầm cảm tự sát, rất nhanh chuyển sang các bệnh cơ thể nặng.

Người ta cũng thấy ở nhóm người tuổi trẻ, tỷ lệ tự sát cũng tăng lên rất nhiều, là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở lứa tuổi này, chỉ sau tai nạn giao thông. Trầm cảm ở tuổi trẻ thường là loại trầm cảm ẩn, đặc biệt là phản ứng quá mức với môi trường xung quanh và cảm xúc bị chối bỏ, có nhiều dấu hiệu rối loạn thần kinh thực vật, ngủ nhiều, nói năng lộn xộn.

* Vấn đề dịch tễ học trong tự sát.

Theo thống kê ở Pháp tỷ lệ chết do tự sát hàng năm là 20 người/100.000 dân, khoảng 12.000 ca mỗi năm. Ở hai giới có sự khác nhau nam > nữ (theo tổ chức y tế thế giới WHO).

* Quan điểm của thuyết phân tâm học về tự sát (Psychanalytic)

Không có một nghiên cứu cụ thể nào của trường phái phân tâm học về tự sát. Nhà phân tâm học Freud có đề cập đến vấn đề này trong tác phẩm “Tang tóc và sầu uất  -  (Deuil et Melancolie), Tâm bệnh học đời thường, về nguyên lý của thích thú”. Người ta phân biệt 3 yếu tố:

+ Muốn chết.

+ Muốn giết.

+ Muốn được giết.

Những thôi thúc tự sát này biểu hiện sự quay trở lại chống bản ngã, biểu hiện của đời sống bản năng, tấn công kẻ khác bằng chính sự tấn công lại mình.

* Quan điểm của thuyết nhận thức về tự sát (Cognitive)

Theo Beck người sáng lập ra thuyết nhận thức, những bận tâm tự sát gắn liền với quan điểm cho rằng tình thế không thể duy trì thêm được nữa, mất hết hy vọng. Người bệnh nghĩ rằng họ không thể chịu đựng được nữa, không thể tìm ra một giải pháp nào được nữa, Bác sỹ tâm thần cũng chịu không thể giải thích, động viên hay xoa dịu cho bệnh nhân được. Người bệnh thì tuyên bố chỉ có cái chết mới giải quyết được vấn đề vô vọng của họ.

* Vấn đề sinh học trong tự sát

Các nghiên cứu đều xoay quanh 2 trục cơ bản đó là trục dẫn truyền thần kinh hệ Serotonin và trục nội tiết hormon Cotico – thyroidien.

Từ những thay đổi nội tiết này người ta đã đưa ra giả thuyết về việc hầu hết các trường hợp tự sát đều mang tính cưỡng bức và xâm hại. Các nghiên cứu khoa học đều coi trọng việc đo nồng độ các hormon này trong máu, trong dịch não tuỷ và bằng các phương pháp khác nhau đều cho thấy nồng độ Serotonin giảm trong máu những bệnh nhân tự sát. Ở những người trầm cảm có sự phóng thích quá mức Corticoid là chất đối vận của Serotonin, đồng thời ở những người này mật độ của các Recepteur Serotoninergic cũng rất cao chứng tỏ có sự thiếu hụt Serotonin.

Dr. Saman

Ngô Quang Trúc

Ts.Bs Cao cấp chuyên ngành Thần kinh

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/09.2017\/tram-cam-tu-sat.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/09.2017\/tram-cam-tu-sat.jpg","subHtml":""}]