Tiểu đường chuyển hóa

Triglycerid tăng gây đột quỵ não và các bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch và đột quỵ não là những bệnh phổ biến hiện nay. Một trong những “kẻ thù” gây nên những căn bệnh này là sự tăng Triglycerid trong máu, mà chúng ta hay gọi là mỡ máu tăng cao. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập nhiều đến Triglycerid, còn Cholesterol chúng tôi […]

đột quỵ não

Bệnh tim mạch và đột quỵ não là những bệnh phổ biến hiện nay. Một trong những “kẻ thù” gây nên những căn bệnh này là sự tăng Triglycerid trong máu, mà chúng ta hay gọi là mỡ máu tăng cao. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập nhiều đến Triglycerid, còn Cholesterol chúng tôi sẽ nói đến ở những bài viết sau.

Mỡ máu gồm có Triglycerid và Cholesterol, là những chất béo trong máu. Tuy đều là mỡ trong máu nhưng 2 chất này lại có vai trò rất khác nhau, Triglycerid được sử dụng làm năng lượng cho quá trình hoạt động, còn Cholesterol giúp cho hình thành tế bào và nội tiết tố cơ thể. Tất cả Triglycerid và Cholesterol đều được tồn tại và lưu hành trong máu, có đặc điểm là không hòa tan và được vận chuyển trong máu thông qua các Lipoprotein. Bình thường Triglycerid  trong máu chỉ cho phép ở một mức độ nhất định (bình thường chỉ số này trong máu < 150 mg/dl hay < 1,7 mmol/l), khi dư thừa (tăng) sẽ có hại cho cơ thể. Đặc biệt là gây xơ vữa động mạch gây chít hẹp dần lòng động mạch.

 * Nguyên nhân gây tăng Triglycerid

Các nguyên nhân chủ yếu sau đây có thể làm tăng Triglycerid trong máu:

  • Do chúng ta kém kiểm soát được bệnh đái đường typ 2 hoặc kém kiểm soát đường huyết (glucose máu): khi bệnh đái đường typ 2 và đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ có thể làm tăng Triglycerid trong máu. Tuy nhiên nồng độ Triglycerid cũng có thể về mức độ bình thường nếu giảm được lượng đường trong máu của bệnh nhân.
  • Do chế độ ăn uống nhiều chất béo (mỡ), đường và Carbohydrat: khi ăn nhiều những chất này sẽ có nguy cơ làm tăng Cholesterol máu và Triglycerid.
  • Do bệnh suy tuyến giáp, làm nồng độ hormon tuyến giáp thấp, tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormon cần thiết cho cơ thể, hậu quả cũng có thể gây tăng Triglycerid và Cholesterol máu.
  • Uống rượu bia thường xuyên: những người uống rượu bia thường xuyên cũng gây tăng Triglycerid.
  • Bệnh thận: người ta thấy khi nồng độ HDL (High Density Lipoprotein) thấp (đây là loại Cholesterol tốt cho cơ thể) và Triglycerid cao có thể là một dấu hiệu của bệnh thận.
  • Di truyền : các nhà nghiên cứu thấy rằng đôi khi nồng độ Triglycerid cao trong máu có yếu tố di truyền.
  • Dư thừa mỡ bụng : sự tích tụ quá nhiều mỡ bụng sẽ gây các phản ứng hóa học gây khó khăn trong việc kiểm soát nồng độ Triglycerid máu.
  • Những người ít vận động tay chân: tập thể dục giúp cho tăng nồng độ HDL, giảm huyết áp tâm thu, nếu chúng ta lười vận động, có thể sẽ làm cho Cholesterol tốt này bị giảm đáng kể và làm tăng Triglycerid máu. Vì vậy tập thể dục sẽ làm giảm béo phì, giảm Nhồi máu cơ tim, giảm tỷ lệ mắc Đột quỵ não.
  • Do dùng thuốc: trong quá trình dùng thuốc để điều trị bệnh, có thể có một số thuốc có tác dụng không mong muốn gây tăng Triglycerid như các thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, Ostrogen, Retinoid, Corticoid v.v

* Các nhà khoa học đã cho kết luận rằng: để giảm Triglycerid trong máu tốt nhất cần thay đổi lối sống trước khi dùng thuốc.

  • Giảm trọng lượng cơ thể: giảm 5 – 10% trọng lượng cơ thể có thể đã giảm được 20% nồng độ Triglycerid trong máu. Giữ cho chỉ số khối cơ thể(BMI) dưới 23 hoặc ít hơn nhưng > 18,5 (tiêu chuẩn cho người châu Á). Kiểm soát vòng eo trong giới hạn cho phép: nam < 90, nữ <80 (theo chuẩn người châu Á).
  • Giảm lượng Calo đưa vào cơ thể: giảm được lượng Calo hàng ngày đưa vào cơ thể đã giúp được giảm nồng độ Triglycerid máu. Các nhà khoa học cho rằng làm sao để lượng Calo đưa vào cân bằng lượng Calo tiêu thụ hàng ngày của cơ thể – đó là lý tưởng nhất.
  • Chọn ăn các chất béo lành mạnh: hạn chế ăn các loại chất béo bão hòa, tăng cường tiêu thụ loại a xít béo Omega – 3 (có nhiều trong cá hồi). Chọn ăn các chất béo nguồn gốc thực vật rất tốt cho sức khỏe như đậu phộng, dầu Ô liu…
  • Cần luyện tập cơ bắp hàng ngày đều đặn, ít nhất mỗi ngày khoảng 30 phút, tốt nhất là đi bộ, chạy bộ, bơi lội…vì các vận động này sẽ làm giảm Triglycerid máu, tăng sức đề kháng của cơ thể… Do đó có thể phòng được rất nhiều bệnh.
  • Ăn uống hạn chế rượu bia, các loại thức ăn chứa ít đường và Calo… nhất là ở những người cao tuổi.

* Thuốc và các chất bổ xung: 

Đôi khi ở một số người sự luyện tập thể dục thể thao và thay đổi lối sống cũng chưa đủ để làm giảm Triglycerid, cho nên chúng ta phải dùng thuốc nhằm làm giảm mỡ máu như các thuốc Fibrate, Niacin, a xít Nicotinic, các loại Statin (để cân bằng lượng Cholesterol tốt và xấu trong cơ thể), dùng liều cao dầu cá có chứa a xít béo Omega – 3  v.v. Tuy nhiên chúng ta phải thận trọng khi dùng vì tác dụng không mong muốn của nó. Hiện nay trên thế giới có xu hướng nghiên cứu và đưa vào sử dụng dùng các thuốc có nguồn gốc thảo dược thiên nhiên để làm giảm mỡ máu, với mong muốn để khắc phục những nhược điểm này.

* Kết luận:

Mỗi người muốn có một sức khỏe tốt, việc phòng bệnh là rất quan trọng, có lẽ trong chúng ta ai cũng biết. Nhưng thực hiện phòng bệnh thế nào cho hiệu quả chắc chắn không đơn giản và không dễ dàng, ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh vấn đề tăng mỡ trong máu trong đó có Triglycerid là rất quan trọng, việc phòng ngừa này có thể chặn đứng được nguy cơ mắc hai bệnh gây tử vong nhiều nhất cho con người là đột quỵ não và các bệnh tim mạch trong đó có bệnh Nhồi máu cơ tim, phòng ngừa có thể đạt được nếu chúng ta có ý thức ngay từ đầu là phòng bệnh bằng các biện pháp ăn uống và luyện tập…, không nên để tình trạng “Mất bò mới lo làm chuồng” thì đã muộn lắm rồi.

Doctor SAMAN
Ngô Quang Trúc
TS.BS Cao cấp chuyên ngành Tâm Thần Kinh

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

TS.BS Cao cấp Ngô Quang Trúc

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận