Viêm họng là bệnh phổ biến trong cộng đồng, ai cũng có thể mắc. Viêm họng là hiện tượng viêm hệ thống niêm mạc ở họng, cũng như hệ thống tế bào Lympho vùng họng như Amidan, V.A... Người ta thấy có nhiều nguyên nhân gây viêm họng nhưng phần lớn là do các loại vi rút (khoảng 60 - 80%), còn lại là do vi khuẩn, và trong số do vi khuẩn thì khoảng 20% do vi khuẩn liên cầu beta tan huyết nhóm A. Có 3 loại viêm họng: Viêm họng trắng, viêm họng đỏ và viêm họng loét (hiếm gặp). Trong viêm họng người bệnh có cảm giác rát họng, đau họng khi nuốt, nhức đầu. Ngoài ra, viêm họng còn có thể có triệu chứng: hắt hơi, sổ mũi, ho, buồn nôn, đau mình mẩy, sưng Amidan, nổi hạch cổ... thường là biểu hiện của nhiễm trùng do bệnh cúm. Nhiều khi người bệnh tự chẩn đoán là mình bị viêm họng vì thấy những biểu hiện bất thường ở họng.

Trong các loại nguyên nhân gây viêm họng, các y văn đã khẳng định rằng: nguy hiểm nhất là viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A - là thủ phạm gây nên những biến chứng nghiêm trọng về tim, về thận, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

“Viêm khớp đớp tim”, tôi đã được các thày nhi khoa giảng như vậy khi còn ngồi ghế nhà trường khi học bài: Bệnh thấp tim ở trẻ em. “Quy trình” thật đơn giản, sau khi bị viêm họng khảng 1- 2 tuần, bệnh nhi bị viêm khớp (sưng nóng đỏ đau ở vùng khớp ...) rất nhẹ nhàng, thoáng qua, rồi “tự khỏi” đau khớp... do đó đau khớp có vẻ như không quan trọng lắm, tiếp sau viêm khớp là “đớp tim” và “đớp thận”, đó là các tổn thương do viêm ở họng – khớp, bệnh tiếp tục tiến triển: Có thể làm hẹp, hở các van ở tim ... từ đó bị suy tim, viêm thận, viêm cầu thận ... sau đó gây suy thận v.v . Có nhiều bệnh nhi còn có thể không có triệu chứng viêm khớp, có khi chỉ là mỏi khớp, hơi khó vận động ở khớp. Càng lớn tuổi khả năng biến chứng này càng giảm (sau 25 - 30 tuổi), cũng may là chỉ có liên cầu beta tan huyết nhóm A Streptococus mới gây biến chứng nguy hiểm này. Cơ chế biến chứng này là cơ chế tự miễn. Cứ sau mỗi lần bị viêm họng tái phát các biến chứng ở tim – thận lại nặng lên. Đây là điều đáng lo ngại.

Một số yếu tố quan trọng để nhận ra viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A là: Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao 39 – 40 độ C, người bệnh mệt mỏi, khám họng có mủ trắng ở khe, hốc Amidan, sờ thấy hạch dưới hàm, di động và đau ...

Chẩn đoán xác định bằng lấy dịch ở họng của bệnh nhi nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và kết hợp làm kháng sinh đồ để giúp cho dùng kháng sinh hợp lý và hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu viêm họng kèm theo sổ mũi và sốt... thường do bị cúm thì không có thuốc đặc trị mà chỉ nghỉ ngơi, dùng các thuốc bổ (vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch...) kết hợp ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, phần lớn sẽ khỏi bệnh sau khoảng 1 tuần (nếu không có biến chứng), nhưng nếu có biến chứng thì bệnh có thể kéo dài hơn (biến chứng nặng có thể gây tử vong). Chúng ta cũng cần lưu ý là bệnh cúm dễ lây truyền, có thể phát triển thành dịch, nên khi nghi ngờ người nào đó bị cúm chúng ta cần cách ly người đó, cần phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, dùng nước sát trùng để vệ sinh môi trường, xúc miệng thường xuyên để khử khuẩn, riêng viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A (xúc miệng bằng dung dịch kiềm nhẹ, cắt Amidan, nạo V.A khi nghi ngờ do vi khuẩn loại này). Khi đã bị bệnh, cần phải đi khám bệnh để có hướng điều trị và sử trí đúng. Tránh chủ quan, để đề phòng những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Doctor SAMAN

TS.BS cao cấp Ngô Quang Trúc

Viện Y học bản địa Việt Nam

[]