Cây thuốc

Xuyến chi – cỏ thần trị bệnh tiểu đường

Người dân thường chỉ biết Xuyến chi là cây cỏ mọc hoang, không mang lại lợi ích gì nên họ tìm cách loại bỏ nó. Nhưng mọi người lại không biết đến những tác dụng thần kỳ mà cây xuyến chi đem lại, đặc biệt là tác dụng điều trị bệnh tiểu đường – căn bệnh […]

Người dân thường chỉ biết Xuyến chi là cây cỏ mọc hoang, không mang lại lợi ích gì nên họ tìm cách loại bỏ nó. Nhưng mọi người lại không biết đến những tác dụng thần kỳ mà cây xuyến chi đem lại, đặc biệt là tác dụng điều trị bệnh tiểu đường – căn bệnh trong cuộc sống hiện đại ngày nay với tỉ lệ mắc ngày càng gia tăng.

Xuyến chi hay còn gọi là đơn buốt, quỷ châm, đơn kim, song nha lông, người dân hay gọi là hoa cỏ đĩ. Nó có tên khoa học là Bidens pilosa, một loài thực vật có hoa thuộc chi Bidens, họ Cúc (Asteraceae)

Cây Xuyến chi

Đặc điểm thực vật và phân bố

Cây thảo mọc hàng năm, cao 0.3m-1m, mọc đứng, phân nhánh nhiều; thân và cành có rãnh chạy dọc, khi già màu nâu tía; thân non có lông. Lá mọc đối, có cuống dài, đơn hay thường có 3 lá chét hình trứng thuôn dài 3-6cm, rộng 1.5-2cm, mặt trên ráp, mép khía răng cưa nhọn, đều. Cụm hoa ở nách lá hay ở ngọn, mọc riêng lẻ hay từng đôi một. Trong mỗi đầu hoa, các hoa vòng ngoài hình lưỡi màu trắng; các hoa ở giữa màu vàng. Quả bế hình thoi, có 2-3 sừng ở đầu quả như những cái gai nhỏ.

Dễ dàng tìm thấy cây này ở ven các con đường, quanh làng bản, từ vùng thấp lên đến độ cao 1600m.

Giá trị dinh dưỡng trong xuyến chi

Trong những năm 1970, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đã thúc đẩy việc trồng Xuyến chi ở châu Phi vì nó dễ trồng, có thể sử dụng làm rau ăn và không có độc tính. Giá trị dinh dưỡng của Xuyến chi được thể hiện ở bảng sau.

Bảng giá trị dinh dưỡng trong cây Xuyến chi

Xuyến chi được sử dụng nhiều chống bệnh tiểu đường ở Mỹ, Châu Phi và Châu Á. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Xuyến chi có thể điều trị bệnh tiểu đường type 1 (T1D) và bệnh tiểu đường type 2 (T2D) ở động vật

Hoạt chất sinh học có tác dụng đối với bệnh Tiểu đường

Trên cơ sở xem xét tác động sinh học của Xuyến chi, các nhà nghiên cứu đã phân lập được các hoạt chất 3 polyynes: 3-β-D-glucopyranosyl-1-hydroxy-6(E)-tetradecene-8,10,12-triyne; 2-β-D-glucopyranosyloxy-1-hydroxy-5(E)-tetradecene-7,9,11-triyne và 2-β-D-glucopyranosyloxy-1-hydroxytrideca-5,7,9,11-tetrayne (cytopiloyne) có tác dụng hạ đường huyết trên chuột.

Cấu trúc hóa học của các hoạt chất sinh học trong Xuyến chi

Hợp chất A: 2-β-D-glucopyranosyloxy-1-hydroxytrideca-5,7,9,11-tetrayne (cytopiloyne)

Hợp chất B: 2-β-D-glucopyranosyloxy-1-hydroxy-5(E)-tetradecene-7,9,11-triyne

Hợp chất C: 3-β-D-glucopyranosyl-1-hydroxy-6(E)-tetradecene-8,10,12-triyne

Cơ chế tác dụng đối với Tiểu đường tuýp 1

Đối với Tiểu đường type 1(T1D), nghiên cứu cho thấy thành phần butanol của Xuyến chi ức chế sự tăng sinh tế bào T, làm giảm tế bào Th1 và cytokines, tăng tế bào Th2 và cytokines, phòng ngừa T1D ở chuột không bị tiểu đường. Trong 3 polyyne được phân lập thì Cytopiloyne có hoạt tính chống T1D mạnh nhất. Cơ chế chống tăng đường huyết của Cytopiloyne do nó ức chế sự tăng sinh tế bào T và điều hòa miễn dịch.

Cơ chế tác dụng đối với Tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường type 2 (T2D) là bệnh chuyển hóa mạn tính gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Dịch chiết ethanol của ngọn Xuyến chi giúp làm giảm lượng đường trong máu trên chuột. Hỗn hợp 2 hợp chất C và B (tỉ lệ 2:3) làm giảm đáng kể nồng độ glucose trong máu, do tác dụng ức chế cơn đói. Các tác giả đánh giá khả năng kháng tiểu đường thông qua sự hạ đường huyết, tăng lượng insulin trong máu, cải thiện dung nạp glucose và giảm tỷ lệ hemoglobin glycosyl hóa. Cơ chế làm hạ đường huyết của dịch chiết nước Xuyến chi là kích tích tăng tiết insulin và chống teo tế bào tuyến tụy.

Cũng như các thuốc điều trị Tiểu đường tổng hợp, Cytopiloyne không ngăn chặn được và không hoàn toàn chữa khỏi bệnh Tiểu đường nhưng lại có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Những thảo dược tốt cho sức khỏe luôn hiện hữu quanh chúng ta tương tự như cỏ Xuyến chi. Từ những hiểu biết về bệnh học, dược học và y học cổ truyền, chúng ta có thể mở rộng phát triển các hướng nghiên cứu mới điều trị những căn bệnh mạn tính nhằm tận dụng các loài thảo dược sẵn có này.

Tài liệu tham khảo

1. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1 – Võ Văn Chi, Nhà xuất bản Y học

2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3712223/

Doctor SAMAN
DS.NCV Lý Thị Minh Giang

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

DS.NCV Lý Thị Minh Giang

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận