Thế giới ngày nay đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa… người ta thường gọi là thời đại công nghiệp lần thứ tư – 4.0, chính công nghiệp hóa đã giúp cho nền kinh tế của mỗi nước phát triển vượt bậc, đời sống con người không ngừng nâng cao…nhưng mặt trái của nó cũng không hề nhỏ, đi liền với thời cơ là thách thức mới nảy sinh, biến đổi môi trường và khí hậu khá trầm trọng, phát sinh nhiều stress v.v... gây tác hại đến sức khỏe con người, làm tăng các bệnh ung thư, tim mạch, các bệnh rối loạn chuyển hóa như béo phì, đái tháo đường, tâm thần… theo đó mô hình bệnh tật cũng thay đổi, trong đó có bệnh tâm thần ngày càng tăng và phát triển, đáng lưu ý nhất là trầm cảm. Đây là một điều rất đáng lo ngại không chỉ Việt Nam mà cả thế giới.
Bệnh nhân cảm thấy buồn chán, mất mọi quan tâm thích thú, tri giác xung quanh ảm đạm
Các nhà khoa học kết luận rằng: Trầm cảm có cơ chế bệnh sinh phức tạp, là một hình thái phản ứng phức hợp tâm sinh học, làm thay đổi rất nhiều không chỉ những rối loạn đặc trưng về tâm thần, mà còn những biến loạn rất lớn về cơ thể, thần kinh, nội tiết. Những giả thuyết về vai trò của Catecholamin, trong đó có sự suy giảm hoạt tính của hệ thống Adrenalin làm giảm sự tập trung của Noradrenalin, mất cân bằng Serotonin ở một số vùng của đại não, dẫn đến những biến đổi về thần kinh nội tiết, trong đó có vai trò trước hết của hạ khâu não – tuyến yên, tuyến giáp trạng và tuyến thượng thận, đã được nhiều nhà nghiên cứu trình bày (M.D Maskovki, N.L Andreva 1984, V.N Xinhiski 1984…). Ngày nay, nhờ tiến bộ trong khoa học và công nghệ, người ta đã đo và xác định được những biến đổi này.
Trên thế giới đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về trầm cảm đã được công bố, các sách chuyên khảo mô tả rất sâu về trầm cảm, trong đó các tác giả rất chú ý mô tả về đặc điểm, các hình thái biểu hiện lâm sàng, phân loại, điều trị…, và đã cảnh tỉnh tính phổ biến của trầm cảm (N.A Sartorin, A.S Jablenski 1984 công bố có khoảng 3-5% nhân loại bị mắc trầm cảm). Ở Việt Nam, mới có các nghiên cứu cỡ mẫu nhỏ của Viện sức khỏe tâm thần và Bệnh viện tâm thần trung ương (ở 2 xã phường) xác định tỷ lệ mắc trầm cảm ở cộng đồng khoảng 2-5% (Trần Viết Nghị, Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Viết Thiêm 1997).
Nhiều nghiên cứu mới của Anh, Pháp, Mỹ… nêu tỷ lệ mắc mới trầm cảm từ 15- 24%.
Vì trầm cảm có cơ chế bệnh sinh phức tạp, do đó nó biểu hiện ra bên ngoài (biểu hiện lâm sàng) cũng rất đa dạng và phong phú. Có thể bắt gặp trong nhiều chuyên khoa khác nhau của ngành y. Vì vậy chúng ta dễ nhầm trầm cảm với các bệnh khác.
1. Thế nào được gọi là trầm cảm điển hình
Khi xét về tâm thần của một người nào đó có được bình thường hay không, người ta thường xem xét về 3 mặt của hoạt động tâm thần, đó là: cảm xúc (thường là khí sắc); tư duy; hành vi tác phong.
Y học gọi là trầm cảm điển hình khi cả 3 mặt hoạt động tâm thần kể trên đều giảm; Và được diễn tả cụ thể như sau:
- Giảm khí sắc: bệnh nhân cảm thấy buồn chán, mất mọi quan tâm thích thú, tri giác xung quanh ảm đạm, nhận cảm không thoải mái, đau đớn nặng nề trong lòng, nỗi “buồn sinh thể”, thường bi quan, không thể cố gắng trong công việc tối thiểu cả trong lao động tay chân và trí óc.
- Suy nghĩ chậm, thường khó tập trung, giảm chú ý, liên tưởng khó khăn, giao tiếp chậm chạp, thường lồng tư tưởng xám hối, xem xét các sự kiện trong quá khứ như một chuỗi sai lầm, xấu hổ, tủi nhục, bất hạnh, nhiều trường hợp kết tinh thành hoang tưởng tự buộc tội hoặc bị buộc tội là nguyên nhân dẫn đến tự sát, tử vong.
- Hành vi tác phong: Người bệnh thường giảm hoạt động, nằm một chỗ, không muốn và không thích tham gia bất kể một công việc gì, kể cả tự chăm sóc cá nhân, kèm theo thường lo âu, ám ảnh, nghi bệnh, thường rối loạn giấc ngủ: mất ngủ, thức giấc sớm…, chán ăn, đôi khi từ chối ăn uống dẫn đến suy kiệt rất nặng nề.
2. Khi nào gọi là trầm cảm không điển hình
Đó là bệnh nhân không đầy đủ triệu chứng của trầm cảm điển hình.
3.Khi nào được gọi là đã bị bệnh trầm cảm
- Một người bị trầm cảm phải có 3 triệu chứng sau: Khí sắc trầm; mất quan tâm thích thú; giảm năng lượng, dễ mệt mỏi dù chỉ sau một cố gắng nhỏ.
- Người bệnh còn có thể có các triệu chứng khác như: Giảm sút sự tập trung và chú ý; giảm sút tính tự trọng và lòng tin; có ý tưởng bị tội, không xứng đáng; nhìn vào tương lai ảm đạm, bi quan; ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát; rối loạn giấc ngủ; ăn ít ngon miệng v.v.
- Khi bệnh nhân bị trầm cảm nặng thường có biểu hiện triệu chứng “sinh học” trầm cảm đó là: Sút cân (giảm 5% cân nặng cơ thể trong vòng 4 tuần), giảm khả năng tình dục, ít ngủ, thức giấc sớm, sững sờ. Tình trạng bệnh lý này thường kéo dài ít nhất 2 tuần.
- Hiện nay ngành tâm thần học còn sử dụng thang điểm Beck để hỗ trợ trong việc chẩn đoán, theo dõi quá trình tiến triển và kết quả điều trị trầm cảm (chúng tôi sẽ giới thiệu ở những bài tiếp theo về trầm cảm).
Doctor SAMAN
TS.Bs cao cấp Ngô Quang Trúc