Xem Phần 2 tại đây: https://yhocbandia.vn/1599

Cách xây dựng đề cương và viết một báo cáo Nghiên cứu khoa học y học
Chúng ta nghiên cứu cái gì đây và tại sao lại nghiên cứu vấn đề đó?

Hiện nay đội ngũ những người làm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe càng ngày càng đông đảo. Đó là dấu hiệu đáng mừng vì đã góp phần thúc đẩy sự phát triển và lớn mạnh của lĩnh vực này. Tuy nhiên để xây dựng đề cương cho nghiên cứu hay viết một công trình nghiên cứu khoa học Y học thì là một việc không đơn giản. Thực tế cho thấy có rất nhiều các lỗi khác nhau trong đề cương hay báo cáo nghiên cứu nên ảnh hưởng tới chất lượng của nghiên cứu, nguyên nhân chính vẫn là do người viết chưa nắm chắc cách viết, chưa có đủ kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học. Bài viết này nhằm cung cấp thêm các kiến thức trên đây và chỉ ra một số lỗi hay gặp trong khi viết đề cương hay báo cáo nghiên cứu.  

Bài viết dựa trên sự tổng hợp của nhiều tài liệu khác nhau về hướng dẫn viết đề cương hay báo cáo nghiên cứu khoa học, ngoài ra dựa vào kinh nghiệm của tác giả sau gần 20 năm làm nghiên cứu khoa học Y học, viết đề cương và báo cáo nghiên cứu, phản biện các bài báo, luận án, luận văn, các công trình nghiên cứu… Tuy nhiên, chắc chắn bài viết này còn nhiều thiếu sót, rất mong sự đóng góp của quý độc giả để sửa đổi và bổ sung, giúp cho lần tái bản sau hoàn thiện hơn. Bài viết này sẽ gồm nhiều phần và được đăng trên trang Web theo nhiều kì khác nhau. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

PHẦN 1. CHỌN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

Chọn vấn đề nghiên cứu (VĐNC) là bước đầu tiên cho một đề tài nghiên cứu khoa học. Câu hỏi: Chúng ta nghiên cứu cái gì đây và tại sao lại nghiên cứu vấn đề đó? luôn là câu hỏi lớn nhất, khi giải đáp thỏa đáng câu hỏi này thì coi như VĐNC đã được chọn xong. 

Một vấn đề được chọn làm nghiên cứu, nhìn chung, cần có các tiêu chí như sau:

  1. Là một vấn đề hay công việc nổi cộm, được ưu tiên;
  2. Có đủ khả năng thực thi nghiên cứu; 
  3. Có một số đặc tính khác: Tính mới, tính khoa học, tính không lặp lại…

1. Vấn đề/ công việc ưu tiên

Một vấn đề được gọi là ưu tiên (vấn đề ưu tiên - VĐƯT) của một cộng đồng (xã, huyện, tỉnh hay khu vực) hay một cơ sở y tế nào đó (công ty, trung tâm y tế, bệnh viện…) khi nó “nổi cộm” trong cộng đồng hay cơ sở y tế đó, trong khoảng thời gian xác định (tháng, quý hay năm…). “Nổi cộm” tức là nó có độ lớn âm tính cao hay nói cách khác, nó có khoảng cách âm tính xa so với mục tiêu, chỉ tiêu hay mong muốn của con người. Vậy khái niệm “âm tính” và “dương tính” ở đây là gì?

“Dương tính” là nói về cái tốt, cái tích cực, ví dụ: Khoa Ngoại đã có 6 bác sĩ trong 10 bác sĩ cần có.

“Âm tính” là nói về cái xấu, cái không tốt, ví dụ, khoa Ngoại còn thiếu 4 bác sĩ trong 10 bác sĩ cần có. Như vậy, thiếu 4/10 bác sĩ chính là “khoảng cách âm tính”, khoảng cách này càng lớn thì tính ưu tiên càng cao và ngược lại.

Chú ý, sự nổi cộm (hay còn gọi là tính cấp bách) của vấn đề luôn thay đổi theo “thời gian” và “không gian”, ví dụ, tại huyện A/ hay cơ sở y tế A năm nay tiêu chảy rất nổi cộm vì tỉ lệ mới mắc tăng gấp đôi năm ngoái, nhưng sang năm tới, tỉ lệ này là âm, nên không còn là nổi cộm nữa. Xã M thuộc huyện A, năm nay có tỉ lệ sốt xuất huyết tăng cao, nó rất nổi cộm ở xã M, nhưng với huyện A thì tiêu chảy mới là nổi cộm.

Một điểm cần lưu ý nữa là “diện ưu tiên” của vấn đề. Nếu vấn đề nằm trong diện ưu tiên theo chính sách của nhà nước, của địa phương hay của cộng đồng/ cơ sở y tế thì cần cân nhắc để chọn ưu tiên ưu tiên ở mức cao. Các chính sách ưu tiên lớn của ngành Y tế hiện nay là: Phòng chống dịch; cấp cứu; khám chữa bệnh cho người nghèo, người có công; chăm sóc sức khỏe ban đầu, y học cổ truyền…[4].

2. Có đủ khả năng thực thi nghiên cứu

Tức cộng đồng hay cơ sở y tế (nơi VĐƯT hiện hữu) phải có đủ điều kiện thực hiện nghiên cứu đó về mọi phương diện sau đây (trong khoảng thời gian xác định như tháng, quý, năm…):

  1. Nhân lực: Đủ nhân lực phục vụ cho điều tra trên thực địa thu thập thông tin, xử lý và phân tích số liệu…Đặc biệt con người phải có đủ trình độ, kĩ năng để xây dựng đề cương, thực hiện nghiên cứu và viết báo cáo nghiên cứu.
  2. Kinh phí: Nhiều nghiên cứu đòi hỏi chi phí lớn, như một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, trên lâm sàng, nghiên cứu cộng đồng có nhóm đối chứng lớn…Đòi hỏi nghiên cứu viên (NCV) phải tính toán, tìm nguồn cung cấp đủ kinh phí. Vì vậy trong đề cương bao giờ cũng phải thuyết minh rõ chi tiết các chi phí cho nghiên cứu và các nguồn kinh phí.
  3. Cơ sở vật chất, trang thiết bị: Nhiều nghiên cứu đòi hỏi phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị lớn như phòng thí nghiệm, hóa chất, thuốc, máy móc…Nếu đơn vị chủ trì nghiên cứu không đáp ứng được thì phải thuê mượn, vậy có thuê mượn đủ không? Ở đâu?…Cần trả lời được các câu hỏi này một cách thỏa đáng.
  4. Các phương diện khác: VĐƯT có phù hợp với tập quán của người dân trong vùng, có được sự ủng hộ của cán bộ nhân, viên của đơn vị y tế và người dân trong cộng đồng – nơi thực hiện nghiên cứu không? Có đảm bảo đạo đức nghiên cứu không?

​3. Tính mới, tính không lặp lại

Vấn đề nghiên cứu không trùng lặp với nghiên cứu nào đã làm ở địa phương và các nơi khác vì vậy NCV phải rà soát kĩ để tránh trùng lặp. Theo tác giả Nguyễn Văn Tuấn thì: Cái mới trong nghiên cứu có thể là mới về ý tưởng, mới về cách tiếp cận, mới về phương pháp, mới về kết quả hoặc mới về cách diễn giải. Ngày nay, rất khó có một nghiên cứu hoàn toàn mới, mà chỉ mới trong một hay hai khía cạnh trên. Do đó, một câu hỏi nghiên cứu không cần phải hoàn toàn mới và nguyên thủy, nhưng cần phải có cách tiếp cận hay phương pháp mới [9]

Đương nhiên khi một vấn đề hay công việc nào đó được gọi là VĐNC thì sau khi giải quyết được, nó sẽ mang lại ý nghĩa và lợi ích lớn cho các bên liên quan tại cộng đồng hay cơ sở y tế. Do vậy, trong phần đặt vấn đề của đề cương hay báo cáo nghiên cứu, phải thuyết minh thật rõ ý nghĩa và lợi ích này. Đó cũng chính là lý do thiết thực và xác đáng để tiến hành nghiên cứu vấn đề [1].

Có nhiều tác giả đã đặt ra các tiêu chí cho chọn VĐNC thông qua lượng giá (tức chấm điểm) các tiêu chí này ở bảng 1.

Bảng 1. Chọn vấn đề cho nghiên cứu (Hay chọn ưu tiên VĐNC)

 

 

Tên vấn đề

Tiêu chí chọn VĐNC

Cộng

Thứ tự

ưu tiên

Tính xác đáng

(Ưu tiên)

Tránh lặp lại

(mới)

Tính khả thi (nguồn lực)

Sự chấp nhận của chính quyền

Tính ứng dụng

Tính bức thiết

Sự chấp nhận về đạo đức

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cột 1: Liệt kê tên các vấn đề của cộng đồng hay cơ sở y tế, dựa trên sự đề xuất nghiên cứu của các bộ phận (khoa, phòng, đơn nguyên…) hay các tổ chức, cá nhân…

Cột 2 đến 8: Là các tiêu chí để chọn ưu tiên vấn đề cho nghiên cứu. Mỗi tiêu chí chia ba mức (ứng với mỗi điểm) (bảng 2).

Cột 9: Tổng điểm của mỗi vấn đề. Tổng điểm thấp nhất cho nghiên cứu là 7 và cao nhất là 21.

Cột 10: Chọn VĐNC số 1, hay 2, hay 3… dựa vào tổng điểm ở cột 9. VĐNC  số 1 có tổng điểm cao nhất và ưu tiên làm nghiên cứu cao nhất.

Bảng 2. Chấm điểm các tiêu chí chọn VĐNC [5, 6]

Tiêu chí

Điểm

Tính xác đáng (Ưu tiên)

1 = Không xác đáng

2 = Xác đáng

3 = Rất xác đáng.

Tránh lặp lại (Tính mới)

1 = Lặp lại 71-100% nội dung nghiên cứu trước

2 = Lặp lại 30-70%

3 = Lặp lại dưới 30%.

Tính khả thi (nguồn lực)

1 = Nguồn lực thiếu nhiều cho nghiên cứu vấn đề > 20%

2 = Nguồn lực thiếu ít và có thể bù được (<20%).

3 = Nguồn lực có đủ.

Sự chấp nhậncủa chính quyền

1 =Không được chấp nhận

2 = Được chấp nhận ở mức các nhà lãnh đạo

3 = Được chấp nhận hoàn toàn.

Tính ứng dụng

1 = Không có cơ hội ứng dụng

2 = Có vài cơ hội ứng dụng

3 = Có cơ hội úng dụng tốt.

Tính bức thiết

1 = Không đòi hỏi bức thiết

2 = Có/ không, chưa rõ ràng

3 = Bức thiết, cần làm nghiên cứu sớm.

Sự chấp nhận về đạo đức

1 = Vấn đề đạo đức lớn, không được cộng đồng chấp nhận.

2 = Vấn đề đạo đức nhỏ

3 = Không có vấn đề gì về đạo đức.

Hội đồng khoa học của đơn vị (thông thường mỗi cơ sở y tế đều có hội đồng khoa học) họp mở rộng với các lãnh đạo, các cán bộ quản lý, các đại diện của các bộ phận khác nhau (phòng, ban, khoa, đơn nguyên…) để chọn VĐNC. Hội đồng bàn bạc, trao đổi kĩ rồi thống nhất từng điểm cho mỗi tiêu chí thuộc từng vấn đề, nhưng cũng có thể từng thành viên của Hội đồng chấm điểm này riêng rẽ (sau khi họp và phân tích kĩ) sau đó lấy điểm trung bình cộng tất cả các điểm các thành viên cho mỗi tiêu chí theo từng vấn đề [2]. Điểm trung bình cộng này có tính khách quan cao nhất, đảm bảo độ chính xác cao nhất.

Trên thực tế, có rất nhiều cách chọn VĐNC.

  1. Tự chọn: Cộng đồng hay cơ sở y tế tự chọn VĐNC cho thời gian tới (1 năm chẳng hạn). Hội đồng khoa học của đơn vị họp mở rộng (như trên đã trình bày). Kết quả của họp chọn VĐNC sẽ được lãnh đạo của cộng đồng/ cơ sở y tế kí, đóng dấu để hợp pháp hóa. Ví dụ, năm 2018, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đặt ra nhiệm vụ khoa học công nghệ cho mình, thực hiện đề tài nghiên cứu Quy trình, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp Hà Nội đầu năm 2019, phục vụ cải tiến chất lượng khám chữa bệnh cho bản thân Bệnh viện này1.
  2. Dựa trên nhiệm vụ cấp trên giao: Cấp trên đã chọn ưu tiên sẵn các nghiên cứu và đề nghị cơ sở y tế thực hiện nghiên cứu với nguồn lực được cấp trên giao. Cũng có thể cơ sở y tế nhận làm nghiên cứu theo yêu cầu hợp tác với đơn vị khác và đề tài cùng kinh phí do đơn vị này giao. Ví dụ, năm 2011, Trường Đại học Dược Hà Nội được Bộ Y tế giao đề tài Nghiên cứu tổng hợp L-thyroxin và Liothyronin làm thuốc chữa bướu cổ với nguồn kinh phí được Bộ cấp [3]. Một ví dụ khác, năm 2014, Trường Đại học Y Hà Nội cùng với một số đơn vị khác (Trường Đại học Y tế công cộng, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Trường Đại học Thái Nguyên…) làm nghiên cứu theo hợp đồng với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội về đề tài Tổng kết 30 năm đổi mới hệ thống y tế Việt Nam: Thành tựu và thách thức. VĐNC do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội giao, kèm kinh phí [7].

Nêu tên VĐNC: Qua phân tích trên, rõ ràng khi nêu tên VĐNC cần đáp ứng đủ, rõ ràng các tiêu chí sau:

  1. Rõ vấn đề tồn tại;
  2. Có độ lớn của vấn đề;
  3. Rõ thời gian vấn đề xảy ra;
  4. Rõ địa điểm xảy ra;
  5. Rõ đối tượng bị tác động (nếu có) [2].
  6. Có tính trọn vẹn: Xử lí vấn đề tương đối trọn vẹn: Sao cho kết quả thu được giúp rút ra những kết luận rõ ràng, góp phần giải quyết hầu hết các vấn đề cơ bản cần nghiên cứu đã đặt ra (thể hiện qua tên đề tài).
  7. Có phạm vi giới hạn phù hợp: Phạm vi càng hẹp thì vấn đề sẽ càng được đào sâu, trong khi một vấn đề có phạm vi rộng sẽ dễ dẫn đến nguy cơ dàn trải, thiếu tập trung, xử lí các vấn đề chỉ ở trên bề mặt [8].

Ví dụ, tên VĐNC cho nghiên cứu tại cộng đồng và cơ sở y tế được viết như sau (bảng 3):

Bảng 3. Tiêu chí viết VĐNC

Tiêu chí

Huyện M

Công ty Dược

Tên VĐNC đầy đủ.

Tỉ lệ trẻ <5 tuổi tại huyện M bị viêm đường hô hấp cấp tính là 25% năm 2019.

Tác động của chất MK trong điều trị bệnh Kaler tủy xương.

Vấn đề tồn tại

Viêm đường hô hấp cấp tính

Tác động của chất MK trong điều trị bệnh Kaler tủy xương.

Độ lớn của vấn đề tồn tại, thể hiện sự nổi cộm2

25%

Hiểu ngầm là chưa biết gì (0)

Thời gian vấn đề xảy ra

Cả năm 2019

Hiểu ngầm là hiện nay

Địa điểm xảy ra

Toàn huyện M.

Hiểu ngầm là toàn khu vực.

Đối tượng bị tác động

Trẻ em <5 tuổi.

Đối tượng: Người bị bệnh Kaler tủy xương.

Tính trọn vẹn

Xử lí vấn đề “trẻ <5 tuổi tại huyện M bị viêm đường hô hấp cấp tính” khá trọn vẹn, gồm: Mô tả vấn đề, các yếu tố ảnh hưởng tới vấn đề và kiến nghị giải pháp giải quyết vấn đề (Sau này mục tiêu/ nội dung nghiên cứu cũng theo định hướng này).

Xử lí vấn đề “Tác động của chất MK trong điều trị bệnh Kaler tủy xương” khá trọn vẹn, gồm: Mô tả tác động trên lâm sàng và cận lâm sàng của thuốc, kể cả tác dụng phụ…(Sau này mục tiêu/ nội dung nghiên cứu cũng theo định hướng này).

Có phạm vi giới hạn phù hợp.

Phạm vi vấn đề không quá rộng, phù hợp với nguồn lực, thời gian và khả năng nghiên cứu của Trung tâm Y tế huyện M.

Phạm vi vấn đề không quá rộng, phù hợp với nguồn lực, thời gian và khả năng nghiên cứu của Công ty Dược.

Muốn nêu tên VĐNC đảm bảo đủ các tiêu chí trên thì NCV phải tiến hành phân tích kĩ VĐNC, hiểu rõ vấn đề theo mọi khía cạnh cần thiết, đương nhiên sẽ giúp cho quá trình xây dựng đề cương và viết báo cáo nghiên cứu sau này nhiều thuận lợi.

Chú thích

1 Nguồn số liệu: Bệnh viện đa khoa Nông Nghiệp (Cơ sở 1), xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

2 Độ lớn của vấn đề tồn tại nhiều khi NCV không biết, trường hợp này cần điều tra thử một mẫu nhỏ để xác định sơ bộ độ lớn đó. Ví dụ, điều tra thử một mẫu ngẫu nhiên 50 trẻ < 5 tuổi, tìm tỉ lệ viêm đường hô hấp cấp tính. Cũng có thể dựa trên các bằng chứng khác hay kinh nghiệm bản thân rồi “ước tính” độ lớn này.

Tài liệu tham khảo

1.J.H.Abramson, “First steps”, Survey Methods in Community Medicine-Epidemiological Strudies-Programme Evaluation- Clinical Trials, Fourth edition, Churchill Living Stone, page 2.

2. Vũ Khắc Lương và cs (2015) “Bài 8. Xác định ưu tiên”, Quản lý chất lượng trong cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nhà Xuất bản Y học, Hà Nội, trang 90-95.

3. Bộ Y tế, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, https://moh.gov.vn/danh-muc-de-tai, cập nhật ngày 31/7/2019.

4. Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam, (2017) Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017.

5. Dương Đình Thiện, Lưu Ngọc Hoạt, Nguyễn Trần Hiển và cs (1997) “Phân tích tình hình và lựa chọn vấn đề ưu tiên cho nghiên cứu”, Áp dụng dịch tễ học lâm sàng trong nghiên cứu Y học, Trung tâm Dịch tễ học lâm sàng- Trường Đại học Y Hà Nội.

6. Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (HUTECH) (15/4/2014), Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học, https://www.hutech.edu.vn/doantn/nghien-cuu-khoa-hoc/99-cac-buoc-trien-khai-mot-de-tai-nghien-cuu-khoa-hoc- , cập nhật 02-8-2019.

7. Trường Đại học Y Hà Nội (2014) Tổng kết 30 năm đổi mới hệ thống y tế Việt Nam: Thành tựu và thách thức, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Hà Nội.

8. Vũ Cao Đàm (2000) “Các bước triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học, Giáo trình điện tử - Phương pháp nghiên cứu tài liệu trong nghiên cứu khoa học, Louis Pasteur Strasbourg, http://www.khoahocviet.info/meresci/vi/meresci01a0.html, cập nhật 14-8-2019.

9. Phạm Phúc Vĩnh (2015) Chọn và đặt tên đề tài, Sổ Tay Nghiên cứu Khoa học Sinh viên, http://sotaynghiencuusinhvien.blogspot.com/2015/03/chon-va-at-ten-e-tai.html, cập nhật: 14/8/2019.

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/10.2019\/nghien-cuu-khoa-hoc.png","thumb":"\/resources\/upload\/images\/10.2019\/nghien-cuu-khoa-hoc.png","subHtml":"Ca\u0301ch x\u00e2y d\u01b0\u0323ng \u0111\u00ea\u0300 c\u01b0\u01a1ng va\u0300 vi\u00ea\u0301t m\u00f4\u0323t ba\u0301o ca\u0301o Nghi\u00ean c\u01b0\u0301u khoa ho\u0323c y ho\u0323c"}]