ca-chep-chua-benh-1

Cá chép là một loài cá nước ngọt có nguồn gốc ở châu Âu và châu Á, loài cá này đã được đưa vào các môi trường khác trên toàn thế giới. Nó có thể lớn tới độ dài tối đa khoảng 1,2 mét và cân nặng tối đa 37,3 kg cũng như tuổi thọ cao nhất được ghi lại là 47 năm. Những giống sống trong tự nhiên hoang dã có xu hướng nhỏ và nhẹ hơn khoảng từ 20 - 33% các kích cỡ và khối lượng cực đại.  Theo một số địa phương ở Việt Nam, cá chép còn được gọi là cá gáy.

Mặc dù cá chép có thể sống được trong nhiều điều kiện khác nhau, nhưng nói chung nó thích môi trường nước rộng với dòng nước chảy chậm cũng như có nhiều trầm tích thực vật mềm như rong, rêu. Là một loại cá sống thành bầy, chúng ưa thích tạo nhóm khoảng từ 5 cá thể trở lên. Nó là những loại cá ăn tạp chúng ăn gần như mọi thứ khi chúng bơi ngang qua, bao gồm các loại thực vật thủy sinh, côn trùng, giáp xác, động vật phù du  hoặc cá chết. Là loài cá đẻ trứng nên một con cá chép cái trưởng thành có thể đẻ tới 300.000 trứng trong một lần đẻ, tuy vậy cá bột bị nhiều loài cá ăn thịt khác săn bắt do đó tốc độ gia tăng chậm. Do thói quen sục sạo dưới bùn của chúng để tìm mồi nên cá chép bị coi là nguyên nhân gây ra sự phá hoại thảm thực vật ngầm cũng như sự phá hủy môi trường sinh thái của nhiều quần thể thủy cầm và cá bản địa, là một trong những nguyên nhân gây nước đục ở ao, đầm, ruộng và một số dòng sông. Tuy nhiên, nó được nhân dân đánh giá cao do kích thước và chất lượng thịt vì vậy  loài cá này là một loại thực phẩm được dùng rộng khắp trên thế giới. Hiện nay ngoài cá chép có trong tự nhiên còn có cá chép do nhân dân nhiều nơi tiến hành nuôi thả.

Thịt của nó được dùng cả ở dạng tươi và dạng đông lạnh. Tại Cộng hòa Czech cá chép là một món ăn truyền thống trong bữa ăn tối vào dịp lễ Nô en. Người Trung Quốc cổ đại từng liệt "Ðuôi cá chép" vào một trong "bát trân" (8 cái quý) ngang với chân gấu. Trong Kinh Thi đã có bài thơ vịnh "Khởi kỳ thực ngư, tất hà chi" (Muốn ăn cá, tất phải ăn cá chép ở sông). Nhà y học thời Hậu Lương - Ðào Hoàng Cảnh (Trung Quốc) đã gọi cá chép là "Chư ngư chi trưởng, vi thực phẩm thưởng vị" (Cá chép đứng đầu các loại cá, là loại thực phẩm đứng đầu vị).Ở Việt Nam món cá chép được nhân dân ta rất ưa thích. Ngoài ra hàng năm vào dịp tết ông Táo nhân dân ta thường mua về là ngựa cho ông Táo cưỡi về chầu giời

Cá chép thịt dày và béo, ít xương dăm, thớ thịt trắng mịn, mùi vị thơm ngon. Không những là món ăn ngon mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng chữa trị bệnh tốt, đặc biệt là các bệnh phụ nữ.

1. Về thành phần dinh dưỡng: cá chép có các thành phần dinh dưỡng quan trọng.

Thành phần hóa lý tính của thịt cá chép là chứa nhiều axit amin như: hercynin, glutamid, glycin, giàu vi lượng khoáng chất, đặc biệt là các vitamin A, B1, B12, PP…cụ thể:

- Trong : thịt cá chép: protit 16%, lipit 3,6 – 5,6 % (0,3 % axit béo omega 3), sắt 0,9 mg%, Ca 17mg%, P 184mg%, Mg 12mg%, vitamin A 181 mcg%, B1 0,018 mg%, B2 0,04 mg%, B6 0,17 mg%…
- Vảy cá: chứa collagen. Mật cá có sắc tố mật, acid mật và sterol.
- Tính vị công năng 
- Thịt cá chép có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng lợi niệu, hạ khí, tiêu thủng, an thai, thông sữa, giảm ho, suyễn.
- Vảy cá tính bình, có tác dụng cầm máu.
- Mật cá có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng thông ứ, minh mục.

2. Về quan điểm đông y: Cá chép được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, tiêu phù nề, bổ máu, tráng kiện tỳ, vị, chống phù nề, an thai và điều trị các chứng đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, và hạ cholesterol. Đặc biệt với phụ nữ đang mang thai có thể dùng cá chép để an thai, thông sữa. Trong Cương mục y học Trung Quốc thời Tống có ghi: "Cá chép là dương tính trong âm tính, có tác dụng tiểu tiện, cho nên có thể chữa được bệnh khi kết lạnh, nướng lên thì hỏa hóa, có phát phong hàn, bình phổi thông sữa, làm sạch đường tiêu hóa, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy". Cá chép trong dân gian Trung Quốc thường được gọi là "Ích mẫu hà tiêu" (Thuốc tiên chữa bệnh phụ khoa) vì nó có tác dụng nổi bật trong lĩnh vực này.

- Tác dụng làm an thai: Phụ nữ mang thai dễ xuất hiện các triệu chứng khí huyết yếu kém, tâm tính không yên. Trong bài thuốc "Thánh Huệ", Thánh Huệ phương có ghi: Lấy một con cá chép nặng khoảng nửa cân, để cả vẩy, mổ bỏ tạp ruột, trộn thêm nửa lạng gạo nếp, rửa sạch, cho thêm ít vỏ quýt, gừng sống. Ðổ tất cả vào nồi ninh chín, cho thêm ít muối, ăn 5-7 lần sẽ có hiệu quả rất nhanh.

- Chữa nôn mửa: Phụ nữ thời kỳ đầu mang thai thường xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, chóng mặt... Y học cổ truyền gọi là "Nhiên thần ác trở" (Triệu chứng xấu khi mang thai). Nguyên nhân do tỳ vị suy yếu, mạch đập mạnh... gây nên. Lấy một con cá chép nặng khoảng 250g đánh vẩy, mổ bỏ nội tạng, rửa sạch, cho thêm 6g sa sâm đập nhỏ, 10g gừng tươi thái mỏng. Bỏ cả hai thứ vào trong bụng cá hầm chín, ăn trong ngày, có công hiệu kiện tỳ hòa vị, giảm thổn thức, tiêu trừ nôn mửa.

- Chữa bệnh phù thũng: Sau khi mang thai 5-6 tháng, phụ nữ thường hay có chứng sưng mặt, chân tay phù thũng, tiểu tiện ít. Có thể dùng một con cá chép nặng 500g, 120g đậu đỏ (loại hạt nhỏ), cho thêm ít gừng, hành, bỏ vào nấu chín, ăn hơi nhạt (chú ý không nêm mặn). Ðây là bài thuốc rất công hiệu. Hoặc cá chép loại đuôi đỏ (600 g), mổ bỏ ruột, nhồi phèn phi 20 g đã nghiền nhỏ. Bọc giấy, trát bùn, nướng chín. Bỏ bùn, gỡ lấy thịt cá nấu cháo, ăn hết trong ngày.

- Giúp làm tăng lượng sữa: Sau khi sinh, phụ nữ có người không có sữa hoặc ít sữa, có thể dùng một con cá chép nặng khoảng 2 lạng rưỡi, một chân giò lợn loại bé, 3g thông thảo. Hầm thật nhừ, ăn dần 1-2 ngày sẽ có nhiều sữa và sữa rất mát tốt cho trẻ.

- Chữa bệnh ứ huyết: Phụ nữ sau khi sinh có thể bị chứng khí huyết ứ trễ, đau bụng dưới, máu xấu không kịp bài tiết ra ngoài... Nghiền, tán nhỏ vẩy cá chép, cho vào từ 3-5g nước đun sôi. Uống với ít rượu nếp có công hiệu làm tan huyết, thông huyết, chữa trị được chứng ứ huyết.

- Làm tăng công năng dạ dày: Dạ dày của phụ nữ sau khi sinh có thể thay đổi cường độ co bóp. Dùng một con cá chép nặng nửa cân, làm sạch vẩy và ruột, cho vào nồi nấu canh. Khi cá chín nhừ cho thêm ít gia vị, hồ tiêu, muối. Ăn cả nước và cái, có tác dụng bổ tỳ vị, trị bệnh hư hàn.

- Chữa cam thũng ở trẻ em: Thịt cá chép nấu với lá bìm bìm non. Cho trẻ bị cam thũng ăn hàng ngày cho đến khi đái được nhiều và đỡ nặng mật.

- Trị bí đái: Cá chép một con. Hoàng kỳ 60g. Nấu ăn.

- Chữa phù nề, vàng da ở phụ nữ đang mang thai: Thịt cá chép một con nấu thật nhừ với đậu đỏ 100 g, trần bì 10 g. Ăn hàng ngày. - Chữa liệt dương: Mật cá chép (một cái), gan gà trống một cái, nghiền nát, ngâm trong 500 ml rượu trắng, 5 – 7 ngày, càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần. Lần 30 ml. Hoặc mật cá chép một cái, trứng chim sẻ (một quả), mật gà trống (một cái), làm viên uống.

- Chữa rong kinh, rong huyết khi có thai: Vảy cá chép (nửa bát), rang cháy đen cùng lá ngải cứu và rễ cây gai (mỗi thứ một nắm), nghiền nát, sắc với 400 ml nước, còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng trong 3 ngày liên tục.

- Chữa băng huyết (chảy máu tử cung): Vảy cá chép (200 g), cắt nhỏ, sắc nhỏ lửa với nước rồi cô đến khi thành cao đặc. Ngày uống 40 – 60 g cao với rượu hâm nóng, chia làm 2 lần.
- Chữa hóc xương cá: Vảy lưng cá chép 36 cái, sao vàng, tán bột mịn, uống với nước lạnh.
- Chữa suy nhược: Thịt cá chép nấu với ngó sen, ăn vào bổ huyết, ích thận, kiện tỳ.

- Công dụng khi dùng làm món ăn: Trong cá chép chứa nhiều thành phần bổ dưỡng như như đã nói ở trên, có tác dụng bổ máu chữa mất ngủ, mệt mỏi, và giúp não bộ khỏe khoắn, phục hồi cơ thể rất tốt cho tuổi già, trẻ em, phụ nữ, bà bầu, người mới ốm dậy. Ăn nhiều giúp sắc mặt hồng hào, tuần hoàn tốt.

Ths Bs Lâm Văn Tiên

Nghiên cứu viên cao cấp

Viện Y học bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/11.2018\/cach-dung-cac-bo-phan-cua-ca-chep-chua-benh.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/11.2018\/cach-dung-cac-bo-phan-cua-ca-chep-chua-benh.jpg","subHtml":"ca-chep-chua-benh-1"}]