Xơ vữa động mạch là một trong các nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch. Bệnh mạch là bệnh xuất hiện ở những chỗ dễ bị tổn thương tại các động mạch chính. Đó là một quá trình viêm và cuối cùng gây ra hẹp mạch hoặc tạo huyết khối cùng với chứng thiếu máu cục bộ ngoại biên. Các thành phần chính tham gia vào việc gây bệnh xơ vữa động mạch tổng hợp gồm máu nhiễm mỡ (hyperlipidemia), tổn thương nội mô (endothelial injury), oxy hóa và tồn dư tiểu nội mô có LDL (LDL subendothelial retention), hoạt hóa và di chuyển của đơn bào, tăng sinh và di chuyển của tế bào cơ trơn mạch, hình thành tế bào bọt, tế bào bị chết bởi các thể thực bào xung quanh chúng (efferocytosis), chết rụng tế bào và viêm nội mạc lòng mạch không chữa được. Trong số các thành phần gây bệnh xơ vữa động mạch nêu trên thì rối loạn lipid (dyslipidemia) là các yếu tố nguy hại độc lập hàng đầu. Đặc điểm của rối loạn lipid là tăng cholesterol toàn phần (TC), tăng triglyceride (TG), tăng cholesterol LDL (LDL-C) và giảm cholesterol có lipoprotein nồng độ cao (HDL-C) trong huyết thanh. Sự mô tả biểu hiện lâm sàng và điều trị xơ vữa động mạch đã được viết trong các sách về thuốc của Trung Quốc vào 500 năm trước công nguyên. Trong nhiều thế kỷ trước đây bệnh xơ vữa động mạch, rối loạn lipid và các bệnh tim mạch xảy ra do hai căn bệnh trên đã được điều trị bằng thảo dược. Dưới đây là các vị thuốc thảo dược thường được sử dụng trong việc làm giảm xơ vữa động mạch và giảm mỡ máu.
1. Hành hoa Allium fistulosum L. (Amaryllidaceae)
Hành hoa |
Hành hoa Allium fistulosum L. được trồng nhiều ở phía nam Trung Quốc. Điều trị bằng thân lá Hành hoa đã làm giảm đáng kể vùng tổn thương trung bình của xơ vữa động mạch cùng với việc duy trì được thành mạch, giảm được sự xâm nhập của tế bào miễn dịch. Các chiết xuất của Hành hoa cũng làm giảm các cytokine gây viêm như IL-1β, IL-6, MCP, TNFα và điều hòa làm giảm hoạt động tại chỗ của hệ thống renin – angiotensin - aldosterone trong mô của động mạch chủ. Ngoài ra, việc điều trị bằng chiết xuất của Hành hoa đã ức chế được một số con đường tín hiệu gây viêm tại chỗ thông qua việc ngăn chặn sự hoạt hóa của chúng, bao gồm phosphoryl hóa NFκB, Janus kinase/ tải nạp tín hiệu, các yếu tố hoạt hóa phiên mã và các con đường protein kinase được hoạt hóa bởi chất gây giãn phân (mitogen-activated protein kinase pathways). Những dữ liệu trên cho thấy thân lá hành hoa có tác dụng làm giảm xơ vữa động mạch với cơ chế điều hòa các đáp ứng viêm tại chỗ. |
2. Tỏi Allium sativum L. (Amaryllidaceae)
Ngoài tác dụng chống tăng cao huyết áp, tác dụng điều trị rối loạn lipid trên người của Tỏi Allium sativum L. được biết đến một cách rộng rãi. Người ta đã chia 70 bệnh nhân đái tháo đường type 2 chớm bị bệnh rối loạn lipid thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất sử dụng viên tỏi 300 mg ( chứa 1.3% allicin) hai lần một ngày và nhóm thứ 2 dùng các viên placebo. Sau 12 tuần sử dụng tỏi đã cho thấy có sự giảm rõ rệt các chỉ số như cholesterol toàn phần và cholesterol LDL-C đồng thời có sự tăng chlesterol HDL-C. Trong một nghiên cứu bắt chéo, mù đôi trên những người đàn ông có cholesterol tương đối cao cho thấy việc sử dụng 7,2 g chiết xuất tỏi già đã làm giảm tối đa 6,1% cholesterol toàn phần và 4,6% cholesterol LDL-C . Tuy vậy, một nghiên cứu phân tích dữ liệu lớn lại cho biết tỏi chỉ có tác dụng làm giảm cholesterol toàn phần một cách vừa phải và không có tác động đến cholesterol LDL-C cũng như cholesterol HDL-C. Có nhiều nghiên cứu cho biết tỏi có tác động cải thiện chuyển hóa lipid. Do sự phân tích dữ liệu lớn dựa trên các thực nghiệm không cùng một phương pháp luận thống nhất nên cần có thêm các nghiên cứu để xác định tác động của tỏi lên bệnh xơ vữa động mạch và rối loạn lipid. |
3. Hoàng kỳ Astragalus propinquus (Fabaceae)
Flavonoid trong Hoàng Kỳ |
Rễ khô của Hoàng kỳ Astragalus propinquus chứa các thành phần chính có hoạt tính là các polysaccharide, các flavonoid và các sponin. Các nghiên cứu trên chuột cho biết chiết xuất của Hoàng kỳ đã làm giảm đáng kể vùng có các mảng xơ vữa và giảm cholesterol LDL-C trong huyết thanh. Kết quả nghiên cứu về tác động của chiết xuất cũng như các thành phần của chiết xuất từ Hoàng kỳ đã được tóm tắt trong một nghiên cứu tổng quan. Nghiên cứu này cho biết trong thí nghiệm trên chuột bị nhiễm mỡ sử dụng 0,4 và 0,8% chiết xuất Hoàng kỳ trong vòng 5 tuần thấy giảm Triglycerid, Cholesterol toàn phần và Cholesterol LDL-C.Kết quả tương tự cũng đạt được khi chuột nhiễm mỡ sử dụng các polysaccharide từ Hoàng kỳ với liều 40 mg, 100 mg/kg/ngày trong vòng 40 ngày. Phù hợp với tác động trên là chiết xuất từ Hoàng kỳ cũng đã làm tăng Cholesterol HDL-C. |
4. Hoàng liên Coptis chinensis Franch. (Ranunculaceae)
Cấu trúc hóa học của Berberine |
Rễ cây Hoàng liên Coptis chinensis Franch., Coptis deltoidea C. và Coptis teeta Wall được dùng cho điều trị xơ vữa động mạch. Các thành phần chính của rễ Hoàng liên bao gồm các Lignan và các Alkaloid trong đó Berberine là chất có hoạt tính làm giảm lipid. Do tác động tích cực của Berberine đã làm giảm lipid nên phần lớn các nghiên cứu đều tập trung vào chất này. Kết quả các nghiên cứu cho thấy việc sử dụng Berberine bằng đường uống hoặc bằng đường tiêm đều đã làm giảm đáng kể Triglyceride, Cholesterol toàn phần, Cholesterol LDL-C trong huyết thanh. Ngoài ra đã có thí nghiệm cho người béo Caucasian uống 500 mg Berberine, ba lần một ngày trong vòng 12 tuần. Kết quả trong thí nghiệm trên cho thấy lipid máu đã được giảm đáng kể và Triglycerid đã giảm 23% và Cholesterol toàn phần giảm 12.2%. Một nghiên cứu phân tích dữ liệu lớn từ 847 bệnh nhân trong 11 thực nghiệm ngẫu nhiên cho biết Berberine đã làm giảm đáng kể các chỉ số sinh học về giảm lipid trong máu. |
5. Sơn tra Crataegus spp. (Rosaceae)
|
Đã có nhiều nghiên cứu sâu rộng về tác dụng giảm lipid của Sơn tra trên động vật. Trong một thực nghiệm trên chuột bị ăn nhiều chất béo được uống chiết xuất Sơn tra với liều 250 mg/kg/ngày đã thấy giảm lipid trong máu đáng kể. Đã có thực nghiệm về so sánh tác động giảm lipid trong máu giữa chiết xuất Sơn tra bằng con đường sắc uống và con đường chiết xuất bằng ethanol. Trong thí nghiệm trên chuột cho ăn uống nhiều chất béo cho thấy chiết xuất Sơn tra dạng sắc uống và chiết xuất Sơn tra bằng ethanol đều có tác dụng làm giảm lipid trong máu nhưng chiết xuất Sơn tra bằng ethanol có hiệu quả cao hơn. Tác động làm giảm lipid trong máu của Sơn tra đã phần lớn góp phần vào quá trình ức chế tiến triển xơ vữa động mạch, bằng chứng rõ rệt là sự ức chế đáng kể các biến đổi bệnh sinh và đã làm giảm độ dày của lớp áo trong của các thành động mạch. Trong một số nghiên cứu sâu đã cho thấy tác động làm giảm lipid trong máu của Sơn tra là do các hoạt động chống viêm, do điều hòa làm tăng PPARα tạo thúc đẩy hoạt động của các enzyme liên quan đến oxy hóa β ở gan dẫn đến thoái hóa lipid, do làm tăng biểu lộ của các thụ thể LDL ở gan làm dòng Cholesterol ở huyết tương vào gan nhiều hơn, do ngăn chặn sự tổng hợp sinh học của Cholesterol và làm tăng sự thoái hóa của Cholesterol thành các axit mật (bile acid). Cần có các nghiên cứu tiếp theo về tác động làm giảm lipid của Sơn tra trên người. |
Doctor SAMAN
Lược dịch và viết: TS. Đỗ Lộc
Tài liệu tham khảo
https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fphar.2016.00469/full; Trường đại học y Quảng Châu và Viện sức khỏe Trường đại học Hồng Kông, 2016.