I . ĐẠI CƯƠNG.

Khi bị thương tất cả các vết thương đều chảy máu. Mức độ chảy máu ít hay nhiều còn phụ thuộc vào tổn thương như: mao mạch, tĩnh mạch hoặc động mạch. Cầm máu tạm thời nhanh và tốt nhất ở tuyến hoả tuyến là một cấp cứu rất quan trọng và cần thiết để cứu sống tính mạng thương binh và hạn chế những biến chứng và di chứng sau này. Khi có một vết thương chảy máu, cần phải bình tĩnh, có biện pháp xử trí khẩn trương và thích hợp. – Mục đích của cầm máu tạm thời là nhanh chóng làm ngừng chảy máu để hạn chế mất máu, vì mất máu sẽ gây sốc nặng.

II .NGUYÊN TẮC.

1. Rất khẩn trương, nhanh chóng làm ngừng chảy máu.

Vì mỗi giây phút chậm trễ là thêm một khối lượng máu mất đi. Trong những tổn thương động mạch lớn, máu chảy mạnh thành tia lại càng phải khẩn trương cầm máu vì dễ có nguy cơ đưa đến sốc và tử vong do mất máu.

2. Xử trí đúng chỉ định theo tính chất của vết thương.

Những biện pháp cầm máu tạm thời phải tùy theo tính chất và mức độ chảy máu, không làm một cách thiếu thận trọng, nhất là khi quyết định đặt ga rô.

III.PHÂN BIỆT TÍNH CHẤT CHẢY MÁU.

1.Phân loại chảy máu.

– Chảy máu mao mạch (mạch máu rất nhỏ). Lượng máu chảy ít, vết thương tự cầm sau một thời gian ngắn.

– Chảy máu tĩnh mạch vừa và nhỏ. Máu chảy ri rỉ, màu đỏ sẫm, không thành tia, cục máu hình thành nhanh chóng và bít các mạch bị tổn thương lại. Những rách đứt các tĩnh mạch lớn vẫn gây nên những chảy máu ồ ạt gây nguy hiểm cho tính mạng thương binh.

– Chảy máu động mạch. Máu chảy vọt thành tia (phụt theo nhịp tim đập) hoặc trào ra miệng vết thương ra ngoài như mạch nước đùn từ đáy giếng lên, máu mầu đỏ tươi, lượng máu có thể vừa, lớn hoặc rất lớn tùy theo loại động mạch bị tổn thương. Trong thực tế, những vết thương có phối hợp cả tĩnh mạch và động mạch. Những vết thương gãy xương còn có tổn thương các mạch máu nuôi xương.

2.Chẩn đoán vết thương mạch máu.

– Điển hình : Thấy một vết thương có máu đỏ tươi chảy ra thành tia, nhưng phần lớn là thấm ướt quần áo.

– Tình trạng toàn thân của thương binh: nhợt nhạt, hốt hoảng, khát nước, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, vã mồ hôi.

– Có thể vết thương động mạch nhưng máu đã tự cầm do huyết áp hạ hoặc do cục máu đông.

– Trường hợp vết thương mạch máu, nhưng không có chảy máu ra ngoài, các dấu hiệu như mọi loại vết thương phần mền thông thường. Mạch máu đứt bị co rút sâu vào trong các lớp cơ, miệng đã được máu cục bịt lại nên chẩn đoán rất khó khăn, do đó phải dựa vào những dấu hiệu sau đây để chẩn đoán.

– Vết thương nằm trên đường đi của động mạch.

– Chi mất cơ năng và đau.

– Phía dưới chi bị thiếu máu: chi lạnh, nhợt nhạt, dao động mạnh hoặc mất mạch. – Khối máu tụ ở dưới các lớp cơ hình thành một vùng sưng to, giãn nở, có mạch đập.

IV.CÁC BIỆN PHÁP CẦM MÁU TẠM THỜI.

1.Gấp chi tối đa:

Là biện pháp cầm máu đơn giản và rất tốt mà thương binh có thể tự làm ngay sau khi bị thương. Khi chi bị gấp mạnh, động mạch cũng bị gấp và de ép bởi các khối cơ bao quanh làm cho máu ngừng chảy. Chỉ áp dụng ở những vết thương không có gãy xương kèm theo.

1.1. Gấp cẳng tay vào cánh tay.

Khi tổn thương động mạch ở bàn tay, cẳng tay. Phải gấp ngay thật mạnh cẳng tay vào cánh tay. Động mạch cánh tay sẽ bị ép chặt ở nếp gấp khuỷu và máu ngừng chảy. Khi cần gữi lâu, có thể cố định tư thế này bằng vài vòng băng ghì chặt cổ tay vào phần trên của cánh tay.

1.2. Gấp cánh tay vào thân người (có con chèn).

Khi tổn thương động mạch cánh tay, lấy ngay một khúc gỗ tròn đường kính 5 – 10 cm, một cái chai hoặc một vật rắn tương tự rồi kẹp chẹt vào nách phía trên chỗ chảy máu. Động mạch cánh tay bị ép chặt giữa vật rắn và thân xương cánh tay làm cho máu ngừng chảy.

1.3. Gấp cẳng tay vào đùi.

Khi tổn thương động mạch bàn chân, cẳng chân. Thương binh nằm ngửa hoặc ngồi dùng 2 bàn tay kéo mạnh cẳng chân p vào đùi. Có thể đệm thêm một cuộn băng vào nếp khoeo. Động mạch khoeo bị gấp lại làm máu ngừng chảy.

1.4. Gấp đùi vào thân.

Khi tổn thương động mạch ở đùi, thương binh nằm ngửa dùng 2 bàn tay kéo mạnh đầu gối để ép chặt đùi vào thân. Động mạch đùi bị gấp lại làm máu ngừng hoặc chảy yếu đi.

2. Ấn động mạch.

Dùng ngón tay, có thể bằng một ngón cái, 2 ngón cái, 4 ngón tay khác hoặc cả nắm tay ấn vào động mạch trên đường đi của nó từ tim đến vết thương. Động mạch bị ép chặt giữa ngón tay và nền xương làm cho máu ngừng chảy ngay tức khắc. Khi ấn phải làm rất khẩn trương nên không cởi quân áo cuả thương binh. Nhược điểm là không làm lâu được vì rất mỏi tay người ấn.

2.1. Ấn động mạch quay và trụ ở cổ tay.

Dùng hai ngón cái ấn mạnh vào động mạch quay và trụ ở phía trên cổ tay, cách bờ trong và bờ ngoài cẳng tay khoảng 1,5cm.

2.2. Ấn động mạch cánh tay.

Khi tổn thương động mạch cánh tay, cẳng tay. Dùng 1 ngón cái hoặc 4 ngón tay khác ấn mạnh vào mặt trong cánh tay ở phía trên vết thương. Nếu vết thương ở cao, ấn sâu vào đọng mạch nách ở đỉnh hố nách.

2.3. Ấn động mạch dưới đòn.

Khi chảy máu nhiều ở hố nách. Dùng ngón cái ấn mạnh vào sâu hố trên đòn sát giữa bờ sau của xương đòn. Động m ạch bị ấn chặt vào xương sường một làm ngừng chảy.

2.4. Ấn động mạch đùi.

Đặt thương binh nằm ngửa, dùng 2 ngón cái ấn mạnh vào giữa nếp bẹn, các ngón tay khác ôm lấy mặt ngoài và trong của đùi. Có thể thay 2 ngón cái bằng 1 cuộn băng ấn chặt vào giữa nếp bẹn.

2.5. Ấn động mạch cảnh cổ tay.

Dùng ngón cái ấn mạnh vào cổ, phía dưới vết thương, theo bờ trước cơ ức đòn chuẩn. Cũng có thể dùng cả 5 ngón tay bóp vào cơ ức đòn chũm và động mạch cảnh để cầm máu.

2.6. Ấn động mạch mặt.

Khi chảy máu nhiều vung má, ấn mạnh vào động mạch ở cằm. Điểm ấn ở bờ dưới xương hàm dưới, cách góc xương hàm khoảng 3cm

2.7. Ấn động mạch thái dương nông.

Khi chảy máu nhiều vùng thái dương, ấn vào động mạch thái dương ở vùng trước tai.

2.8. Ấn động mạch chủ bụng ở vùng rốn.

Nếu chảy máu ồ ạt từ động mạch chậu có thể ấn động mạch chủ bụng ở vùng rốn bằng cả năm tay và trọng lượng của toàn thân.

3. Băng ép.

Băng các vòng băng xiết tương đối chặt, đè p mạch vào các bộ phận bị tổn thương, tạo điều điện thuận lợi cho việc hình thành các cục để cầm máu. Thích hợp với các vết thương không có tổn thương không có thương tổn mạch máu lớn. Cách làm băng ép.

– Đặt một lớp gạc

– bông hút phủ kín vết thương.

– Đặt lớp bông mỡ dày trên lớp bông gạc.

– Băng theo kiểu vòng xoắn hoặc số 8, các vòng băng xiết tương đối chặt phương pháp này áp dụng cho mọi loại vết thương.

4. Băng chèn.

Là băng ép có vật chèn lên các vị trí ấn động mạch. Con chèn được đặt trên đường đi của động mạch, giữa vết thương và tim, càng sát vết thương càng tốt, sau đó băng cố định con chèn bằng nhiều vòng xiết tương đối chặt theo kiểu vòng tròng hoặc số 8. Hai yêu cầu cơ bản:

– Đặt con chèn đúng đường đi của động mạch.

– Các vòng băng cố định con chèn phải xiết tương đối chặt.

4.1. Băng chèn ở cánh tay, cẳng tay.

Khi chảy máu nhiều ở cánh tay, cẳng tay.

– Đặt 1 con chèn ở mặt trong cánh tay, cẳng tay.

– Băng cố định con chèn bằng nhiều vòng băng xiết tương đối chặt.

– Theo dõi mạch ở cổ tay: nếu mạch ngừng đập là tốt.

– Tại vết thương: máu còn chảy rất ít hoặc ngừng chảy hoàn toàn là tốt.

4.2. Băng chèn ở hố nách.

Khi tổn thương 1/3 trên cánh tay.

– Đặt con chèn sâu vào hố nách, tốt nhất dùng cuộn băng làm con chèn vào động mạch và đầu trên cánh tay rồi băng tiếp theo kiểu băng vai số 8. Theo dõi như băng chèn ở cánh tay.

– Băng vòng tròn 3 – 4 vòng để ép chặt con chèn vào động mạch và đầu trên cánh tay rồi băng tiếp theo kiểu băng vai số 8. Theo dõi như băng chèn ở cánh tay.

4.3. Băng chèn ở hố khoeo.

Khi có chảy máu nhiều ở cẳng chân.

– Đặt con chèn vào giữa trám khoeo. Tốt nhất con chèn là một cuộn băng vải cuốn chặt.

– Băng vòng tròn 3 – 4 vòng băng để ép chặt con chèn vào động mạch, rồi băng theo kiểu số 8.

4.4. Băng chèn ở nép bẹn (cung đùi).

Khi tổn thương động mạch đùi, ở mặt trong đùi.

– Dùng 1 cuộn băng to làm con chèn, đặt ở giữa nếp bẹn.

– Băng bẹn theo kiểu số 8, vòng băng xiết tương đối chặt.

– Theo dõi như băng ở cánh tay.

4.5. Băng chèn ở cổ.

Khi tổn thương động mạch cảnh ở vùng cổ, cần có 2 người.

– Người thứ nhất: đặt con chèn ấn vào động mạch cảnh phía dưới vết thương, nên dùng một cuộn băng ấn mặt ngoài cổ, bờ trước cơ ức đòn chũm.

– Người thứ hai: đặt nẹp ở phía đối xứng vết thương, đi từ đầu xuống mặt ngoài vai, cánh tay và cố định nẹp bằng các vòng băng ở đầu và ở vai.

– Băng ép con chèn vào nẹp đối xứng.

– Có thể cho thương binh vắt tay ở phía đối diện lên đầu thay cho nẹp.

4.6. Băng chèn ở cổ chân.

Khi chảy máu nhiều ở bàn chân mà băng p không có hiệu quả.

– Đặt 2 con chèn: 1 ở sau mắt cá trong, 1 ở mặt trước cổ chân trên đường kéo dài của khoảng giữa 2 xương bàn chân một và hai.

– Băng ép để cố định con chèn.

5. Băng đút nút.

Là cách băng có dùng thêm bấc gạc để nút vào vết thương, thích hợp với các vết thương động mạch ở sâu, giữa các kẽ xương, vùng cổ, chậu.

Cách làm: Dùng kẹp hoặc nỉa ấn gạc đến đáy vết thương, ấn chặt để gây đè ép các mạch máu. Sau đó băng ép như trên.

6.Băng kẹp để tại chỗ.

Dùng kẹp cầm máu kẹp cả cụm các mạch máu và tổ chức xung quanh để kẹp tại chỗ, băng vết thương lại rồi chuyển thương binh về tuyến sau.

7.Thắt mạch máu.

Sau khi đã kẹp cả cụm, có thể khâu buộc chỉ cả cụm rồi tháo có thể mở rộng vết thương, tìm mạch máu và thắt tại chỗ.

8.Khâu da mép vết thương.

Dùng khi chảy máu ồ ạt, vết thương gọn sạch… mà các phương pháp trên không làm được.

– Dùng để khâu kín mép da biến vết thương hở thành vết thương kín.

– Có thể nhồi ấn bấc gạc chặt rồi khâu kín 2 mép vết thương.

9.Ga rô.

Ga rô là biện pháp cầm máu tạm thời bằng dây cao su hoặc dây vải xoắn chặt vào đoạn chi để làm ngừng sự lưu thông máu từ phía trên xuống phía dưới của chi. Một ga rô thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật sẽ cắt đứt hoàn toàn sự lưu thông máu từ trên xuống và ngược lại. Một ga rô nếu để lâu quá 60 – 90 phút sẽ làm hoại tử đoạn chi ở phía dưới ga rô. Nếu phaỉ chờ đợi thì cứ 30 phút phải tiến hành nới ga rô 1 lần.

9.1. Chỉ định đặt ga rô.

– Vết thương bị cụt chi tự nhiên hoặc chi thể bị đứt gần lìa.

– Chi bị dập nát quá nhiều biết chắc không thể bảo tồn được.

– Vết thương có tổn thương mạch máu đã áp dụng những biện pháp cầm máu tạm thời trên mà không có kết quả?

– Vết thương máu chảy ồ ạt ở chi thể trong điều kiện chiến đấu ác liệt, khẩn trương mà quân y cần phải xử trí nhanh chóng..

– Vết thương mà thương binh và đồng đội không biết cách băng chèn .Bắt buộc phải đặt ga rô.

– Đặt garo khi nơi xảy ra tai nạn ở gần trung tâm phẫu thuật.

– Đặt ga rô tạm thời để mổ xử trí vết thương. – Đặt ga rô khi bị rắn độc cắn.

9.2. Nguyên tắc đặt ga rô.

– Ga rô phải đặt sát ngay phía trên vết thương và để bộc lộ ra ngoài tuyệt đối không để ống quần, tay áo hoặc vật gì che lấp ga rô.

– Nhanh chóng chuyển những thương binh có những ga rô về tuyến sau. Trên đường vận chuyển phải nới ga rô 30 phút một lần và không để ga rô lâu quá 3 – 4 giờ.

– Phải chấp hành triệt để những quy định về ga rô là:

+ Có phiếu ghi rõ ngày, giờ đặt ga rô, họ tên người đặt ga rô…

+ Có ký hiệu bằng dải đỏ cài vào túi áo trên bên trái.

+ Phiếu chyển thương có ga rô phải ghi đúng theo mẫu đã quy định.

9.3. Cách đặt ga rô.

– ấn động mạch ở phía trên vết thương để tạm thời cầm máu.

– Lót vải hoặc gạc ở chỗ chỉ định đặt ga rô hoặc dùng ngay ống quần, ống tay áo để lót.

– Đặt ga rô và xoắn dần (nếu có dây vải), bỏ tay ấn động mạch rồi vừa xoắn vừa theo dõi mạch ở dưới hoặc chảy máu ở vết thương. Nếu mạch ngừng đập hoặc máu ngừng chảy là được. khi đã xoắn vừa đủ chặt thì cố định que xoắn. Nếu là dây cao su thì chỉ cần cuốn nhiều vòng tương đối chặt rồi buộc cố định. Cuối cùng, băng ép vết thương và làm các thủ tục hành chính cần thiết.

9.4. Cách nới ga rô.

Nới ga rô là để cho máu xuống nuôi dưỡng đoạn chi ở dưới ga rô.

– Những trừơng hợp không nới ga rô.

– Khi chi đã bị hoại tử vì để ga rô quá lâu ( quá 3-4 giờ).

– Khi chi đã bị cụt tự nhiên.

– Khi đoạn chi ở dưới ga rô có dấu hiệu hoại tử, hoại thư.

– Khi bị rắn độc căn. Còn các trường hợp khác phải nới ga rô 30 phút một lần.

– Thứ tự nới ga rô:

+ Người phụ ấn động mạch ở phía trên ga rô.

+ Người chính nới ga rô, nới rất từ từ, vừa nới vừa theo dõi sắc mặt thương binh, tình hình máu chảy ở vết thương, mạch và màu sắc đoạn chi ở dưới ga rô. Để ga rô nới khoảng 4-5 phút. Trong khi nới, nếu: Thấy máu chảy mạnh ở vết thương, phải ấn vào động mạch cho tốt. Nếu thấy sắc mặt thương binh thay đổi đột ngột tím tái hoặc nhợt nhạt phải đặt ga rô lại ngay. Khi đặt lại dây ga rô, không đặt ở chỗ cũ mà nhích lên hoặc nhích xuống một ít để khỏi gây lằn da thịt và thiếu máu kéo dai chỗ đặt ga rô. Nếu nới ga rô mà quan sát không thẩy chảy máu nhiều từ chỗ bị thương nữa thì vết thương đã tự cầm máu và không cân đặt lại ga rô nữa, nhưng vấn đề dây ga rô tại chỗ và sẵn sàng buộc lại nếu chảy máu lại.

9.5. Cách tháo ga rô.

Những trường hợp không nới ga rô thì cũng không được tháo ga rô.

Tháo ga rô để thay thế bằng một biện pháp cầm máu khác: Thứ tự như sau.

– Dự phòng sốc do tháo ga rô.

– Phong bế gốc chi: Novocain 0,25% X 50-100-150 ml tùy theo vị trí.

– Tiêm cafein 0,25 x 1 ống vào bắp thịt.

– Truyền tĩnh mạch huyết thanh ngọt và vitamin B1, C nếu có điều kiện.

– Một người ấn động mạch, một người tháo ga rô từ từ, nhẹ nhàng.

– Thay ga rô bằng các biện pháp cầm máu khác như băng p, băng chèn, kẹp hoặc thắt động mạch … nếu còn thấy chảy máu nhiều.

– khi tháo ga rô phải theo dõi máu chảy tại vết thương. Mạch, nhiệt độ, huyết áp và sắc mặt của thương binh. Nếu thấy có hiện tượng sốc nhiễm độc do tháo ga rô phải lập tức đặt lại ga rô ngay và tiến hành chống sốc tích cực.

NGUỒN

ĐẠI HỌC Y KHOA HÀ NỘI

Trang web : www.ykhoaviet.tk

Email : lesangmd@gmail.combachkhoayhoc@gmail.com 

Điện thoại : 0973.910.357

Viện Y học bản địa Việt Nam trân trọng cảm ơn BS Lê Đình Sáng đã chia sẻ nội dung trên!

Doctor SAMAN

[{"src":"chrome-extension:\/\/lifbcibllhkdhoafpjfnlhfpfgnpldfl\/call_skype_logo.png","thumb":"chrome-extension:\/\/lifbcibllhkdhoafpjfnlhfpfgnpldfl\/call_skype_logo.png","subHtml":""}]