Trichomonas vaginalis là nguồn lây từ môi trường nước, lây nhiễm từ người sang người. Ngoài gây bệnh riêng rẽ nó còn tăng hiệu quả lây truyền HIV. Khi điều trị cần quan tâm điều trị cả bạn tình. Bệnh có thể điều trị bằng lá Nhội mà ta vẫn thường ăn với gỏi cá, ít kháng, hiệu quả cao.

Trùng roi âm đạo Trichomonas vaginalis là một loại ký sinh trùng rất nhỏ, thuộc ngành đơn bào, lớp trùng roi. Trùng roi này ký sinh ở âm đạo, gây viêm âm đạo. Bệnh viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis còn được gọi là bệnh trùng roi sinh dục nữ, bệnh này lây truyền chủ yếu qua con đường quan hệ tình dục. Người mắc bệnh phải được chẩn đoán kịp thời và điều trị, tránh những biến chứng về sau. Để giúp chị em có những hiểu biết hơn về bệnh này, mời chị em đọc kỹ bài viết dưới đây.

1. Đặc điểm sinh học của trùng roi và bệnh trùng roi sinh dục nữ

Trùng roi Trichomonas vaginalis có hình giống hình cầu hay hình quả lê, có 4 roi đi về phía trước, 1 roi bám vào thân tạo thành màng vây chuyển, kích thước của trùng roi từ 10 – 25 mm x 7 - 15 mm, sinh sản vô giới bằng cách phân đôi theo chiều dọc cơ thể. Trùng roi ký sinh ở âm đạo, trong dịch tiết âm đạo, các nếp nhăn của da ở bộ phận sinh dục. Tại nơi ký sinh, trùng roi ăn vi khuẩn, bạch cầu, các tế bào lát sau khi phân giải. Trùng roi âm đạo ưa pH hơi toan (6 – 6,5), ở pH này chúng có kích thước lớn, hoạt động mạnh còn ở môi trường toan ví dụ ở âm đạo phụ nữ khoẻ mạnh (pH 3,8 - 4,4) thì kích thước của trùng roi bé, hoạt động yếu (pH phải ở mức acid mới bảo vệ được âm đạo). Trùng roi âm đạo chuyển từ vật chủ này sang vật chủ khác ở thể hoạt động. Thường thấy trùng roi âm đạo và nấm Candida như bạn đồng hành. Trùng roi âm đạo gặp nhiều ở phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, hiếm gặp ở tuổi chưa dậy thì, ít gặp hơn ở phụ nữ mãn kinh.

Ở nam giới Trichomonas vaginalis sống trong niệu đạo là chủ yếu, đôi khi có thể gặp trong các túi tinh và trong tuyến tiền liệt.

                                             Trichomonas vaginalis              

Trichomonas vaginalis

2. Con đường lây truyền

Bệnh trùng roi chủ yếu lây qua quan hệ tình dục. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đồ dùng quần áo, khăn tắm ẩm ướt, bồn tắm, thau chậu trong môi trường nước nhiễm trùng roi.

3. Biểu hiện lâm sàng của người mắc bệnh

- Giai đoạn đầu mới bị bệnh, triệu chứng thể hiện cấp tính như ngứa ngáy nhiều, nóng rát ở âm đạo rất khó chịu, dịch âm đạo tiết nhiều, màu trắng đục, có khi vàng hoặc xanh, có bọt, nặng mùi (còn gọi là khí hư), khám thấy âm đạo viêm sưng đỏ, đau, niêm mạc bị kích thích phù, có nơi bị loét.

- Sau đó bệnh chuyển sang bán cấp và mạn tính, thường không có viêm tấy, và thành thể trường diễn kéo dài. Trên lâm sàng, các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân là có khí hư chảy ra nhiều, màu trắng đục, nhày dính, có bọt: âm đạo, âm hộ bị đỏ, rát nhất là khi có kinh nguyệt, niêm mạc âm đạo có hiện tượng sung huyết, đôi khi tụ huyết, có những nốt đỏ rất nhỏ khiến người bệnh rất ngứa ngáy, khó chịu...

Soi tươi bệnh phẩm dịch âm đạo nhận định nấm và Trichomonas vaginalis

Soi tươi bệnh phẩm dịch âm đạo
nhận định nấm và Trichomonas vaginalis

4. Các biến chứng của bệnh

- Viêm buồng trứng, vòi trứng làm cho bệnh nhân đau đớn, có hiện tượng bị rong kinh; cổ tử cung cũng có thể bị viêm loét, đau, ngứa, niêm mạc sưng đỏ. Bệnh có thể gây biến chứng viêm hố chậu.

- Vô sinh cũng là một biến chứng thường gặp do trùng roi tiết ra chất nhầy, tạo thành nút bao bọc và bít kín cổ tử cung, ngăn cản không cho tinh trùng xâm nhập vào để thụ tinh nên không thể thụ thai được.

- Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây nên biến chứng viêm nhiễm đường tiết niệu với biểu hiện lâm sàng rõ hoặc không rõ. Khi đi tiểu có thể thấy đau buốt, có chất dịch mủ và tìm thấy ký sinh trùng trong nước tiểu.

5.Cách phòng ngừa và điều trị

- Để có thể phòng ngừa bệnh trùng roi âm đạo thì cần thực hiện những nguyên tắc cơ bản về lối sống tình dục an toàn, lành mạnh và chung thủy, nên sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục, nên vệ sinh sạch sẽ, sử dụng nguồn nước đảm bảo vệ sinh,...không dùng chung đồ dùng, quần áo, thau chậu với người bị bệnh.

- Nếu có dấu hiệu bất thường ở âm đạo, nên đến các cơ sở chuyên khoa để được kiểm tra, điều trị bệnh kịp thời. Thuốc đặc hiệu điều trị trùng roi âm đạo thường dùng là tinidazol, nimorazol, ornidazol (uống) và metronidazol (đặt âm đạo). Thuốc phối hợp  ngăn ngừa, chống nấm thường sử dụng là nystatin, amphotericinB. Tuy nhiên cần phải được sự cho phép và hướng dẫn từ bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc sẽ có thể gây nguy hiểm.

- Những người mắc bệnh cần thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục để làm giảm mức độ viêm nhiễm. Nếu như cả chồng và vợ đều bị thì cần phải điều trị cho cả hai, vì bệnh có thể lây từ vợ sang chồng và ngược lại. Đặc biệt lưu ý, trong thời gian điều trị tuyệt đối không được giao hợp để hạn chế điều kiện và cơ hội lây truyền.

Năm 1963, bộ môn ký sinh trùng Đại học Y Hà Nội phát hiện lá Nhội có hiệu quả chữa trùng roi âm đạo nhanh, hiệu quả cao: lấy 50 gram lá Nhội sắc uống và bơm rửa âm đạo 7 lần trong 7 ngày là khỏi. Có thể nghiên cứu làm thuốc từ lá Nhội theo hướng này.

Doctor SAMAN
ThS Phạm Thị Hiển

 

 

 

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/05.2019\/dau-hieu-viem-am-dao-do-trung-roi-trichomonas-vaginalis.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/05.2019\/dau-hieu-viem-am-dao-do-trung-roi-trichomonas-vaginalis.jpg","subHtml":"Trichomonas vaginalis"},{"src":"\/resources\/upload\/images\/05.2019\/Soi%20t%C6%B0%C6%A1i%20b%E1%BB%87nh%20ph%E1%BA%A9m%20d%E1%BB%8Bch%20%C3%A2m%20%C4%91%E1%BA%A1o.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/05.2019\/Soi%20t%C6%B0%C6%A1i%20b%E1%BB%87nh%20ph%E1%BA%A9m%20d%E1%BB%8Bch%20%C3%A2m%20%C4%91%E1%BA%A1o.jpg","subHtml":"Soi t\u01b0\u01a1i b\u1ec7nh ph\u1ea9m d\u1ecbch \u00e2m \u0111\u1ea1o nh\u1eadn \u0111\u1ecbnh n\u1ea5m v\u00e0 Trichomonas vaginalis"}]