Đại cương về ung thư phổi

Ung thư phổi là là một loại ung thư bắt đầu ở phổi (ung thư nguyên phát), còn các loại ung thư ở nơi khác đến phổi không được gọi là ung thư phổi.

 * Lịch sử bệnh ung thư phổi

  Người ta thấy rằng: Ung thư phổi không phổ biến trước khi hút thuốc lá ra đời. Nó thậm chí còn không được là căn bệnh riêng biệt cho đến năm 1761. Theo các tài liệu y khoa chỉ có 374 trường hợp ung thư phổi trên toàn thế giới vào năm 1912. Tại Đức năm 1929 bác sỹ Fritz Lickint đã nhận ra mối liên hệ giữa hút thuốc và ung thư phổi, sau đó năm 1950 các bác sỹ người Anh đã nghiên cứu về ung thư phổi và đưa ra bằng chứng dịch tễ học đầu tiên về mối liên hệ giữa ung thư phổi và thuốc lá. Kết quả là năm 1964 Hoa kỳ khuyến cáo những người hút thuốc lá nên bỏ hút thuốc để phòng bệnh này.

*Dịch tễ học về ung thư phổi:

 Trên thế giới ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới về cả tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Ở phụ nữ có tỷ lệ mắc cao thứ 3 (sau ung thư vú và ung thư trực tràng) và tỷ lệ tử vong cao thứ hai (sau ung thư vú). Năm 2020, toàn thế giới phát hiện 2,2 triệu ca mắc mới và 1,8 triệu ca tử vong do ung thư phổi, chiếm 18% tổng số các ca chết vì ung thư.

 Ở những người có tiền sử hút thuốc lâu năm có nguy cơ bị ung thư phổi cao nhất, với nguy cơ tăng dần theo thời gian hút thuốc. Tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng ở nam giới cho đến giữa năm 1980 và đã giảm kể từ đó. Ở phụ nữ tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng đến cuối năm 1990 và kể từ đó ổn định.

 Người ta ước tính cứ hút từ 3-4 triệu điếu thuốc lá thì có 1 ca tử vong do ung thư phổi. Những thanh niên không hút thuốc lá nhưng xem quảng cáo thuốc lá từ đó cũng có nhiều khả năng hút hơn. Vai trò của hút thuốc lá thụ động ngày càng được công nhận là một yếu tố nguy cơ mắc ung thư phổi.

 Từ năm 1960 tỷ lệ mắc ung thư biểu mô tuyến phổi bắt đầu tăng lên so với các loại ung thư phổi khác, một phần do sự ra đời của thuốc lá đầu lọc. Việc sử dụng các bộ lọc sẽ loại bỏ được các hạt lớn hơn từ khói thuốc, do đó làm giảm sự lắng đọng trong các đường thở lớn hơn. Tuy nhiên, người hút sẽ phải hít sâu hơn để nhận được cùng một lượng Nicotin để thỏa mãn cơn “thèm”, nên làm tăng sự lắng đọng các hạt trong đường thở nhỏ, nơi có xu hướng phát sinh ung thư biểu mô tuyến. Vì vậy, tỷ lệ ung thư biểu mô tuyến ở phổi tiếp tục tăng.

*Triệu chứng của ung thư phổi

 Ung thư phổi thường thường không gây các dấu hiệu hay triệu chứng gì trong giai đoạn đầu (giai đoạn sớm) của bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng rõ rệt thường xảy ra khi bệnh đã chuyển sang lan rộng và nặng. Các triệu chứng của ung thư phổi bao gồm:

  • Cơn ho mới không khỏi
  • Ho ra máu, dù chỉ một lượng nhỏ
  • Hụt hơi
  • Đau ngực
  • Khàn tiếng
  • Giảm cân
  • Đau xương
  • Đau đầu

Và có thể còn các triệu chứng khác

*Các loại ung thư phổi

Các nhà nghiên cứu phân loại ung thư phổi được theo mô học. Ung thư phổi là ung thư biểu mô. Đối với mục đích điều trị người ta phân làm ung thư phổi làm 2 loại chính là ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (Non-Small-Cell Lung Carcinoma: NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (Small-Cell Lung Carcinoma: SCLC).

+ Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) gồm có ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn.

Gần 40% ung thư phổi là ung thư biểu mô tuyến và đều liên quan đến việc hút thuốc. Một loại phụ của ung thư biểu mô tuyến là ung thư biểu mô phế nang (phổ biến ở những phụ nữ không bao giờ hút thuốc).

Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm khoảng 30% các trường hợp ung thư phổi, xảy ra ở gần các đường thở lớn.

Ung thư tế bào lớn chiếm từ 10- 15% các ung thư phổi, chúng được đặt tên như vậy bởi các tế bào ung thư lớn, với tế bào chất dư thừa, nhân lớn và Nucleoll dễ thấy.

+ Ung thư tế bào nhỏ (SCLC): Người ta nhận thấy SCLC thường chỉ gặp ở những người nghiện thuốc lá nặng.

Trong SCLC các tế bào chứa các hạt tiết thần kinh dày đặc (túi chứa các hormon nội tiết thần kinh) tạo cho khối u này một liên kết hội chứng nội tiết hoặc Paraneoplastic, phần lớn phát sinh ở đường thở lớn hơn (phế quản chính và phế quản phụ).

+ Ngoài ra còn có các loại ung thư phổi khác hiếm gặp như: Ung thư loại Carcinoid, ung thư biểu mô tuyến phế quản, ung thư biểu mô dạng Sarcom...

*Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

- Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Khói thuốc chứa ít nhất 73 chất gây ung thư đã biết. Nguy cơ bị ung thư phổi tăng 25-28% ở những người hút thuốc lá thụ động. Khói Cần sa cũng chứa nhiều chất gây ung thư như trong thuốc lá nhưng tác động gây ung thư phổi không rõ ràng. Ung thư phổi cũng xuất hiện ở cả những người không bao giờ hút thuốc.

- Khí Radon: Là chất khí không màu, không mùi được tạo ra do sự phân hủy phóng xạ Radium trong lòng đất, đá và nước. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ 2 sau thuốc lá gây ung thư phổi.

- Amiăng: Amiăng có thể gây nhiều loại bệnh về phổi trong đó có ung thư phổi. Người vừa hút thuốc lá và tiếp xúc với Amiăng có nguy cơ bị ung thư phổi tăng gấp 45 lần so với dân số chung.

- Ô nhiễm không khí: Các chất gây ô nhiễm không khí có nhiều loại như: Sulfur dioxide (SO2), Mono Oxide Carbon (CO), Dioxide Carbon (CO2)... thải ra do quá trình sản xuất, xây dựng, sinh hoạt, giao thông...

- Di truyền: Khoảng 8 % ung thư phổi do di truyền. Những người có cha mẹ, anh chị em ruột bị ung thư phổi có nguy cơ cao bị mắc ung thư phổi so với những người không có yếu tố này.

- Các nguyên nhân khác: Một số kim loại như Asen, Crôm, Niken...; bức xạ ion hóa; những người đã bị xạ trị ở vùng ngực...Và trong chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam thì chất độc màu da cam có thể đã gây ra “một số vấn đề nào đó” về ung thư phổi.

*Di căn của ung thư phổi

Phổi là cơ quan phổ biến cho sự di căn của khối u của các nơi khác của cơ thể đến phổi. Các khối u này được gọi là khối u di căn hay khối u thứ cấp. Biểu hiện phổ biến nhất là trên X quang phổi có nhiều nốt ở thùy dưới.

Ung thư phổi nguyên phát cũng thường di căn đến não, xương, gan, tuyến thượng thận... Nhuộm miễn dịch của sinh thiết thường giúp xác định nguồn gốc ban đầu. Sự hiện diện của Napsin-A, TTF-1, CK7 và CK20 giúp xác nhận loại phụ của ung thư biểu mô phổi SCLC bắt nguồn từ tế bào nội tiết thần kinh có thể biểu hiện CD56, phân tử kết dính tế bào thần kinh.

*Biến chứng của ung thư phổi

- Ho ra máu

- Hụt hơi, khó thở

- Tràn dịch màng phổi

- Ung thư phổi có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể: Thường di căn đến xương và não.

*Điều trị ung thư phổi

Gồm các phương pháp: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch và nhắm mục tiêu (một số thuốc nhằm vào con đường phân tử: Erlotinib, Gefitinib và Aftinib ức chế Tyrosine kinase tại thụ thể yếu tố tăng trưởng yếu tố biểu bì (EGFR)...

      *Tiên lượng ung thư phổi

         Nhìn chung, tiên lượng ung thư phổi không được tốt, phụ thuộc nhiều yếu tố như phát hiện bệnh sớm hay muộn, các thể bệnh của ung thư phổi, điều trị có kịp thời hay không, sự đáp ứng với từng phương pháp điều trị của mỗi bệnh nhân, tuổi của bệnh nhân, yếu tố tinh thần (lạc quan hay bi quan...)...

     Trong số tất cả những người bị ung thư phổi ở Hoa Kỳ, từ 17-20% bệnh nhân sống sót ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán, còn tại Vương quốc Anh và xứ Wales từ năm 2013 đến 2017 tỷ lệ sống sót sau 5 năm với ung thư phổi ước tính là 13,8%; kết quả còn tồi tệ hơn ở các nước đang phát triển do lý do chủ yếu là được phát hiện ung thư phổi muộn.

    Đối với NSCLC tiên lượng tốt nhất là được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên đến 70%. Những bệnh nhân SCLC giai đoạn rộng có tỷ lệ sống sót trung bình sau 5 năm ít hơn 1%.

 BS Ngô Quang Trúc

Tài liệu tham khảo

  • Mayo clinic
  • Wikipedia tiếng Anh cập nhật mới nhất đến 16/02/2022

 

[]