Bệnh Nhược cơ (Myasthenia), còn gọi là bệnh Nhược cơ nặng giả liệt (Myasthenia Gravis Pseudoparalytica), biểu hiện bằng sự thiếu hụt vận động bất thường khi gắng sức, khi được nghỉ ngơi  thì đỡ dần, hiểu  đơn giản là: Khi vận động gắng sức thì xuất hiện liệt, còn khi nghỉ ngơi không vận động nữa thì đỡ liệt, hoặc hết liệt. Hiện tượng liệt này được điều chỉnh bằng các thuốc chống Cholinestheraze (như thuốc Progticmin, mestinone). Đây là sự kiện xảy ra do sự chẹn dẫn truyền Thần kinh – Cơ.

Đã từ lâu, người ta đã thấy có sự liên quan giữa tuyến Ức và bệnh Nhược cơ, có khoảng 15% các bệnh Nhược cơ có kết hợp với u tuyến Ức, thường là u ác tính. Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu bệnh Nhược cơ, nhất là về miễn dịch học, mối liên quan tuyến Ức và bệnh Nhược cơ, nhưng kết quả theo định hướng nay cho đến nay vẫn còn rất khiêm tốn.

Về dịch tễ học, tuổi xuất hiện bệnh Nhược cơ thường từ 14 – 40 tuổi, ít gặp ở người cao tuổi, nữ giới mắc nhiều gấp 2 lần nam giới. bệnh Nhược  cơ có tỷ lệ mới mắc hàng năm khoảng từ 2 – 10,4/1 triệu dân, tỷ lệ mắc hiện hành từ 25 – 125/1 triệu dân.

Về điều trị, trước đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chỉ định phẫu thuật tuyến ức đã được áp dụng một thời gian dài nhưng nhiều trường hợp không được kết quả như mong muốn. Cho đến nay, vấn đề điều trị bảo tồn bằng các thuốc Tây y, kết hợp với thuốc Đông y vẫn đang được nghiên cứu và phát triển.

Bệnh căn:

Các kết quả nghiên cứu bệnh Nhược cơ đã chỉ ra rằng: sự mẫn cảm với các thụ cảm thể Acetylcholin đã tạo nên các tự kháng thể dẫn tới sự tổn thương chức năng của các thụ thể Acetylcholin trong khớp Thần kinh – Cơ.

Bệnh sinh:

Cơ chế bệnh sinh của bệnh nhược cơ rất phức tạp, quá trình mẫn cảm thụ cảm thể Acetylcholin còn chưa rõ ràng, cái gì phát động cho quá trình mẫn cảm đó đến nay còn chưa được biết. Hiện nay có hai cơ sở để khẳng định có kháng thể kháng thụ cảm thể Acetylcholin ở khớp Thần kinh – Cơ cuả các bệnh nhân Nhược cơ đó là:

  • Sự tương quan tỷ lệ của thụ cảm thể Acetylcholin được phân lập từ cơ của bệnh nhân Nhược cơ đồng bộ với IgG
  • IgG khu trú ở màng sau Sy náp của khớp Thần kinh – Cơ của cơ bị bệnh Nhược cơ.

Lâm sàng:

Các cơ không bị liệt, nhưng ở tình trạng dễ mệt mỏi cực kỳ cao. Người ta có thể làm nổi rõ đặc điểm này bằng cách: để cho người bệnh nghỉ tuyệt đối một thời gian ngắn, sau đó yêu cầu họ thực hiện các động tác luân phiên nhau như mở mắt rồi nhắm mắt, co duỗi các ngón tay, sau một số động tác, vận động trở nên ngày càng khó khăn và lát sau không thể nào vận động được nữa, bệnh nhân không còn khả năng vận động, ngay cả việc giữ cho mi mắt ở trạng thái bình thường, mà phải chịu sụp mi mắt.

Nhưng chỉ cần để bệnh nhân ở trạng thái nghỉ ngơi khoảng 1 đến 2 phút thì các rối loạn vận động sẽ giảm đi dần, rồi lại một thử nghiệm gắng sức mới ngay lúc ấy lại tái xuất hiện các rối loạn trước đó.

Sự giả liệt này không phải chỉ xảy ra ở các cơ nâng mi mà còn xuất hiện ở các cơ khác của cơ thể khi hoạt động gắng sức.

Tính chất của nhược cơ này thường biến đổi trong ngày, sáng sớm khi thức dậy, người bệnh cảm thấy gần như bình thường, nhưng sau đó cơ dần dần bị nhược, sau một vận động gắng sức… rồi lại nhược cơ… rồi lại hồi phục… càng về chiều sự nhược cơ càng nhiều hơn.

Người ta thường thấy cơ mắt bị Nhược cơ nhiều nhất, đặc biệt là cơ bên ngoài mắt nên gây Sụp mi là dấu hiệu hay gặp, ngoài ra các cơ vận động nhãn cầu (bởi các dây III, IV, VI)… vì vậy hay nhầm với chứng bệnh ở mắt.

Tiếp đến là các cơ ở mặt, cơ nhai, cơ nuốt, cơ phát âm… các cơ bám da ở mặt (tạo nên nét mặt buồn dầu, ngây dại).

Ngoài ra còn có thể Nhược cơ ở các cơ chi trên, chi dưới, thân mình, cơ hô hấp.

Bệnh nhân nhược cơ

Đây là bệnh nhân mắc nhược cơ từ 15 tuổi được Bác sỹ Hoàng Sầm chữa khỏi bằng thuốc nam. Sau 19 năm, nay tái mắc do sau sinh con thứ 2. Hiện đang điều trị trở lại bởi Bác sỹ Hoàng Sầm, hiện là chủ tịch Viện Y học bản địa Việt Nam.

Đặc điểm lâm sàng của các nhóm cơ bị liệt:

  • Nhóm 1; chủ yếu là các cơ ở mắt (như cơ nâng mi), đây là nguy cơ rất lớn chỉ điểm cho sự tiến triển nặng của bệnh, gần 40% bệnh nhân thuộc nhóm 1 ở giai đoạn đầu tiến triển thành Nhược cơ toàn thân.
  • Nhóm 2: Nhược cơ toàn thân mức độ nhẹ có tổn thương các cơ ở sọ, chi và thân, có thể cả cơ hô hấp.
  • Nhóm 3: Nhược cơ toàn thân mức độ vừa biểu hiện nhìn đôi, sụp mi, nói ngọng, nuốt sặc, yếu các chi.
  • Nhóm 4: Nhược cơ diễn biến nhanh, khởi phát đột ngột, bệnh nhân có đầy đủ triệu chứng và đạt mức độ nặng nề nhất trong vòng khoảng 6 tháng, các triệu chứng đáp ứng rất kém với thuốc kháng Cholinesterase, tỷ lệ tử vong cao, u tuyến Ức hay gặp ở nhóm này.
  • Nhóm 5: Nhược cơ có triệu chứng nặng nề nhưng tiến triển từ từ, xuất hiện sau khi bị Nhược cơ nhẹ từ 2 năm trở lên, tỷ lệ có u tuyến Ức của nhóm này cao hơn của nhóm 1, 2, 3.

Chẩn đoán xác định:

  • Dựa vào các triệu chứng Nhược cơ đã nói ở trên.
  • Dựa vào Test Prostigmin: khi bệnh nhân đang ở tình trạng Nhược cơ, nếu được tiêm Prostigmin thì cơ sẽ trở về bình thường trong vòng nửa giờ.

Hiện nay Viện Y học bản địa Việt nam đang nghiên cứu và sử dụng 1 số thảo dược ức chế miễn dịch với nhược cơ, bước đầu đã có kết quả hết sức khả quan.

Điều trị:

1) Điều trị cơ bản ngoài cơn.

- Điều trị bằng những thuốc ức chế Cholinesterase như: Neostigmin, Prostigmin, mestinone…

- Một số thuốc khác: ACTH, Prednisolon… thuốc ức chế miễn dịch như Azathiopin, Cyclophosphanum.

2) Những chỉ định đặc biệt:

- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến Ức: cắt bỏ tuyến Ức không có ảnh hưởng một cách chắc chắn đến sự tiến triển của bệnh Nhược cơ nếu còn tồn tại u tuyến Ức, ngược lại cắt bỏ tuyến Ức với hình thể bình thường hình như có khả năng ảnh hưởng dài hạn tới tiên lượng bệnh Nhược cơ.

- Chiếu tia Rơn gen vào tuyến Ức.

3) Thuốc Đông y và Nam y:

Chưa được đề cập đến trên y văn trong nước và thế giới.

TS.BS Cao cấp Ngô Quang Trúc

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/nhuoc-co-yhocbandia.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2015\/03\/nhuoc-co-yhocbandia.jpg","subHtml":"B\u1ec7nh nh\u00e2n nh\u01b0\u1ee3c c\u01a1"}]