(Tiếp theo kì trước)

Institutional Review Board

Kì trước chúng ta đã đề cập về khái niệm, nguyên lý và nội dung cơ bản của đạo đức nghiên cứu Y học (ĐĐNC). Trong kì này, chúng ta xem xét kĩ về hội đồng đạo đức (HĐĐĐ) cùng các thủ tục xét duyệt và ĐĐNC trong nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng các dược chất, là loại nghiên cứu rất hay được sử dụng tại Viện Y học bản địa Việt Nam.

1. Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (Tên tiếng Anh là: Research Ethics Committee, Ethical Review Board, Ethical Review Committee, Human Research Ethics Committee, Institutional Review Board, Independent Ethics Committee – Viết tắt là HĐĐĐ) là tổ chức bao gồm các chuyên gia tư vấn xem xét, đánh giá, thẩm định (sau đây viết tắt là tư vấn đánh giá), về khía cạnh khoa học và đạo đức đối với các nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người để bảo đảm các nghiên cứu này được thực hiện phù hợp với các quy định, hướng dẫn về đạo đức y sinh học của pháp luật Việt Nam).

1.1. Tổ chức của HĐĐĐ

Ở nước ta, có hai loại HĐĐĐ: Cấp cơ sở và cấp quốc gia. HĐĐĐ cấp cơ sở được thành lập ở các tổ chức có thẩm quyền phê duyệt nghiên cứu như các cơ quan đơn vị để xem xét, đánh giá về khía cạnh đạo đức và khoa học có liên quan đối với các nghiên cứu y sinh học được triển khai tại cơ quan, đơn vị. HĐĐĐ cấp cơ sở thường được thành lập ở các cơ sở y tế lớn như các trường đại học y, các sở y tế tỉnh/ thành phố, các viện, bệnh viện lớn...và được cấp mã số hoạt động bởi Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế. Còn HĐĐĐ cấp quốc gia được thành lập tại Bộ Y tế, có vai trò xét duyệt về khía cạnh đạo đức nghiên cứu cho các đề tài cấp Bộ Y tế quản lý cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) có yêu cầu.

Đối với những tổ chức không có HĐĐĐ, việc xem xét, đánh giá ĐĐNC được thực hiện bởi HĐĐĐ do Sở Y tế thành lập hoặc HĐĐĐ có chuyên môn phù hợp [1].

HĐĐĐ luôn có tính độc lập, thể hiện là, thành viên của HĐĐĐ không được:

- Thẩm định nghiên cứu mà bản thân thành viên hoặc người thân (vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột…) thực hiện.

- Tham gia hỗ trợ, triển khai những nghiên cứu mà thành viên đó đã tham gia thẩm định khi thông qua Hội đồng đạo đức.

- Bao gồm người đứng đầu tổ chức thành lập HĐĐĐ, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tổ chức tài trợ nghiên cứu, tổ chức tiến hành nghiên cứu được thẩm định bởi HĐĐĐ.

- Gồm 100% là người có chuyên môn cùng khối ngành sức khỏe với tổ chức thành lập HĐĐĐ, mà gồm ít nhất một người có chuyên môn thuộc khối ngành sức khỏe độc lập với tổ chức thành lập HĐĐĐ.

- Bao gồm công chức của Bộ Y tế nếu đó là HĐĐĐ đức cấp quốc gia.

HĐĐĐ cấp quốc gia là tổ chức tư vấn độc lập, có con dấu riêng sử dụng trong các hoạt động có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng. Còn Hội đồng cơ sở có thể sử dụng con dấu của tổ chức thành lập Hội đồng.

HĐĐĐ cấp quốc gia gồm có 9 thành viên còn Hội đồng cơ sở gồm 5 thành viên. Tiêu chuẩn chọn thành viên của HĐĐĐ là:

- Có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng cần thiết và khả năng có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của thành viên nhằm bảo vệ quyền lợi cho đối tượng nghiên cứu và NCV.

- Có chuyên môn (thuộc khối ngành sức khỏe và các vấn đề pháp lý và/hoặc đạo đức) phải có trình độ đại học trở lên.

- Có thời gian tham gia nhiệm vụ của HĐĐĐ.

- Kê khai đầy đủ tên, nghề nghiệp và mối liên kết của mình với các nhà tài trợ nghiên cứu.

- Cam kết bảo mật thông tin liên quan đến nghiên cứu theo quy định.

- Có chứng chỉ tập huấn về thực hành nghiên cứu lâm sàng tốt (GCP) và quy trình hoạt động chuẩn của HĐĐĐ do Bộ Y tế hoặc các tổ chức được Bộ Y tế công nhận cấp và được đào tạo liên tục để tiếp cận và cập nhật các vấn đề mới [1].

Trong nhiều trường hợp cần sử dụng chuyên gia tư vấn cho HĐĐĐ, có thể bao gồm các chuyên gia về đạo đức, pháp luật, chuyên ngành, khoa học hoặc các quy trình y khoa cụ thể, đại diện của các cộng đồng, bệnh nhân, các nhóm khác có liên quan đến những cuộc thảo luận cần thiết… Chuyên gia này được tham dự cuộc họp để trao đổi, thảo luận về nghiên cứu nhưng không có quyền biểu quyết hoặc ra quyết định và cũng không được tính vào số lượng thành viên tối thiểu trong cuộc họp HĐĐĐ.

Tài chính cho hoạt động của HĐĐĐ từ nguồn ngân sách Nhà nước... Đối với các đề tài, dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước thì NCV và nhà tài trợ phải tự chi trả cho mọi hoạt động của Hội đồng theo quy chế chi tiêu nội bộ của Tổ chức thành lập HĐĐĐ phù hợp với quy định của pháp luật [1].

1.2. Chức năng, nhiệm vụ của HĐĐĐ

Sau đây chủ yếu đề cập đến HĐĐĐ cấp cơ sở.

1.2.1.Chức năng: Tư vấn cho người đứng đầu tổ chức thành lập HĐĐĐ xem xét, thẩm định về khía cạnh đạo đức và khoa học của các NCKH liên quan đến con người.

1.2.2.Nhiệm vụ:

- Thẩm định khía cạnh đạo đức và khoa học đối với các đề cương nghiên cứu liên quan đến con người không thuộc các nghiên cứu quy định cho HĐĐĐ cấp quốc gia.

- Thẩm định khía cạnh đạo đức và khoa học các nghiên cứu liên quan đến con người (các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phục vụ mục đích đăng ký lưu hành sản phẩm; thử nghiệm lâm sàng sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm; nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật mới, phương pháp mới lần đầu tiên trên người tại Việt Nam; nghiên cứu hợp tác quốc tế có chuyển mẫu sinh học của đối tượng nghiên cứu ra nước ngoài hoặc kết quả nghiên cứu có ý nghĩa đại diện cho người Việt Nam và các nghiên cứu y sinh học khác theo yêu cầu của Bộ Y tế và cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ trì nghiên cứu) do cơ sở thành lập HĐĐĐ chủ trì trước khi trình hồ sơ nghiên cứu để được thẩm định tại HĐĐĐ cấp quốc gia.

- Thực hiện các nhiệm vụ quy định (Thẩm định những thay đổi, bổ sung đề cương nghiên cứu; Theo dõi, giám sát các nghiên cứu trong việc tuân thủ đề cương; Thẩm định các kết quả nghiên cứu theo đề cương; Tư vấn cho cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến nghiên cứu y sinh học trên đối tượng con người và hoạt động chuyên môn của HĐĐĐ cấp cơ sở) đối với các nghiên cứu do cơ sở thành lập HĐĐĐ chủ trì.

1.3. Các tài liệu Hội đồng đạo đức cần thẩm định

1.3.1. Đối với thẩm định đề cương nghiên cứu đề xuất:

- Đơn đã ký và ghi ngày, bao gồm cả chữ ký của người đồng nộp đơn và đại diện của tổ chức có liên quan.

- Đề cương nghiên cứu có mã số và các phụ lục (nếu có).

- Bản tóm tắt nghiên cứu bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu.

- Bản mô tả (có thể được bao gồm trong đề cương) những cân nhắc về đạo đức liên quan; các biện pháp sẽ được thực hiện để bảo vệ sự riêng tư của người tham gia và tính bảo mật của dữ liệu; tiền hoặc hàng hóa, dịch vụ khác được cung cấp cho người tham gia nghiên cứu; gói bảo hiểm cho người tham gia nghiên cứu (nếu áp dụng)…

- Bản cập nhật tóm tắt đầy đủ tất cả dữ liệu an toàn, dược lý, dược phẩm, độc tính và thử nghiệm lâm sàng đã có của sản phẩm nghiên cứu.

- Tất cả biểu mẫu thu thập dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu có mã số và ngày được xác định rõ ràng.

- Tất cả biểu mẫu, tài liệu, quảng cáo được sử dụng trong việc tuyển chọn người tham gia tiềm năng.

- Phiếu cung cấp thông tin và chấp thuận tham gia nghiên cứu (ghi ngày tháng và số phiên bản) có ngôn ngữ dễ hiểu, thích hợp cho những người tham gia nghiên cứu tiềm năng. Với đối tượng tham gia nghiên cứu dưới 7 tuổi, bố mẹ/người giám hộ hợp pháp của trẻ sẽ đại diện ký Phiếu cung cấp thông tin và chấp thuận tham gia nghiên cứu. Với đối tượng tuổi từ 7 tuổi đến 12 tuổi, quy trình lấy chấp thuận phải có hỏi sự đồng ý của trẻ bằng lời nói và người đại diện hoặc người giám hộ hợp pháp của đối tượng này sẽ ký Phiếu cung cấp thông tin và chấp thuận tham gia nghiên cứu. Với đối tượng tuổi từ 12 tuổi đến 16 tuổi, quy trình lấy chấp thuận phải bao gồm việc đối tượng tham gia nghiên cứu ký vào Phiếu đồng ý tham gia nghiên cứu được đơn giản hóa và người đại diện hoặc người giám hộ hợp pháp của đối tượng đó ký Phiếu cung cấp thông tin và chấp thuận tham gia nghiên cứu. Với đối tượng tuổi từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, đối tượng tham gia nghiên cứu và người đại diện hoặc người giám hộ hợp pháp của đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ cùng ký Phiếu cung cấp thông tin và chấp thuận tham gia nghiên cứu.

- Bản mô tả chi tiết quy trình tuyển chọn đối tượng và thu thập phiếu cung cấp thông tin và chấp thuận tham gia nghiên cứu.

- Quy trình theo dõi, đánh giá, xử trí biến cố bất lợi và biến cố bất lợi nghiêm trọng.

- Tất cả quyết định trước đây của HĐĐĐ khác hoặc cơ quan quản lý đối với nghiên cứu đề xuất (bao gồm cả những quyết định và lý do phản đối hoặc đề nghị sửa đổi đề cương trước đó).

- Văn bản của tổ chức quản lý điểm triển khai nghiên cứu đồng ý cho phép thực hiện nghiên cứu sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu nghiên cứu được triển khai ngoài tổ chức thành lập HĐĐĐ).

- Bản cam kết của các nghiên cứu viên đồng ý tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.

- Lý lịch hiện tại và văn bằng, chứng chỉ liên quan của NCV chính.

- Tài liệu khác có liên quan.

1.3.2. Đối với thẩm định báo cáo kết quả nghiên cứu

- Đơn đã ký và ghi ngày, bao gồm cả chữ ký của người đồng nộp đơn và đại diện của tổ chức có liên quan.

- Báo cáo kết quả nghiên cứu, có mã số và ngày xác định rõ ràng, cùng với các tài liệu hỗ trợ và các phụ lục (nếu có).

- Các sản phẩm của nghiên cứu (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan.

1.4. Nội dung HĐĐĐ cần thẩm định: a) Thiết kế nghiên cứu và tiến hành nghiên cứu; b) Rủi ro và lợi ích tiềm năng; c) Lựa chọn quần thể nghiên cứu và tuyển chọn, bảo vệ người tham gia nghiên cứu; d) Lợi ích tài chính và chi phí tài chính; đ) Bảo vệ sự riêng tư và bảo mật tham gia nghiên cứu; e) Quá trình cung cấp thông tin và lấy sự đồng ý tham gia nghiên cứu; g) Tác động của nghiên cứu lên cộng đồng sẽ lựa chọn người tham gia; h) Năng lực của nghiên cứu viên và điểm nghiên cứu…[1].

2. Đạo đức nghiên cứu trong nghiên cứu thử nghiệm thuốc trên lâm sàng

Thử nghiệm thuốc trên lâm sàng hay thử thuốc trên lâm sàng (TTTLS) là các cụm từ đồng nghĩa, là hoạt động khoa học nghiên cứu thuốc trên người tình nguyện nhằm xác minh hiệu quả lâm sàng, nhận biết, phát hiện phản ứng có hại do tác động của sản phẩm nghiên cứu; khả năng hấp thu, phân bố, chuyển hoá, thải trừ của sản phẩm đó, xác định sự an toàn và hiệu quả của thuốc [2].

2.1. Nguyên tắc của nghiên cứu thử nghiệm thuốc trên lâm sàng

Các nguyên tắc của thực hành tốt TTTLS phản ánh sự chấp nhận quốc tế về đạo đức cũng như về mục đích đảm bảo chất lượng của các TTTLS. Không có một nguyên tắc nào đặt riêng trách nhiệm cho từng bên liên quan (như Chủ nhiệm đề tài, nhà tài trợ, HĐĐĐ hay cơ quan quản lý), nhưng thông qua 13 nguyên tắc dưới đây đã thể hiện tất cả các bên liên quan đều phải có trách nhiệm liên đới đối với TTTLS.

- Nguyên tắc 1: Các TTTLS phải được tiến hành theo những nguyên tắc cơ bản của ĐĐNC trong tuyên ngôn Helsinki.

- Nguyên tắc 2: Trước khi TTTLS cần phải dự đoán được những lợi ích và rủi ro hay những bất tiện đối với đối tượng tham gia nghiên cứu cũng như đối với xã hội hoặc cộng đồng dân cư liên quan.

- Nguyên tắc 3: Một thử TTTLS chỉ bắt đầu và được tiến hành nếu dự đoán lợi ích cho đối tượng và cho xã hội là vượt trội (lớn hơn một cách rõ ràng) so với rủi ro có thể xảy ra.

- Nguyên tắc 4: TTTLS phải được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt quy trình đã được các cơ quan xét duyệt như HĐĐĐ, Hội đồng khoa học và cơ quan quản lý phê duyệt.

- Nguyên tắc 5: Việc thông qua TTTLS cần được xem xét kỹ dựa trên các thông tin về tiền lâm sàng, lâm sàng và những kết quả nghiên cứu khác từ trước.

- Nguyên tắc 6: TTTLS phải được tiến hành bảo đảm đúng theo thiết kế có đầy đủ tính khoa học và được miêu tả chi tiết trong một quy trình nghiên cứu rõ ràng đã được phê duyệt.

- Nguyên tắc 7: Đối tượng tham gia các nghiên cứu TTTLS được tự do lựa chọn, thoả thuận đồng ý tham gia và cần được cung cấp đầy đủ các thông tin về TTTLS và liên quan. Đối tượng chưa đến tuổi thành niên, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì phải được sự đồng ‎ý của người đại diện theo quy định của pháp luật.

- Nguyên tắc 8: Chăm sóc y tế và các quyết định y tế được thực hiện trên đối tượng tham gia nghiên cứu là trách nhiệm của các bác sĩ trong các TTTLS.

- Nguyên tắc 9: Mỗi cá nhân tham gia vào TTTLS cần phải đạt tiêu chuẩn và các yêu cầu về trình độ chuyên môn, được huấn luyện và có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ tương ứng.

- Nguyên tắc 10: Mọi thông tin về thử thuốc trên lâm sàng phải được ghi chép, xử lý, quản lý và lưu giữ đúng quy định, đảm bảo tính chính xác và tin cậy của các thông tin và dữ liệu.

- Nguyên tắc 11: Các thông tin của đối tượng tham gia nghiên cứu cần được bảo vệ và cất giữ đảm bảo nguyên tắc cũng như quyền được giữ bí mật riêng tư.

- Nguyên tắc 12: Các sản phẩm thuốc đưa vào nghiên cứu phải được sản xuất, quản lý, lưu giữ phù hợp với hướng dẫn thực hành tốt sản xuất (GMP) và được sử dụng cho nghiên cứu theo đúng quy trình đã được phê duyệt.

- Nguyên tắc 13: Những hệ thống bảo đảm chất lượng và các phương pháp để bảo đảm chất lượng đối với tất cả các lĩnh vực của TTTLS cần được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc theo đúng các hướng dẫn [3].

2.2. Quy trình thẩm định, phê duyệt nghiên cứu thử thuốc trên lâm sàng

- Đăng ký nghiên cứu TTTLS: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký theo mẫu tại phụ lục 1, 2a và 2b (Quyết định số 799/QĐ-BYT) [3] rồi gửi về Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo).

- Xây dựng hồ sơ nghiên cứu: Căn cứ vào văn bản chấp thuận của Bộ Y Tế, Nhà tài trợ phối hợp với Chủ nhiệm đề tài xây dựng hồ sơ (theo mẫu tại phụ lục 3, 4, 5 và 6 - Quyết định số 799/QĐ-BYT). Thiết kế đề cương nghiên cứu, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, đề cương, các văn bản pháp lý…

- Nộp Hồ sơ nghiên cứu TTTLS về Bộ Y tế trước ngày 20 hàng tháng (theo dấu công văn đến của Phòng Hành chính–Văn phòng Bộ) mới được xem xét thẩm định trong tháng đó.

- Thẩm định, phê duyệt: Trong vòng 30 ngày làm việc sau khi nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp Ban Thẩm định hồ sơ và HĐĐĐ. Trong vòng 15 ngày sau khi có các kết quả thẩm định của Ban Thẩm định và HĐĐĐ, Bộ Y tế thông báo cho các đơn vị liên quan (theo mẫu tại phụ lục 7, Quyết định số 799/QĐ-BYT). Chỉ những hồ sơ được chấp thuận bởi cả hai khâu thẩm định nói trên (Thẩm định hồ sơ sản phẩm, thẩm định hồ sơ nghiên cứu) mới được Bộ Y tế xem xét phê duyệt. Đối với những hồ sơ không được chấp thuận bởi cả hai khâu hoặc một trong hai khâu nói trên, Bộ Y tế sẽ có văn bản thông báo.

- Các hồ sơ và thủ tục của TTTLS khá phức tạp, các NCV phải tuân thủ theo đúng các quy định tại các văn bản đề cập trên của Bộ Y tế, ngoài ra tham khảo thêm thông tư số 03/2012/TT-BYT của Bộ Y tế [4].

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế (2017) Thông tư quy định việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, Số: 45/2017/TT-BYT, ngày 16-11-2017.
  2. Bộ Y tế (2008) Thông tư quy định về thử thuốc trên lâm sàng, Số: 29/2018-TT-BYT, ngày 29 tháng 10 năm 2018.
  3. Bộ Y tế (2008)Quyết định về việc ban hành hướng dẫn thực hành tốt thử nghiệm thuốc trên lâm sàng,  Quyết định số 799/QĐ-BYT, ngày 07 tháng 03 năm 2008.
  4. Bộ Y tế (2012) Thông tư về hướng dẫn thử thuốc trên lâm sàng, Số 03/2012/TT-BYT, ngày 02 tháng 02 năm 2012.

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/04.2020\/Institutional%20Review%20Board-IRB.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/04.2020\/Institutional%20Review%20Board-IRB.jpg","subHtml":"Institutional Review Board"}]