Tạp bệnh

Đậu nành – Thực phẩm và vị thuốc thật đáng quý

   Đậu nành (đậu phụ), có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn có các tên gọi đậu khuôn (miền Trung), đậu hủ, tàu hủ (ở miền Nam), đỗ tương hay đậu tương (miền Bắc), nguyên liệu làm đậu phụ là hạt đậu nành.    Hiện nay, đậu nành là một trong những thực phẩm được […]

   Đậu nành (đậu phụ), có nguồn gốc từ Trung Quốc, còn có các tên gọi đậu khuôn (miền Trung), đậu hủ, tàu hủ (ở miền Nam), đỗ tương hay đậu tương (miền Bắc), nguyên liệu làm đậu phụ là hạt đậu nành.

   Hiện nay, đậu nành là một trong những thực phẩm được con người dùng nhiều nhất trên thế giới. Nước Mỹ là nước trồng đậu nành nhiều nhất (chiếm đến 55% tổng số của thế giới), sau đó là các nước như Brazin, Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga … Các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cũng trồng và sử dụng khá nhiều.

*Giá trị dinh dưỡng từ đậu nành

   Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam, trong 100 gam đậu nành có 400 Kcalo, 13,1 gam nước, 34 gam chất đạm, 18,8 gam chất béo, 24,4 gam chất bột, 4,5 gam chất xơ, nhiều loại vitamin như A, B1, B2, D, E…các chất vi lượng như Sắt, Magie, Photpho, Can xi, Kali, Natri…và các Isoflavones v.v. Chính vì đậu nành có khá đủ các thành phần dinh dưỡng chủ yếu, nên chúng ta thấy nhiều nhà tu hành quanh năm chỉ uống sữa đậu nành, ăn tương chao … sức khỏe của họ vẫn bình thường.

   Đậu nành có nhiều chất đạm tương đương với đạm trong sữa và trong lòng trắng trứng, về cả thành phần các a xít amin và khả năng hấp thu của cơ thể. Trong đậu nành có ít chất béo no, không có Cholesterol, là nguồn cung cấp Omega-3 và Omega 6…nên có tác dụng phòng chống bệnh xơ vữa động mạch. Chất xơ của bột đậu nành, bã đậu lên men, quả đậu tươi và protein thô trong đậu nành giúp cho tiêu hóa tốt.

   Người ta thấy trong đậu nành có hoạt chất sinh học chính là Isoflavones (còn gọi là phytoestrogens), có cấu trúc giống Estrgen, có hoạt tính chống oxy hóa (genistein, daidzein, glycetin …)

*Giảm nguy cơ mắc bệnh khi thường xuyên sử dụng đậu nành

   + Giảm nguy cơ mắc bệnh tim: dùng đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành thường xuyên làm giảm tổng lượng Cholesterol và LDL (Cholesterol xấu), không làm thay đổi HDL (Cholesterol tốt) và Triglycerit.  Đậu nành làm giảm huyết áp tâm thu  và tâm trương, do đó có thể giảm nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch

   + Giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú: các Isoflavons ( giống Estrogen) không phải là nội tiết tố và có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư. Các nghiên cứu cho thấy, thực phẩm từ đậu nành có tác dụng chống lại ung thư vú hiệu quả thấy trên người châu Á mà không thấy trên người châu Âu. Qua các nghiên cứu các nhà khoa học có nhận xét: người châu Á ăn đậu nành từ rất sớm, người châu Âu ăn đậu nành khi đã trưởng thành, điều này củng cố thêm giả thuyết: nếu chúng ta ăn đậu nành từ sớm có khả năng phòng chống lại ung thư vú về sau này. Đối với những bệnh nhân đã bị ung thư vú, theo Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ thì “thực phẩm từ đậu nành an toàn với bệnh nhân ung thư vú”, và theo phân tích sinh hóa gần đây “nên khuyến khích sử dụng thực phẩm từ đậu nành để giảm tỷ lệ tái phát và tử vong”.

   + Ung thư tuyến tiền liệt :

   Các nghiên cứu đã cho kết luận: dùng đậu nành có thể giảm được 25% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt so với những người ít dùng. Do trong đậu nành có chất Genistein, a xít béo Omega 3 và Omega 6 … là những chất có khả năng chống Oxy hóa, nên có tác dụng chống lão hóa và ức chế tế bào ung thư …

   + Phòng chống bệnh loãng xương

   Người ta ước tính có khoảng 200 triệu phụ nữ trên thế giới bị loãng xương, nguy cơ bị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh cao tới 50%. Đậu nành giúp giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh, đặc biệt là những năm đầu sau mãn kinh giảm được đến 1/3 nguy cơ. Để phát huy được tác dụng này người ta khuyên cần ăn 20 gam đậu nành mỗi ngày.

   + Đậu nành liệu có liên quan đến tuyến giáp ?

   Có một số thông tin đồn thổi cho rằng :  khi bị ung thư tuyến giáp hay bướu giáp trạng không được ăn các loại như : Susu, bắp cải, đậu phụ…vì cho là khi ăn những thứ này sẽ làm bệnh phát triển, có thể nguy hại đến sức khỏe người sử dụng.

   Thực ra, trong Susu, bắp cải…có chứa một số gốc Cyanua, Thiocyanat…có thể ức chế sự hấp thu của Iode, mà Iode là một chất quan trọng cho sự tổng hợp ra hormon Thyroxin và Triiodothyronin (T3 và T4 ) của tuyến giáp. Khi con người ăn các thực phẩm bị thiếu Iode, tuyến giáp sẽ phát triển phình to ra để bù trừ cho sự thiếu hụt này, từ đó gây bệnh bướu cổ đơn thuần(còn gọi là bướu cổ địa phương).

   Do đó, những chất gây ngăn cản sự hấp thu của Iode, được gọi là chất sinh bướu giáp ( goitrogen ). Các nhà khoa học khẳng định : trong đậu nành không có hoặc có quá ít các chất sinh bướu giáp. Nên những người bị bệnh về tuyến giáp yên tâm khi ăn đậu phụ.

   + Đậu nành có liên quan đến a xít Uric và bệnh Gout ?

   Các nghiên cứu về dịch tễ và lâm sàng cho thấy: đậu nành không liên quan đến bệnh Gout và tăng  axit Uric trong máu. Vì vậy không có lý do để kiêng ăn đậu nành ở những trường hợp này.

   Năm 2015, các nghiên cứu của đại học NUS ở Singapore qua nghiên cứu chế độ ăn của 63.000 người lớn Trung Quốc > 40 tuổi, cho rằng : việc ăn các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ (có hàm lượng Protein cao), không làm tăng nồng độ a xit Uric trong máu. Nghiên cứu này đã bác bỏ các thông tin sai lạc trước đây về sự liên quan đến đậu nành với bệnh Gout và a xít Uric.

   + Đậu phụ có khiến bị “nữ hóa”, giảm khả năng tình dục (hay sinh sản) ở nam giới ?

   Do trong đậu nành giàu chất Isoflavones còn gọi là Phytoestrogen, có cấu trúc gần giống Estrogen là nội tiết tố nữ, nên có thể bị lầm tưởng sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng “sinh lý” của nam giới khi ăn loại này.

   Rất nhiều người e ngại ăn đậu nành sẽ ảnh hưởng đến chức năng này của nam giới. Nên mới có câu: “sư ăn đậu phụ” (có thể là một phần do các nhà sư chủ yếu an đậu phụ để sống và một phần do họ ăn đậu phụ để kìm hãm sự “ham muốn” của đàn ông?). Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học dùng đậu nành giảm khả năng sinh dục của nam giới. Đậu nành không làm ảnh hưởng đến lượng Testosterol, Estrogen hay các thông số về tinh dịch/tinh trùng v.v, các nghiên cứu khoa học đã cho kết luận như vậy.

   Như vậy đậu nành quả là một loại “thực phẩm – thuốc” thật đáng quý, rất có lợi cho sức khỏe, chúng ta nên dùng trong các bữa ăn, vừa có tác dụng bổ dưỡng, vừa có tác dụng phòng bệnh, lợi cả đôi đường.

Doctor SAMAN

TS.BS cao cấp Ngô Quang Trúc

Viện Y học bản địa Việt Nam

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

TS.BS Cao cấp Ngô Quang Trúc

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận