Phần A : Nguyên tắc điều trị; thuốc chống trầm cảm 3 vòng TCAs

Mục đích của phần này tác giả muốn giới thiệu với bạn đọc biết được các thuốc trầm cảm đang được dùng hiện nay. Đây là những kiến thức chuyên môn thuộc chuyên khoa tâm thần mà chúng tôi được tập huấn trong dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, do Bộ y tế chủ trì và được sự tài trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

A. Nguyên tắc điều trị trầm cảm

  1. Phải phát hiện được sớm và chẩn đoán chính xác các hình thái (hay các thể lâm sàng) của trầm cảm như: trầm cảm suy nhược, trầm cảm lo âu, trầm cảm có rối loạn cơ thể…
  2. Phải xác định được mức độ trầm cảm hiện có của người bệnh (nhẹ, trung bình, hay nặng…)
  3. Phải xem trầm cảm có kèm theo những rối lọan loạn thần khác hay không? (như có kèm theo hoang tưởng, ảo giác, kích thích vật vã…?).
  4. Phải xác định được rõ nguyên nhân trầm cảm: trầm cảm nội sinh, trầm cảm thực tổn, trầm cảm tâm sinh.
  5. Phải chỉ định sớm điều trị thuốc chống trầm cảm, phải biết lựa chọn đúng nhóm thuốc, liều lượng, cách sử dụng… thích hợp với từng trạng thái bệnh, từng cá thể người bệnh.
  6. Phải biết kết hợp với các thuốc an thần kinh khi cần thiết, tùy từng thể loại trầm cảm.
  7. Dùng liệu pháp sốc điện (ECT): Trong các trường hợp trầm cảm nặng có ý tưởng và hành vi tự sát và các trường hợp đã sử dụng thuốc tới liều giới hạn… mà bệnh không có kết quả (kháng thuốc).
  8. Tránh sử dụng thuốc chống trầm cảm IMAOs kết hợp với các thuốc hưng thần nhóm khác và các thức ăn giàu Tyramin và các chất lên men (rượu, bia…) vì có thể gây tương tác và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
  9. Trong điều trị trầm cảm đi đôi với sử dụng thuốc chống trầm cảm, trong quá trình điều trị còn sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi và các liệu pháp tâm lý khác.

10. Điều trị trầm cảm khi đạt được kết quả, nhưng vẫn phải được duy trì điều trị ít nhất là 06 tháng, có theo dõi chặt chẽ để đảm bảo đạt được sự ổn định và đề phòng tái phát bệnh.

B. Tác dụng chung của thuốc chống trầm cảm

  • Tác dụng làm tăng khí sắc do đó có tác dụng chống trầm cảm – Antidepressants. Ngoài ra thuốc còn hoạt hóa tâm thần vận động (Psychomotor activity).
  • Thuốc chống trầm cảm không gây được khoái cảm và kích thích, thuốc chỉ có tác dụng trên người trầm cảm, mà không có tác dụng hoặc rất ít tác dụng trên người bình thường.
  • Một số thuốc chống trầm cảm còn có tác dụng giảm lo âu, hoảng sợ và chống ám ảnh.

C. Phân loại và tác dụng dược lý của các thuốc chống trầm cảm

I. Thuốc chống trần cảm 3 vòng (TCAs)

1) Phân loại

  • Loại có tác dụng êm dịu, giải lo âu: Amitriptylin, Evavil, Laroxyl, Triptizol v.v...
  • Loại có tác dụng hoạt hóa, kích thích: Melipramin, Imipramin, Tofranil.
  • Loại trung gian: Anafranil

2) Cơ chế tác dụng

  • Ức chế tái hấp thu Noradrenalin và cả Serotonin do đó làm tăng 2 amin này ở khe synapse.
  • Làm tăng hoạt tính gắn kết của 2 chất này ở vị trí tiếp nhận ở neuron sau synapse, dẫn đến tăng dẫn truyền thần kinh và làm tăng khí sắc.

3) Chuyển hóa hấp thu

  • Hấp thu bằng đường uống nhanh và hoàn toàn, sau 2-4 giờ đạt đến nồng độ tối đa trong máu.
  • Có ái lực với các mô có lưu lượng tuần hoàn cao (não, tim, gan, thận), nên thuốc dễ gây tác dụng phụ cho tim mạch (làm rối loạn nhịp tim, block nhánh, gây đau ngực…).
  • Thuốc được chuyển hóa chủ yếu ở gan, thải trừ chủ yếu qua đường nước tiểu.
  • Thời gian bán hủy trung bình từ 15 đến 30 giờ tùy từng cá thể.
  • Thời gian tác dụng rõ từ 07 đến 14 ngày.

4) Tác dụng phụ

  • Anticholinergic: Khô miệng, bí tiểu, nhìn mờ, táo bón, giảm trí nhớ, làm trầm trọng hơn bệnh tăng nhãn áp góc đóng.
  • Antihistaminic: gây buồn ngủ, tăng cân.
  • Đối kháng Alpha; Adrenoceptor: gây giảm huyết áp khi đứng.
  • Các tác dụng phụ về tim mạch: nhịp nhanh, loạn nhịp, chậm dẫn truyền, tử vong.
  • Giảm chức năng tình dục, suy giảm nhận thức và các kỹ năng ứng xử  tâm thần vận động, co giật.

5) Chỉ định

  • Các loại trầm cảm nặng (trầm cảm nội sinh, trầm cảm tâm sinh, trầm cảm thực tổn).
  • Các rối loạn hoảng sợ, lo âu, nghi bệnh, ám ảnh, trầm cảm suy nhược.
  • Chán ăn tâm thần, rối loạn giấc ngủ, đái dầm, cơn hoảng sợ ban đêm ở trẻ em.
  • Chứng Migraine (đau nửa đầu).
  • Sau chấn thương sọ não.

6) Liều lượng sử dụng : tùy từng bệnh nhân chọn lựa cho phù hợp.

  • Amitriptylin: liều từ 50mg - 200 mg/ ngày.
  • Imipramin: từ 50 mg – 200 mg/ngày.

(Còn nữa)
Doctor SAMAN
TS.BS Cao cấp Ngô Quang Trúc

[]