Định nghĩa:

 Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế – IASP (International Association for the Study of Pain) định nghĩa: Đau là một cảm giác khó chịu và trải nghiệm cảm xúc xuất hiện cùng lúc với sự tổn thương thực sự hay tiềm tàng của các mô, hoặc được mô tả theo kiểu giống như thế. (Pain is an unpleasant sensory and emotional experience associated with actual or potential tissue damage, or described in terms of such damage).

Như vậy đau là một cảm giác báo hiệu một tổn thương thực thể nhưng cũng mang tính chủ quan tâm lý, bao gồm cả những chứng đau tưởng tượng, đau không có căn nguyên hay gặp trên lâm sàng.

Các cơ sở của cảm giác đau:

Năm 1972 Charpentier (Pháp) đưa ra công thức đau: P = Che + Veg + Mot + Psy

(P: pain – đau, Che: chemic – yếu tố hóa học, Veg: vegetable – phản xạ thực vật, Mot: motion – hành vi, Psy: psychology – yếu tố tâm lý).

1. Cơ sở sinh học

Cơ sở sinh học của cảm giác đau gồm cơ sở giải phẫu, sinh lý, sinh hóa, nó cho phép giải mã được tính chất, thời gian, cường độ và vị trí của cảm giác đau. Cảm giác đau xuất hiện tại vị trí tổn thương là một phản xạ tích cực để cơ thể phản xạ đáp ứng lại nhằm loại trừ tác nhân gây đau. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp đau chỉ xuất hiện ở giai đoạn tiến triển như trong ung thư.

2. Cơ sở tâm lý

– Yếu tố cảm xúc: Cảm xúc làm cho cảm giác đau có thể tăng lên hay giảm đi. Nếu cảm xúc vui vẻ, thoải mái cảm giác sẽ đau giảm đi, ngược lại nếu khó chịu, bực dọc, buồn chán sẽ làm đau tăng thêm. Thậm chí trong một số trường hợp, yếu tố cảm xúc còn được xác định là một nguyên nhân gây đau.

– Yếu tố nhận thức: Nhận thức ảnh hưởng lên quá trình tiếp nhận cảm giác đau. Nghiên cứu so sánh hai nhóm người bị thương là nhóm quân nhân và nhóm dân sự, với những tổn thương giống nhau, Beecher quan sát thấy nhóm quân nhân ít kêu đau hơn và đòi hỏi ít thuốc giảm đau hơn. Giải thích sự khác nhau này giữa hai nhóm là do chấn thương đã mang lại những ý nghĩa hoàn toàn khác nhau: biểu hiện tích cực ở nhóm quân nhân (được cứu sống, kết thúc việc chiến đấu, được xã hội quý trọng…), còn ở nhóm dân sự thì có biểu hiện tiêu cực (mất việc làm, mất thu nhập, mất đi sự hòa nhập với xã hội…).

– Yếu tố hành vi thái độ: Bao gồm toàn bộ những biểu hiện bằng lời nói và không bằng lời nói có thể quan sát được ở bệnh nhân đau như than phiền, điệu bộ, tư thế giảm đau, mất khả năng duy trì hành vi bình thường. Những biểu hiện này có thể xuất hiện như phản ứng với tình trạng đau cảm nhận được, chúng tạo nên những dấu hiệu phản ánh tầm quan trọng của vấn đề đau. Những biểu hiện này phụ thuộc vào môi trường gia đình và văn hóa dân tộc, tuổi và giới của cá thể. Những phản ứng của người xung quanh có thể ảnh hưởng đến nhân cách ứng xử của bệnh nhân đau và góp phần vào tình trạng duy trì đau của họ.

Bác sỹ dược lý Lê Văn Chính

Nghiên cứu viên cao cấp

Viện Y Học Bản Địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[]