Nhóm axit hữu cơ thuộc nhóm các hợp chất thiên nhiên thứ cấp thường gặp trong thực vật, động vật cùng với các nhóm chất khác là: gluxit, chất béo, tannin, tecpenoit, alkaloit, anthraglycosit, flavonoit, coumarin, saponin, glycozit tim, kháng sinh thực vật thường là nhóm chất có hoạt tính sinh học – nhóm chất có hoạt tính sinh học là những hợp chất hóa học tạo ra những phản ứng sinh học trong cơ thể người, đó là nhóm các hợp chất hóa học có trong thảo dược, khi đưa vào cơ thể, nó tác động đến một chuỗi các quá trình sinh hóa xảy ra trong cơ thể. 

Ngày nay, những hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học được phân lập từ cây cỏ đã được ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp và chăm sóc sức khoẻ con người. Chúng được dùng để sản xuất thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật, làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm v.v …

– Trong thiên nhiên axit hữu cơ (với phân tử lượng nhỏ) là những chất hữu cơ thường có vị chua, tan trong nước, có thể tồn tại dưới dạng tự do hay dạng muối với các chất kiềm vô cơ hay hữu cơ hay dạng este.

– Nhiều cây tích lũy một lượng đáng kể các axit hữu cơ như: chanh, me, nho, táo, khế, chua me v.v…. Ngoài các axit thường gặp là axit oxalic, axit tartric, axit xitric v.v… đôi khi còn gặp các axit đặc biệt như axit benzoic, axit salicylic, axit hydnocarpic v.v….

 – Khả năng của các axit hữu cơ trong việc bảo quản thực vật cũng như trong dinh dưỡng vật nuôi đã được biết tới từ nhiều thập kỷ và được chứng minh qua nhiều thí nghiệm khoa học. Axit, bao gồm cả axit propionic đóng góp chủ yếu trong việc đảm bảo vệ sinh thức ăn chăn nuôi, vì chúng ức chế sự tăng trưởng của nấm mốc và do đó hạn chế nguy cơ ảnh hưởng của độc tố nấm mốc. Hiệu ứng này dựa trên cơ sở của việc giảm độ pH trong thức ăn và trong đường tiêu hóa, và mặt khác dựa trên tính kháng khuẩn của axit.

Do vậy, từ lâu một số loại axit như axit formic, axit sorbic, axit fumaric và muối của chúng cũng đã được cho thêm vào thức ăn chăn nuôi.

– Tính diệt khuẩn của các axit hữu cơ chủ yếu dựa vào khả năng vượt qua màng tế bào và thâm nhập vào trong tế bào vi khuẩn Gram âm khi các axit ở trạng thái không phân ly. Khi ở trong tế bào, axit phân ly thành cation hydro và anion axit. Các cation làm giảm độ pH bên trong của tế bào vi khuẩn; các anion trực tiếp phá vỡ quá trình tổng hợp AND trong nhân tế bào dẫn đến làm ngừng lại quá trình sinh sản của vi khuẩn.

– Axit xitric được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm, chất hương vị…

Ở lĩnh vực hóa sinh thì axit xitric đóng một vai trò trung gian vô cùng quan trọng trong quá trình trao đổi chất xảy ra trong các vật thể sống.

– Các axit glycolic, axit latic, axit malic, axit tartaric, axit xitric có tác dụng: Kích thích tái tạo da, lột tẩy da chết, giữ ẩm cho da. Được sử dụng làm chất chống oxy hóa cũng như thúc đẩy sản xuất collagen trong tầng trung bì. Nó giúp làm tươi mới da, thúc đẩy tăng trưởng tế bào mới và phá hủy các gốc tự do.

– Trong tinh chất của quả mơ (dựa theo phát hiện của sở nghiên cứu thực phẩm tỉnh Norin Nhật Bản năm 1999) có thành phần chủ yếu bao gồm axit xitric, axit malic, HMF và hydroxy methylfurfural xitric axit este (mumefural) … có nhiều tác dụng như: Sát khuẩn; có tính kiềm siêu mạnh làm cho máu trong cơ thể duy trì ở trạng thái tính kiềm yếu, con người mới có thể khỏe mạnh được. Cải thiện đường ruột, dạ dày; có thể phòng ngừa hiệu quả và cải thiện các bệnh dị ứng với phấn hoa, viêm da và hen suyễn; có tác dụng điều tiết lưu thông máu cho cả những trường hợp máu khó lưu thông; có khả năng ức chế tế bào ung thư. Chất chống oxi hóa.

– Các axit hữu cơ thông thường như axit axetic, axit xitric, axit tartric v.v… được sử dụng nhiều trong thực phẩm. Dược liệu chứa axit hữu cơ thường có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng.

– Một số axit hữu cơ đặc biệt có các tác dụng riêng như:

Axit benzoic (trong cánh kiến trắng) có tính kháng nấm và sát khuẩn, muối natri benzoat có tác dụng long đờm.

Axit salicylic (thu được từ salycin trong vỏ liễu) có tác dụng kháng nấm, sát khuẩn, được dùng để bán tổng hợp aspirin.

Axit hydnocarpic trong dầu đại phong tử có tác dụng kháng khuẩn, trị lao, hủi.

Các axit cafeic, chlorogenic có trong nhiều dược liệu có tác dụng nhuận mật.

Hứa Văn Thao.

Phó Viện trưởng Viện Y học bản địa Việt Nam.

Doctor SAMAN

[]