Ngày nay khi mà bệnh đái tháo đường (đái đường, tiểu đường) đã trở thành vấn nạn trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, do tỷ lệ và số người mắc ngày một tăng cao, bệnh gây những biến chứng nặng nề cho rất nhiều cơ quan nội tạng của cơ thể... trước đây do đời sống còn khó khăn nên tỷ lệ măc bệnh này rất ít, nếu có mắc thì thường gặp ở lứa tuổi trẻ, là đái đường typ 1, nhưng ngày nay đã có sự dịch chuyển, đó là đa phần là đái đường typ 2, lại thường ở người cao tuổi, sở dĩ như vậy là do đời sống của chúng ta đã được nâng cao, đa phần người dân không còn thiếu ăn nữa, đã được ăn no, ăn ngon, mặc đẹp.... cùng với một chế độ là lười vận động v.v

Dưới đây chúng tôi xin được giới thiệu một số tác nhân có thể gây tăng đường huyết mà mỗi người nên biết để có cách phòng và giảm đường huyết, tránh gây tăng đường huyết. Từ đó để phòng bệnh đái đường và các biến chứng của nó hiệu quả.

* Steroid, một số thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm...

Trong y học chúng ta đã dùng Corticosteroid như Prednisolon để điều trị các bệnh về đau khớp, bệnh hen suyễn và rất nhiều loại bệnh có dùng đến thuốc này, Corticosteroid có thể gây tăng đường huyết, thậm chí có thể kích hoạt gây bệnh tiểu đường. Thuốc lợi tiểu có thể gây giảm huyết áp nhưng có thể gây tăng đường huyết. Các thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây tăng hoặc giảm lượng đường huyết bất thường. Ngoài ra có thể còn nhiều loại thuốc điều trị bệnh khác mà người ta chưa nghiên cứu hết được.

* Thuốc tránh thai

Theo Hiệp hội tiểu đường của Hoa Kỳ (ADA) thì các loại thuốc tránh thai có chứa Estrogen có thể làm ảnh hưởng đến cơ chế sử lý Insulin của cơ thể, nhưng về tổng thể thuốc tránh thai là an toàn cho những phụ nữ có bệnh tiểu đường. ADA khuyến cáo nên dùng viên thuốc tránh thai có chứa Norgestimate và Estrogen tổng hợp. Riêng thuốc ngừa thai dạng tiêm và cấy ghép an toàn hơn đối với nhóm phụ nữ có bệnh tiểu đường, cho dù chúng cũng có thể ảnh hưởng làm dao động lượng đường trong máu.

* Hormon nữ

 Khi hormon nữ (nội tiết tố nữ) của người phụ nữ thay đổi thì lượng đường trong máu cũng bị thay đổi theo. Vì vậy phụ nữ nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để biết mức độ thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh và tác động của nó đối với lượng đường huyết. Phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh nên được tư vấn về y tế để dùng liệu pháp thay thế hormon và các giải pháp thay thế khác phù hợp với sức khoẻ bản thân, để hạn chế những bất lợi do sự thay đổi do sụt giảm nội tiết tố nữ gây ra trong thời kỳ này, và kiểm soát tốt lượng đường huyết, hạn chế những biến chứng nguy hiểm do tăng đường huyết gây ra.

* Rượu bia.

Người ta thấy rằng các loại đồ uống có cồn rất giàu tinh bột, khi uống vào cơ thể lúc đầu sẽ làm tăng lượng đường trong máu, nhưng sau đó khoảng 12 giờ lượng đường huyết sẽ giảm mạnh. Vì vậy các nhà khoa học khuyên nên uống rượu bia kèm theo ăn và sau đó nên kiểm tra lượng đường trong máu ở những người đã bị đái đường. Hiệp hội tiểu đường Hoa Kỳ cũng khuyến cáo phụ nữ không nên rượu bia quá một lần mỗi ngày và hai lần đối với đàn ông, một lần uống là 5 ounces rượu vang (khoảng 140 gam), 12 ounces bia (340 gam) hoặc 1,5 ounces (42 gam) rượu có độ cồn nặng như Vodka hay Whisky.

* Các loại trái cây khô.

Ăn trái cây là một sự lựa chọn ăn uống khá lành mạnh và thông minh, nhưng trái cây khô lại có hàm lượng Carbohydrate (Carbs) cao mặc dù kích thước sản phẩm có vẻ nhỏ bé vì đã bị mất nước. Các nghiên cứu thấy chỉ cần 2 muỗng canh nho khô, quả nam việt quất sấy khô hoặc anh đào khô sẽ có hàm lượng Carbs tương đương một trái cây nhỏ, hay 3 quả chà là khô sẽ cung cấp khoảng 15 gam Carbs.

* Các loại đồ uống thể thao.

Đồ uống thể thao có ưu điểm là bổ sung năng lượng và nước nhanh chóng, nhưng nhiều loại trong số này lại có lượng đường cao như Soda hay chất làm ngọt nhân tạo, các phụ gia có hại cho cơ thể. Thay vào đó nhóm người bị bệnh đái đường nên dùng nước lọc, nhất là trong những cua tập vừa phải, không quá một giờ. Nếu phải tập với cường độ lớn, thời gian nhiều thì nên dùng đồ uống thể thao, tuy nhiên người dùng nên đọc kỹ nhãn mác để biết rõ hàm lượng Calo, Carbs và các khoáng chất... nhất là ở nhóm tiền tiểu đường hay đã mắc bệnh đái đường.

* Dùng nhiều Caffeine: Caffeine hay Cafein, Trimethylxanthine v.v là Xanthine Alkaloid có trong hạt cà phê, chè, hạt Cola, hạt Ca Cao... Một số thuốc Tây y cũng có Caffein như Aspirin Forte, viên Cafein... người ta sử dụng chất này để gây kích thích quá trình hưng phấn của vỏ não, làm con người tỉnh táo, vì vậy về mức độ nào đó nó còn dùng để chống mỏi mệt.

Người ta thấy rằng lượng đường trong máu có thể tăng lên sau khi uống cà phê, ngay cả loại cà phê đen không chứa Calo do nó có hàm lượng Caffeine cao. Tương tự như vậy với trà đen, trà xanh và các loại đồ uống có năng lượng cũng vậy như tăng lực (thí dụ loại Red Bull), Ca Cao, Cola v.v. Chúng ta cũng lưu ý trong nhóm người mắc bệnh đái đường cũng có sự phản ứng với các loại thực phẩm và đồ uống khác nhau tuỳ theo từng cơ thể của mỗi bệnh nhân. Vì vậy lời khuyên của thày thuốc là chúng ta nên dùng Caffein ở mức độ vừa phải, không nên lạm dụng nó, nhất là ở những người đã có tuổi.

* Giấc ngủ

Ở một số người mắc bệnh đái đường, đặc biệt những người đã phải sử dụng Insulin thì khi họ ngủ, lượng đường trong máu có thể hạ thấp một cách nguy hiểm, những người này nên được kiểm tra lượng đường huyết trước khi ngủ và sau khi thức dậy. Vì vậy một bữa ăn nhẹ trước khi đi ngủ có thể giúp cho sự cân bằng đường huyết ở nhóm người này. Đối với một số người, lượng đường huyết có thể tăng cao vào buổi sáng, thậm chí ngay cả trước khi họ ăn sáng, do sự thay đổi nội tiết tố hoặc giảm Insulin, vì vậy việc kiểm tra đường huyết thường xuyên là điều khá quan trọng để biết mức độ dao động của đường huyết có thể phát sinh nguy hiểm.

* Luyện tập thể thao, thể dục

Hoạt động thể chất, vận động cơ bắp là một trong những giải pháp để tăng cường sức khoẻ cho con người, nhưng ở những người mắc bệnh đái đường nên luyện tập tuỳ theo sức khoẻ bản thân cho phép. Khi luyện tập với tần suất cao, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim... lúc đó lượng đường trong máu có thể tăng vọt, nhưng tiếp sau đó lại có hiện tượng giảm nhanh chóng. Các nhà khoa học thấy cường độ luyện tập cơ bắp cao hoặc bền bỉ có thể làm cho đường huyết giảm ít nhất là 24 giờ sau tập luyện, nên người ta khuyên dùng bữa ăn nhẹ trước khi luyện tập và kiểm tra đường huyết trước, trong và sau khi luyện tập nếu thấy cần thiết.

* Nhiệt độ cao

Khi trời nóng, nhiệt độ tăng cao sẽ làm cho đường huyết người bị bệnh đái đường khó kiểm soát hơn. Vì vậy những người bị bệnh này nên kiểm tra đường huyết thường xuyên và uống nhiều nước khi về mùa hè.

*Cảm lạnh

Cảm lạnh cũng được xem là thủ phạm có thể gây tăng đường huyết, lý do là khi cảm lạnh cơ thể sẽ phản ứng bằng cách làm tăng đường huyết để đối phó với hiện tượng này. Do đó khi chúng ta bị cảm lạnh nên uống đủ nước ấm. Trường hợp cảm lạnh bị tiêu chảy hoặc nôn ói trong hơn 2 giờ hoặc bị cảm lạnh trong vòng 2 ngày mà không hồi phục thì nên đi khám thày thuốc.

*Căng thẳng trong công việc

Khi con người bị choáng ngập trong công việc, gặp những điều không may trong cuộc sống, căng thẳng do ôm đồm quá nhiều công việc...thì dễ mắc bệnh đặc biệt là bệnh đái đường. Vì khi bị căng thẳng (bị stress) có thể làm cơ thể phản ứng bằng cách giải phóng các hormon và làm tăng đường huyết, đây có thể là nguyên nhân chủ yếu của những người bị đái đường typ 2. Do đó để giảm bệnh này thì việc giảm stress là điều mỗi người chúng ta cần quan tâm, nhất là nhóm người cao tuổi.

(Theo Webmd năm 2016).

Doctor SAMAN

Ngô Quang Trúc

Tiến sỹ bác sỹ cao cấp chuyên ngành Tâm Thần Kinh

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/12.2017\/duong-huyet.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/12.2017\/duong-huyet.jpg","subHtml":""}]