Làm nghiên cứu khoa học (NCKH) nói chung thì việc trích dẫn nguồn dự liệu (TDNDL) luôn trở thành một kĩ năng không thể thiếu cho mọi nghiên cứu viên (NCV). Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta tạm đưa ra khái niệm của TDNDL như sau: Là việc trích dẫn thông tin hay số liệu của nguồn khác phục vụ cho việc so sánh, phân tích, nhận xét, bàn luận hay suy diễn…một sự kiện khoa học. Cũng chỉ trong khuôn khổ của bài viết này, TDNDL được chia thành 2 loại: Dẫn nguồn dữ liệu và tài liệu tham khảo (TLTK).

Hầu hết các cấu phần của một công trình NCKH đều cần tới TDNDL (Đặt vấn đề/mở đầu, tổng quan tài liệu, đối tượng và phương pháp nghiên cứu, bàn luận [1]). Một trong những nguyên lý của NCKH nói chung là nói có sách, mách có chứng. Tức muốn đưa ra nhận xét hay bàn luận hay nêu kiến nghị/ đề xuất/ giả thuyết gì đều phải có ‘bằng chứng’, tức là có cơ sở khoa học. Mỗi khi thiếu bằng chứng hay cơ sở khoa học thì mọi phân tích, suy diễn đều không có giá trị.

Nhiều khi TDNDL trở nên khó khăn đối với NCV, nhất là đối với những chủ đề NCKH ít phổ biến, ít hay chưa được nghiên cứu. NCV cũng phải chi phí khá nhiều thời gian và công sức để làm việc này, đồng thời đòi hỏi tính kiên trì, bền bỉ sưu tầm tài liệu, tích lũy dần các nguồn dự liệu. NCV cũng cần phải nắm chắc và thực hiện đúng các quy ước về TDNDL, nếu không sẽ dễ bị sa vào lỗi đạo văn (plagiarism*)

1. Ý nghĩa, tầm quan trọng của TDNDL

- Như trên đã nêu, TDNDL giúp NCV so sánh, phân tích, nhận xét, bàn luận hay suy diễn một dữ kiện nào đó một cách có cơ sở khoa học vững chắc;

- Cho thấy người viết công trình khoa học có sự tham khảo, nghiên cứu sâu sắc và nghiêm túc kết quả của các công trình khoa học hay tài liệu khác, đồng thời công nhận các kết quả đó;

 - Giúp người đọc suy diễn, tranh luận thêm các kết quả của nghiên cứu;

- Chỉ dẫn thêm cho người đọc về tài liệu tham khảo hay dẫn họ tới nguồn tài liệu liên quan [2].

- Tăng cường năng lực nghiên cứu, tăng khả năng tự đọc, tư học của NCV;

- Tăng giá trị cho công trình nghiên cứu;

-  Bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tránh được lỗi đạo văn cho NCV [3].

2. Nguyên tắc TDNDL

- Đảm bảo chính xác: Đây là nguyên tắc tối quan trọng. Và đây cũng là lỗi hay gặp của người viết nghiên cứu/ NCV. Đôi khi mắc lỗi này là do vô ý, ví dụ, thông tin hay số liệu thuộc về tài liệu A nhưng người viết lại ghi nguồn trích dẫn nhầm là tài liệu B. Một lỗi khác là trích dẫn sai ý hay sai số liệu của tài liệu gốc. Để khắc phục lỗi này thì NCV hay người viết nghiên cứu luôn phải thận trọng và kiểm tra kĩ nguồn trích dẫn.

- Dữ liệu trích dẫn phải phù hợp hay lô gíc với sự kiện khoa học mà người viết định làm sáng tỏ (nói cách khác là phải “sát” với chủ đề được đề cập). Ví dụ, người viết muốn tổng quan về chủ đề sử dụng thuốc nam tại nhà chẳng hạn thì không thể trích dẫn các thông tin hay số liệu về sử dụng thuốc tại nhà được vì nó bao gồm cả việc sử dụng thuốc tây tại nhà, không sát hợp với chủ đề sử dụng thuốc nam tại nhà. Đây cũng là lỗi rất hay gặp, để tránh lỗi này thì người viết phải luôn bám sát chủ đề định làm sáng tỏ.

- Không trích dẫn làm sáng tỏ những chủ đề đã phổ biến hoặc đã trở thành phổ thông, được nhiều người công nhận [4]. Ví dụ, tác dụng của kháng sinh penicicline chống nhiễm trùng đã quá rõ ràng, không cần trích dẫn dữ liệu để làm sáng tỏ.

- Cách ghi trích dẫn phải thống nhất trong toàn bộ bài viết nghiên cứu và phù hợp với cách trình bày trong danh mục tài liệu tham khảo (TLTK).

- Việc sử dụng hoặc trích dẫn kết quả nghiên cứu của người khác, của đồng tác giả phải được dẫn nguồn đầy đủ và rõ ràng.

- Không ghi học hàm, học vị, địa vị xã hội của tác giả được trích dẫn vào thông tin trích dẫn.

- Tài liệu được trích dẫn trong bài viết phải có trong danh mục TLTK và ngược lại, tài liệu được liệt kê trong danh mục tham khảo phải có trích dẫn trong bài viết.

- Không trích dẫn tài liệu mà người viết/NCV chưa đọc hay chưa có trong tay. Không nên trích dẫn những chi tiết nhỏ, ý kiến cá nhân, kinh nghiệm chủ quan.

- Khi một dữ liệu có nhiều tác giả đề cập thì nên trích dẫn những nghiên cứu/ bài báo/ tác giả có tiếng, nổi bật...[3].

- Trích dẫn sao cho có tầm tham khảo đủ rộng để bao quát phạm vi nghiên cứu;

- Mức độ tham khảo đủ sâu, tương ứng với cấp độ nghiên cứu;

- Dữ liệu, thông tin được trích dẫn phải tương đối cập nhật, không bị lạc hậu với dòng thông tin chuyên ngành. Theo thông lệ, thường không trích dẫn dữ liệu đã quá 10 năm so với thời điểm viết nghiên cứu [2].

3. Cách tìm dữ liệu khoa học để trích dẫn

Tìm kiếm và chọn dữ liệu cho trích dẫn thường chia làm hai giai đoạn: Định hướng tìm kiếm nguồn dữ liệu và, tìm kiếm & chọn lọc nguồn dữ liệu.

3.1. Giai đoạn 1: Định hướng tìm kiếm nguồn dữ liệu: Giai đoạn này lại chia 2 bước nhỏ:

- Định dạng ý tưởng: Tức động não để xác định rõ ràng và chính xác những ý tưởng cho đề tài nghiên cứu. Lúc đầu suy nghĩ tự do, sau đó liệt kê các ý tưởng đã suy nghĩ ra một cách có trật tự và lọc lấy những ý tưởng hợp lý với nghiên cứu của mình.

- Định vị nguồn: Xác định rõ nguồn để lấy dữ liệu thông qua kinh nghiệm và các hướng dẫn. Hiểu rõ đặc điểm, ưu và nhược của các nguồn dự liệu sẽ giúp lựa chọn công cụ tìm kiếm phù hợp. Thực tế có rất nhiều các nguồn dữ liệu khác nhau: Thư viện online (sách, tạp chí, tài liệu nghe nhìn, các văn bản nhà nước, các luận văn, luận án,...), trung tâm tài liệu và các tủ sách chuyên ngành, các cơ sở dữ liệu, danh bạ mạng, bộ máy tìm kiếm (Google, Google Scholar, Scirus), các nhà xuất bản khoa học, nhà trung gian cung cấp tài liệu (các website của các nhà xuất bản), bách khoa toàn thư, từ điển thuật ngữ chuyên ngành, diễn đàn chuyên môn và website, blog cá nhân và đặc biệt là các nguồn tài liệu mở (Open Access: Trang thư viện thông tin khoa học, kĩ thuật và giáo dục bằng tiếng Pháp Infothèque hay Thư viện Khoa học Mở PLoS) [7]...

Muốn định vị nguồn dữ liệu chính xác đòi hỏi NCV phải từng trải, có kinh nghiệm. Ví dụ, chủ đề nghiên cứu về dịch tễ các bệnh, thì nơi tìm kiếm dữ liệu lý tưởng là Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, thư viện chuyên ngành. Một số nơi khác cũng giúp tìm kiếm dữ liệu khá tốt như Trường Đại học Y tế công cộng, các Viện Pastuer, các trường Đại học Y…Nếu muốn tìm dữ liệu để dẫn cho chủ đề bệnh tim thì nơi tìm kiếm lý tưởng là các viện, bệnh viện chuyên khoa tim mạch, Hội Tim mạch học Việt Nam, các trường đại học Y… Tóm lại dựa vào chuyên ngành của chủ đề ta muốn nghiên cứu, từ chuyên ngành này ta tìm ra các địa chỉ cụ thể của dữ liệu (Tạp chí, viện, bệnh viện, trường, website, thư viện…).

3.2. Giai đoạn 2: Tìm kiếm và chọn lọc nguồn dữ liệu: Thường qua hai bước:

- Khai thác các công cụ tìm kiếm;

- Đánh giá và chọn lọc kết quả tìm kiếm.

Có hai phương thức chính để khai thác thông tin qua bằng các công cụ tìm kiếm:

- Phương thức 1: Tìm kiếm thông tin bằng danh bạ mạng:

     * Tìm theo mục và phụ mục: Chỉ cần kích chuột lên một mục mong muốn, sau đó đến một phụ mục, rồi phụ mục con, cho đến khi nào tìm thấy website phù hợp với nhu cầu tìm kiếm.

     * Tìm theo từ khóa: Gõ từ cần tìm vào ô tìm kiếm, có thể là từ khóa hay từ đồng nghĩa với chủ đề đó. Ví dụ, muốn tìm dữ liệu để tham khảo cho đề tài “Nghiên cứu dịch chiết cây dong riềng đỏ ứng dụng điều trị cơ tim thiếu máu cục bộ”, trước hết ta tìm các tài liệu có từ dong riềng đỏ và các từ đồng nghĩa hay tên gọi khác của nó như: Rong giềng đỏ, rong riềng đỏ, cây khoai đao, khương vu,  hay khoai riềng. Có tài liệu lại dùng tên khoa học của nó: Canna edulis (hay Canna indica) hay tên khác (theo tiếng dân tộc) như Slim khỏn (tiếng Nùng Cao Bằng), Slim tàu tẳng (tiếng Nùng Văn quan, Lạng sơn) , Si mun (tiếng Dao)…Từ khóa tiếp theo để tìm tài liệu là thiếu máu cơ tim. Nhờ những từ khóa hay từ đồng nghĩa này, NCV tìm được khá nhiều tài liệu liên quan, sau đó đọc kĩ và chọn lọc để tìm dữ liệu tham khảo. Đây là cách tìm dữ liệu tham khảo phổ biến nhất và hữu ích nhất, nhanh nhất và có chi phí thấp nhất, tuy nhiên, chỉ phù hợp với những dữ liệu đã được lưu trữ trong các phần mềm dữ liệu và được chia sẻ mà thôi. Trên thực tế, có rất nhiều dữ liệu liên quan tới chủ đề nghiên cứu, nhưng không được lưu giữ trên bất kì phầm mềm nào, hoặc được lưu giữ trong phần mềm chuyên dụng nhưng không được chia sẻ trên mạng thông tin toàn cầu, hoặc bị bảo mật theo luật của chính quyền sở tại. Với dữ liệu này, rất khó cho NCV đi tìm nguồn trích dẫn.

- Phương thức 2: Qua các bộ máy truy cập thông tin trên mạng Internet:

Người dùng vào mạng Internet và thực hiện các bước sau đây để tìm kiếm thông tin:

     * Đánh từ khóa liên quan của nghiên cứu vào ô truy cập;

     * Thêm dấu ngoặc kép để thu gọn kết quả tìm kiếm;

    * Thêm dấu gạch nối trước một từ để loại chúng ra khỏi danh sách tìm kiếm (vd: Khó khăn trong tìm nguồn tài liệu nghiên cứu – không có internet).

     * Trong cụm từ khoá, kèm theo tên hoặc địa chỉ một trang web có chứa nội dung tương tự mà NCV đã biết (ví dụ: kỹ năng tìm kiếm tài liệu khoahoctre.com.vn).

      * Tìm kiếm nâng cao bằng các bộ máy chuyên ngành như Google Scholar hoặc Google Books.

Còn một cách nữa là dựa vào chuyên ngành. Tức dựa vào các tủ sách, nghiên cứu, tài liệu chuyên ngành hay các chuyên gia của chuyên ngành sâu để tìm dữ liệu trích dẫn. Cách tìm này phù hợp với các tài liệu hay nghiên cứu không được chia sẻ trên mạng thông tin toàn cầu, chúng nằm trong các thư viện tư nhân, tủ sách cá nhân, tủ sách chuyên ngành…NCV muốn tiếp cận được dữ liệu kiểu này phải mượn hay bỏ tiền mua tài liệu… thông qua nhà quản lý hay chuyên gia chuyên ngành. Dạng dữ liệu mà NCV có được thường là bản cứng (hard copy), thông thường là tài liệu photocopy, cũng có thể là bản mềm (soft copy) như đĩa CD, USB, e-mail files…

4. Tính chính xác và khách quan khoa học của dữ liệu

NCV đương nhiên phải trích dẫn những nguồn dữ liệu có độ tin cậy cho công trình NCKH của mình, có vậy mới được duyệt và chấp nhận:

- Các tài liệu ở các trang học thuật như Google Scholar, các trang đuôi .gov, .edu, có phần “library” sẽ là lựa chọn tốt nhất;

- Tài liệu có quy trình công bố thông tin được tổ chức với sự phản biện khoa học chặt chẽ, ví dụ: Các bài báo ở các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế như Tạp chí Nghiên cứu Y học, Tạp chí Y tế công cộng, Tạp chí Y học dự phòng, Tạp chí Lancet… các luận án, luận văn, khóa luận, đề tài NCKH các cấp…Chú ý, với các tạp chí khoa học thì chỉ số ảnh hưởng (Impact factor) là một trong các tiêu chí tốt dùng để đánh giá uy tín [7].

- Tài liệu ở các thư viện lớn, các trường đại học, cao đẳng, trung học Y tế, các viện, bệnh viện, các tổ chức quốc tế…

5. Cách viết TDNDL trong nghiên cứu khoa học

5.1. Dẫn nguồn dữ liệu (DNDL)

DNDL là dạng khác của TLTK mà thôi. Chúng đều có bản chất và mục đích chung là dẫn nguồn dữ liệu trong các công trình NCKH nhưng DNDL ở đây chưa được các tài liệu trong quá khứ và hiện tại xếp vào loại TLTK. Do vậy, trong phạm vi của bài viết này, như trên đã nêu, tạm đặt ra cái tên DNDL. Dạng này lại được chia hai loại: DNDL bên trong nghiên cứu và DNDL bên ngoài nghiên cứu.

- DNDL bên trong nghiên cứu: Cách này thường xảy ra tại chương Bàn luận của công trình NCKH. Trước khi bàn luận, người viết nghiên cứu bao giờ cũng phải tóm tắt các kết quả chính của nghiên cứu, sau đó so sánh và bàn luận (Xem lại bài Viết bàn luận trong nghiên cứu Y học đã đăng ở kì trước). Các kết quả chính này (thuộc chương Kết quả nghiên cứu) của chính nghiên cứu đó, được nhắc lại tại đây thì bắt buộc phải dẫn nguồn trích (có thể dẫn trước hay sau dữ liệu được trích). Nguồn trích có thể là bảng số liệu hay biểu đồ, sơ đồ nào đó, cũng có thể là một ý (định tính) thuộc mục nhỏ nào đó của chương Kết quả nghiên cứu. Nếu không dẫn nguồn trích, người đọc không biết thông tin hay số liệu đó lấy ở đâu ra, như thế là vi phạm tính khoa học, tính minh bạch của NCKH. Ví dụ, trong một báo cáo khoa học viết: “Nhân lực trực tiếp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hộ gia đình tại tuyến xã, phường (bảng 3.3) cho thấy đối với bác sĩ, tỉ lệ cho 10.000 dân cao nhất tại Yên Bái (0,09)…”. Ở đây tác giả đã dẫn nguồn trích là “bảng 3.3” (thuộc nghiên cứu), nguồn trích được đặt trước số liệu trích dẫn “(0,09)”. Người viết cũng có thể đặt nguồn trích đi sau số liệu được trích dẫn, ví dụ: “…kết quả nghiên cứu khác về chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình của Yên Bái có phần tốt hơn Hải Phòng (Bảng 3.5, 3.6, 3.8 và 3.10)”. Đôi khi, để làm tăng thêm sự chặt chẽ của bàn luận, người viết nghiên cứu có thể TDNDL từ một kết quả nghiên cứu không nằm trong nghiên cứu đang viết nhưng thuộc kết quả nghiên cứu đó, ví dụ: “Chi phí cho chăm sóc tại nhà có thể từ bảo hiểm y tế, kinh phí nhà nước cộng với dân đóng góp…(Nam, 50 tuổi, CBYT)” dùng để bàn luận cho việc đa dạng hóa tài chính chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình [5]... Kết quả định tính này không thuộc nghiên cứu nhưng lại là thông tin điều tra được nhờ nghiên cứu đó.

Hình 1. Sử dụng footnote để dẫn nguồn dữ liệu [6].

- DNDL bên ngoài nghiên cứu: Cách này thường sử dụng dưới dạng footnote. Hình 1 trên đây minh họa cho việc này, tác giả dùng footnote số 7 để dẫn nguồn dữ liệu.

5.2. Viết tài liệu tham khảo (TLTK)

Có nhiều kiểu viết TLTK như: APA style, IEEE style, Chicago, GB 7714, Harvat-Angrila, GOSH…Nhưng có lẽ APA (American Pchycological Association) là phổ biến nhất trong Y học.

Bài viết kì này tạm dừng tại đây, kì sau sẽ đi sâu về viết TLTK theo kiểu APA và IEEE, là hai cách viết khá thông dụng hiện nay.

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

Tài liệu tham khảo

1. Đại học Quốc gia Hà Nội () Hướng dẫn trình bày kết quả nghiên cứu khoa học đề tài cấp cơ sở (áp dụng cho trường hợp nghiệm thu cấp cơ sở), Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

2. Huỳnh Văn Nghĩa (2017) Phương pháp truy tìm, trích dẫn và trình bày tài liệu tham khảo trong nghiên cứu khoa học, Trang web của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cập nhật ngày 01/5/2020, http://www.binhdinhhospital.com.vn/bai-viet/phuong-phap-truy-tim-trich-dan-va-trinh-bay-tai-lieu-tham-khao-trong-nghien-cuu-khoa-hoc

3. Đại học Hồng Bàng (2016) Hướng dẫn cách trích dẫn tài liệu tham khảo và lập danh mục tài liệu tham khảo, Trang web của Đại học tổng hợp Hồng Bàng, ngày 01-5-2020, https://journal.hiu.vn/vi/cach-trich-dan-tai-lieu/cach-trich-dan-tai-lieu-tham-khao

4. Học viện Ngân hàng- Khoa Quản trị Kinh doanh (2020) Hướng dẫn cách trình bày Trích dẫn và Tài liệu tham khảo theo quy định, http://hvnh.edu.vn/biz/vi/quy-dinh-tot-nghiep/huong-dan-cach-trinh-bay-trich-dan-va-tai-lieu-tham-khao-theo-quy-dinh-277.html , cập nhật 01/5/2020.

5. Phạm Nhật An, Vũ Khắc Lương và cs (2010) Đánh giá thực trạng và nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại gia đình, đề xuất giải pháp phát triển mạng lưới y học gia đình, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Y tế- Trường Đại học Y Hà Nội, trang 75, 96.

6. Ulrike Schultz, Gisela Shaw (2003) Women in the Wold’s Legal Profession, Hard Publishing Oxford and Porland, Oregon, p. xxxviii.

7. Hoàng Bảo Lân (2016) Tìm kiếm và chọn lọc nguồn tài liệu: Bước khởi đầu quan trọng của một bài nghiên cứu khoa học, Vietnam Journal of Science, http://www.vjsonline.org/career/t%C3%ACm-ki%E1%BA%BFm-v%C3%A0-ch%E1%BB%8Dn-l%E1%BB%8Dc-ngu%E1%BB%93n-t%C3%A0i-li%E1%BB%87u-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-kh%E1%BB%9Fi-%C4%91%E1%BA%A7u-quan-tr%E1%BB%8Dng-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%99t-b%C3%A0i-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-khoa-h%E1%BB%8Dc, Cập nhật 30-4-2020.

 


* Đạo văn (tiếng Anh: plagiarism) là "chiếm hữu một cách sai trái" và "ăn cắp và công bố" "ngôn ngữ, suy nghĩ, ý tưởng, hay cách diễn đạt" của người khác và xem chúng như là những gì do mình tự tạo ra (Theo Wikipedia, https://vi.wikipedia.org/wiki/Đạo_văn , cập nhật 01/5/2020).

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/05.2020\/vu%20khac%20luong.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/05.2020\/vu%20khac%20luong.jpg","subHtml":""}]