Kiểm soát đau ở tủy sống và thuyết cổng kiểm soát:

Thuyết cổng kiểm soát (gate control theory) do Melzack và Wall đưa ra (1965) dựa trên sự dẫn truyền và cấu trúc giải phẫu của các sợi thần kinh ở mức tủy sống , thuyết này cho rằng:

– Khi có kích thích đau, các thụ cảm thể nhận cảm đau tổn thương sẽ mã hóa về số lượng, tần số, không gian, thời gian rồi truyền vào theo các sợi thần kinh dẫn truyền cảm giác đau hướng tâm (sợi Aδ và C) qua hạch gai vào sừng sau tủy sống và tiếp xúc với tế bào neurone thứ hai hay tế bào T (transmission cell – tế bào dẫn truyền) từ đó dẫn truyền lên trung ương. Trước khi tiếp xúc với tế bào T, các sợi này cho ra một nhánh tiếp xúc với neurone liên hợp. Neurone liên hợp đóng vai trò như một kẻ gác cổng, khi hưng phấn thì gây ra ức chế dẫn truyền trước sinap của sợi Aδ và C (đóng cổng). Nhưng lúc này xung động từ sợi Aδ và sợi C gây ức chế neurone liên hợp nên không gây ra ức chế dẫn truyền trước sinap sợi Aδ và C (cổng mở), do đó xung động được dẫn truyền lên đồi thị và vỏ não cho ta cảm giác đau.

– Các sợi to (Aα và Aβ) chủ yếu dẫn truyền cảm giác bản thể. Các sợi này cũng cho một nhánh tiếp xúc với neurone liên hợp trước khi đi lên trên. Các xung động từ sợi to gây hưng phấn neurone liên hợp, do đó gây ức chế dẫn truyền trước sinap của cả sợi to và sợi nhỏ (đóng cổng), khi đó xung động đau bị chặn lại trước khi tiếp xúc với tế bào T làm mất cảm giác đau.  

 Kiểm soát đau trên tủy và thuyết giảm đau nội sinh:

Sự kiểm soát trên tủy chủ yếu tại một số vùng từ thân não trở lên, các neurone thuộc các vùng này phát xuất ra các đường ức chế đi xuống. Một số thí nghiệm trên chuột cho thấy, nếu kích thích vùng chất xám quanh rãnh sylvius sẽ tạo ra tác dụng giảm đau mạnh. Người ta đã xác định rằng tác dụng giảm đau này chủ yếu là xuất phát từ vùng bụng của chất xám quanh rãnh sylvius, vùng này tương ứng với nhân lưng của đường đan chứa nhiều thân tế bào serotoninergic.

Việc kích thích chất xám quanh rãnh sylvius ức chế một số phản xạ nhận cảm đau tổn thương chứng tỏ tác dụng giảm đau một phần do đường ức chế đi xuống, điều này phù hợp với chứng minh rằng, với sự kích thích như trên sẽ làm giảm một cách rõ rệt các đáp ứng của các neurone ở sừng sau đối với những kích thích nhận cảm đau tổn thương. Hơn nữa người ta đã chứng minh việc sử dụng naloxone (đối vận của opiat) sẽ làm mất tác dụng giảm đau có được do kích thích vùng chất xám quanh rãnh sylvius hay kích thích nhân đan lớn, điều này chứng tỏ các kích thích trung ương gây nên sự phóng thích morphine nội sinh.

Từ các dữ kiện trên, nhiều tác giả khác nhau đã cho rằng có sự hiện diện của một hệ thống giảm đau nội sinh tác động vào các cấu trúc khác nhau ở trung não, cầu não và thân não. Hệ thống này tham gia vào vòng tác động ức chế ngược chiều được tạo ra từ các kích thích dữ dội dẫn đến sự ức chế trở về việc dẫn truyền các thông tin nhận cảm đau tổn thương ở vùng tủy.

Thuyết giảm đau nội sinh:

– Khi có kích thích đau được dẫn truyền về, hệ thống thần kinh trung ương sẽ tiết ra các chất enkephalin có tác dụng làm giảm đau giống như morphine, gọi là các endorphine (endo = endogenous – nội sinh, orphin = morphine, tức là morphine nội sinh). Các endorphine gắn vào các receptor morphinic cũng gây giảm đau và sảng khoái, nhưng tác dụng này hết nhanh do các endorphine nhanh chóng bị hóa giáng nên không gây nghiện.

– Các trạng thái tâm lý vui vẻ, thoải mái, sung sướng, hạnh phúc, lạc quan… có tác dụng kích thích giải phóng endorphine rất mạnh, tạo cho cơ thể cảm giác khoái cảm lâng lâng. Một số bài tập thể dục, xoa bóp, các tác nhân kích thích điện cũng có tác dụng kích thích giải phóng endorphine gây giảm đau.

Bác sỹ dược lý Lê Văn Chính

Nghiên cứu viên cao cấp

Viện Y Học Bản Địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[]