“Thiên địa bất nhân – Dĩ vạn vật vi sô cẩu” là câu nói được trích dẫn từ cuốn Đạo đức kinh của Lão Tử, một triết gia cổ đại Trung Hoa. Hiểu theo nghĩa đen câu nói này có nghĩa: trời đất không có tình người, coi vạn vật như chó rơm; hiểu rộng ra trời đất quá vô tình, loài người cùng muôn loài chỉ là hạt bụi trong đó. Trước tự nhiên bao dung - tàn nhẫn, mọi ý chí, mọi quyền lực đều trở nên vô nghĩa.
Sinh mạng của loài người cũng vậy, chính thiên nhiên đã sinh ra loài người và thiên nhiên cũng đang làm mọi cách để khống chế sự phát triển quá mức của loài người: những bệnh - dịch, thiên tai lũ lụt, hạn hán, sóng thần, động đất… Âu cũng là nằm trong quy luật âm dương, khắc chế lẫn nhau. Con người và con kiến cũng nhỏ bé như nhau trong lòng đất mẹ. Thế nhưng, có một nghề tồn tại suốt chiều dài lịch sử loài người, nghề chống lại tạo hóa. Một nghề mà bất kỳ chế độ xã hội nào, bất kể chiến tranh hay hòa bình, bất kể công xã nguyên thủy hay phong kiến hay tư bản hay xã hội chủ nghĩa đều cần đến – đó là nghề y.
Người hành nghề y khá biết dùng những công cụ nhân tạo để chữa bệnh cho con người, người hành nghề y giỏi biết lấy tự nhiên để chữa bệnh cho người, đó mới là chữa bệnh căn vì mọi bệnh tật con người gánh phải nếu xét ở 1 góc độ nào đó cũng là do tự nhiên tạo ra. Nhận thức được nguyên lý trên, Viện Y học bản địa Việt Nam ngay từ khi thành lập đã đưa ra tôn chỉ nghiên cứu và hành động là tập trung nghiên cứu những cây thuốc, con thuốc từ tự nhiên để áp dụng chữa bệnh cho con người. Và trong tất cả mọi thành quả nghiên cứu của viện luôn đảm bảo chặt chẽ 1 nguyên tắc đó là: thành phẩm 100% có nguồn gốc thiên nhiên. Những chuyến thực địa, những chuyến khảo sát trong rừng núi nguyên sinh, rừng đặc dụng của Viện cũng nằm trong tôn chỉ hoạt động đó. Với định hướng nghiên cứu đi sâu vào những lĩnh vực không/chưa/ít ai nghiên cứu, từ cuối năm 2012 Viện Y học bản địa Việt Nam đã âm thầm tiến hành nghiên cứu 1 bệnh mà chưa ai có thể can thiệp được, một bệnh lý ai đến tuổi “thất thập cổ lai hy” cũng thường phải mắc: bệnh teo não.
Những người già hay nói trước quên sau, hoang tưởng mất cắp đồ đạc, quên gần nhớ xa, có khi đang ngồi cười nói ỉa đái ra quần lúc nào không biết… đều đã mắc chứng teo não. Vốn là bác sĩ lâm sàng có tay nghề cao, BS Hoàng Sầm trong hơn 30 năm hành nghề chữa bệnh của mình đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị teo não, thậm chí có nhiều cá nhân đơn lẻ đã được chữa khỏi gần như hoàn toàn. Tuy nhiên để đạt được sự thành công ở mức độ rộng, 2 thày quyết tâm nghiên cứu lại 1 sản phẩm dựa trên nhận thức mình đã thu được nhằm chữa bệnh teo não ở người có/cao tuổi hiệu quả cao hơn. Với mã sản phẩm là NEO-19. Hiện dự án NEO-19 của Viện Y học bản địa Việt Nam đang được tiến hành trong giai đoạn cuối: thử nghiệm lâm sàng, những bệnh nhân mắc teo não sử dụng NEO-19 đã trả lại cho 2 nhà nghiên cứu kết quả hết sức khả quan, bằng những mẫu test chức năng nhận thức và vận động, mỗi tuần những báo cáo của người nhà bệnh nhân gửi về cho BS lại đem cho 2 BS niềm vui nho nhỏ. Chưa thể hài lòng, tiếp tục tìm hiểu thêm những cây thuốc có tác dụng nhanh và mạnh hơn trong kho tri thức y học dân gian vô cùng tận, chúng tôi biết thêm 1 cây thuốc rất tiềm năng (xin được giấu tên) – tạm gọi “cây NEOX ”.
Tuy nhiên, cây NEOX này không những quý mà còn hiếm. Cố gắng nắm bắt đặc điểm sinh trưởng của cây, chúng tôi đưa ra những khoanh vùng có thể có sự tồn tại của cây. Quyết định thành lập 1 đoàn công tác thực địa được lập ra gồm 2 BS: Hoàng Sầm và tôi (Hoàng Đôn Hòa); cùng trưởng ban Tài chính – Kế hoạch Quách Thị Minh Thắng và nhân viên văn phòng (kiêm lái xe) Phạm Văn Thu. Địa điểm chuyến đầu tiên đi tìm cây NEOX là núi Hồng, xã Khuôn Mản –huyện Sơn Dương – Tỉnh Tuyên Quang. Đây là ngọn núi cao khoảng 1500m so mặt biển, trông ra ba tỉnh Tuyên quang, Vĩnh phúc, Thái nguyên.
Sau khi liên lạc được với người chỉ điểm là anh Thực – người Dao bản địa Khuôn Mản. Chúng tôi quyết định thời gian khởi hành thực địa là 4h30 sáng thứ Bảy ngày 7/12/2012, khi mọi công việc chuẩn bị ở Viện đã được an bài chu đáo. Theo lời anh Thực mô tả qua điện thoại, chúng tôi sẽ phải cùng nhau đi bộ leo núi hơn 15km đến đỉnh núi Hồng và ngủ luôn trên đỉnh núi, vì vậy mỗi người trong đoàn đều phải tự chuẩn bị riêng hành trang cho mình: quần áo bông chống rét (dưới 10 độ C), thực phẩm thiết yếu, bông băng y tế, thuốc Xoa bóp Saman phòng cảm & chấn thương, giầy thể thao để leo núi và 1 chiếc chăn mỏng (nếu balo cá nhân còn đủ sức chứa).
Đúng 4h30, đoàn xuất phát từ Viện Y học bản địa Việt Nam, đi đến nhà riêng đón tôi lúc 5h50. Thẳng tiến đến huyện Sơn Dương – tỉnh Tuyên Quang do tài xế Phạm Văn Thu cầm lái. Trùng phải ngày xấu trời, đường đi đặc sương mù nên tốc độ tiến lên của chúng tôi cũng phải cầm chừng. Dù sau 1 đêm ít ngủ nhưng không khí trên xe lại hết sức nhộn nhịp và vui vẻ, có lẽ do mọi người đều đang háo hức có 1 trải nghiệm mới. Dừng lại ăn sáng chóng vánh tại xã Yên Lãng huyện Sơn Dương lúc 6h55, chúng tôi tiếp tục lên đường đến xã Khuôn Mản, con đường đi dần trở nên bé nhỏ, gập ghềnh. Hỏi thăm nhiều lần chúng tôi dần hỏi được đường đến nhà anh Thực – trưởng đoàn hướng đạo sinh của chúng tôi.
Đến nhà lúc 8h45 sáng. Sau khi bàn bạc cụ thể lộ trình và trao đổi hình ảnh nhận biết mẫu vật CÂY NEO-19, chúng tôi bắt đầu lên đường. Đoàn leo núi gồm 3 hướng đạo sinh là người Mán (Dao) bản địa: anh Thực, anh Tuyên, anh Hồng là 3 chuyên gia leo núi (vì ở đây rừng núi là “cơ quan” sinh nhai của họ); phía Viện chúng tôi gồm 5 người (cũng có 2 người Mán là BS Sầm và tôi). Lộ trình đi qua đèo Khương 3km, vượt qua 1 cánh đồng lớn sẽ đến bìa rừng núi Hồng, leo từ bìa rừng lên đến đỉnh núi Hồng là hơn 12km nữa mới đến đỉnh núi. Người Mán ở đây, đặc biệt dòng họ nhà anh Thực rất cao lớn. 2 anh em anh Thực – Tuyên mỗi người cao xấp xỉ 1m80. Đoàn chúng tôi có bác sĩ Sầm là người cao nhất cũng chỉ 1m71, trông thật nhỏ bé so với họ. Có vẻ như bát phở sáng ở Yên Lãng mới bắt đầu phát huy tác dụng, mỗi người 1 balo bước đi hừng hực khí thế, thấy “bọn thanh niên” đang cao hứng, BS Sầm nhắc: “người Mán có câu thấy đường dài thì bước ngắn thôi”. “Bọn thanh niên” gồm 2 người là tôi và kĩ sư Thu, hết đèo Khương dần chúng tôi mới ngấm điều đó, đôi chân bắt đầu có dấu hiệu oai oải.
Từ đoạn đường nhà anh Thực qua đèo Khương đã thấy biết bao cây thuốc mà xưa nay trong “sách chết” mình được nghe tên, nào là cây Jun Lá, cây Ngũ Gia Bì, cây Đom Đóm, cây Thành Ngạnh, dây Pháo Leo, cây Cảo Kén… dọc đường đi lần lượt được các thày tiền bối chỉ xem và giảng giải tác dụng, cách sơ chế và chỉ định sử dụng cho bệnh nhân; qua sách vở, trường lớp chúng tôi được các thầy cô giảng dạy cho ta biết nhiều vị thuốc đã qua sơ chế, thật ngỡ ngàng khi nhìn thấy vật sống trước mắt. Hết đèo Khương, băng qua đồng ruộng, bắt đầu vào rừng, những chiếc áo khoác ấm buổi sáng dần được từng người cởi ra trong khí lạnh mùa đông miền núi, mồ hôi vã ra ngấm vào những chiếc áo sơ mi mới giặt mà vợ con đã chuẩn bị cho. Vừa đi chúng tôi vừa đảo mắt tìm cây NEOX mà mình muốn thấy, chỉ sợ mình lỡ đi qua mà không biết, cây cần chưa thấy đâu nhưng cây thuốc khác thì lại thấy dọc đường; nếu đây là 1 bài thực địa của các BS Y học cổ truyền thì đảm bảo thu hoạch không hề nhỏ chút nào; từng cây thuốc chỉ thấy trên hình vẽ trong sách vở, hay “gúc gồ” thấy nay hiện ra trước mắt, kho từ điển thảo dược sống là BS Sầm cùng kiến thức gia đình làng xóm, đồng nghiệp truyền cho của anh Hồng & đồng sự cho người bác sĩ trẻ như tôi biết bao ngỡ ngàng: hóa ra thuốc “giảm đau tim” SEDA ngày xưa làm từ vỏ cây này, hóa ra Câu đằng là tên dành cho cây đầy móc câu kia; cây này ở đây chữa viêm xương, cây kia thầy lang chữa dạ dày cực hiệu nghiệm… kho kiến thức về thảo dược của tôi lại được mở rộng thêm một chút.
Dốc thoai thoải ít nhất cũng làm chúng tôi đỡ sốc vì mệt, vừa đi vừa ngó nhìn xung quanh tìm NEOX mình cần, tìm xem nấm Tỏa Dương một thời oanh liệt cả làng thu hái có còn không? Nghe các thày và các hướng đạo sinh trao đổi về cây thuốc.. Thấy ôi chao, kiến thức ở trường lớp của mình vẫn chỉ là .. cơ bản. Vội lấy điện thoại ra ghi ghi chép chép, chực sợ rơi mất chữ nào. Thế mới ngẫm lại câu nói mỗi khi uống rượu thày Sầm nhắc lứa nghiên cứu viên trẻ chúng tôi: “CÁI GÌ MÌNH BIẾT CHƯA CHẮC LÀ NÓ ĐÚNG, CÁI GÌ MÌNH CHƯA BIẾT: CHƯA CHẮC LÀ NÓ SAI”. Thật sâu sắc. Thành viên nhỏ bé và nếu nhìn qua cũng gọi là “yếu nhất” đoàn tôi, chị Quách Minh Thắng lại chẳng tỏ ra mệt mỏi chút nào, lúc nào cũng top đầu đoàn; Có lẽ nỗi nhọc đôi chân làm cho cái miệng của tôi không kìm được lặp lại câu hỏi mỗi nửa tiếng trôi qua với 3 anh Hướng đạo sinh: “còn bao xa nữa thì đến?”; và có lẽ thấu hiểu tâm lý người thành thị lên đây, các anh chỉ cười nói: “sắp đến rồi!”. Đến tuổi 3x này tôi mới thấm cái từ “sắp” nó trừu tượng như nào (cười).
Trong nhóm BS chúng tôi có BS Sầm là người am rừng núi, hiểu cây thuốc nhất, vì từ khi 6 tuổi ông đã cách ly gia đình ở bản Piéo, Hoàng Su Phì Hà giang theo học lên đến mức được đồng nghiệp phong là "Giáo sư thuốc Nam" đến giờ, mưu sinh nhờ rừng núi suốt chục năm rồi đi xúc phân thuê, làm thợ xây (ông là 1 trong ít người được tuyển chọn xây lăng Hồ Chủ tịch), đạp xích lô mưu sinh nuôi cái sự học; đến khi vào đại học y ông lại tận dụng nghề làm thuốc 13 đời của gia đình Mán của mình (ở miền núi người Mán giỏi về cây thuốc nhất) kết hợp với kiến thức của các GS đầu ngành đông y truyền dạy như GS Hoàng Bảo Châu, GS Phạm Duy Nhạc - Đại học y Hà Nội để chữa bệnh & mưu sinh ở đất thủ đô trong thời bao cấp. Đôi bước chân nặng nề của tôi dần được nhẹ bớt vì những kiến thức thực tế hôm nay được sư-phụ truyền dạy. ĐI 1 ngày đàng học 1 sàng khôn là câu nói không sai của các cụ, đằng này LEO 1 ngày đàng… thấy thật bổ ích cho đoạn đường tu nghiệp và nghiên cứu sau này của mình.
Con đường mòn lên đỉnh núi như là đã ngàn năm chân người qua đây mới có, anh Tuyên kể từ đời cha đời ông đã lên đây săn bắn hái thuốc rồi, nhìn độ “nuột” của con đường, tôi nghĩ cũng phải đến chục thế hệ mới có đc đường mòn như này. Hơn 3 tiếng trôi qua, mỗi lần đến suối cạn (khe suối chỉ có nước chảy ở mùa mưa) ngồi nghỉ chóng vánh, các anh hướng đạo sinh lại động viên “không nên nghỉ lâu, nghỉ sẽ lười, sẽ không muốn đi nữa”, tiếp tục lên đường. Mục tiêu trước mắt là lán dừng chân của người Mán và Tày đi rừng lập nên làm chỗ nghỉ ở lưng chừng núi để nghỉ ăn trưa (bát phở đầy buổi sáng giờ đã bốc hơi hết không tăm tích theo đường mòn). Tôi nghĩ đến từ lán nghỉ lúc này nó cũng như khách sạn 3 sao ở dưới xuôi. Thực tế tưởng tượng ít nhất nó cũng phải bằng chòi trông cá của các ngư dân nhưng… không phải vậy. 12h56 tôi đã mục sở thị, Lán được dựng bằng vầu trên đường đi của suối (nguyên tắc là phải gần nguồn nước mới ở qua đêm được).
Không vách, mái nilon rách nát; bên cạnh là tro bếp củi đã ngấm ướt từ lâu. Đồ ăn chúng tôi mang đi là đồ ăn nhanh gồm bánh mỳ Pháp, pate gan Pháp, cá thu hộp, cơm nắm, muối vừng.. được đưa hết ra từ balo chị Thắng và tất nhiên cả 2 bên đều không quên được 1 thứ đã ngấm sau vào máu người Mán: rượu. Những mẫu vật thuốc chúng tôi thu hoạch suốt gần 7km đường được kĩ sư Thu tiến hành bảo quản tại suối dưới lán, đóng gói cẩn thận. Sau 15’ chị Thắng và anh Tuyên đã chuẩn bị xong bữa trưa. Thật tiếc theo thói quen của người đi rừng, nồi bát là của chung được vùi trong đống tro cạnh bếp nhưng lần này không thấy nữa. Hái lá dong làm bát, lấy tay làm đũa, chặt ống nứa làm ly uống rượu. Có lẽ ở dưới miền xuôi cũng lâu lắm mới có bữa cơm vui và ngon như này, còn độ độc đáo thì chắc là không. Theo kinh nghiệm người đi rừng, giữa chặng mà được uống rượu thì sẽ tan hết mệt mỏi, đi sẽ “sung” như ban đầu, nên tôi cùng đoàn cũng “làm” kha khá. Từ đầu đến lán này chưa có nhiều thời gian để nói chuyện làm quen với 3 anh hướng đạo sinh, có chén rượu ấm trong khí lạnh thật nói chuyện còn gì bằng.
Qua chén rượu tâm sự dần tôi mới hiểu: ngày xưa rất nhiều người đi rừng săn bắn hái thuốc, những lán này luôn được duy tu thường xuyên nhưng dần sau này tư thương người Trung Quốc và các quán nhậu đặc sản đặt hàng dân bản địa quá mạnh khiến một thời dân đi rừng như làm… cách mạng, khiến giờ thứ quý thì hiếm, thứ hiếm thì.. hết. Và cũng vì thế người đi rừng cũng vãng dần. Bếp núc, lán trại không được chăm nom nữa. Cũng may không phải thứ gì tốt họ cũng biết mà đặt thu hái, đến nửa đường chúng tôi cũng đã thu hoạch kha khá mẫu vật từ từ điển thuốc nam Hoàng Sầm, ngoại trừ cây NEOX - mục đích chính chuyến đi. Kết thúc bữa cơm no vui vẻ, chống gậy lên đường lên đỉnh núi. Đã 14h kém, Chặng này còn 5km nhưng sẽ khó hơn nhiều, dốc cao hơn và có rừng giang cản lối, có những lúc phải khom lưng xuống như quỳ mà leo. Đôi chân vẫn nặng bước tiến lên, chiếc balo chuẩn bị ở nhà chỉ khoảng 4kg giờ như… cả tạ. Đôi mắt đôi tai vẫn dáo dác đảo khắp xung quanh nhưng NEOX vẫn chẳng thấy đâu.
Anh Thực cùng trực giác đi rừng mấy chục năm nói: “cứ đi thôi, vừa đi vừa nhìn, lên đỉnh núi là tối rồi, sáng dậy đi tìm tiếp”. Một kiểu nói xúc tích, bản chất thường thấy ở người miền núi. Bản thân tôi sinh ra trong 1 gia đình dạng khá giả dưới Thái Nguyên, từ bé lại được cha mẹ đào tạo khá nghiêm khắc, hè không về quê trèo núi đá nhặt củi cũng ra sông Cầu bơi sông 4-5 cây số xúc cát. Những tưởng so với bạn bè thành thị mình cũng là từng trải nhưng về đây mới thấy trước kia mình cũng chỉ như… chuồn chuồn chấm nước. Ban đầu nhắc nhở KS Thu uống nước ít thôi không là sẽ mệt hơn đấy, lên đến 2/3 núi thì… có bao nước chính mình cũng uống, mồ hôi vã ra làm mất nước nhiều quá. Đến giờ đúng thật là … đi bằng niềm tin và hi vọng. Lại vác thêm trách nhiệm thư ký chuyến đi, chạy lên chụp ảnh ghi tên cây thuốc mới lạ, chạy xuống chụp vài pô ảnh độc làm lưu niệm. Cũng… tất bật.
Đoạn đường còn lại sau lán nghỉ trưa khó leo hơn nhiều
KS Thu phụ trách thu nhặt và bảo quản mẫu vật dọc đường, chiếc balo của Thu ngày càng nặng hơn cùng với số lượng cây thuốc nhận biết được. Vượt qua rừng giang, đoạn dốc còn lại trở nên dễ thở hơn. Cuối cùng đến 14h 50 phút, chúng tôi đã leo được lên đến vùng trũng sát đỉnh núi (nơi duy nhất trên đỉnh núi có thể nghỉ qua đêm được), nơi này có 2 vũng nước nhỏ, như các HĐS nói 2 vũng này không bao giờ cạn, cứ múc nước đi nước lại đầy – nơi có nước ăn & vệ sinh cá nhân. Nằm nghỉ 30’, BS Sầm chỉ đạo cho anh em đi chặt vầu về làm sạp ngủ, mỗi người chặt 4 cây, về chặt làm 4 đoạn, mỗi đoạn lại chẻ đôi ra gá vào 2 thân cây mục đổ ngay chỗ tạm trú của chúng tôi. Sau nửa tiếng sạp đã hoàn thành, lúc này đã đến 16h, chỉ còn khoảng hơn 1 tiếng nữa là trời sẽ tối. Vốn ăn của chúng tôi có 1 con gà làm sẵn ở nhà anh Thực, đồ ăn trưa còn thừa.
Tôi và anh Thực quyết định tiếp tục đi lên đỉnh núi và phụ cận tìm cây NEOX, anh Thu và anh Hồng đi xuống dưới lưng chừng núi săn thêm thú rừng bổ sung bữa tối đạm bạc. Chị Thắng nhặt củi đốt lửa trại, nấu cơm và nướng gà. Đỉnh núi cách gần đó không xa nhưng độ dốc cao như dựng đứng, vừa leo vừa đảo quanh chúng tôi tìm được thêm 2 củ nấm Tỏa dương sơ sinh, loại nấm mà xưa thu hoạch được cả tấn, nay đã gần như tuyệt diệt ở núi này. Anh Thực chỉ thêm cho tôi 1 cây thuốc hiếm có mà dân đi rừng hay hái xoa bóp “cực hiệu quả, cực đặc biệt luôn!” – theo lời anh. Cây La Nựa. Loanh quanh 20’ không thấy cây NEOX, tôi quyết định đi tìm La Nựa về xoa bóp cho các Sếp. Cây này cũng thật đặc biệt, 1 vùng núi mấy nghìn mét vuông nhưng chỉ mọc ở đúng 1 khu nhỏ vài trăm mét vuông, xa hơn tí là không thấy cây nào. Nửa tiếng sau thu hái được khoảng 1 kg La nựa chúng tôi quyết định về trại vì trời bắt đầu tối. Về đến trại cơm đã chín, gà đã thơm (sếp Sầm ngoài là 1 thầy thuốc giỏi còn là 1 tay đầu bếp có hạng, rất sành ăn và nấu ăn cũng sành). Anh Hồng, KS Thu hiện chưa về, vẫn đi săn phía dưới.
Tôi tiến hành sơ chế cây La Nựa với rượu trắng để xoa bóp cho BS Sầm. Ngồi nói chuyện hơn 1 tiếng, đoán họ sắp về chúng tôi sắp cơm và gà ra “mâm”. Mâm & chiếu ăn được xếp bằng lá dong, ly được làm bằng vầu tươi, tất nhiên khỏi cần bát, đũa vót tạm bằng vầu để gắp ớt tươi + gia vị. 19h20, Thu & Hồng đã về, cứ nghĩ đi lâu thế chắc có thu hoạch nhưng kết quả là không săn được con thú nào, Hồng mang về 2 bi chuối để sáng mai hấp trộn muối ăn sáng. Không sao, có con gà nướng tối nay là đủ rồi. Cả đoàn vào mâm rót rượu , xẻo gà ăn uống cười đùa vui vẻ sau 1 ngày.. rã rời. Lửa trại là nguồn nhiệt duy nhất của chúng tôi. Cả đoàn không ai mang chăn ấm cả. Khoảng 21h cơm tối xong xuôi, các sếp đều đã thấm mệt đều đi nghỉ, ai muốn đi vệ sinh cũng không dám đi xa khỏi lửa trại vì nghe nói quanh đây vẫn còn 1 con báo, khi thoảng vẫn gầm rú làm dân đi rừng phát ớn.
Tôi cùng KS Thu và 3 hướng đạo sinh tiếp tục tâm sự nốt số rượu còn lại. Đến 23h mới mệt nhoài dọn dẹp đi ngủ. Tôi ngủ trên sạp xa đống lửa, xin ké chiếc áo mưa mỏng mà thày mang đi. Giấc ngủ cũng không được lâu, đến 3-4h sáng do lạnh quá, chắc phải dưới 7 độ C, 2 thày trò phải mò xuống ké đống lửa, củi sắp hết, cùng nhau lấy củi 15’ cố duy trì lửa đến sáng rồi cả đoàn cùng co ro ngay mâm cơm khi tối. Giấc ngủ chập chờn tới 6h sáng thì mọi người gọi dậy ăn cơm, vệ sinh cá nhân qua loa rồi mỗi người 1 bát (vỏ hộp đồ ăn nhanh) cơm trắng ăn với bi chuối luộc trộn muối ớt. Vừa ăn vừa bàn bạc quyết định lộ trình hôm nay: khi xuống sẽ đi đường khác, vòng xa hơn để tiếp tục tìm cây NEOX. Xuống sẽ mất hơn 15km. Đến khoảng 7h15, cả đoàn xuất hành xuống núi. Thày Sầm tối qua được xoa bóp bằng rượu thuốc La Nựa sáng nay nhận xét đôi chân đã nhẹ đi rất nhiều, không đau nhức nữa. Riêng tôi chủ quan không xài thuốc nên chân bắt đầu đau mỏi. Đường xuống này xem chừng khó đi hơn đường lên, cả đoàn cùng đi lòng vòng quanh đỉnh núi (như kiểu trôn ốc vậy) vẫn không thấy cây thuốc cần tìm.
Có 1 đoạn chúng tôi bị lạc, đi xuống đến gần mép thác núi, lại phải vòng lại đi đường khác vì không thể trèo đường đó xuống được. Quá nguy hiểm. Lòng vòng lạc lối gần 2 tiếng, Đến hơn 9h chúng tôi mới tìm được đường xuống (lại chính là đường lên). Khi thoảng chúng tôi gặp thêm được 1 vài cây thuốc lạ. Riêng NEOX chúng tôi xác định: hết hi vọng. Túc tắc thả bộ xuống núi, đôi chân tôi sắp không chịu nổi, mũi bàn chân bị trọng lực dồn vào mũi giầy, bục móng chân. Gắng nhịn đau mỏi vì không còn đường lùi nữa. Thỉnh thoảng xuống ngang xuống lùi cho đỡ đau. Dần đoàn tách ra làm 2 nhóm, nhóm đầu gồm tôi anh Thực, anh Tuyên & KS Thu. Còn anh Hồng đã đi một mình về trước cách đoàn 1 tiếng trước – quá khỏe!.
Gia đình anh Thực giờ còn anh Hồng là đi rừng thường xuyên vì Hồng là người rất mê rừng núi, với chúng tôi đây là 1 chuyến thực địa đặc biệt, nghĩ mỗi quý chỉ nên đi 1 lần thì 1 ngày Hồng có thể lên xuống núi này 2-3 lần (!). Mãi đến 12h45 tôi cùng đoàn dẫn đầu ra được bìa rừng, lết qua đèo Khương 3km anh Thực gọi con trai đưa xe máy đến đón tôi và Thu về trước (cách nhà hơn 1km nữa) rồi quay lại đón tốp đi sau gồm BS Sầm, chị Thắng. Nửa tiếng sau, tại nhà anh Hồng cả đoàn đã tụ tập đông đủ. Chuẩn bị cơm nước xong chúng tôi cùng nhau ăn trưa nói chuyện, trao đổi kiến thức dùng thuốc của người bản địa rồi chia tay lúc 15h. Đoàn ra về cùng nhiều trải nghiệm mới, tri thức mới từ thiên nhiên. Tổng kết tổng sắp lại kết quả chuyến đi 20’ trên xe, cả đoàn chìm vào giấc ngủ. Còn lại anh Thu lái xe, tôi ngồi sắp xếp lại các tư liệu, mẫu vật. 17h50 chúng tôi về đến Thái nguyên. Lập kế hoạch cho chuyến thực địa tiếp theo đi tìm CÂY NEOX, hoặc 1 vị thuốc thay thế tương đương nếu có.
BS. Hoàng Đôn Hòa
Nghiên cứu viên
Viện Y học bản địa Việt Nam
Doctor SAMAN