Lời bạt: Thầy thuốc, Thầy giáo Bùi Duy Quỳ là một trí thức y khoa có kiến thức nội khoa uyên bác, suốt đời tận tụy với người bệnh; một thầy giáo có nhân cách. Thầy Quỳ trong bổn phận của mình đã cùng các đồng nghiệp đào tạo ra hơn 10 vạn bác sỹ, nay đã, đang phục vụ khắp miền của đất nước với nhiều cương vị, trọng trách khác nhau. Với tư cách một người em, một đồng nghiệp, một người bạn vong niên và được sự đồng ý của thầy nay xin giới thiệu nguyên văn với quý đồng nghiệp một vài kỷ niệm nghề y của thầy Quỳ viết dưới dạng kỷ yếu. Trong quá trình thực hiện chúng tôi không sửa hoặc hiệu đính, hiệu chỉnh gì ở văn bản này.
Bác sỹ Hoàng Sầm.
BÙI DUY QUỲ
VÀO ĐẠI HỌC: Thi tốt nghiệp lớp 10 xong, về làm ruộng và chờ giấy gọi vào ĐH. Một chiều đầu tháng 8 năm 1967 đi cắt tóc về, đến gần trường cấp III Võ Nhai (nơi sơ tán) mình gặp thầy giáo dạy Vật lý, chào thầy, thầy hỏi: “cậu Quỳ có giấy gọi đi ĐHYK Hà Nội, cậu biết chưa ?“. Mình run lên vì xúc động. “Thưa thầy em chưa biết”. “Thầy chủ nhiệm giữ cho cậu đấy vào mà lấy”. Cảm ơn thầy, mình vào trường gặp thầy Bùi văn Được chủ nhiệm lớp. Thầy Cô chúc mừng học trò Quỳ, thầy hướng dẫn cách đi đường để đến KTX Khương Thượng... Cô Hồi dạy Sử Địa (vợ thầy cũng là người HN) nói”anh nói thế làm sao nó nhớ được”, thầy bảo “bây giờ nó quên nhưng đi đến đó nó sẽ nhớ ngay”. Mang giấy gọi ĐH về thưa với Cha Mẹ. Niềm vui khôn tả đến với hai bậc sinh thành. Ngay hôm sau đi làm thủ tục “cắt giấy tờ”, với bao khó khăn, nhưng rồi cũng qua nhờ “mẹo nhỏ” của “thằng trẻ con”. Ngày 22/8/1967 làm xong giấy theo yêu cầu của trường. Cha đang ốm, Em gái út chưa đầy một tháng tuổi. Cha nói “con phải đi thôi...”. Ngày 23/8/1967 mình rời nhà, chào Cha Mẹ và các Em, tiến về Hà Nội dưới Trời mưa tầm tã, đi bộ, chiều 24/8/1967 về đến Phủ Lỗ, tối có xe từ HN lên đón khách về bến Nứa. Ngày 25/8 về thăm quê Khoái Châu, Hưng Yên, chào Ông Bà ngoại và họ hàng, báo tin cháu chuẩn bị vào học ĐHYK, Ông Bà và họ hàng rất vui. Vì đi đường mưa to nên ba lô ướt hết, giặt đồ và đi thăm cảnh quê hương ngay.
Ngày tập chung 15/9/1967 tại KTX Khương Thượng nên 13/9 rời quê ra Hà Nội, Đến nhà Dì ruột, Dì được tin cháu vào ĐH, Dì rất vui, Dì đưa đi may áo. Sáng 15/9/1967 đi tầu điện đến ngã tư Vọng, rẽ sang đường Tầu Bay, đúng như thầy chủ nhiệm hướng dẫn, mình tìm đến KTX Khương Thượng thật dễ dàng. Nộp giấy tờ, tiền và tem gạo cho tháng “ăn” đầu tiên, đến bữa vào nhà ăn của KTX, gặp Trần Công Hòa, Hải Châu và Xiêm từ đợt 6 nán lại (vì lí do sức khỏe).
Ngày 28/9/1967, đêm khuya các Bạn đợt 7 và phần còn lại của đợt 6 đi bộ qua cầu phao Khuyến Lương sang bờ bên kia có ô tô nhà trường thuê chở lên khu sơ tán. Rạng sáng 29/9/1967 đến phố Đu. Sáng 29/8 đi bộ vào khu sơ tán, tìm đến lớp, các Bạn đang tập quân sự. Mình hòa nhập với các Bạn từ mọi miền Tổ Quốc đến học. Bao điều bỡ ngỡ về học tập về Bạn bè về ăn ở... Thật vui khi được tiếp cận với các Bạn từ các thành phố lớn của đất nước, đó là “sự ngỡ ngàng” của Quỳ, vì mình học ở nông thôn miền Núi.
NĂM Y1: Quỳ cùng gần một trăm Bạn học tập kiến thức khoa học, tập luyện văn thể, các Bạn với hồn thơ như Đặng Quyết Thắng, Nguyễn Đình Phán, Trịnh Phúc Lộc.... Các Bạn văn nghệ như Bùi Nguyên Kiểm, Nguyễn Đăng Khuê, Hải Châu, Thanh Châu, Nguyễn thị Huê, Lâm Tú Oanh, Hoàng thị Phúc... các Bạn thể thao nổi trội như Bùi Nguyên Kiểm, Phan Văn Tư, Lê Văn Khóa, Hoàng Gia Mỹ... Sự gắn kết gần trăm con người trẻ khỏe của Lớp Y1E ngày càng tốt đẹp trong học tập rèn luyện, lao động và sinh hoạt, bổ xung cho nhau phần mỗi người còn thiếu... Mọi thành viên quen dần với cách học đại học, với cách sống tự lập, thương yêu nhau như anh em một nhà.
MỘT TRẬN ỐM: Mùa đông năm Y1, vào một ngày tự nhiên Quỳ “sốt đùng đùng”, bữa tối không đi ăn cơm được, chán quá, thế này “gay rồi”, học hành sao đây ? Hòa ăn cơm về và nói “mình nấu cháo cho Quỳ nhé”, mình “gật đầu”. Một lúc sau Hòa từ nhà bếp về, trên tay với 3 ngăn cạp lồng USSR cháo, “dạy ăn cháo đi Quỳ”, Hòa nói. Mình ra khỏi chăn, mở cháo ra là 3 ngăn cạp lồng đầy cháo. “Mày ăn với tao đi”, mình nói (cháo nấu bằng gạo nhà bếp với 1 cây rau cải Hòa Quỳ trồng). Hòa “ăn cố đi cho khỏe còn học”. Thế là Quỳ ăn: hết một ngăn, hai ngăn, rồi 3 ngăn cặp lồng cháo vào bụng Quỳ hết. Vào chăn đắp cho kín đầu, ít phút sau mồ hôi vã ra đầm đìa. Quỳ dạy lấy khăn lau người rồi ngủ tiếp, sáng hôm sau đi học bình thường. SV Y KHOA CHỮA BỆNH CÓ KHÁC.
MỘT BỮA NO: Vào một tối thứ Bẩy năm Y1 sau khi ăn cơm nhà bếp mấy Bạn: Minh Lộc Cành Hòa Quỳ rủ nhau đến nhà Mế Thu (một gia đình khai hoang) mua 5kg sắn luộc ăn, đang ăn sắn luộc thì bà chủ nói “tôi có con gà mái lú, các chú có ăn không?”, hội ý nhanh, đồng ý. Vay bác 5 bát B52 gạo và mua 2 kg sắn nấu canh. Các Bạn mổ gà, nấu cơm nấu canh thật nhanh và tài tình. Ăn tiếp nào, thịt gà béo ngậy, cơm gạo mới thơm ghê, canh nấu khéo. Năm chàng trai T18 Y1E nhoàng cái đã “chiến thắng tuyệt đối”.
Ối Trời! chuyện gì thế này? Ngồi không được, nằm không được. Tức bụng quá, chỉ còn cách đi lại nhẹ nhàng, Lộc kêu than ghê quá, mình phải động viên. Khoảng gần một giờ sau “mọi sự” cũng dịu đi. Năm chàng trai về nhà nghỉ an toàn, hôm sau đi học khỏe mạnh. Thật may. Ơn Trời. Nhớ mãi.
Học môn Giải phẫu: Học lí thuyêt phức tạp ghê, phải ghi thật nhanh để kịp (hầu như ít giáo khoa) lại vẽ các “thiết đồ”, bài dài quá. Phải học thuộc. Học thực hành trên xác, chao ơi sợ! mùi Formol thật khủng khiếp, hắt hơi, nước mắt nước mũi chảy ra . Về lớp, đến bữa ăn lại được mỗi người một miếng thịt lợn ướp. Sao mà giống “tổ chức” ở phòng thực tập giải phẫu thế? Thi giải phẫu thật khó khăn, nhưng rồi cũng qua tuy điểm không cao. Đến kì II có khá hơn vì ít nhiều đã quen, vẽ hình đẹp hơn...
Học các môn Lý Hóa Sinh... thuận lợi hơn, vì kiến thức sâu sắc hơn ở phổ thông, nhưng không phải mới lạ hoàn toàn. Được thực tập thấy thú vị hơn. Học Toán học cao cấp, thầy Cương dạy thật đặc biệt (chắc là phương pháp dạy đại học).
Học thể dục có các môn xà đơn xà kép thật hay vì về lớp tập thấy người khỏe hơn. Cái “bụng to” của chàng thanh niên nông thôn sau một thời gian “nhỏ lại” (nhỏ vì tập luyện và ăn ít hơn ở nhà).
NĂM Y 2: Chuyển đến tiếp quản cơ sở Lớp Y2K. Cả lớp tự sửa chữa nhà ở và cũng lấy củi cho nhà bếp như năm Y1. Mùa Thu, Trời của rừng núi Việt Bắc trong veo, đêm trăng sáng đẹp vô cùng. Thế rồi tình yêu đầu đời cũng đến. Bao vui mừng của Tình Bạn Tình Yêu giúp vượt qua những khó khăn gian khổ của thời chiến tranh. Tình cảm trong sáng của Bạn học, của Bạn tình sẽ theo mỗi người đi suốt cuộc đời. “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Thế mới là NGƯỜI.
Các môn học Sinh lý học, Vi sinh Y học, Ký sinh trùng, Mô học, Sinh hóa... đã mang đậm mầu sắc Y Khoa, thật thú vị khi tiến dần vào lĩnh vực này. Cả lớp các Bạn đã kết nối tốt hơn, sâu sắc hơn trong học tập và rèn luyện. Lớp E đã để lại trong mỗi thành viên của lớp của khóa những “dấu ấn” tốt đẹp, đến ngày nay “VẪN CÒN SÁNG CHÓI”.
“Chớp mắt” hai học kỳ năm Y2 đã kết thúc. Cả khóa tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng về nơi tập kết để trường chuyển về Hà Nội. Các Bạn Gái người thành phố vất vả quá, vì gỗ nặng cạnh sắc, chắc là đau vai lắm. Nhưng làm sao được, việc phải thế.
Bình tĩnh lại, nghĩ sâu sắc về “tình yêu”. Chiến tranh đến bao giờ kết thúc ? Cưới nhau, có con thì lấy gì nuôi con ? Lại để một “Nàng Vọng Phu” nữa xuất hiện à ? Xót xa quá nhưng vẫn phải “chia tay”. Cảm ơn người Bạn Gái rất nhiều, xin Nàng hiểu cho để mình còn chuẩn bị cho “Chí làm trai” thời chiến.
NĂM Y3:
TRIỆU CHỨNG HỌC NỘI KHOA: Buổi đầu tại GĐ C BV Bạch Mai, GS Đặng Văn Chung gặp các học trò nhỏ Y3. Thầy giảng bài “Cách tiếp xúc với bệnh nhân Nội khoa”...
Học lí thuyết và Lâm sàng Nội khoa, các Bạn đều rất nhiệt tình hỏi bệnh khám bệnh. Về KTX mọi người luôn tranh thủ rèn luyện kỹ năng khám bệnh. Thật vui khi đến giờ ngủ, các Bạn trong màn mỗi người đều tập “gõ” lồng ngực hoặc gõ bụng... sẵn có sự nhạy cảm của các giác quan, trong quá trình học Lâm sàng mình nắm được các triệu chứng cơ bản khi khám bệnh nhân (một thuận lợi quan trọng trong đời làm Thầy Thuốc).
TRIỆU CHỨNG HỌC NGOẠI KHOA:
Tổ 18 học tại khoa Ngoại BV Bạch Mai, có anh Thuận là cán bộ đi học, anh kêu đau bụng do loét hành tá tràng suốt (không biết có phải không ? anh có vợ và hai con gái, nhà ở khu tập thể ngoài đê Trần Quang Khải, chắc là do con bé hay ốm đau nên bố phải nghỉ trông con) thầy Vân thầy Luân thầy Kinh dạy lâm sàng tại khoa. Bạn Huê vào nhà mổ được phân công làm “dụng cụ viên”, khi thầy cầm dao rạch thành bụng bệnh nhân, máu chảy ra “cô dụng cụ viên” xinh đẹp đổ uỳnh ra sàn nhà mổ. Các bạn khiêng “nạn nhân” ra cấp cứu. Được các Bạn Nữ nhường một phần việc lâm sàng và trong tua trực, mình thật vui thích vì đó là cơ hội được làm thực hành nhiều hơn...
TRIỆU CHỨNG HỌC NHI KHOA:
Thầy Khánh phụ trách lâm sàng T18 tại khoa Nhi BV Bạch Mai (chính là Viện Nhi sau này). Nhiều buổi lâm sàng ở khoa Nhi BV Bạch Mai, nhưng có BN đặc biệt trên BV Saint Paul thì thầy đưa lên học....
TRIỆU CHỨNG HỌC SẢN KHOA:
Tổ18 học lâm sàng tại Nhà hộ sinh 36 Ngô Quyền, thầy Thanh phụ trách dạy lâm sàng, chủ yếu là học khám thai, tập đỡ đẻ, động viên thai phụ, riêng việc “làm thuốc” cho sản phụ thì mình được Tăng Tú Phấn làm hộ... Ba tuần rưỡi qua đi thật nhanh.
Đều là những môn mới, thật bỡ ngỡ nhưng cũng đầy thú vị, vì là những môn sẽ liên quan việc làm cả đời người thầy thuốc. Tuy được học tại các BVTW nhưng thời gian đó các thiết bị còn sơ xài lắm. Dù vậy nhưng các Thầy đã dùng Trí Tuệ và Bàn Tay giúp cho nhiều người bệnh thoát cửa tử để trở về với lao động sản xuất và chiến đấu. Các buổi giao ban buổi sáng tại BV Việt Đức, tại giảng đường C Bv Bạch Mai, giảng đường của Viện sản TW, giảng đường giao ban của Viện Nhi đã góp phần quan trọng trang bị kiến thức cho SVYK. Các đêm trực tại các khoa lâm sàng giúp sự gắn kết SVYK các khóa “bé” và các khóa “đàn anh”, họ dạy nhau học nhau thật hiệu quả, phần nào cũng làm phong phú cho quá trình học lâm sàng.
Học kỳ II năm Y3, lại sơ tán về Bàng Sở Ninh Sở Thường Tín, đây là vùng có dân Công giáo và Phật giáo, nhưng họ đều hiền lành với hai nghề làm ruộng và thủ công tre mây đan. Tại đây, nhóm của Quỳ nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của mấy bà chị chủ nhà, mà đến bây giờ Quỳ vẫn giữ gìn được tình cảm tốt đẹp. Các môn học: Dược lý, Giải phẫu bệnh, Phẫu thuật thực hành... Thực tập môn Phẫu thuật thực hành trên chó thực nghiệm, thật ý nghĩa trong luyện kỹ năng với Ngoại khoa và các chuyên ngành thuộc hệ ngoại sau này... Thi lý thuyết Phẫu thuật thực hành, các Bạn vào bàn thầy Đồng (thầy là người Miền Nam) ngại quá vì theo “tin truyền miệng”, mình nói “để tao vào trước cho”, thầy hỏi mang màu sắc “tổ hợp” kiến thức, nếu SV nắm được kiến thức cơ bản thì cuộc thi cũng rất nhẹ nhàng. Sau khi Quỳ trả bài xong, các Bạn không còn cảm giác sợ thầy nữa...
Mùa hè đến, các Bạn đều vui đón hè của miền thôn dã, các Bạn: Bùi Nguyên Kiểm, Phan Bảo Khánh, Phan Cao Nhất... bơi vượt sông Hồng. Quỳ thì không dám vì là “con cầu Tự”.
Cuối năm Y3 mình được Cha Mẹ mua cho chiếc xe đạp Thống Nhất với số tiền 270 đồng, một tài sản lớn của gia đình. Kết thúc năm học Y3, trở lại Hà Nội học các môn lâm sàng.
NĂM Y4:
Nội khoa học tại BV Bích Câu (Trần Hưng Đạo), thầy Phạm Gia Khải phụ trách dạy lâm sàng, tại đây mình khám một bệnh nhân nam 27 tuổi tăng huyết áp, thấy dấu hiệu “sờ rung” ở hạ sườn phải, nghe thấy tiếng “thổi liên tục”, bệnh nhân có vết sẹo tại HSP do hỏa khí trong khi tham chiến tại Miền Nam, báo cáo thầy Khải, thầy và các chuyên gia Cu Ba cho chụp và quay phim có tiêm thuốc cản quang. Kết luận chẩn đoán “thông động tĩnh mạch thận phải”. Bệnh nhân được “cắt thận” phải. Huyết áp trở về bình thường, bệnh nhân khỏe mạnh. Một “phát hiện lâm sàng của một Y Bé” cũng có ý nghĩa đấy chứ ? Một tua trực với thầy Khải, mình thấy một bệnh nhân khó thở, khám thấy “tràn dịch màng phổi” mức độ “nhiều”, xin thầy cho “chọc tháo dịch màng phổi”, thầy cho phép ngay. Mình đã chọc tháo dịch màng phổi cho bệnh nhân và BN dễ thở...
Ngoại khoa Tổ 18 học BV Việt Đức 7 tuần đi từng khoa của BV và tham gia trực phòng khám cùng lớp Y6 và Y3, sáng tham gia giao ban toàn viện. GS Tôn Thất Tùng ngày nào cũng mang tới cho SV những kiến thức mới mẻ. Bẩy tuần tiếp T18 học tại khoa Ngoại BV Hà Đông, BS Hoàng Tích Tộ là chủ nhiệm khoa BS là người có nhiều kinh nghiệm trong phẫu thuật ngoại tổng hợp..., thầy Nghĩa phụ trách, tại đây SV được tham gia thực hành lâm sàng nhiều, vất vả mà thật vui. Trưởng nhà mổ khó tính lắm, mình trực cùng nhóm Tăng Tú Phấn và Khóa Lê Văn... rồi cũng xây dựng “tình cảm đẹp” với trưởng nhà mổ... Học lâm sàng càng thêm thuận lợi.
Sản khoa học tại khoa sản BV Việt Tiệp số 18 Trần Quang Khải, BS Lê Điềm trưởng khoa (là BS nhiều tài năng), cô Liên cô Thoa phụ trách. Tổ 18 học cùng một tổ của lớp A. Các Bạn của hai lớp đều quý nhau, cùng học và xây dựng tình Bạn. Thầy Lê Điềm cấp cứu một sản phụ bị “lộn tử cung” do đang đi thì “nó sổ”, bệnh nhân Shock rất nặng, được BS Minh gây mê sâu, thầy Lê Điềm đấy tử cung vào vị trí cũ của “nó”. Thầy nói “đây là ca bệnh thứ tư thầy gặp, còn GS của thầy (GS Đinh Văn Thắng) mới gặp một ca”, sự may mắn của mỗi BS mà. Sản phụ hồi phục nhanh. Cũng trong thời gian này các Bạn học Ngoại khoa rất ca ngợi thầy Quang (trưởng khoa), thầy Phúc (BM Ngoại), thầy Tiệp (trưởng khoa Nhi, thầy đã từng là trưởng khoa Nhi tại BV Khu tự trị Việt Bắc- nơi BV mình làm việc sau này). Thi Sản khoa mình vào câu lý thuyết “Các phương pháp tránh thai”, mình trả lời thầy Lê Điềm và cô Thoa xong, các Bạn vỗ tay “ầm ầm”, Thu Hương nói “Quỳ trả lời hay quá”, nói thế thôi, mình đã biết “gì đâu”.
Nhi khoa, T18 học tại khoa Nhi BV Saint Paul, bệnh nhi thật phong phú: thấp tim, tim bẩm sinh, viêm cầu thận cấp, bệnh Nội tiết, các bệnh máu... bệnh hô hấp, còi xương, suy dinh dưỡng ... Năm học Y4 kết thúc, về quê nghỉ hè và lao động cùng Cha Mẹ.
NĂM Y5:
Các môn học với thời gian ba tuần rưỡi đến bẩy tuần, di chuyển suốt, thi suốt, lại bom đạn. Vất vả quá, cũng may là còn trẻ khỏe. Các môn TMH, Da liễu, Tâm thần, Thần kinh, Truyền Nhiễm đều học lâm sàng trong khuôn viên BV Bạch Mai, đang học môn truyền nhiễm mình xin về nhà thăm em gái ốm nặng (vào mùa hè) xuống tầu vào đêm khuya, nhọc quá, sáng hôm sau ngủ bù ở phòng (khoa lây BV Bạch Mai) khoảng 9 giờ còi báo động, mình chui vào “gầm nhà”, nghĩ nhỡ “sập nhà” các Bạn sẽ không tìm thấy “xác mình”, lại chui ra, xuống hầm bệnh nhân phong, vừa ngồi xuống thì “một mảnh bom” cắm phập bên chân, hú vía. Hôm đó tại hầm BN khoa Lây YS Liên quê Thanh Hà, Hải Dương (làm Y tá trưởng) bị mảnh quả bom ném cạnh C1 C2 vạc vỡ đầu. May hôm đó mình không học lâm sàng, nếu không mình khó thoát chết vì tính hay “nghiêng ngó”. Môn VSDT sơ tán ở Phùng, thầy Minh dạy T18, một đêm thầy ngủ với mình, thầy sốt nằm cạnh, nóng quá. Môn Đông Y học ở Hoài Đức do cô Đức dạy, tại đây một đêm Bạn Nguyễn Thị Minh chuyển dạ đẻ, cả tổ đưa Bạn Minh ra Trạm Xá “Hàng Dừa”, Minh sinh con trai đầu, đặt tên cháu là Ngọc (hiện cháu và vợ con sống tại Sài Gòn)... Môn Lao thầy Ân phụ trách hướng dẫn T18, học ở BV Lao TW và một số buổi ở Trạm Lao thành phố. Bệnh nhân lao có những nét thật đặc biệt, có bệnh nhân vào viện từ năm 1954, trồng cây nhãn trong viện, Nhãn lớn lên ra quả nhiều mùa mà bệnh nhân không thể ra viện được (vì xét nghiệm BK+). Môn mắt học tai viện mắt TW, thi lý thuyết, mình được GS chủ nhiệm gửi lời chúc Tết Cha Mẹ (vì thầy cho mình điểm 9)...
NĂM Y6:
Nhi khoa: là môn đầu tiên của T18, học tai khoa Nhi Bv Saint – Paul, các bệnh phòng trong BV, phòng khám tại số 4 Sơn Tây, thời gian này chiến tranh rất ác liệt, T18 và một tổ lớp H cùng học Nhi khoa, nhưng khi máy bay Mỹ oanh tạc ác liệt hơn thì tổ của lớp H được mang đi “dấu” ở nơi an toàn (lớp các Bạn Dân tộc thiểu số mà), Tổ 19 cũng học tại BV này nhưng hình như Ngoại khoa... vừa học vừa tham gia cấp cứu tai nạn chiến tranh, tháng 12/1972 máy bay Mỹ ném bom kinh khủng quá, xuống hầm có lúc một Bạn nam khóc hu hu... mình động viên “ngồi dưới thanh dầm của hầm (nơi chắc chắn nhất) còn nếu bom rơi trúng thì, chấp nhận”. Hà Nội bị oanh tạc nhưng Hà Nội cũng rất kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, có thời điểm máy bay Mỹ cháy làm Trời Hà Nội rực sáng, mình lên xem và vui mừng chiến thắng đến mức không xuống hầm nữa. Kết thúc trận chiến 12 ngày đêm ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG. Hiệp định Paris ký kết. Mình ra phố, bài hát “VIỆT NAM ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI” phát liên tục trên đài truyền thanh. Niềm vui khôn tả. Về nhà với Cha Mẹ và các Em hưởng Tết không có bom đạn.
Nội khoa: T18 học tại BV Bạch Mai, thật thuận lợi vì đây là nơi tập trung các thầy đầu ngành, tập trung nhiều bệnh nhân với bệnh tật phức tạp nhất. Mình đặc biệt lưu ý học “Cấp cứu Nội khoa” tại Trung tâm hồi sức cấp cứu A9. Mong có chút kiến thức thực hành về cấp cứu Nội khoa khi ra làm việc. Trực tại khoa Nội BV Bạch Mai thật nhiều việc, nếu làm trưởng tua thì vất hơn nhiều, phải biết tất cả bệnh nhân mới vào, bệnh nhân diễn biến, bệnh nhân tử vong... suốt đêm không ngủ. Nghề Y khoa phải thế. Sáng đọc giao ban tại GĐ C, GS Đặng Văn Chung hoặc thầy Đỗ Đình Địch điều khiển giao ban. Qua những buổi giao ban SV cũng được tiếp thu những điều mới mẻ... chiều học lý thuyết điều trị học Nội khoa tại GĐ C BV Bạch Mai... Thực hành lâm sàng được tiếp cận các kỹ thuật Hồi sức nội khoa mới (HSNK): Hô hấp nhân tạo bằng máy, đặt NKQ, đo áp lực tĩnh mạch trung tâm, truyền dịch qua tĩnh mạch trung tâm... Shock điện cấp cứu ngừng tim phổi... thầy Đinh Văn Tài bắt đầu kỹ thuật thông tim phải, thông tim trái... thầy Xang áp dụng kỹ thuật lọc màng bụng cho bệnh nhân suy thận...
Ngoại khoa: T18 lại học tại khoa Ngoại BV Bạch Mai, thầy Vương Hùng là trưởng khoa, thầy Luân (quê thầy ở Thanh Hóa) thầy Đô hướng dẫn lâm sàng, các Bạn Nữ nhường cho phụ mổ phiên hoặc mổ cấp cứu là thuận lợi cho cả hai phía (các Bạn Nam và các Bạn Nữ). Ngoại khoa là môn rất đáng quan tâm vì có thể về bệnh viện huyện hoặc thâm nhập Miền Nam... mình rất tích cực trong lâm sàng Ngoại khoa. Buổi trực cuối cùng tại khoa Ngoại của mình vào thứ bẩy. Chủ nhật nghỉ đi chơi, khuya về phòng, thấy đau bụng ở hố chậu phải, hỏi các Bạn “mấy giờ rồi “Phan Tư nói “mười hai giờ”, mình nói tao đau HCP, đêm dạy tự khám hai lần, chưa thấy “phản ứng thành bụng”. Sáng thứ hai, các Bạn lên Viện Sản học buổi đầu, mình đến khoa Ngoại Bạch Mai giao ban buổi cuối. Sau giao ban nhờ thầy Luân khám, thầy nói “chưa rõ ràng”, xin thầy về KTX ăn cơm, ngủ trưa dạy cặp nhiệt kế thấy sốt, lại sang khoa Ngoại báo thầy Luân “em sốt”, thầy bảo “làm thôi” kẻo muộn. Chiều Cành sang khoa Ngoại mắng mình một trận vì đi viện không báo. Nhờ thầy Luân mổ, thầy bảo “tôi làm gì được mổ cậu”, hóa ra SV Y Khoa cần mổ thì thầy có chuyên môn cao nhất tại đơn vị đó mổ. Thầy Vương Hùng sẽ mổ nhưng thầy đi họp, Cành và dụng cụ viên rửa tay mặc áo mổ chờ lâu quá. Lúc thầy vào phòng mổ bắt rửa tay, thay áo và bộ dụng cụ khác... gây mê mãi chẳng mê (thầy Cầu trưởng nhà mổ khoa Ngoại), đếm mỏi quá... 3 giờ sáng 7/6/1973 tỉnh dậy, hỏi các bạn về cuộc mổ. Hóa ra là “lồng ruột do manh tràng di động hoàn toàn, khối lồng nằm dưới gan nên thầy Vương Hùng phải mở vết mổ tới bốn lần. Tháng 6/1973 nóng quá, mình không chịu được truyền dịch, khát nước. Tư cho uống nước chanh đường (mình đồng ý), chà! Chưa có nhu động ruột, thức uống lên men, bụng chướng – rốn phẳng ra, khó chịu quá, nhờ Tư đặt Sonde dạ dày nhưng dùng dây truyền dịch “nó” cứ cuộn ở lỗ mũi sau, nói Tư không nghe, mình tự rút Sonde và nhờ Tư vào nhà mổ mượn Sonde tốt (mình biết vì làm ở nhà mổ nhiều). Đặt lại và hút được ngay. Tư nói “uống tiếp chứ?” mình đồng ý. Lần này hiệu quả tốt. Tuần sau ra viện.
Các Bạn thay nhau lai mình đi học Sản khoa, nhưng môn này mình không thu hoạch được gì nhiều.
Thi tốt nghiệp xong thì chờ và tham gia “ba công trình vệ sinh” tại thị xã Hà Đông gần ba tháng. Bạn bè rủ nhau đi “ăn chơi” một số nhà hàng mà trước chưa đến. Chuẩn bị chia tay mỗi đứa một phương...
Được phân công về “Phân hiệu ĐHYK Miền Núi”, dù không hợp nguyện vọng, nhưng cũng có thuận lợi vì gần Cha Mẹ.
HÀNH NGHỀ THẦY THUỐC THẦY GIÁO:
Ngày 5/2/1974 mình đến Phân hiệu ĐHYK Miền Núi (ĐHYD Thái Nguyên ngày nay), các Bạn cùng khóa lên nhận công tác tại hai đơn vị: BV Khu tự trị Việt Bắc và Phân hiệu ĐHYK Miền Núi tổng số hơn 25 người.
TUA TRỰC ĐẦU TIÊN:
Ngay tuần đầu về làm việc tại BM Nội, thứ bẩy mình được trưởng BM nhờ trực thay. Run quá, lần đầu chỉ huy tua trực có SV Y6, Y4, Y3 và CT (SV Chuyên tu) bệnh học và CT triệu chứng học. Mình cũng học các thầy ĐHYK Hà Nội: đi buồng xem các BN phòng cấp cứu, BN mới vào... Phòng CC có bn Block nhĩ thất cấp III, nguy cơ có thể xẩy ra “cơn Adams – Stokes” (ngừng tuần hoàn), hướng dẫn SV rất cẩn thận khi xảy ra thì xử trí thế nào. Khoảng 2h30’ sinh viên gọi cửa và nói “ông Tố chết rồi”. Mình chạy sang phòng CC, thấy ông Tố vẫn ngồi vò đầu trên giường và kêu “khổ quá, con tôi đi chăm bố mà nó lại thế này, bên cạnh là một BN (con ông Tố) đang co giật, hóa ra là thanh niên này bị động kinh. Mình dẹp cơn động kinh cho BN một cách dễ dàng. Tua trực được thực hiện an toàn.
Sau một tháng được bộ môn điều vào khoa Nội BV A Bắc Thái (cách trường 4km) tham gia điều trị, trực tại khoa Nội và giảng lâm sàng một lớp Y3, một lớp CT (chuyên tu) triệu chúng học. Thầy giáo trẻ bị SV “đuổi” kịch liệt. Phải cố thôi, thế “trên lưng Hổ” rồi biết làm sao được. Sáng điều trị BN và giảng lâm sàng, chiều giảng lý thuyết triệu chứng Nội khoa. Cơ sở vật chất tại BV A Bắc Thái thật khó khăn, nhà tranh vách đất, sàn nhà là đất. Quét “nó” cứ chũng từng vùng, nếu ở đường thì gọi là “ổ gà”. Một bác Y sỹ nói với mình “thầy Quỳ ơi, học khác làm khác đấy”. Mình trả lời “em chưa có kinh nghiệm, nên em cứ làm theo sách đã”. Nói gì, ghi gì, làm gì đều “bị theo dõi” kỹ lưỡng.
MỘT CA TRÀN DỊCH MÀNG NGOÀI TIM:
Bệnh nhân Nguyễn Thị TR. 60 tuổi vào khoa Nội BV A với những triệu chứng khá điển hình của bệnh cảnh tràn dịch màng ngoài tim, mình khám rất kỹ và quyết định “chọc dò màng ngoài tim” (kĩ thuật này tại “đây” chưa được thực hiện ). Mình tiến hành “rất thận trọng”. Người xem đông quá (nhân viên khoa, SV, BN, người nhà BN...), gây tê rồi tiến kim từng mi li mét. Hút ra “dịch mầu đỏ”. Có ai đó nói “vào tim rồi”. Mình nói “xin chờ cho 5 phút”. Tháo bơm tiêm, bơm dịch vào khay “quả đậu”, để 5 – 10 phút không đông. Thế là “nước máu chứ không phải máu”, hút tiếp giải phóng màng ngoài tim... điều trị bằng thuốc, bệnh nhân qua khỏi. Đây là ca mình “chọc màng ngoài tim” đầu tiên trong đời làm thầy thuốc. Niềm vui khôn tả đến với thầy thuốc trẻ.
LẠI THÊM VIỆC:
Thăm dò “mới” tại khoa Nội BV A Bắc Thái – mình và một đồng nghiệp thăm Phòng vật tư Ty Ytế Bắc Thái, đề nghị trang bị cho khoa Nội BV A máy điện tim, họ trả lời ngay “có máy rồi” nhưng không có người đọc. Mừng quá, xin cho lĩnh về. Thế là thêm việc. Hướng dẫn người sử dụng và mang bản ghi về đọc, hôm sau trả kết quả. Vừa làm vừa đọc sách rồi cũng thấy “tàm tạm”. Cứ học hỏi, cứ khiêm tốn, rồi các đồng nghiệp tại BV này “không bàn tán” về mình nữa, gặp việc khó, các BS cùng bàn cùng làm, việc mới làm, mình chịu trách nhiệm trước lãnh đạo.
CA CẤP CỨU PHÙ PHỔI CẤP ĐẦU TIÊN: Vào một ngày mùa hè 1976, mình trực tại khoa Nội BV A Bắc Thái cùng một nữ Y sỹ già, tối đi buồng khám các BN cấp cứu, BN mới vào.... một SV Y4 nói “báo cáo thầy BN Th., cứ ngồi ho...” Mình rất biết BN này là Hoàng Văn Th. 24 tuổi, học viên trường Trung cấp Y Băc Thái, Hẹp hở van 2 lá hở van ĐMC (động mạch chủ) đợt thấp. Đến khám thấy có RAN ẨM ở hai đáy phổi. Mình chẩn đoán Phù phổi cấp, chuyến đến phòng cấp cứu, chị Y sỹ nói “bảo bệnh nhân đi xuống”. Mình nói “phải cáng xuống”. BN vừa vào phòng CC là khạc ra bọt hồng (bằng chứng quan trọng của PPC). Cho thở Oxy qua Sonde mũi áp lực cao, nằm tư thế nửa nằm nửa ngồi, tiêm T/M 1 ống Morphin 10 mg ,1 ống Novurite 10 mg (Lợi tiểu thủy ngân), Garrot 3 gốc chi (bằng ba máy đo HA), Uabain 0,25 mg tiêm TM. Bệnh nhân thoát chết, mấy ngày sau hai phổi còn nhiều Ran nổ (bằng chứng đã có PPC). Làm thầy thuốc không có gì vui bằng “kéo được” BN ra khỏi tay Tử Thần. Ăn ít ngủ ít, làm viêc nhiều mà lúc nào cũng thấy trong người tràn đầy năng lượng. Lạ thật!
Một ca TÂM PHẾ MẠN TÍNH rất nặng:
Mùa đông năm 1976 (tháng Chạp Âm lịch): BN Lý văn C. 27 tuổi Hen từ bé, vào viện với các triệu chứng: phù toàn thân, cổ chướng to (rốn lồi), môi và ngọn chi rất tím, gan to ngang rốn, lồng ngực hình thùng, hai phổi đầy ran ẩm... mình chẩn đoán TÂM PHẾ MẠN TÍNH ĐỢT CẤP. Điều trị: chọc tháo cổ chướng (dịch tự chảy qua vết chọc nhiều ngày) lợi tiểu Novurite, trợ tim Purglunate (Lanatozit ABC) 1mg/ngày (tại đây chưa dùng liều này) ăn nhạt, kháng sinh. BN rất nặng, gia đình liên tục xin về ăn Tết. Giải thích mãi, rồi họ cũng đồng ý ở lại. Giữa tháng Giêng BN đi lại được khỏe nhiều, ra viện được. Mình CHÚC GIA ĐÌNH VUI TẾT MUỘN. Bệnh nhân ra viện sau đó đi cầy được, giúp Vợ sinh thêm một con trai.
Sau khi làm việc tại BV tỉnh 30 tháng, mình chào BS và nhân viên khoa với bao mến thương bịn rịn.
VỀ LÀM VIỆC TẠI BVĐK THÁI NGUYÊN:
Cơ sở vật chất của BV khó khăn quá, không có giường để BN nằm tư thế nửa nằm nửa ngồi (Tư thế Fowler), mình đề nghị đóng hoặc mua, và BV đã mua 500 giường sắt có thể để BN nằm tư thế Fowler. Dệp nhiều quá, ngồi viết ở bàn phòng cấp cứu mà bị dệp đốt vào tay, nhấc tay lên, dệp chạy “ào ào”. Cả phòng cấp cứu chỉ có 1 bình oxy, một máy hút, một tủ thuốc với những thuốc thông thường. Xin lãnh đạo cho vào kho vật tư, mình thấy có Ambu (dùng hô hấp nhân tạo bóp bằng tay), một Monitor của Mỹ với nhiều chức năng ( Shock điện phá rung tim, điện tim hiện sóng, tạo nhịp tim trong buồng tim và trên thành ngực). Xin về dùng tại phòng CC. Áp dụng cho BN cần thiết... Xin thầy Vũ Văn Đính ống NKQ (nội khí quản), Catheter...
BỆNH NHÂN ĐẦU TIÊN ĐƯƠC ĐẶT CATHETER:
Bệnh nhân nam 17 tuổi, nôn liên tục, mắt trũng rất sâu, da nhăn nheo, HA tụt. Truyền dịch qua các mạch ngoại vi không được, mình có 1 Catheter, đặt cho BN, một thầy thuốc hơn mình 5 tuổi nghề nói “chệch rồi” vì không thấy máu ra theo ống, mình nói “xin chờ ít giây”, hạ chai dịch xuống thấp, máu chạy ngược ra theo dây truyền. Truyền được dịch, rửa dạ dày bằng nước ấm (mình nghĩ đơn giản – cứ làm việc không có hại). Bệnh nhân hết nôn, ăn được cháo rồi ra viện. Hóa ra “sự đời “ thật đơn giản.
BỆNH NHÂN ĐƯỢC SHOCK ĐIỆN ĐẦU TIÊN:
BN nam 75 tuổi to béo có tăng HA, bị TBMMN (tai biến mạch máu não) cụ là cha chị đánh máy chữ của trường, vào viện trong tình trạnh hôn mê sâu, thở ngáy, rối loạn nhịp thở. Cho thở oxy qua Sonde mũi, chống phù não... khoảng 1 giờ sau BN ngừng tuần hoàn, mình xin phép người nhà cho Shock điện, họ đồng ý, thế là lần đầu Monitor được sử dụng, tất nhiên không cứu được BN, nhưng thầy thuốc được thực hành để chuẩn bị cho những BN sau này.
VIẾT PHƯƠNG ÁN THÀNH LẬP KHOA HỒI SỨC CẤP CỨU:
Năm 74 - 75 mình được nhà trường cho đi học thêm về Nội khoa 5 tháng và xin thêm 2 tháng, trong đó có theo hai lớp: 2 tháng Nội chung, 2 tháng HSCC. Trở lại BV Bạch Mai thấy các Bạn nội trú (khóa 68-74) hơn mình nhiều quá. Thế là phải cố gắng dành nhiều thời gian cho lâm sàng (nhiều đêm tham gia tại A9) sau 3 tháng mới thấy “đỡ ngố”. Về nơi làm việc mình luôn chú ý làm cấp cứu và ấp ủ ước mơ làm việc này lâu dài. Năm1976 mình viết phương án “thành lập khoa HSCC tại BV ĐK Thái Nguyên rồi trình với một vị phó giám đốc BV. Tới gặp thầy Vũ Văn Đính, xin thầy góp ý. Đi lại nhiều lần rồi thời cơ cũng đến, BV mời thầy Vũ Văn Đính lên thăm và được thầy ủng hộ nhiệt tình. BV cho 10 Y tá xuống A9 học thêm (10 Y tá mới ra trường). Tháng 6/1980 khoa HSCC chính thức hoạt động tại phỏng CC khoa Nội (tạm thời chờ sửa chữa cơ sở khoa mới tiếp nhận). Phó giám đốc BV mời mình làm trưởng khoa HSCC, nhưng mình từ chối, với tình cảm như “anh em”, vị Phó GĐ nói “chú đã bỏ nhiều công sức giúp BV thành lập khoa, BV mời chú làm trưởng khoa sao không nhận ?”. Mình trả lời “em cần nơi làm việc để phục vụ BN và qua đó giảng dạy cho SV”, sau 2 giờ thuyết phục nhưng mình vẫn từ chối.
MƯỜI LĂM NĂM LIÊN TỤC MÌNH CHỈ RỜI BV SAU MƯỜI GIỜ ĐÊM.
MỘT CA NGỘ ĐỘC GARDENAL LIỀU LỚN:
Ngày 17/7/1980 mình trực, lúc 19h30’ vừa tắm nhờ tại khoa X quang xong, ngồi uống nước với BS trực khoa (Phó khoa Xquang) thấy nhóm người chạy cạnh khoa, mình nói “em phải về khoa, chắc có BN cấp cứu vào khoa”. Nhóm người cáng BN vào, đặt BN lên giường 2 phút sau BN ngừng thở. Đặt Canul Mayo giữ lưỡi khỏi tụt bịt đường thở, hô hấp nhân tạo bằng Ambu với Oxy áp lực cao, sau đó đặt NKQ (nội khí quản) qua đường mũi. Nghi do “ngộ độc thuốc ngủ” nên đăt Sonde dạ dày, đặt khó quá. Chồng (SV Y4) BN nói “khó quá thì thôi anh Quỳ ạ”, mình nói “ông nói gì ? ông ra ngoài đi”. Thế là anh chồng BN lên một giường trong phòng CC và ngủ luôn. Đưa nước rửa dạ dày về trường làm XN tìm độc chất, 4 giờ sau có kết quả “có vết Barbiturate (Gardenal) “ và lúc này BN tự thở lại, mình nói với chồng BN “ông ngủ làm gì ? vợ ông thở lại rồi”. Thế là người chồng dạy và ngồi cạnh vợ suốt 5 ngày đêm. Truyền dịch, lợi tiểu, mặc dù HA tối đa 80 mmHg nhưng thận làm việc tốt (có đặt Sonde bàng quang theo dõi lượng nước tiểu hàng giờ, BN là Y tá bệnh xá nhà trường ĐHYK Nữ 39 tuổi. Người đến thăm đông quá, giải thích thế nào cũng không thay đổi, thiếu dung dịch Natribicarbonate 1,4%, gay go quá mà không có cách giải, vì BV bạn cũng không có... Hội chẩn toàn viện, có BS đề nghị dùng Coramine, mình không nhất trí vì khi dùng nhu cầu oxy của cơ thể sẽ tăng. Một BS (họ hàng với BN) đe mình “nếu không dùng Coramine Bn có vấn đề gì thì anh chịu trách nhiệm”, mình nói “tất nhiên rồi, tôi chịu trách nhiệm từ khi tiếp nhận BN... “.
Ngày thứ ba BN tỉnh, gọi hỏi có đáp ứng lúc đúng lúc sai, ngày thứ năm tỉnh hẳn, rút NKQ. Chờ vài giờ sau hỏi BN, nói uống 40 viên Gardenal loại 0,10 g lúc 11 h ngày 17/7/1980. Thế là khoa HSCC đã cứu được một BN ngộ độc Gardenal liều lớn. BVĐK Thái Nguyên thêm một lần chiến thắng TỬ THẦN.
CÓ MÁY HÔ HẤP NHÂN TẠO PO5: (máy do Liên Xô sản xuất)
Tháng 10/1980 BV mua được một máy HHNT (hô hấp nhân tạo) PO5, vui mừng đến với cả khoa HSCC, mình dành 2 tháng đọc hướng dẫn sử dụng và xem trực tiếp vận hành trên máy. Một BN ngộ độc Wofatox liều lớn, dấu hiệu lâm sàng rất nặng nề, hôn mê sâu, có cơn ngừng thở rất dày, đã đặt NKQ, truyền Atropin... BS khoa bàn và quyết định cho thở máy với nồng độ Oxy cao... kiểm tra thấy thông khí phế nang tốt... nhưng rồi BN vẫn tử vong. Thật buồn vì không cứu đươc BN nhưng đã có một lần theo dõi BN HHNT...
MỘT BN SHOCK NẶNG:
Bệnh nhân Nữ 13 tuổi vào Khoa Truyền Nhiễm, với bệnh cảnh Shock nặng, dấu hiệu “ấn buông nền móng tay 60 giây (bình thường 2 giây) HA tối đa 50 mmHg, không có nước tiểu... Hội chẩn toàn viện kết luận “Hội chứng ác tính, tiên lượng tử vong”, nhưng chuyển đi Hà Nội. Mình đồng ý chẩn đoán và tiên lượng nhưng không thống nhất chuyển viện, đề nghị để lại tiếp tục điều trị mong “một phần nghìn tia hy vọng”. Mọi người đồng ý không chuyển và giao cho mình tham gia cấp cứu. Thật nặng nề với việc này nhưng xuống xem BN kỹ thấy “dịch truyền đã đủ”, mình quyết định dùng thuốc “vận mạch”. Đó là dùng Aminazin. Trước khi dùng có nói với mọi người “ấn buông nền móng tay 60 giây, tím tái, chân tay lạnh HA tối đa 50 mmHg. .. Dùng Aminazin 25 mg ½ ống pha với dd Glucoza 5% tiêm TM thật chậm. 10 phút sau môi BN hồng hơn môi bất kì người phụ nữ nào có mặt ở phòng CC khoa Lây, HA tối đa 70 mmHg, ấn buông nền móng tay còn 20 giây. TRỜI ƠI! đúng rồi, đã mở được Val hậu mao quản (kiến thức này mình tiếp thu được do GS người Pháp giảng tại GĐ C BV Bạch Mai, nhưng nếu chỉ định sai. BN cũng tử vong nhanh chóng) còn ½ ống Aminazin pha với dd Glucoza 5% truyền tĩnh mạch. Sau đó ít ngày BN ra viện, lớn lên lấy chồng và “làm ăn” rất giầu có. Thêm một lần góp phần cứu được một BN.
CỨU MỘT TRÁI TIM THOÁT “TẬT VAL TIM”:
Cuối mùa xuân năm 1984 BN nam 12 tuổi vào khoa HSCC, được chẩn đoán “Nhiễm trùng máu, và một chẩn đoán khác Viêm nội tâm mạc bán cấp do vi khuẩn”. Bệnh nhân là con một cặp vợ chồng nhân viên BV. Mình xem kỹ sau đó báo cáo cấp trên “đề nghị anh xem lại, em nghĩ BN T. thấp tim chứ không phải nhiễm trùng huyết hoặc Osler (viêm nội tâm mạc bán cấp do nhiễm khuẩn), lãnh đạo trợn mắt lên và nói “không xem lại gì cả”. Ôi! thất vọng quá. Xem lại một BN là việc bình thường, sao nghiêm trọng thế ? Sau đó mình học ngoại ngữ tại trường, nhưng hàng ngày vẫn sang xem BN. Một hôm vào buổi sáng sang khoa (cũng với mục đích xem BN “thấp tim”), một BS của khoa “mời anh Quỳ hội chẩn BN T“, mình nói “anh đang học ngoại ngữ nên không tham gia hội chẩn”. Vị đồng nghiệp nói “nhưng đây là con nhân viên BV, mời anh tham gia”. “Ừ, thì tham gia nhưng đừng ghi tên anh vào biên bản hội chẩn”. “Không được, anh đã tham gia thì phải ghi tên vào biên bản...” mình phát biểu trước và đề nghị các đồng nghiệp tham gia, tất cả các BS hội chẩn đều thống nhất “thấp tim”. Mình đưa ý kiến điều trị “Prednisolon liều 1 mg/kg thân trọng”/ngày, dùng kháng sinh (penicilin). Có ý kiến “thế thì Prednisolon của BV chỉ dùng cho BN này thôi à?“. Mình nói “còn một phương án – chuyển BN xuống Viện Nhi, với lý do KHÔNG CÓ THUỐC”. Mình về chỗ ở, một lát sau có anh “tiếp liệu” (hơn mình 12 tuổi) của BV đến, đứng ngoài cửa sổ và nói “ông ác lắm, vợ chồng nó khó khăn mà bắt chuyển con nó đi HN”. Ghê chưa, mắc tội rồi đây. Mình nói “tôi không sang đấy nữa nhưng ông nói với vợ chồng nó – muốn con sống thì đưa đi HN. Nhưng báo sớm cho tôi dưới đó chẩn đoán thế nào?”. Sáu ngày sau, cũng bác tiếp liệu đến báo “thằng bé đỡ lắm rồi, họ cũng chẩn đoán như ông... “. Sau đó lãnh đạo giao ban toàn viện ra lệnh “từ nay tất cả những BN chuyển HN phải qua ý kiến tôi”. Cuộc đối đầu về chuyên môn “NÂNG TẦM CAO”. Buồn quá. Sau này “tim cháu lành mạnh“. Thế là góp phần cứu một trái tim thoát mắc bệnh Val. Cách đây 7-8 năm gặp lại cháu trong một “bữa rượu” cùng nhóm BS tốt nghiệp năm 1995. Một cuộc gặp đầy lý thú.
CHỮA SHOCK MẬT BẰNG “THUỐC TIÊN”:
3h/5/10/1986 một BS BM Nội đến gọi mình “mời thầy sang xem mẹ BS Phương được các thầy chẩn đoán Shock mật, nằm tại phòng CC khoa Nội”. Hai PTS Nội khoa và một BS Ngoại khoa đang có mặt. Lãnh đạo nói “mời anh xem BN, chúng tôi chẩn doán Shock mật. Mình khám BN, câu đầu tiên mình nói “báo cáo các anh, vi tuần hoàn rất tốt“ (HA tối đa 80 mmHg), ngồi cạnh bàn có bệnh án, lãnh đạo nói “mời anh xem hồ sơ và có cho thêm thuốc gì không? “. Xem bệnh án rất kĩ, mình trả lời “báo cáo các anh, các anh cho thuốc quá đủ rồi, tôi không thêm gì. Nhưng phải cho ăn cháo. Không cho ăn cháo BN chết là chắc chắn”. Lãnh đạo cao nhất nói “hay là hoãn đám cưới lại anh Quỳ” (BN từ Cao Bằng xuống tổ chức lễ cưới cho con gái-BS làm tại BM Nội). Mình nói không hoãn được vì đến giờ đó là khách mời các nơi sẽ đến, chứ không phải đám cưới chỉ có khách của hai đơn vị cặp vợ chồng nọ”. Lãnh đạo thứ hai nói “cố gắng giữ đến 2 giờ” (14h/5/10/1986)... 13h/5/10/1986 mình sang khoa Nội xem lại BN, HA tối đa 100mmHg. Vui quá, mình nói với các BS (không có mặt LĐ) hôm nay “tao” chữa Shock mật bằng THUỐC TIÊN. Cuối năm 1986 BN được con đưa xuống BV Việt Đức mổ lấy sỏi Choledoque. Năm nay BN 85 tuổi vẫn khỏe mạnh minh mẫn.
Đời hành nghề Thầy thuốc - Thầy giáo của mình tại “cửa quan” là 36 năm 8 tháng, với bao xung đột Y Khoa, mình đã hết lòng hết sức vì nghê nghiệp, nhưng mình tự xác định CẢ ĐỜI MÌNH CHỈ LÀM ĐƯỢC NHỮNG VIỆC DỄ. Nay đã “hưu trí” 10 năm. Bao tiếc nuối về tuổi trẻ cũng dịu dần. Được một điều không ân hận gì vì những việc đã trải qua. Cuộc sống hiện nay không “dư giả” gì nhưng rất vui với những “trò chơi” mình đang có. Cuộc sống gia đình vui với Vợ Con, các Em, các Cháu.... Gặp lại Bạn học thời SV là niềm vui lớn. Truyện Y Khoa còn rất nhiều, nhưng kể một chút thế cũng là “quá dài” rồi.
CHÚC CÁC BẠN ĐỒNG MÔN NHIỀU SỨC KHỎE, NHIỀU NIỀM VUI.
Mùa Đông Thái Nguyên 28/12/2018
BS BÙI DUY QUỲ