Cây thuốc

Một số công dụng dân gian của Đậu bắp

Mợ tôi ở Lạng Sơn, bị thoái hóa đốt sống cổ; uống thuốc tây chỉ đỡ một thời gian lại bị. Có vài người quen mách thử dùng quả Đậu bắp tươi, cắt lát mỏng, ngâm nước đun sôi để nguội, sau đó dùng nước để uống xem đỡ không. Mợ tôi cũng thử vì […]

Mợ tôi ở Lạng Sơn, bị thoái hóa đốt sống cổ; uống thuốc tây chỉ đỡ một thời gian lại bị. Có vài người quen mách thử dùng quả Đậu bắp tươi, cắt lát mỏng, ngâm nước đun sôi để nguội, sau đó dùng nước để uống xem đỡ không. Mợ tôi cũng thử vì nghĩ cây Đậu bắp dùng làm thức ăn hàng ngày được, lành tính, ít độc nên nếu không có tác dụng cũng không hại gì; sau một thời gian sử dụng thì thấy tiến triển tốt, hiện tại vẫn đang sử dụng.

Ðậu bắp còn gọi là Bụp bắp hay Mướp tây​

Ðậu bắp còn gọi là Bụp bắp hay Mướp tây, tên khoa học Abelmoschus esculentus (L.,) Moench, thuộc họ Bông – Malvaceae. Đậu bắp nguồn gốc từ Ấn Độ, được trồng để lấy quả non làm rau ăn; trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và đang phát triển ở một số tỉnh phía Bắc. Theo Võ Văn Chi, Đậu bắp là cây thảo lớn, mọc đứng; lá rộng, chia thuỳ chân vịt; cuống lá dài; cánh hoa vàng hay hơi vàng, có chấm tía ở gốc; quả nang có góc, nhọn, dài; cây ra hoa vào khoảng tháng 5 đến tháng 9.

Quả giàu pectin và chất nhầy, cũng rất giàu về Sắt và Canxi. Quả tươi chứa vitamin A, B1, B2, C và PP. Lá và thân chứa Iốt. Hạt chứa một chất dầu, ăn được (16-22%) màu vàng xanh và mùi dễ chịu, chứa palmitin và stearin. Hoa chứa 2 sắc tố flavonol; gossypetin và quercetin. Toàn cây có mùi thơm của Ðinh hương.

Theo dân gian, quả xanh cắt ra từng miếng, đun nóng trong canh hay nước chấm có chất nhầy thoát ra làm thức ăn đặc và có vị chua. Hạt dùng để ăn. Khô dầu dùng làm thức ăn cho gia súc, hạt khô và rang thật kỹ được dùng thay cà phê. Quả, hạt, lá đều có tác dụng làm dịu, làm nhầy, lợi tiểu. Hạt có tác dụng kích thích, trợ tim và chống co thắt; nước hãm hạt rang nên có tác dụng làm ra mồ hôi. Dịch lá tươi giã nát dùng điều trị bệnh tăng tiết bã nhờn của da đầu và dùng đắp nhọt.

Ở Malaysia, người ta dùng các bộ phận của cây làm thuốc giảm đau trong bệnh lậu và bệnh khó đái. Ở Ấn Độ, quả chưa chín dùng làm thuốc sắc uống trị đau do xuất huyết, đái nóng, đái khó vì lậu; chất nhầy từ quả và hạt dùng đắp trị bệnh lậu. Lá dùng làm thuốc đắp dịu. Ở Thái Lan, quả khô dùng làm thuốc điều trị loét trong cơ quan tiêu hoá. Còn Đậu bắp có tác dụng chữa thoái hóa xương khớp hay không thì chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh. Hy vọng trong tương lai, các nghiên cứu về tác dụng của cây Đậu bắp với bệnh xương khớp và bệnh khác sẽ được thực hiện nhiều hơn.

Doctor SAMAN
DS.NCV Nguyễn Thu Trang
Viện Y học bản địa Việt Nam

Tài liệu tham khảo:

Võ Văn Chi, 2012, Từ điển cây thuốc Việt Nam, Quyển I,  NXB Y học,  Hà Nội.

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

Dược sỹ Nguyễn Thu Trang

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận