Bệnh khớp Cây thuốc

Nghe lỏm chuyện cây Mua chữa vôi hóa cột sống

Nghe lỏm chuyện cây Mua chữa vôi hóa cột sống. Tôi là dược sỹ Đại học, sinh ra và lớn lên tại một xã 135 của huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Sau 5 năm vần vũ đèn sách rồi về làm nghiên cứu viên Viện y học bản địa Việt Nam. Từ đó đi đâu, […]

Nghe lỏm chuyện cây Mua chữa vôi hóa cột sống.

Tôi là dược sỹ Đại học, sinh ra và lớn lên tại một xã 135 của huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Sau 5 năm vần vũ đèn sách rồi về làm nghiên cứu viên Viện y học bản địa Việt Nam. Từ đó đi đâu, tiếp xúc với ai, đặc biệt người dân tộc thiểu số thì luôn lắng nghe họ khi câu chuyện là cây thuốc nọ – kia.

Với những người sống và lớn lên tại vùng rừng núi như tôi thì chả xa lạ gì với cây hoa Mua, tiếng dân tộc Tày gọi là Mạy Nát. Ngày xưa còn nhỏ tôi cùng các anh chị em hay lên đồi hái hoa Mua chơi, bẻ cành bóc phần gỗ bên ngoài ăn lõi bên trong có vị chát chát, chua chua. Đến mùa quả thì ăn quả Mua đến đen xì răng, lưỡi rồi lấy lá non nhai nhai giả vờ giống các bà ăn trầu. Hoa Mua rất đẹp và cả một đồi hoa Mua nở thì đẹp mê hồn, đáng tiếc thời đó chúng tôi chả có gì để lưu lại những khoảnh khắc đấy. Bây giờ cuộc sống phát triển, thay thế đồi hoa Mua là những đồi keo, đồi quế, cây Mua đã không còn nhiều như trước nhưng vẫn rất phổ biến.

Dịp tết 2021 vừa rồi, tết quê và cũng tình cờ nghe được tác dụng chữa bệnh Vôi hóa cột sống của cây Mua. Bố tôi là Bác sỹ trưởng trạm y tế xã, nơi mọi người hay chia sẻ tình hình sức khỏe. Hôm tết, các ông bà chẳng có gì nói ngoài chuyện hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ sức khỏe. Một ông trong số đó nói là ông đã khỏi vôi hóa cột sống nhờ một bài thuốc, trong đó chỉ có ba cây mà ở quê tôi thì rất nhiều. Tuy các ông bà nói tiếng Thổ với nhau nhưng tôi biết đó là cây Mua, cây Ngũ gia bì và cây Sâu sâu đỏ. Ông nói chỉ cần lấy ba cây này về đun nước uống hàng ngày, kiên trì rồi sẽ khỏi. Bản thân ông đã khỏi, vừa ru con ngủ vừa nghe nên không rõ liệu trình uống bao lâu, chỉ biết cũng vài người uống theo và khỏi.

Lúc đó tôi chỉ vội ghi chú vào điện thoại để nhớ sau nếu có gì còn sử dụng đến. Sau đấy các ông nói chuyện tản mạn vui vẻ. Tôi cũng thấy vui vì sự thật thà, chất phác, bình dị và tốt bụng của họ, chẳng giữ kinh nghiệm, bí kíp làm của riêng và chia sẻ những điều mình biết cho mọi người biết. Bài thuốc truyền miệng, mẹo vặt các cụ truyền lại rất đơn giản mà có thể có hiệu quả không ngờ. Tuy nhiên chính tôi cũng chưa thử cho ai và cũng chưa biết các cụ dùng rễ hay dùng thân lá, đợt uống bao lâu …

Sau tết, tôi tra sách Võ Văn Chi, từ điển cây thuốc Việt Nam và Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam thì được biết cây Mua có rất nhiều tên như Bạch niêm, Dã mẫu đơn, Co nát cắm (Thái), Mua vảy, Kiến ông điằng (Dao). Có tên khoa học là Melastoma candidum D. Don – M. septennervium Lour thuộc họ Mua Melastomacea.

Tính vị, công dụng: có vị chua chát, tính bình, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, tán ứ, thu liễm, cầm máu, chỉ lỵ. Bên cạnh đó, cả lá, quả và rễ Mua đều có tác dụng làm săn se [1][2].

Lá Mua là bộ phận được sử dụng nhiều nhất với chức năng điều trị khó tiêu, viêm ruột, tiêu hóa kém, đi ngoài ra máu, viêm gan và đau tức vùng hạ sườn bên phải 8 – 16g thuốc sắc. Bên cạnh đó, lá Mua còn được dùng để cầm máu và làm dịu vết bỏng bằng cách nghiền nát lá tươi hoặc khô rồi đắp lên. Nếu bị kinh nguyệt không đều, có thể lấy 20g lá Mua sắc trong 200ml nước đến khi còn 50ml nước rồi uống trong ngày [1][2].

Phụ nữ ứ huyết sau sinh: dùng lá Mua và lá mè đất mỗi vị 20g sao vàng rồi sắc uống [1].

Vàng da: dùng lá Mua (sao vàng), rau má, lá thài lài tía, lá cối xay, lá khổ sâm mỗi loại 20g, sắc đặc rồi chia làm 2 lần uống trước bữa ăn [1].

Mụn nhọt, đinh râu, tan máu bầm: giã nát lá Mua tươi với lá cà pháo rồi trộn với nước vo gạo, sau đó gói lại bằng một mảnh vải sạch và hơ cho nóng rồi đắp, bó lên da [1][2].

Tài liệu tham khảo

  1. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 306.
  2. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, 1997, trang 771.

 

 

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

Dược sỹ Nguyễn Thu Trang

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận