Lời bạt của Bác sỹ Hoàng Sầm: Đề tài Myopic SAMAN của Viện Y học bản địa Việt Nam nhằm cải thiện thị lực với tật cận thị, mỏi điều tiết cho trẻ em từ 6-12 tuổi đã được xúc tiến từ năm 2015. Đến năm 2019 đã có những kết quả ban đầu hết sức khả quan nhờ chiết tách được chất Crocetin từ một số loại hoa quả qua máy HPLC. Sau khi sử dụng Myopic SAMAN thị lực các trẻ phục hồi tốt nhưng do phòng, chống tái cận thị hạn chế nên một số cháu đã mỏi điều tiết trở lại. Do vậy chúng tôi đã nhờ Vũ Khắc Lương một chuyên gia y tế cao cấp viết bài này nhằm nhận thức về phòng, chống cận thị và tái cận thị sau điều trị. Bài viết dung dị, dễ hiểu, dễ áp dụng... nên các bậc cha mẹ nên quan tâm.

Các tật khúc xạ thường gặp ở trẻ nhỏ đó là cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ... trong đó, trẻ bị cận thị chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Đây là một nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập, cũng như các sinh hoạt thông thường hàng ngày của trẻ nhỏ. Trong những năm gần đây, tật khúc xạ đang ngày càng gia tăng về mức độ và số lượng. Theo một số nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới dự báo đến năm 2050, ước tính có 49,8% dân số thế giới, tức hơn 4 tỷ người có thể mắc tật cận thị [1]. Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ đặc biệt là tật cận thị ngày càng tăng cao ở nước ta. Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều nghiên cứu điều tra dịch tễ học được tiến hành trong cả nước đã chỉ ra rằng, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ đặc biệt cao ở các thành phố lớn dao động từ 18% tới 38,8%.

1. Mắt bị cận thị

Bình thường ảnh của sự vật đi qua các hệ thống quang học của mắt rồi được hội tụ đúng trên võng mạc, giúp mắt nhìn rõ được cảnh vật. Do sự bất thường của hệ thống khúc xạ, hình ảnh của vật không được hội tụ nằm trên võng mạc mà bị hội tụ nằm trước võng mạc dẫn đến nhìn mờ. Về cơ chế bệnh sinh, người ta chia cận thị ra làm 2 loại là cận thị khúc xạ và cận thị trục.

1.1 Cận thị khúc xạ hay cận thị đơn thuần.

Tật này xảy ra do lực khúc xạ của mắt quá lớn (lực khúc xạ của giác mạc hoặc thể thủy tinh quy định) trong khi chiều dài trục nhãn cầu bình thường. Loại này hay gặp trong cận thị học đường. Khi mắt phải nhìn gần với cường độ lớn và trong một thời gian dài, thể thủy tinh phải điều tiết để nhìn gần bị phồng lên làm tăng độ hội tụ của mắt. Lúc này muốn nhìn rõ, phải đưa hình ảnh của vật lại gần mắt. Những sự vật ở xa, mắt nhìn không rõ ở các mức độ khác nhau tùy theo mức độ cận thị. Cận thị học đường xuất hiện ở lứa tuổi đi học, xuất hiện càng sớm thì khả năng tiến triển càng nhanh và nặng. Cận thị học đường đơn thuần ít khi quá 6 đi-ốp và thường không kèm theo giãn mỏng võng mạc và các nguy cơ khác của đáy mắt.

1.2 Cận thị trục

Xảy ra do trục nhãn cầu quá dài, trong khi lực khúc xạ của mắt bình thường. Trục nhãn cầu bị dài ra nguyên nhân là do cấu trúc của thành nhãn cầu bị dãn mỏng. Loại cận thị này thường có tính chất gia đình và thường xảy ra rất sớm ngay khi trẻ còn nhỏ tuổi, chưa đi học. Cận thị tiến triển rất nhanh, làm thị lực giảm sút nhiều, khó điều chỉnh bằng kính, các chức năng khác như thị trường cũng bị tổn thương, rối loạn cảm giác về màu sắc, về định vị không gian, thích nghi sáng tối... đồng thời làm võng mạc bị dãn mỏng dễ dẫn tới nguy cơ thoái hóa hắc võng mạc, rách võng mạc, thậm chí gây bong võng mạc dẫn tới mù lòa. Ở mắt cận thị bệnh lý cũng dễ bị mắc bệnh glaucoma, nhưng khó phát hiện do nhãn áp thường không cao [2].

2. Dấu hiệu của cận thị

- Trẻ bị cận thị, nhìn vật gì cũng phải đưa sát vào mắt mới nhìn rõ hay cúi sát mắt vào sách vở, đứng sát vào ti vi khi xem…

- Hay nheo mắt để nhìn mọi vật, đặc biệt khi ánh sang yếu; hoặc có những động tác bất thường liên tục như dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn;

- Trẻ kêu mắt nhìn mờ hoặc nhức mắt;

- Kết quả học tập sút kém, không thích các hoạt động nhìn xa như đá bóng, đá cầu mà thích thú hơn với việc đọc truyện, xem phim, chơi game...

- Nhìn chung mắt có tật khúc xạ thường là mắt có thị lực kém;

- Trẻ có khi nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn,

- Đôi khi có thể có nhức đầu, nhức mắt;

- Trong lớp học trẻ nhìn không rõ chữ viết trên bảng, hay cúi đầu lại gần sách để nhìn cho rõ, hay chép nhầm bài, đọc nhầm chữ thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập...

- Trẻ bị cận thị nặng có thể bị lác mắt kèm theo;

- …

Trẻ bị cận thị cần phải được đưa đến khám tại các cơ sở chuyên khoa mắt để xác định chính xác mức độ cận thị, loại cận thị, phát hiện và điều trị các tổn thương ở đáy mắt nếu có.

3. Phòng ngừa

Những trường hợp cận thị cần được phát hiện sớm và đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được phát hiện tật khúc xạ và có phương hướng điều trị thích hợp.

Đối với trẻ có tật khúc xạ cần phải đeo kính thường xuyên để giúp cho trẻ nhìn rõ hơn và tạo điều kiện cho sự phát triển hoàn thiện chức năng thị giác của mắt. Cũng cần phải nhớ rằng do trẻ vẫn còn đang phát triển, khúc xạ ở mắt của trẻ còn thay đổi nên cần phải đưa trẻ đi khám thường xuyên theo định kỳ và thay đổi số kính đeo cho phù hợp với tình trạng khúc xạ của mắt trẻ.

Để phòng ngừa bệnh cận thị ở trẻ nhỏ cần làm các việc sau:

- Tránh cho trẻ đọc sách, làm việc bằng mắt (đọc sách, học bài…) ở khoảng cách gần (khoảng cách thích hợp từ mắt đến sách đọc khoảng 30 – 40 cm là tốt nhất). Dạy cho trẻ cần chủ động kiểm soát việc chớp mắt, vì chớp mắt là một động tác sinh lý, giúp lớp nước mắt được trải đều trên bề mặt mắt, giúp mắt dễ chịu và giảm căng thẳng cho mắt [4]. Có người còn cho rằng, hãy giữ khoảng cách làm việc xa nhất có thể. Quan điểm này đã có gần 200 năm nay. Làm việc bằng mắt ở cự ly gần, cường độ cao sẽ là nguyên nhân chủ yếu gây ra cận thị. Học hành càng cao, một số ngành nghề đặc biệt dùng máy vi tính hay kính hiển vi sẽ là bạn đồng hành với cận thị không sớm thì muộn [5].

- Sau một giờ đọc sách hoặc làm việc với máy vi tính cần nghỉ 5-10 phút. Hoặc cứ làm việc khoảng 20 phút, bạn nên để mắt nhìn xa một đến 2 phút, hoặc nhắm mắt lại 30 giây đến một phút. Nếu cảm giác bị mờ nhoè đi, cần cho mắt nghỉ lâu hơn. Học trên lớp, cần cho học sinh ra sân chơi và tập thể dục giữa các tiết học, tránh đọc truyện, chơi game trong giờ giải lao. Trong ngày, mỗi người nên có thời gian thư giãn nhất định cho đôi mắt bằng cách tập nhìn xa hoặc thể dục, vui chơi ở những nơi thoáng rộng [3].

- Khi cho mắt nghỉ cần xoa nhẹ mi mắt;

- Đảm bảo đủ ánh sáng khi ngồi học (có đèn bàn) và đủ ánh sáng trên lớp học, phòng học hoặc nơi làm việc nên được chiếu sáng đầy đủ bằng ánh sáng tự nhiên. Nếu không, bạn phải duy trì đủ ánh sáng bằng hệ thống đèn chiếu sáng ở các góc độ, tránh việc học, đọc bị khuất bóng do thiếu đèn [3]. Suy luận một cách logic thì chiếu sáng tốt sẽ giúp chúng ta không phải nhìn gần vào tài liệu, đồng tử co vừa phải, cơ thể mi không bị co kéo quá mức. Vô hình dung, cận thị do việc nhìn gần thái quá đã bị ngăn chặn nếu ta thực hiện tốt khâu này. Nguồn sáng cho trẻ ở nhà nên để ở phía sau và trên cao. Nếu không thì cũng không nên để trực diện dễ gây chói lóa và sinh nhiệt. Ngoài công suất chiếu sáng (đơn vị là lux) thì độ rọi foot candella cũng rất quan trọng. Độ rọi tối thiểu Emc là khái niệm quen dùng của các nhà thiết kế hệ thống chiếu sáng. Chiếu sáng trong lớp học thích hợp là 320-400 lux. Bóng đèn huỳnh quang mắc song song với hệ thống cửa sổ, balad điện tử được khuyến cáo cho chiếu sáng lớp học, tuy nhiên cũng nên tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời [5].

-Tư thế ngồi học (cần ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát xuống bàn, bàn học cần vừa với kích thước cơ thể của trẻ nhỏ) (hình 1). Tư thế ngồi học phụ thuộc nhiều vào hệ thống bàn ghế và độ chiếu sáng. Nhìn chung nên để mặt trẻ cách sách vở khoảng 35-40cm, mặt bàn nên có độ nghiêng khoảng 15-20 độ so với phương nằm ngang để trẻ khỏi cúi gằm. Tư thế ngồi tốt còn làm trẻ học đỡ mệt mỏi, tránh gù vẹo cột sống sau này [5].

Hình 1. Tư thế ngồi học sai (trái) và đúng (phải).

Hình 1. Tư thế ngồi học sai (trái) và đúng (phải).

- Trẻ cũng cần có chế độ giải lao, vui chơi giải trí (ngoài trời);

- Chế độ dinh dưỡng hợp lý để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này của trẻ. Ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dưỡng chất giúp nuôi dưỡng một đôi mắt sáng và mạnh khỏe. Các vi chất như vitamin A, E, C, chất khoáng có trong rau củ, trái cây tươi, thịt, cá biển, trứng giúp duy trì các môi trường trong suốt của mắt, giúp mắt tăng khả năng điều tiết, chống thoái hoá võng mạc và hoàng điểm của mắt. Một số trường hợp cận thị tiến triển nhanh có thể bổ sung dưỡng chất bằng các loại thuốc bổ mắt thông dụng [3] (Hình 2). Các khoáng vi lượng kẽm, selene, brôm, magne, canxi... cũng được coi là có vai trò trong cận thị. Thế nhưng đa phần các nghiên cứu đều nhắc đến vai trò quan trọng của vitamin E, vitamin C và selene.

Các vitamin và khoáng chất này nên được dùng hằng ngày như hình thức bổ sung vào thức ăn với liều nhỏ, dùng lâu dài. Do còn có lợi cho phát triển tim mạch, não bộ của trẻ đang lớn nên quan điểm dùng thực phẩm chức năng hay thực phẩm bổ sung là khá cởi mở.

Hình 2. Dinh dưỡng hợp lý giúp phòng bệnh cân thị ở trẻ

Hình 2. Dinh dưỡng hợp lý giúp phòng bệnh cân thị ở trẻ

Các bậc cha mẹ nên quan tâm đến điều này bởi dùng thực đơn cưỡng bức đối với trẻ là điều rất phức tạp và khó thực hiện. Trong khi đó thực phẩm chức năng lại làm chúng ta nhàn hạ hơn nhiều. Rất có thể ai đó sẽ than phiền rằng tôi đã làm đủ những điều trên mà con tôi vẫn cận thị. Thế nhưng ít ra con cái bạn sẽ cận nhẹ hơn, ít tăng số hơn, ít biến chứng hơn là điều dám chắc chắn [5].

- Nên cho trẻ ngủ đủ từ 8 – 10 tiếng một ngày;

- Vệ sinh mắt hằng ngày là việc rất cần thiết, giúp làm giảm những căng thẳng về thị giác, thư giãn mắt và phòng tránh được cận thị học đường.

- Xem truyền hình: Mỗi người chỉ nên xem truyền hình với thời lượng vừa phải, khoảng một tiếng mỗi ngày. Nếu có các tật khúc xạ thì bạn nên đeo kính khi xem. TV cần để ở khoảng cách gấp 4 lần đường chéo của màn hình và không tắt đèn khi xem [3].

- Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ [4].

- Đừng nên làm việc bằng máy tính hay chơi game quá 5h một ngày. Nếu bạn không để tâm đến lời khuyên này thì cận thị hay tăng số kính cận sẽ tìm đến với bạn với xác suất lớn hơn 80%. Singapore là nước rất thành công trong việc giảm trẻ em bị cận thị. Bí quyết của họ là giảm giờ học, tăng giờ chơi, tăng thời gian sinh hoạt ngoại khóa. Nếu trẻ đã bị cận thị thì nên khuyến khích trẻ không đeo kính khi học, đọc ở nhà. Làm như vậy sẽ giúp các em duy trì được năng lực điều tiết vốn có của mình. Nhìn ra xa vô cực (trên 5m) cũng giúp cho mắt giảm được điều tiết, giảm hình thành hay tăng số cận thị [5].

Tài liệu tham khảo cho dịch bài

1. Vinmec () Phát hiện sớm tật khúc xạ ở trẻ nhỏ, Vinmec, cập nhật 23-10-2020 tại https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/phat-hien-som-tat-khuc-xa-o-tre-nho/

2. Đặng Xuân Nguyên - Trưởng Đơn vị Mắt – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec () Bệnh khúc xạ ở trẻ em, Vinmec, cập nhật 23-10-2020, tại: https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/benh-khuc-xa-o-tre-em/

3. Ngọc Bích (2013) Cách phòng cận thị cho giới học đường, VN Express, cập nhật 26-10-2020 tại https://vnexpress.net/cach-phong-can-thi-cho-gioi-hoc-duong-2804434.html

4. Vinmec ()Phát hiện sớm tật khúc xạ ở trẻ nhỏ, Vinmec, cập nhật 23-10-2020 tại https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/phat-hien-som-tat-khuc-xa-o-tre-nho/

5. Hoàng Cương (2017) Cách ngừa cận thị ở tuổi học đường, Bệnh viện Nhân dân115 điện tử, cập nhật ngày 26-10-2020, tại: http://www.benhvien115.com.vn/kien-thuc-y-khoa-/cach-ngua-can-thi-o-tuoi-hoc-duong-/20170706033433393

Doctor SAMAN
Vũ Khắc Lương
Phó giáo sư, Tiến sĩ Y học, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/11.2020\/tu-the-ngoi-hoc-sai-can-thi-myopic-saman.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/11.2020\/tu-the-ngoi-hoc-sai-can-thi-myopic-saman.jpg","subHtml":"H\u00ecnh 1. T\u01b0 th\u1ebf ng\u1ed3i h\u1ecdc sai (tr\u00e1i) v\u00e0 \u0111\u00fang (ph\u1ea3i)."},{"src":"\/resources\/upload\/images\/11.2020\/dinh-duong-hop-ly-myopic-saman.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/11.2020\/dinh-duong-hop-ly-myopic-saman.jpg","subHtml":"H\u00ecnh 2. Dinh d\u01b0\u1ee1ng h\u1ee3p l\u00fd gi\u00fap ph\u00f2ng b\u1ec7nh c\u00e2n th\u1ecb \u1edf tr\u1ebb"}]