Theo chương trình nghiên cứu khoa học do Hội đồng Viện giao, Viện học bản địa Việt Nam đã nghiên cứu thành công bài thuốc Nam, tên là kinh giản, chữa động kinh và giải quyết vấn đề rối loạn tâm thần trong bệnh động kinh nguồn gốc từ dược liệu nguồn gốc Tả Phìn hồ Hà Giang để phòng và điều trị căn bệnh này.

Được biết, rối loạn tâm thần là hội chứng hay gặp ở bệnh nhân động kinh. Theo các nghiên cứu khoa học có khoảng 30%-50% bệnh nhân bị bệnh động kinh có rối loạn về tâm thần ở các mức độ khác nhau. Rối loạn tâm thần chiếm một vị trí quan trọng trong lâm sàng của động kinh. Các rối loạn tâm thần cấp tính xảy ra có tính chất kế tiếp trong cơn động kinh như: Trạng thái hoàng hôn, cơn loạn khí sắc… còn các rối loạn tâm thần mạn tính lại xuất hiện ở các giai đoạn xa của bệnh động kinh. Sự kéo dài của bệnh động kinh là yếu tố quyết định cho sự xuất hiện và phát sinh các rối loạn tâm thần. Vì vậy, bệnh động kinh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến rối loạn tâm thần.

Rối loạn tâm thần mạn tính của bệnh động kinh có hai loại: Biến đổi về mặt nhân cách và mất trí.

1. Biến đổi nhân cách

Ở những bệnh nhân động kinh bị bệnh lâu ngày thường có biến đổi nhân cách rất đặc trưng mà người ta gọi là nhân cách động kinh. Nhân cách động kinh có những đặc điểm sau đây:

+ Tính bùng nổ: Bệnh nhân động kinh thường có phức cảm về bệnh, tự ti, bi quan về sự bất lực, đau khổ về sự sút kém, đa nghi về sự khinh miệt của người khác… nên bệnh nhân dễ phản ứng với xung quanh. Phản ứng này mang tính chất bùng nổ, nên chỉ cần một lời nói sơ ý hay một cử chỉ nhỏ… cũng có thể làm cho bệnh nhân phản ứng xanh xám mặt mày, vứt bỏ ngay những công việc mà bệnh nhân đang làm, hơn thế nữa bệnh nhân còn kích động, chửi bới xung quanh.

Vì vậy bệnh nhân động kinh dễ làm mất lòng những người xung quanh.

Có khi, thời tiết thay đổi cũng có thể làm cho bệnh nhân bực tức, gây gổ… với mọi người.

+ Tính bất ổn: Khí sắc và hoạt động của bệnh nhân động kinh không ổn định, có thể thay đổi từng lúc và có thể thay đổi đột ngột từ cực này sang cực khác. Bệnh nhân đang ở trạng thái phấn khởi, niềm nở quá đáng, chuyển ngay sang trạng thái ghét bỏ thậm tệ, khi thì hiền từ độ lượng khi thì hung dữ xấu xa, khi thì lễ phép quá đỗi, khi thì thô lỗ láo xược; Khi thì vui vẻ cởi mở, khi thì cau có yên lặng.

+ Tính bầy nhầy: Thể hiện bằng những sự kiện có nhiều tính chất khác nhau, bệnh nhân có tình cảm gắn chặt chẽ với gia đình, nghề nghiệp, quê hương nên bệnh nhân thường không đi xa nhà và chuyển nghề được. Ngược lại, thành kiến của bệnh nhân lại dai dẳng và khó xóa nhòa.

Bệnh nhân thường suy nghĩ chậm chạp, rất khó chuyển chủ đề nên thường hay nói về một chủ đề nào đó, có khi nói nhiều chi tiết thừa, thường bảo vệ những tập quán cũ, thích những công thức cũ, thích lễ nghi tôn giáo, có khuynh hướng tìm cái chính xác, cái chi li, thích ngăn nắp trật tự, cái gì cũng đi vào chi tiết, không thích ngắn gọn. Bệnh nhân thường bám sát thày thuốc, theo dõi để chữa bệnh cho mình và kiên trì uống thuốc.

+ Tính vị kỷ: Bệnh nhân thường quá lo lắng về bệnh, vòng quan tâm ngày càng thu hẹp về sức khỏe của mình, vì thế bệnh nhân trở nên vị kỷ, đòi hỏi mọi người phải chú ý đến mình, chăm sóc mình…

2. Mất trí động kinh

Trước đây, các nghiên cứu về bệnh nhân động kinh điều trị nội trú (điều trị nằm trong bệnh viện) đã nhận xét rằng: Sớm muộn gì thì bệnh nhân động kinh cũng bị mất trí.

Gần đây, khi nghiên cứu các bệnh nhân điều tri ngoại trú (điều trị tại nhà), các nhà nghiên cứu nhận xét: Mất trí trong bệnh động kinh chỉ chiếm 5%-10% bệnh nhân động kinh.

Người ta nhận thấy: Không có một trạng thái mất trí đơn điệu do bệnh động kinh, mà chỉ có những hình thái trí tuệ bị giảm sút với các mức độ khác nhau tùy thuộc quá trình, tính chất và vị trí tổn thương thực thể não. Cái gọi là mất trí kiểu động kinh thực ra chỉ là những biến đổi nhân cách, cùng với thời gian làm trở nên trầm trọng hơn mà thôi.

Ví dụ: Tư duy chậm chạp làm cho bệnh nhân không phân biệt được đâu là cái chính, đâu là cái phụ, bị vướng vào những cái vụn vặt vô nghĩa. Ngôn từ của bệnh nhân trở nên nghèo nàn, bệnh nhân quên cả ngày tháng, địa chỉ v.v… nên có vẻ như mất trí.

3. Vấn đề điều trị

Việc điều trị rối loạn tâm thần trong bệnh động kinh nói riêng và điều trị bệnh động kinh nói chung, nhìn chung là phức tạp, khó khăn. Có một số nguyên tắc trong điều trị là: Sử dụng thuốc kháng động kinh, dù là thuốc nam hay thuốc tây, phải phù hợp với từng thể bệnh, tùy thuộc từng cá thể người bệnh, phù hợp về liều lượng, tăng hay giảm liều thuốc cũng phải từ từ không được đột ngột… Vì điều trị không đúng nguyên tắc sẽ làm bệnh nặng lên, có thể gây động kinh liên tục hoặc trạng thái động kinh, là những trường hợp phải cấp cứu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi bệnh nhân có rối loạn tâm thần phải dùng các thuốc an thần kinh, thuốc bình thần… kết hợp với liệu pháp tâm lý, kết hợp Y học cổ truyền với Y học học hiện đại v.v...

TS BS Cao cấp Ngô Quang Trúc
Viện trưởng Viện Y học bản địa Việt Nam

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/12.2019\/epilepsy.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/12.2019\/epilepsy.jpg","subHtml":""}]