1.Khái niệm

1.1.Đường dẫn mật và túi mật

Đường dẫn mật có 2 giai đoạn : đường dẫn mật ở trong gan, ống mật chủ và đường dẫn mật ngoài gan

Đường dẫn mật ở trong gan rất nhỏ gọi là các vi mật quản gần như đi song hành với các mạch máu của gan ( động mạch gan và tĩnh mạch cửa).

Đường mật ngoài gan còn gọi là ống choledoc đường kính khoảng   6-8 mm   dài khoảng 9 cm   đổ vào khúc 2 tá tràng, cư oddi điều hòa mật xuống tá tràng.

Túi mật nối liền với đường mật ngoài gan là nơi dự trữ mật.

1.2. Dịch mật được sản xuất ra ở gan và được dẫn xuống ruột bằng hệ thống đường mật. Hệ đường mật gồm có đường mật chính và túi mật. Đường mật chính gồm nhiều nhánh nhỏ nằm trong gan đổ vào một ống ở ngoài gan gọi là ống mật chủ để dẫn xuống ruột. Túi mật là một túi chứa bên cạnh ống mật chủ, nối thông với ống mật chủ bởi một ống nhỏ. Túi mật có nhiệm vụ dự trữ dịch mật để tống xuất từng đợt qua ống mật chủ xuống ruột khi có thức ăn vào đường tiêu hoá (giúp tiêu hoá thức ăn). 

Trong dịch mật có rất nhiều chất, trong đó có:

-          Acid mật để tạo ra muối mật.

-         Muối mật có tác dụng nhũ tương hóa lipid cho men lipase tiêu hóa mỡ.

-         Sắc tố mật là bilirubin do hồng cầu chết giải phóng ra có màu vàng.

-         Cholesterol

-          Và một số muối kim loại….

1.3. Sỏi mật: Sỏi mật theo thành phần có thể chia ra sỏi Cholesteron và sỏi Sắc tố mật

- Sỏi mật là bệnh đường mật có sỏi, phát sinh ở bất kỳ bộ phận nào ở hệ thống túi mật (túi mật, ống mật). cũng có thể nói sỏi mật là một bệnh về đường tiêu hoá, do sự xuất hiện sỏi cholesterol hoặc sỏi sắc tố mật ở trong lòng ống mật hoặc ở trong túi mật
Bệnh nhân thường từ tuổi trung niên trở lên, phụ nữ bị bệnh nhiều hơn nam giới.

- Sỏi cholesterol do cholesterol kết tinh trong dịch mật, khi nồng độ cholesterol trong mật cao, nồng đọ muối mật thấp, có sự ứ đọng dịch mật và một số nguyên nhân khác. Cholesterol dễ gây sỏi nếu nó có các chất béo khác kèm theo, thường gắn liền với tình trạng béo phì. Theo nghiên cứu của Đại học Kentucky (Mỹ), béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh sỏi túi mật. Theo dõi trong 15 năm cho thấy, 3.200 trong tổng số 42.000 phụ nữ béo phải mổ sỏi mật. Người có vòng eo hơn 91,5 cm nguy cơ mổ lấy sỏi mật cao gấp đôi người có vòng eo dưới 66 cm.

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu của Bệnh viện Việt Đức, gần 42% bệnh nhân sỏi mật có béo phì.Nguyên nhân: do tuổi tác, ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao, nhiều chất béo động vật, do sinh đẻ nhiều (phụ nữ), biến chứng từ một số bệnh tiêu hoá như bệnh Crohn, cắt đoạn hồi tràng, do dùng nhiều một số dược phẩm clofibrate, estrogen... Sỏi cholesterol thường đơn độc, không cản tia X và có màu nhạt. Sỏi cholesterol: Thường đi đôi với tình trạng cholesterol cao trong máu.

- Sỏi sắc tố mật chủ yếu là calcium bilirubinate, có màu sậm, thường hình thành đám sỏi, cản tia X nhiều, hình thành khi bilirubine tăng, không liên hợp hoặc nhiễm vi trùng, nhiễm ký sinh trùng đường mật. Nguyên nhân: tuổi tác, ăn thiếu chất béo và protein, ứ đọng dịch mật, mật nhiễm trùng hoặc nhiễm ký sinh trùng, xơ gan, bệnh tán huyết, thiếu máu Địa Trung Hải, thiếu máu hồng cầu liềm. Sỏi sắc tố mật loại này ít gặp hơn sỏi cholesterol.                                    

2. Triệu Chứng

Triệu chứng lâm sàng của Sỏi mật tùy thuộc vào vị trí, tính chất, kích thước to nhỏ và biến chứng của bệnh. Có thể do trạng thái tinh thần kích động, chế độ ăn uống (ăn nhiều chất nóng, uống rượu...), thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường ảnh hưởùng nhiều đến cơn đau tái phát. Diễn tiến bệnh có thể chia làm 2 thời kỳ: phát cơn đau và ổn định.

1-Thời kỳ phát cơn đau: bệnh phát đột ngột, rất đau vùng hạ sườn phải, cơn đau thắt kéo dài từng cơn nặng lên, đau xuyên lên vùng vai hoặc bả vai bên phải, ấn vào đau nhiều hơn. Người bệnh sốt cao hoặc vừa hoặc kèm cơn rét, miệng đắng, họng khô, nôn, buồn nôn, hoặc da mắt vàng, nước tiểu vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu vàng hoặc vàng nhầy, mạch Huyền, Hoạt, Sác, điểm Murphy (+) hoặc cơ vùng bụng trên bên phải căng tức. Gan và túi mật to, đau nhiều sốt cao, hôn mê nói sảng, ngoài da có nốt ứ huyết, chảy máu cam... (thường kèm theo viêm túi mật).

2. Thời kỳ ổn định: vùng hạ sườn phải ấn đau nhẹ, cảm giác đau âm ỉ có thể xuyên lên vai lưng từng cơn nhẹ rồi hết hoặc bụng trên đầy, chán ăn, miệng đắng, sợ mỡ, không sốt, không vàng da, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc hơi vàng, mạch Huyền. Thời kỳ này không có triệu chứng viêm nhiễm hoặc tắc mật.

3. Chẩn Đoán

- Cận lâm sàng: Siêu âm có giá trị xác định chẩn đoán, biết kích thước túi mật, số lượng sỏi, chính xác trên 90%.

- Lâm sàng

- Đau tức vùng bụng trên: thời kỳ phát cơn đau dữ dội vùng hạ sườn phải xuyên lên vai hoặc xuống bả vai, cơn đau kéo dài vài giờ đến vài ba ngày và có thể tái phát.

- Đau sườn: Triệu chứng rối loạn tiêu hóa, ăn vào đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi, nôn, buồn nôn, nôn ra mật hoặc thức ăn.

- Khám ấn đau vùng túi mật, điểm Murphy dương tính.

- Nếu có tắc nghẽn thì da sẽ vàng, tiểu vàng, nếu nhiễm khuẩn thì sốt cao.

- Riêng sỏi túi mật sau nhiều lần đau sẽ chuyển sang viêm túi mật mãn tính. Túi mật mất chức năng trở thành một túi chứa sỏi và viêm nhiễm.
Hơn 50% trường hợp bị sỏi túi mật nhưng không hề có triệu chứng lâm sàng nào. Đôi khi, người mang sỏi có thể sống bình thường suốt đời. Nhiều chuyên gia về tiêu hoá cho rằng không cần điều trị đối với sỏi không triệu chứng. Chỉ phẫu thuật khi nào sỏi trở nên có triệu chứng.

* Viêm mật mạn tính

 Triệu chứng: đầy bụng, có cảm giác khó chịu ở bụng trên hoặc bên phải bụng trên, đau kéo dài, hoặc đau bả vai, có cảm giác nóng ruột, ợ hơi, mỏi mệt nhất là sau khi ăn cơm no hoặc ăn những thứ sào rán, nhiều mỡ

4. Biến chứng
Biến chứng thường gặp nhất là viêm túi mật cấp từ mức độ nhẹ đến nặng và có thể đưa đến tình trạng nhiễm trùng nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Các biến chứng khác như sỏi rơi xuống ống mật chủ gây tắc mật-viêm đường mật, viêm tụy cấp.
Ung thư túi mật có thể xảy ra trên bệnh nhân sỏi mật với tỉ lệ thấp khoảng 1-2%

                                                                 Ths. Bs Lâm Văn Tiên

                                                    Nghiên cứu viên cao cấp

Viện Y Học Bản Địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[]