Cây thuốc

Sử dụng hợp chất thiên nhiên làm thuốc là một lựa chọn thông thái của nhân loại

Các thảo dược có tác dụng chữa bệnh là do các hợp chất thiên nhiên có trong chúng quyết định. Do đó, nói đến các cây thuốc là nói tới khả năng sinh tổng hợp, chuyển hóa và tích lũy các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học được sử dụng để bảo […]

drugs

Các thảo dược có tác dụng chữa bệnh là do các hợp chất thiên nhiên có trong chúng quyết định. Do đó, nói đến các cây thuốc là nói tới khả năng sinh tổng hợp, chuyển hóa và tích lũy các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học được sử dụng để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người.

 

Một thời gian khá dài, các sản phẩm hóa dược ngự trị trên thị trường thuốc; còn các cây thuốc, bài thuốc dân tộc hầu như không còn được quan tâm. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, một số sản phẩm thuốc có nguồn gốc tổng hợp đã dần bộc lộ những  nhược điểm như mất dần hiệu lực, gây ra một số tai biến hoặc tác dụng có hại cho sức khỏe con người, có những trường hợp phải sau nhiều thập kỷ mới được phát hiện được tác dụng không mong muốn của hóa dược.

 

Ngày nay các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên được dùng làm thuốc chữa bệnh và các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ để chăm sóc sức khỏe con người đang được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm do tính ít độc và khả năng dung nạp tốt của con người đối với chúng. Các hợp chất thiên nhiên từ thảo dược rất phong phú về mặt cấu trúc hóa học và thể hiện nhiều ưu điểm nổi trội như tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống oxy hóa, chống ung thư, kìm hãm HIV, điều hòa miễn dịch, chống sốt rét.vv…Đó là nguồn nguyên liệu lý tưởng để nghiên cứu, phát triển và sản xuất các chế phẩm phục vụ việc chữa trị các bệnh hiểm nghèo. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có tới 80% dân số trên thế giới sử dụng cây cỏ dùng làm thuốc phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Số liệu thống kê cũng cho thấy có tới 80 – 90% dân số vùng nông thôn của các nước nghèo, các nước đang phát triển, người dân lấy thảo dược làm nguồn thuốc chữa bệnh chủ yếu. Hiện nay có trên 50 % các loại thuốc đang được sử dụng trên thế giới có nguồn gốc từ thực vật. Rất nhiều biệt dược được sản xuất ở các nước công nghiệp hóa dược phát triển đều phải nhập nguyên liệu thực vật từ các nước nhiệt đới.

 

Đất nước ta đã có lịch sử lâu đời sử dụng cây cỏ trong thiên nhiên để chữa bệnh cho con người. Danh y Tuệ Tĩnh tác giả cuốn sách “Nam dược thần hiệu” và “Thập tam phương gia giảm” đã biên soạn được 580 cây thuốc và 3932 bài thuốc dân tộc; ông cũng chính là người nêu ý tưởng “nam dược trị nam nhân” nghĩa là dùng thuốc nam chữa bệnh cho người Việt Nam. Công lao to lớn của Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông là ở chỗ đã  đúc rút kinh nghiệm, tri thức về sử dụng cây cỏ để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe con người có từ bao đời của dân tộc ta.

 

Y học dân tộc đã phải trải qua thời gian dài không được quan tâm và sử dụng rộng rãi trong dân chúng là do sự du nhập của các thuốc tân dược; nhưng sau thời gian sử dụng, người ta phát hiện được những nhược điểm của tân dược nên ngày nay y học dân tộc đã dần lấy lại được vị trí của mình trong việc điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe con người. Nhờ các phương pháp nghiên cứu tiên tiến, sự hỗ trợ đắc lực và hiệu quả của công nghệ hiện đại và xu thế thời đại là quay về với tự nhiên nên y học cổ truyền đã và đang được áp dụng rộng rãi bên cạnh y học hiện đại trong việc phòng, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Việt Nam là một trong không nhiều quốc gia có nguồn tài nguyên thực vật phong phú với hơn 4000 loài được sử dụng trong y học cổ truyền đã và đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước cũng như trên thế giới. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Việt Nam đã thực hiện việc nghiên cứu và áp dụng y học cổ truyền để cùng hệ thống y học hiện đại phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cho đến nay ta đã thu thập được gần 40.000 bài thuốc và phương thuốc cổ truyền, đây là kho tàng tri thức vô giá cần được bảo tồn, khai thác phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.

 

Bs CKI dược lý Lê Văn Chính

Nghiên cứu viên cao cấp

Viện Y học bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

Bác sỹ dược lý CKI Lê Văn Chính

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận