Tâm thần kinh

Tìm hiểu về bệnh động kinh (Phần 2)

Bác sỹ, thạc sỹ Vi Quốc Hoàng, Nguyên trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên Cố vấn cho đề tài “Đánh giá hiệu quả bài thuốc chữa động kinh gia truyền Mã số E18-STC/YHBĐ” của dược sỹ Nguyễn Thu Trang là nghiên cứu viên Viện y học bản địa Việt […]

Bác sỹ, thạc sỹ Vi Quốc Hoàng, Nguyên trưởng khoa thần kinh Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên

Cố vấn cho đề tài “Đánh giá hiệu quả bài thuốc chữa động kinh gia truyền Mã số E18-STC/YHBĐ” của dược sỹ Nguyễn Thu Trang là nghiên cứu viên Viện y học bản địa Việt Nam, bài viết này nhằm trình bày những điểm cơ bản nhất về động kinh theo y học hiện đại. Bài không đi sâu vào điều trị học mà chỉ nhằm nhận diện các dạng động kinh và ứng xử khi gặp cơn trong quá trình nghiên cứu.     

1. Nguyên nhân gây bệnh động kinh

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh động kinh đều không rõ nguyên nhân, còn gọi là động kinh vô căn. Tuy nhiên, một tỷ lệ khác có thể do những yếu tố sau:

– Yếu tố di truyền: Tỷ lệ này rất nhỏ, thường dưới 5%..

– Do bất thường về yếu tố hóa học trong não như nồng độ Na+, K+, Ca2+

– Do mất cân bằng giữa chất dẫn truyền thần kinh dạng ức chế (Gamma aminobutyric acid – GABA) và dạng kích thích (Glutamate)

– Tổn thương não bộ như: chấn thương sọ não hoặc vùng đầu (do tai nạn hoặc trong khi sinh), nhiễm trùng não (do viêm não, viêm màng não…); sau cơn đột quỵ, tai biến mạch máu não, mất trí nhớ Alzheimer, sốt cao co giật tái diễn nhiều lần…

– Nguyên nhân liên quan đến cấu trúc não như bất thường ngay từ trong bào thai, rối loạn chuyển hóa trong não bộ bẩm sinh, có khối u não, xuất hiện các mạch máu và cấu trúc bất thường trong não không rõ căn nguyên.

– Sử dụng một số loại thuốc, hóa chất gây ảnh hưởng đến não như thuốc chống trầm cảm, rượu, ma túy…

2. Sự nguy hiểm của bệnh động kinh: Sự nguy hiểm của động kinh là những tai nạn có thể xảy đến bất ngờ hoặc thay đổi hoạt động chức năng trong não bộ. Cụ thể là:

+ Chấn thương và tai nạn trong bệnh động kinh

– Chấn thương khi ngã: Cơn co cứng, co giật và mất ý thức thường xảy ra đột ngột do vậy bệnh nhân có thể bất ngờ ngã xuống gây thương tích, phổ biến nhất là gãy xương do ngã va đập vào những vật xung quanh.

– Chấn thương tại nhà: Tai nạn có thể xảy ra khi cơn động xuất hiện lúc bệnh nhân đang nấu ăn, tắm như bỏng, ngạt nước, ngã va đập vào đồ gia dụng cứng.

– Tai nạn khi lái xe, lao động nếu bệnh nhân lên cơn động kinh trong lúc đang thực hiện những hoạt động này. Tai nạn nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng.

– Bị đuối nước khi đang bơi lội, do vậy, tốt nhất người bệnh nên tránh đi bơi hoặc bơi ở những vị trí nước nông và có bạn bè, người thân ở xung quanh.

+ Giảm khả năng nhận thức, tư duy, trí nhớ, đặc biệt xảy ra ở trẻ nhỏ

– Cơn động kinh gây cảm giác mệt mỏi, giảm nhận thức trí tuệ, đặc biệt là thể động kinh cơn vắng ý thức khiến trẻ lơ đãng, hay quên, không tiếp thu được kiến thức bên ngoài, điều này có thể thấy rõ trong bảng kết quả học tập của trẻ.

+ Rối loạn tâm lý, cảm xúc

– Động kinh kéo dài khiến người bệnh có nguy cơ cao gặp phải những rối loạn tâm lý như tâm thần, trầm cảm, lo âu, tiêu cực hơn là suy nghĩ tự tử bởi họ luôn tự ti về bản thân mình.

+ Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản

– Suy giảm khả năng tình dục, rối loạn cương dương ở nam giới do rối loạn cảm xúc và sử dụng thuốc chống động kinh trong thời gian dài.

– Gây dị tật tới thai nhi nếu dùng thuốc kháng động kinh không phù hợp trong thời kỳ đầu mang thai của phụ nữ.

3. Xét nghiệm và chẩn đoán bệnh động kinh

Để chẩn đoán bệnh động kinh, bác sĩ sẽ thực hiện các bước gồm:

– Phân loại và khai thác tiền sử bệnh qua một số câu hỏi như: Cơn co giật đầu tiên xảy ra khi nào? Trong trường hợp nào? Trong thời gian bao lâu? Có cảm giác như thế nào trước, trong và sau cơn co giật? Có từng bị chấn thương vùng đầu hay mắc bệnh lý nào về não không? Gia đình có ai từng xuất hiện triệu chứng tương tự không?

– Xét nghiệm tổng quát: xét nghiệm máu, điện não đồ (EEG), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp điện tử (CT). Trong đó, điện não đồ là yếu tố quan trọng trong chẩn đoán và xác định loại động kinh.

Doctor SAMAN

Ths.Bs. Vi Quốc Hoàng

Nguyên Trưởng khoa Thần kinh Bv Đa khoa TW Thái Nguyên

Viện Y học bản địa Việt Nam

Tác giả

Giới thiệu về tác giả

Ths.Bs. Vi Quốc Hoàng

Bình luận

Bấm vào đây để viết bình luận