Thời gian gần đây nhà nước lại hô hào bỏ biên chế hoặc chí ít thì tinh giản biên chế. Cái hại của biên chế cồng kềnh thì đã rõ. Thế nhưng giảm ai, giảm bằng cách gì, giảm bao nhiêu… những người sau giảm biên chế sống ra sao… chắc chết đói. Không phải vậy, giảm biên chế có hai cái lợi là nhà nước tích lũy được ngân sách và cá nhân sau khi ra khỏi biên chế sẽ phát triển hơn, hoàn thiện bản thân mình hơn, giàu có hơn, cống hiến cho đất nước nhiều hơn. Tôi cho là vậy.

   Là một bác sỹ được cộng đồng cho là có năng lực chữa bệnh, trong trường đại học tôi là một giảng viên nhiều năm đạt danh hiệu dạy giỏi, phía trước tôi chỉ còn 8 năm nữa là yên chí ăn lương hưu, phía sau tôi là 29 năm giảng dạy và công tác bệnh viện. Nên thế nào đây?

   Ngày 1.6.2008 tôi quyết định nộp đơn xin ra khỏi biên chế nhà nước để lập cơ sở kinh doanh tư nhân, tự chủ trong quản lý và hoạt động. Một học trò cũ của tôi là Tiến sỹ Y khoa kiêm Trưởng phòng tổ chức của trường, nói rằng: “Hiệu trưởng chưa cho phép Thầy nghỉ mà Thầy nộp đơn rồi đã nghỉ ngay và luôn thế này, lẽ ra còn bị kỷ luật ấy chứ”. Mọi người quen khi biết tin này, ai cũng can gián và cho rằng tôi là người gàn dở. Ngay sau đó tôi đã tập hợp được một đội ngũ cộng tác viên để tập trung nghiên cứu nhiều đề tài khoa học đúng chuyên ngành của mình – đông y/thảo dược, chuyển giao kết quả các công trình này cho các công ty khác có mong muốn sản xuất và phân phối các sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược nhưng yếu hơn về khả năng nghiên cứu.

   Từ đồng vốn nhỏ nhoi với mô hình ban đầu là cơ sở kinh doanh tư nhân, sau 8 năm, chúng tôi đã có trong tay mô hình một tổ chức nghiên cứu và kinh doanh sản phẩm khoa học công nghệ, đó là Viện Y học bản địa Việt Nam. Sản phẩm đưa vào kinh doanh là kết quả nghiên cứu 57 đề tài khoa học và đồng vốn ban đầu đã được nhân lên khoảng 150 lần. Đội ngũ cán bộ nhân viên trong đơn vị có lúc lên tới 70 người, danh phận là ngoài biên chế nhưng các quyền lợi, chế độ theo quy định của luật pháp luôn được bảo đảm đầy đủ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội…Và đương nhiên là chế độ lương, thưởng cũng luôn khá hơn trong biên chế nhà nước. Về chất lượng nguồn nhân lực thì chúng tôi không câu nệ bằng cấp, chỉ tuân theo nguyên tắc duy nhất là đánh giá hiệu quả làm việc. Mô hình của chúng tôi đã thu hút nhiều Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ tham gia. Tuy ngoài biên chế nhưng mọi người vẫn làm việc say mê, không chỉ vì đồng lương mà họ có định hướng và nhu cầu cống hiến cho cộng đồng rõ ràng.

   Có điều kiện để tự do sáng tạo, làm những việc mình ham thích, cảm thấy việc mình làm có ý nghĩa với cuộc sống, có ích cho cộng đồng là một cách suy nghĩ trong công tác giảm biên chế hoặc có thể bỏ hẳn khái niệm biên chế mà hiện xã hội đang quan tâm.

   Ngày trước, tôi điều trị trong bệnh viện và giảng bài hằng ngày trong trường đại học. Tôi tự thấy mình danh giá, được xã hội tôn trọng: vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc. Khi ra ngoài hội nhập vào xã hội rộng lớn, tôi mới nhận thức ra mình chẳng biết gì nhiều. May mà cái sự học hỏi của tôi cũng khá tốt nên chỉ sau một thời gian Viện nghiên cứu tư nhân của tôi đã khẳng định được vị thế xã hội, chúng tôi có được niềm tự hào chân chính, không còn ai trong đơn vị còn giữ mặc cảm mình là người ngoài biên chế nhà nước.

   Đây chỉ là bài học cá nhân của tôi, bài học này chỉ dạy cho mình tôi rằng nếu có kiếp sau, sau khi tốt nghiệp đại học mình sẽ không làm phiền nhà nước bằng biên chế nữa.

 

Bác sỹ Hoàng Sầm

Chủ tịch viện Y học bản địa Việt Nam.

Doctor SAMAN

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/07.2016\/ziyou.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/07.2016\/ziyou.jpg","subHtml":""}]