Đột quỵ là một bệnh thường gặp và cũng là loại bệnh gây tử vong đứng hàng thứ 3 trên thế giới (theo Tổ chức y tế thế giới - WHO), chỉ sau bệnh ung thư và tim mạch. Hơn thế, đột quỵ còn đứng hàng đầu trong các bệnh gây tàn tật ở con người (Hankey và Warlow, 1999).

Thứ trưởng Bộ y tế Việt Nam hồi đầu tháng 4 năm nay, trong buổi mít tinh  hưởng ứng ngày sức khoẻ thế giới (7/4) với chủ đề: “Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm”, đã nhấn mạnh: “Trầm cảm đang là vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng trên toàn cầu và cũng như ở Việt Nam”, hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến hành vi khó kiểm soát và có thể tự tử... Cũng theo WHO ước tính năm 2015 nước ta có khoảng hơn 3 triệu rưỡi người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số.

Như vậy đột quỵ và trầm cảm là những vấn đề lớn mà con người chúng ta phải đối mặt.

* Sau khi bị đột quỵ người bệnh có thể mắc trầm cảm

+ Sau khi bị đột quỵ, bệnh nhân có thể có các rối loạn về trầm cảm và các rối loạn về nhận thức và hành vi khác bao gồm như lo âu, loạn thần, thay đổi nhân cách, mất ngôn ngữ, rối loạn ngữ điệu (dysprosody)...

+Trầm cảm sau đột quỵ được xem như là phản ứng về tâm lý của bệnh nhân  với stress sau khi bị mắc một bệnh trầm trọng, có sự mất mát về chức năng và nhận thức của não bộ.

+ Các nhà khoa học cho biết bệnh nhân sau bị đột quỵ bị trầm cảm, có tỷ lệ tử vong cao hơn so với những bệnh nhân bị đột quỵ nhưng không bị trầm cảm. Nghiên cứu của Parikh vói 63 bệnh nhân bị đột quỵ trong đó có 25 bệnh nhân đột quỵ có trầm cảm và 38 bệnh nhân đột quỵ không bị trầm cảm trong 2 năm, tác giả thấy rằng những người bị đột quỵ có trầm cảm có sự suy giảm rõ hơn về chức năng về cơ thể (hoạt động về thần kinh và sinh hoạt hàng ngày) và ngôn ngữ so với đột quỵ không có trầm cảm. Tác giả Morris theo dõi 103 bệnh nhân bị đột quỵ có trầm cảm và đột quỵ không có trầm cảm trong suốt 10 năm liên tục, đã kết luận rằng: tỷ lệ tử vong ở nhóm bị đột quỵ có trầm cảm cao gấp 3 lần so với nhóm đột quy không có trầm cảm, tỷ lệ này không phụ thuộc vào giới tính, hình thức của đột quỵ, vị trí và kích thước của não bị tổn thương, trong đó những bệnh nhân đột quỵ bị cô lập với xã hộ có tỷ lệ tử vong cao nhất.

* Tần suất và diễn biến của Trầm cảm sau đột quỵ

+ Các nhà khoa học ước lượng tần suất bị trầm cảm sau đột quỵ dao động khoảng 30% - 50%. Tác giả Robison thấy có tỷ lệ 27% trầm cảm nặng, 20% trầm cảm nhẹ trong thời gian 3 tháng đầu kể từ khi bệnh nhân bị đột quỵ. Tác giả House ước lượng tỷ lệ của trầm cảm nặng ở thời điểm 16- 18 tháng sau đột quỵ là gấp đôi so với tỷ lệ trầm cảm nặng ở dân số chung.

+  Các nghiên cứu cho thấy phần lớn bệnh nhân bị trầm cảm nặng sau đột quỵ có thể được cải thiện tình trạng trầm cảm trong vòng 2 năm, với bệnh nhân trầm cảm nhẹ sau đột quỵ thì các triệu chứng lại tồn tại muộn hơn 2 năm.

+ Có khoảng 1/3 số bệnh nhân không bị trầm cảm sau đột quỵ ở giai đoạn đầu ngay sau bị đột quỵ, lại bị trầm cảm trong vòng từ 3 tháng đến 2 năm sau đột quỵ. Các nhà khoa học giải thích hiện tượng này có lẽ do bệnh nhân hiểu rằng tật nguyền của mình đã là mạn tính... hoặc có thể do tái tổ chức chức năng của hệ thống dẫn truyền thần kinh điều hoà khí sắc gây nên bởi não bị tổn thương.

+ Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng sự tái tổ chức sinh lý trong não sau khi não bị tổn thương do đột quỵ là nguyên nhân chính gây trầm cảm sau đột quỵ.

* Liên quan giữa vị trí tổn thương não bộ và trầm cảm sau đột quỵ

+ Người ta cho rằng tổn thương não vùng hai bên thuỳ trán trước, thuỳ thái dương, nhân đuôi có nguy cơ cao bị trầm cảm sau đột quỵ.

+ Tần suất bị trầm cảm cũng tăng lên ở người già có bệnh vi mạch vùng dưới vỏ lan toả, những mảng tổn thương vi mạch này có khuynh hướng nhiều và lớn ở vùng chất trắng ở sâu của não bộ.

+ Sự không đối xứng hai não bán cầu cũng ảnh hưởng đến khí sắc của bệnh nhân...

+ Những bệnh nhân đã có tiền sử bị đột quỵ bán cầu não trái, lại bị đột quỵ mới tái phát cũng gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau đột quỵ.

Cơ chế gây trầm cảm sau đột quỵ các tác giả cho rằng do tổn thương não bộ gây gián đoạn và rối loạn các đường dẫn truyền thần kinh đi từ thân não, vùng dưới vỏ... lên vỏ não, đặc biệt là các tổn thương vào thân các tế bào thần kinh tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh là Noradrenalin, Serotonin... từ đó gây trầm cảm sau đột quỵ.

* Điều trị trầm cảm sau đột quỵ

+ Nhà khoa học Lipsey đã nghiên cứu 34 bệnh nhân bị trầm cảm sau đột quỵ,  bằng phương pháp so sánh nhóm điều trị Nortriptylin( thuốc điều trị trầm cảm) và nhóm giả dược (placebo), đã cho kết quả có sự cải thiện rõ rệt những triệu chứng trầm cảm ở nhóm được điều trị bằng Nortriptylin so với nhóm giả dược.

+ Còn tác giả Anderson đã nghiên cứu những bệnh nhân trầm cảm sau đột quỵ bằng thuốc ức chế tái hấp thu Serotonin (Citalopram) thấy rằng có sự cải thiện lớn chứng trầm cảm ở nhóm được điều trị bằng Citalopram so với nhóm placebo.

Trên đây là một số công trình khoa học của các tác giả nước ngoài đề cập đến vấn đề trầm cảm sau đột quỵ đã được công bố, còn ở Việt Nam nghiên cứu về trầm cảm sau đột quỵ có lẽ theo chúng tôi cũng còn nhiều hạn chế. Trong các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài cho thấy việc điều trị trầm cảm bằng Tây y cũng có những hiệu quả nhất định, song các tác dụng không mong muốn của nó cũng là điều chúng ta cần chú ý trong quá trình sử dụng.

 

Doctor SAMAN

Ngô Quang Trúc

Tiến sỹ bác sỹ cao cấp chuyên ngành Tâm Thần Kinh

[{"src":"\/resources\/upload\/images\/11.2017\/post-stroke.jpg","thumb":"\/resources\/upload\/images\/11.2017\/post-stroke.jpg","subHtml":""}]