1. Con người và thiên nhiên – mối quan hệ hợp nhất Thiên - Địa - Nhân.

Thuyết tiến hóa của Charles Robert Darwin(1809 -1882) chỉ ra rằng: con người là một sản phẩm hình thành ở nấc thang tiến hóa cuối cùng của sự sống. Loài người là động vật tiến hóa cao nhất, có hoạt động trí tuệ nên có lẽ chỉ chịu đứng ở dưới “Thượng đế” nhưng lại trên muôn loài. Phôi sinh học đã chứng minh sự phát triển cá thể con người là sự mô phỏng quá trình tiến hóa từ thấp đến cao nhất của giới động vật. Tuy thế, sự tồn tại của loài người không tách khỏi sinh giới gồm các loài động vật và thực vật.

 

Mỗi loài, trong sự tồn tại của mình không thể tách khỏi loài khác. Mối quan hệ đan xen giữa các loài với nhau và với môi trường sống có tác dụng bổ sung, phụ thuộc và thúc đẩy lẫn nhau để hình thành cái gọi là cân bằng sinh thái. Sự biến mất đi của bất kỳ loài sinh vật nào trong hệ thống cũng ảnh hưởng ít hoặc nhiều tới loài khác và dẫn tới xác lập một cân bằng sinh thái mới. Nói vậy để thấy rằng, cái ảo tưởng của một “lý thuyết cách mạng” nào đó cho rằng con người có thể bằng trí tuệ làm thay đổi giới tự nhiên, hay có quyền hạn vô biên để tùy tiện hủy diệt loài này, dung dưỡng loài kia theo ý chí chủ quan của mình, thực chất chỉ là tư tưởng ngông cuồng và nông cạn mà thôi. Thực chất, loài người chỉ là một trong muôn loài của tự nhiên, tuy có tổ chức vật chất và xã hội cao nhất nhưng cũng không có quyền can thiệp thô bạo, ứng xử vô nguyên tắc với các loài khác cũng như với giới tự nhiên nói chung vì con người cũng chỉ là một thành tố của tự nhiên, nằm trong mối quan hệ hợp nhất thiên – địa – nhân.

 

 

Khoa học hiện đại chỉ ra rằng:  mối quan hệ của loài người với các loài khác thể hiện trước hết ở chỗ nó có cùng chuỗi xoắn kép ADN trong nhân tế bào làm chức phận truyền đạt thông tin di truyền xuyên suốt các thế hệ sinh vật. Chuỗi ADN hình thành nên bộ gen nằm trong nhiễm sắc thể của sinh vật. Bằng kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại, các nhà khoa học đã chứng minh được giữa các loài, giống, cá thể sinh vật có sự tương đồng về cấu trúc gen ở mức độ khác nhau. Kết quả chương trình nghiên cứu giải mã bộ gen người bởi các nhà khoa học Mỹ(Human Genome Project – HGP)tiến hành trong 13 năm và nhiều công trình nghiên cứu về gen sau đó, người ta đã xác định được cơ thể chúng ta có khoảng 30.000 gen hình thành từ 3,1 tỷ cặp base. Trong đó, chỉ có một tỷ lệ nhỏ gen đặc trưng thuộc cơ thể người, còn lại có rất nhiều gen ta tìm thấy nó tương tự như ở những loài khác, tỷ dụ như: 2 cá thể người có sự giống nhau về bộ gen tới 99,9%, giữa người và khỉ giống nhau 96%, giữa người và bò giống nhau 80%, giữa người và ruồi dấm giống nhau 61% và giữa người với…..cây chuối giống nhau 60%. Nói cách khác, con người có quan hệ với muôn loài. Đặc biệt, người và lợn có mối quan hệ anh em gần gũi nhất. Những so sánh đã chỉ ra có ít nhất 173 vị trí trên các nhiễm sắc thể lợn và người có các gen đồng nhất với nhau (Theo Jonathan Beever, Lawence Schook và Stacey Mejers). Với những kết quả nghiên cứu này, quan điểm về việc con người có chung nguồn gốc với các loài sinh vật khác mà Dar-uyn đã phát hiện ra bằng sự quan sát và so sánh hình thái cùng với tư duy khoa học của một thiên tài cách đây gần 200 năm đã được chứng minh.

 

Mối quan hệ hài hòa của con người và thiên nhiên thông qua các hoạt động cạnh tranh sinh tồn cũng còn thể hiện ở 2 mối tương tác cơ bản lẫn nhau, đó là sự tương hợp và sự tương kỵ. Trong đó, tương hợp là mối quan hệ cộng hưởng, hợp tác, còn tương kỵ là mối quan hệ loại trừ, bất hợp tác, rút vào cố thủ để tăng cơ hội tồn tại. Tuy nhiên, cần phải hiểu đây không phải là cuộc cạnh tranh dẫn tới  sự loại trừ nhau tuyệt đối. Về bản chất, cạnh tranh sinh tồn là sự thay đổi nội bộ của mỗi loài để thích ứng tốt nhất với những loài khác, nhằm duy trì một hệ sinh thái bền vững.

 

Một vài bằng chứng của sự tương hợp:

  • Trồng những loài cây nào đó trong nhà thì tốt cho sức khỏe và ngược lại;
  • Con người đô thị được sống trong một không gian xanh ngập tràn cây cối thì thấy thoải mải, mát mẻ, tâm trạng vui vẻ hào hứng, làm việc có hiệu quả cao;
  • Sống nơi đồng quê, nơi núi rừng thôn dã thì cảm thấy tâm hồn thư thái, thân xác khỏe mạnh hơn so với nơi phố thị đầy bê tông, gạch đá, sắt thép;
  • Những sắc màu phù hợp giới tính, tâm trạng, không gian sống và làm việc… thì ảnh hưởng tốt tới tâm trạng, ý thức, tư tưởng và sức khoẻ;
  • Một số loài cây trồng (thủy tiên, chuối, mít…).khi sống gần người thì luôn khỏe mạnh tươi tốt, dễ đơm hoa kết trái;
  •  

Một vài bằng chứng của sự tương kỵ:

  • Vào mùa đông, bầu trời ít nắng, lạnh lẽo, u ám làm cho con người dễ bị ức chế thần kinh, nảy sinh tâm trạng buồn bã, dễ ốm đau bệnh tật;
  • Trong dân gian, khi một gia đình có đại tang, nhiều nơi có tập quán đeo tang cho cây vì tin rằng cây cũng có linh hồn, biết buồn bã, chia xẻ tình cảm khi người trồng và chăm sóc chúng mất đi;
  • Nọc độc của động vật, chất độc của thực vật là những phương tiện tự vệ của chúng, sự xâm phạm vô nguyên tắc sẽ gây nguy hại tới sinh mạng con người;
  • Nhiều vật nuôi  (gà, lợn…)  không bao giờ tự ăn hạt đậu sống vì sẽ bị tiêu chảy bởi chất kháng men (Antitrypsin) trong đậu, đỗ. Chất này làm vôhiệu Enzyme thủy phân protein có trong dịch tiêu hóa của gà.

 

2. Quan điểm chữa bệnh thuận theo tự nhiên của Y học bản địa

Theo quan điểm y học nói chung, bệnh tật của con người có 2 nguồn gốc phát sinh:

  • Bệnh có nguồn gốc từ bên ngoài (thân bệnh):

         + Các loại bệnh do vi khuẩn, vi rút, vi nấm…

         + Bệnh do ăn uống theo thực phẩm, chế phẩm công nghiệp

  • Bệnh có nguồn gốc từ bên trong cơ thể (tâm bệnh).

Còn Y học phương đông thì cho rằng, bệnh tật của con người phát sinh khi lẽ âm dương của vạn vật và con người mất đi sự cân bằng vốn có. Chữa bệnh chính là quá trình phục hồi sự cân bằng ấy tới mức cao nhất để làm tiêu tán hết hoặc giảm đi biểu hiện của bệnh tật.

 

            Trong đời sống hoang dã, một loài động vật hay thực vật khi mắc bệnh thì hầu hết chúng suy yếu, biến thành mồi cho loài khác trong chuỗi thức ăn hoặc chết đi, thân xác chúng bị phân hoại tự nhiên trong vòng tuần hoàn các bon-ni tơ đã được khoa học chứng minh. Riêng con người, với trí tuệ của mình, dường như luôn cố gắng chống lại mọi vấn đề có tính định mệnh: “Sinh, Bệnh, Lão, Tử” để tồn tại, bất chấp các quan hệ cân bằng đã xác lập trong tự nhiên.Tuy nhiên, những cố gắng ấy không bao giờ có kết quả tuyệt đối vì bệnh của con người hầu hết là do thiên nhiên tạo ra, đó là vũ khí của thiên nhiên để chế ngự con người, để con người hiểu rằng, không phải cứ có trí tuệ là làm được tất cả mọi điều. Thiên nhiên với sự cân bằng nghiêm ngặt của nó, luôn là thế lực vô hình đứng trên con người, điều chỉnh con người mỗi khi thấy họ muốn thoát khỏi sự kiểm soát của thiên nhiênbằng sự “tự cao, tự đại” của mình.

 

            Từ mối quan hệ đó, trong lịch sử hình thành,thiên nhiên luôn thể hiện để con người thấy rằng: Thiên nhiên tạo ra bệnh tật để điều chỉnh con người trong mối cân bằng với muôn loài thì chính thiên nhiên cũng có sẵn cách giúp con người thoát khỏi hiểm họa của bệnh tật. Tuy nhiên, ở mỗi phần của thế giới, con ngườicó đức tin khác nhau nên đi tìm các giải pháp can thiệp vào bệnh tật để cứu mình theo những quan điểm và cách thức khác nhau.

           

Trong nền Y học cổ truyền Việt Nam, nhiều đại danh y như Lê Hữu Trác đã kiên trì theo đuổi việc tìm tòi, sáng tạo nhiều bài thuốc vô giá để lại cho muôn đời con dân nước Việt. Thật là thiên tài khi Tuệ Tĩnh  – Một đại danh y khác của nước Việt Nam ta cũng đã tìm tòi được rất nhiều vị thuốc, bài thuốc từ quan điểm nổi tiếng tự trọng, yêu nước: “Nam dược trị Nam nhân”  để cổ soái sự phát triển thuốc Nam khi mà nhiều “thầy lang” nước ta luôn sính thuốc Bắc, vốn là cách làm thuốc của người Trung Quốc.  Quan điểm hành nghề,đức độ và tài năng của đại danh y trên đã được sự cổ soái của rất nhiều “ông lang vô danh” trong các cộng đồng dân tộc Việt Nam. Những “ông lang vô danh” này đã khai thác nhiều vị thuốc, bài thuốc và nhiều phương thức hành nghề y mang tính bí truyền khác, góp sức to lớn gìn giữ nền Y học bản địa Việt Nam và lưu truyền lại tới tận bây giờ. Thực tế ấy tạo cơ sở cho sự hình thành quan điểm chiến lược và phương châm hành động cho Viện YHBĐ Việt Nam là: “Thuận theo tự nhiên, 100% từ thiên nhiên và Tất cả vì lợi ích của của cộng đồng”.

 

Trong lịch sử lập quốc, các dân tộc trên dải đất Việt Nam đã được thiên nhiên ban tặng kho thuốc quý để chữa bệnh cho con người.Kho thuốc này ẩn dấu trong thiên nhiên mà không bao giờ chúng ta có thể khai thác hết. Bất kỳ một dân tộc nào trong số 54 dân tộc ở Việt Nam cũng tiềm ẩn trong cộng đồng mình những di sản văn hóa phi vật thể vô giá về y tế, đó là những cây thuốc, vị thuốc, bài thuốc, phương pháp, thủ thuật, lời nguyền, bài yểm… có tác dụng can thiệp có hiệu quả bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

Kho tàng văn hóa YHBĐ Việt Nam với tiềm năng vô cùng phong phú rất đáng để chúng ta tự hào. Vì thế, khi có sự du nhập của Y học Tây phương vào, chúng ta đã tiếp nhận sức mạnh của loại hình văn hóa ấy một cách khoa học, chọn lọc mà không cực đoan,không “vì mới nới cũ” mà bài xích vốn Y học cổ truyền. Trái lại, chúng ta có sự dung hòa tài tính, sáng tạo tinh hoa của 2 quan điểm y học lớn nhất của nhân loại, thể hiện rất rõ nét ở quan điểm của Bác Hồ về: “Đông Tây y kết hợp”

 

Trước sự biến động dữ dội của các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội Việt Nam nhiều năm qua, trước sự suy thoái môi trường sống và sự biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, nhiều loại sinh vật đã hoàn toàn biến mất trong sinh giới, trong đó có nhiều cây thuốc, con thuốc. Để bảo vệ vốn văn hóa bản địa về y học của Việt Nam hiện nay, chúng ta phải làm rất nhiều việc từ sưu tầm, ghi chép, nghiên cứu vị thuốc, bài thuốc, bảo tồn lưu giữ nguồn gen cây thuốc, bảo hộ quyền tác giả và thương hiệu cây thuốc, bài thuốc và những vốn liếng y học bản địa khác… Đây là những vấn đề hết sức nóng bỏng và cấp bách trong xu thế hội nhập, giao lưu, cạnh tranh quốc tế khốc liệt như ngày nay. Việc này không chỉ là tình cảm, đạo đức và trách nhiệm của những thầy thuốc y học bản địa mà còn là trách nhiệm của mọi thầy thuốc cũng như của các cấp các ngành, nhất là các cơ quan quản lý Y- Dược từ địa phương tới trung ương.

 

PGS.TS Hoàng Toàn Thắng

Viện Y học bản địa Việt Nam

Doctor SAMAN

[{"src":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2016\/05\/Meditation-800x600.jpg","thumb":"\/yhbd.vn\/upload\/images\/2016\/05\/Meditation-800x600.jpg","subHtml":""}]