Tự sự tản mạn đa chiều về ngành Y

Năm 1972 tôi đọc trên tạp chí “Tri thức là sức mạnh” được biết ở Mỹ mỗi ca mổ ruột thừa bác sỹ được trả tiền phẫu thuật là 35 USD, khi đó mỗi tờ xanh USD đều được bảo đảm bằng 1 đồng bản vị vàng. Xứ ta thì có câu “cơm ăn ba bát, thuốc cắt ba thang, bà mế ông lang, đã nuôi cả nhà”. Như vậy dù ở phương đông hay phương tây nghề làm thuốc đã được mặc định là nghề có “dính vào tiền bạc”. Mà rốt cuộc trên đời này có nghề gì kiếm sống, dù chân chính đến bao nhiêu mà không dính vào chuyện tiền bạc. Nghề nào cũng vậy và không có nghề nào không dính hết.

Lẽ là vậy.

Nghề nào cũng có đạo đức của nghề đó, quét chợ thì quét cho sạch, vá xăm thì vá cho chắc chắn, dạy học dạy điều hay lẽ phải, làm thầy thuốc thì thương cảm với nỗi đau và lo lắng người bệnh. Theo đó là tính chuyên nghiệp, thái độ hành nghề và sự hiểu biết sâu rộng nghề đang làm – đó chính là đạo đức.

Đó là đạo đức.

Đạo là con đường, “có đức” hay “vô đức” là thuộc tính của con đường mà ta chọn. Để hình thành một thuộc tính ổn định đến độ thuộc tính “đạo đức” nâng lên tầm “nhân cách” là một quá trình. Phải thừa nhận rằng môi trường xã hội, môi trường giáo dục và người giáo dục, người được giáo dục trong 1 giai đoạn lịch sử cụ thể ảnh hưởng rõ ràng đến việc hình thành nhân cách mỗi người.

Vậy chúng ta rốt cuộc là ai ? cố thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói : “Ít có nghề nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình”.

Hiểu biết là cái đầu (the head), có trái tim nhân hậu (kind heart) và sự từng trải, kinh nghiệm ý nói tới có kĩ năng thực hành với bàn tay lành nghề (skilled hands)

Người có phẩm chất, tài năng, hiểu biết, từng trải, nhân ái và có kinh nghiệm tất nhiên chẳng ai dám đánh mắng, chửi bới, dọa dẫm, khinh miệt; những người có đầy đủ những phẩm chất như trên cũng không thể là người nghèo khó. Những năm 1960 – 1970 của thế kỷ trước có câu: “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, bỏ qua sư phạm” chả lẽ lại sai ? ngày đó lấy được người chồng Bác sỹ là có danh vọng cao, được xã hội tôn trọng và có cuộc sống tốt.

Như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nói : “tôi chưa thấy bác sỹ nào giỏi mà nghèo cả”.

Khoa học Y học là một khoa học tương đối, nó không tuyệt đối chính xác với tất cả các bệnh nhân, trong những cái tương đối người bác sỹ chỉ có thể lựa chọn cái gần tuyệt đối hơn để thành lập một phác đồ cho từng bệnh nhân cụ thể. Người Bác sỹ có “hiểu biết – thái độ - kĩ năng” càng cao sẽ thiết lập được những phác đồ càng sát với bản chất của bệnh cảnh. Khoa học y học là một khoa học đang từng ngày hướng tới sự chính xác. Bệnh nhân và người nhà của họ không biết điều này. Họ cho rằng ngành Y cũng là 1 ngành nghề giống như mọi ngành nghề khác, và khi người nhà bị ốm đưa tới bệnh viện chữa giống như “đem một món đồ bị hư đi sửa chữa”.

Thế bệnh nhân rốt cuộc có phải khách hàng không ?

Không phải, bệnh nhân luôn chỉ là bệnh nhân thôi, họ là người ốm, người đang bị đau, đang bị đe dọa tính mạng, đang có những thiếu sót cơ thể, thiếu sót tinh thần, lo lắng ... cần thầy thuốc hỗ trợ, khắc phục. Như nhà báo Phần Lan Anu Partenen chỉ ra rằng “Chăm sóc y tế không giống như đi mua quần”- bà Partenen còn nói – “nói chung các quy tắc thông thường của thị trường không áp dụng được với chăm sóc sức khỏe”.

Kinh tế thị trường dịch vụ chăm sóc y tế, cụ thể là dịch vụ chữa bệnh dường như là không theo kịp thế giới. Trong đó giá dịch vụ y tế là một điển hình. Chúng ta luôn hô hào rằng cần thu đúng, thu đủ, giá dịch vụ y tế ở bệnh viện công lập theo cá nhân tôi cho rằng chưa được, vì phải thu thêm 1 khoản phí tái đầu tư và khấu hao tài sản mới đủ. Thu từ đâu, từ nhà nước, từ bảo hiểm y tế. Chi phí 1 ca ruột thừa ở Mỹ hiện là 11.000 USD, tương đương với khoản 253 triệu VNĐ, trong khi đó 1 ca ruột thừa ở Việt nam là 5 triệu, gấp nhau tới 50,6 lần. Trong khi đó độ tận tình chưa chắc bằng ở Việt Nam.

Đừng nói 253 triệu như Mỹ, ở Việt Nam chỉ cần mổ 1 ca ruột thừa với 50 triệu thôi, bệnh nhân sẽ nhanh chóng được chữa khỏi mà tin rằng sẽ không có bất cứ lời phàn nàn nào.

Ví như năm 2022 ngân sách chi cho ngành Y tế là 120.112 tỷ VNĐ, chia cho 90 triệu dân ta thì mỗi người chỉ được hơn 1,3 triệu chút để thuê khoán chăm sóc sức khỏe. Bảo hiểm y tế Việt Nam cũng còn rất nhiều điểm chưa hợp lý trong việc quyết toán, xuất toán với bệnh viện, ví dụ trong năm 2021 ngành bảo hiểm y tế kết dư tới 33.000 tỷ. Trong khi bệnh nhân vẫn phải mua thuốc ngoài bệnh viện.

Học 6 năm quằn quại với 258 tín chỉ mới có bằng tốt nghiệp, nhưng chưa xong, cần thêm 18 tháng thực hành bệnh viện và 36 tháng phụ việc mới được chính thức hành nghề. Như vậy để được có giấy phép hành nghề 1 bác sỹ đa khoa cần tới 10,5 năm học hành, đó là chưa kể học lên chuyên khoa cấp I mất thêm 2 năm, chuyên khoa II mất 2 năm nữa, làm Tiến sỹ thì phải 6-7 năm. Nhưng bậc lương đại học thì ngang nhau, giống như 1 giáo viên cấp III chỉ học có 4 năm.

Thật có vẻ không công bằng.

Nhà nước trả lương, người thiết kế lương đã “cào bằng” cho rằng cái bằng đại học nào cũng giống nhau, đó là điểm sơ hở trong xây dựng chính sách. Người bác sỹ sau những ca phẫu thuật, thủ thuật khó khăn, có thể kéo dài 4-12h đã hoàn thành công việc của mình bằng: xúc cảm, tình cảm, trí tuệ, tính chuyên nghiệp, mồ hôi công sức, ... phía sau họ là một kho kiến thức về cơ thể người. Còn nhà nước chỉ chi trả số tiền bằng kết quả là bệnh nhân đã sống được, đã khỏi – họ không cần biết để có kết quả như vậy là người bác sỹ đã qua bao nhiêu công sức học hành, bao nhiêu năm tu luyện.

Tôi có người cháu, 22 tuổi, dân tộc Dao quê ở xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, Hà Giang học hết 12 không đỗ đại học. Cháu lái xe tắc – xi ở Hà Nội, làm việc từ 5h sáng đến 21h cũng thu nhập mỗi tháng chừng 14 – 21 triệu, tùy nắng mưa mà thu nhập tăng giảm chút ... đủ tiền thuê nhà và cũng đủ đưa vợ con trên quê xuống Hà Nội. Hơn hẳn anh Bác sỹ học 10 – 15 năm. Với đồng lương như hiện nay, một số nhân viên y tế bắt buộc phải tìm cách nào đó tìm lại sự công bằng tương đối, chỉ là tương đối thôi ... và chúng ta cùng nhau gọi là tiêu cực của nhân viên y tế.

Sự chuyên nghiệp, tính tri thức, trí tuệ cao và sự đầu tư cả chục năm ... đã không được chi trả.

Chúng ta không đon đả, không niềm nở vì bệnh viện không phải nơi bán hàng tạp hóa, và chúng ta cũng không kinh doanh sức khỏe tính mạng của họ. Chúng ta không mong họ ốm đau, việc ốm đau là việc của loài người, là việc muôn đời tự nó như vậy.

Chúng ta không thể cười khi giao tiếp với bệnh nhân vì chúng ta không thể cười trên nỗi đau bệnh tật đang dày vò bệnh nhân, chúng ta chỉ có thể cười khi bệnh nhân đã lành bệnh, khi tiễn bệnh nhân về trong sự bình an. Chúng ta căng thẳng, tính toán, chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt, chẩn đoán tiên lượng, chúng ta lo lắng thay cho họ, chúng ta không thể cười vui vẻ ... và khi đó họ gọi chúng ta là vô cảm.

Ở sân bay nào cũng thế, ngay chỗ tiếp đón chờ check in, phòng chờ luôn có an ninh sân bay. Hễ thấy ai có những hành vi bất thường, trêu đùa quá trớn 1 chút đã bị nhắc nhở chứ chưa nói tới người này hành hung người khác, lại càng không có chuyện hành hung nhân viên tiếp viên, phi công bay... vì sẽ bị xích còng tay ngay. Thế mà những cơ sở cứu người, chữa bệnh cho con người lại có thể có chuyện hành hung người thi hành công vụ 1 cách trắng trợn, côn đồ như thời gian vừa qua là chuyện bất bình thường ... chỉ có ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới. Tại sao không có nhân viên an ninh bệnh viện như an ninh sân bay nhỉ ?

Về phía nhân viên y tế, trong khi chờ đợi có sự thay đổi từ phía nhà nước về lương bổng, cũng cần:

  • Giao tiếp chuẩn mực, chuyên nghiệp, khẩn trương theo phân loại;
  • Thấu hiểu và thông cảm, giảm xúc cảm cá nhân; tăng xúc cảm tích cực;
  • Thông tin rõ ràng, minh bạch, xúc tích và đủ;
  • Tuân theo đầy đủ quy chế, quy định, nội quy của môi trường đặc thù bệnh viện;
  • Luôn cống hiến trong mọi trường hợp có thể mà không tính toán;
  • Không nên dùng “ giọng gọi đòn, thái độ gọi đòn, thách thức đúng/ sai” trong mọi trường hợp để tránh xúc cảm tiêu cực đến từ các phía.

Về phía nhà nước cần có cách nhìn thấu đáo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Mặt trận Tổ Quốc, Liên đoàn Lao động, Quốc Hội ... nên cử cán bộ, chuyên viên sống và làm việc trong môi trường bệnh viện chỉ cần 1 tháng, rồi hãy về ngồi phòng lạnh làm chính sách tiền lương cho nhân viên y tế.

BS Hoàng Sầm -  Mọi người có thể tranh luận, thảo luận theo zalo 0977356913

Sau đây là 1 số ý kiến đồng nghiệp cùng chủ đề

“Không, bệnh nhân không phải người tiêu dùng…”

 [05/08/2022 07:59:30] Lê Vũ Anh (GS): Rất hay! Tôi cho rằng nhóm đang thảo luận rất nhiều chủ đề hay! Đây là một trong số đó! Tôi rất đồng ý với mọi người là không nên và không thể để thày thuốc và B/n vào đồng nhất với thị trường mặc dù trên thực tế là bất cứ mối quan hệ nào cũng nằm trong môi trường đó, không có bất kỳ môi trường khác! Không chỉ có y tế mà giáo dục, chắc chắn cũng sẽ có nhiều tham luận lắm liên quan tới môi trường "thị trường" này đấy! Vậy thì câu hỏi là làm thế nào để tách triết rành mạch ra rằng mối quan hệ B/n-Thày thuốc không phải là mối quan hệ cung cấp và sử dụng dịch vụ trong cơ chế thị trường mà trên thực tế thì chỉ có cơ chế đó tồn tại! Nếu không diễn đạt được thật rõ ràng thì làm sao nói về sự tồn tại của nó!? Và tôi có cảm giác rằng các nhà lãnh đạo, các cơ quan luật pháp kể cả toà án đang làm cho khái niệm đó càng ngày càng rõ hơn! BS Hoàng Công Lương như các anh đã thảo luận là một ví dụ tốt, toà án đã không để ý tới đạo đức người thày thuốc mà là quy trình, bằng chứng! Cả những lá đơn có hàng trăm chữ ký của các thày thuốc đề nghị nhưng "y án tại hồ sơ" vẫn được thực thi! Ý kiến của B/n cũng không được cân nhắc! Liệu các thày có cách nào hiệu quả hơn không?!

[05/08/2022 08:09:14] Phạm Duệ (GS): Chính ngành y, từ các bác sĩ, điều dưỡng đến các lãnh đạo bộ y tế (khó) phải đưa vấn đề này ra thảo luận công khai! Trước hết là các bác sỹ, đối tượng cần cách biệt với việc kinh doanh hoá ngành y! Tôi hôm qua đã ngay lập tức chia sẻ 2 bào viết này lên fb "Phạm Duệ".

Mời các bác sỹ tham gia vào bình luận cho xôm

[05/08/2022 10:28:23] Bs Hoàng Sầm viện YHBĐ VN: Những người từng mắc những sai sót chuyên môn gây tai biến điều trị như tôi thì sau làm nghề mới khôn ra đôi chút.

Cần nhìn vấn đề đạo đức từ 2 phía, cơ bản tới 98% bệnh nhân là có thành ý. Có 99,5% bác sỹ là người có đạo đức y học. Nếu vậy dù môi trường thay đổi, đạo đức không thay đổi

 [05/08/2022 11:07:55] Hà Hòang (PGS): @Bs Hoàng Sầm viện YHBĐ VN nếu lấy đạo đức của CSGT Việt Nam vào lĩnh vực dịch vụ sức khoẻ, chỉ 30 phút, không cần lâu hơn, xã hội sẽ đại loạn và đại họa. Anh, chị thử đi làm CNND, thay đổi mã số thuế xem cửa quan hiện nay nhũng nhiễu thế nào? Tham nhũng vặt nhiều như mưa, rơi mọi ngóc ngách cuộc sống. Ngành y và ngành giáo dục hầu hết vẫn còn nhiều đạo đức và lương tri so với nhiều ngành khác, vì thế xã hội chưa tan.

[05/08/2022 13:25:11] Phạm Duệ: Một thanh niên 18 tuổi ( nhân chi sơ tính bản thiện -) 18 tuổi không còn chi sơ và bắt đầu phân hoá rồi, nhưng bản thiện còn ở nhiều người! Khi chọn học nghề Y phần lớn đều là những người hướng thiện, muốn làm việc có ích cho đời và được đời tôn trọng! Những người thích quyền lực thì thường đi học sĩ quan an ninh hoặc đi nghĩa vụ cảnh sát rồi đi học để chuyên nghiệp hoá, những người thích buôn bán thì học thương mại...

Hoàng Sầm tập hợp ý kiến.

 

[]