Văn phong tốt cho một bài viết khoa học cần ba yếu tố cơ bản là chính xác, rõ ràng và ngắn gọn. Văn phong trong bài viết khoa học tự bản thân nó thể hiện tính chặt chẽ khoa học và khác biệt cơ bản với văn phong trong văn chương. Dưới đây là những nguyên tắc cơ bản trong văn phong viết bài khoa học.

Sử dụng đúng thì của động từ

Thì quá khứ sử dụng cho tất cả những hiện tượng đã xảy ra trong quá khứ và chỉ sử dụng thì hiện tại trong những trường hợp được xác định. Như vậy, trong một bài báo nghiên cứu, thì quá khứ phải được dùng cho tất cả những gì liên quan tới kinh nghiệm cá nhân của tác giả. Thì quá khứ cũng phải được dùng cho tất cả những điều xuất phát từ kinh nghiệm của các tác giả khác, cả ở phần đặt vấn đề cũng như ở phần bàn luận.

Các diễn đạt văn hoa, cảm tính

Phải chọn lựa trong số những từ có nghĩa gần nhau từ nào phù hợp nhất với hiện tượng quan sát thấy và sau đó chỉ sử dụng duy nhất từ đó cả trong bài báo lẫn trong tất cả các bảng hay chú thích của các minh hoạ.

Việc sử dụng chủ từ "tôi" hay "chúng tôi" không được gây ra sự mơ hồ. Trong viết báo khoa học không còn vị trí cho sự khiêm tốn hay cho các cách diễn đạt cảm tính khác. Tốt nhất hãy viết: "chúng tôi đã khám 10 bệnh nhân" hay "tôi đã khám" tuỳ theo có một hay nhiều tác giả.

Sự chính xác thể hiện tính nghiêm túc khoa học

Tính nghiêm túc khoa học phải đặt dấu ấn trên một công trình khoa học từ khi chuẩn bị cho tới khi thực hiện giai đoạn cuối cùng là viết bài báo. Sự chính xác thể hiện bằng định nghĩa trong chương Tư liệu và phương pháp nghiên cứu. Trong một công trình nghiên cứu thực nghiệm, việc trình bày phương pháp phải đủ rõ ràng để thực nghiệm đó có thể được lặp lại trong công trình nghiên cứu của người khác. Tính chính xác phải thể hiện khi trình bày phương pháp nghiên cứu và kết quả: một khối u không phải ước lượng là kích thước nhỏ, bằng quả cam hay bằng quả dưa mà phải đo bằng centimet (4). Không viết là nặng, nhẹ mà cân nặng bao nhiêu gram. Một bệnh nhân gầy đi 5 kg không có cùng ý nghĩa khi trọng lượng ban đầu là 30 kg hay 90 kg. Việc gầy đi từ 90 kg xuống 85 kg không có cùng ý nghĩa khi xảy ra trong 2 tháng hay trong 1 năm. Sự chính xác khi trình bày các kết quả đòi hỏi phải kiểm tra sự tương ứng của tất cả các số liệu trong bài và trong các bảng số liệu.

Bỏ những danh từ, đại từ trống rỗng: "U to" là bao nhiêu: 3 cm, 15 cm, 27 cm... ; "Rất nhiều, ít, nhiều, một cách sâu sắc, một cách trung bình, khá đủ, quá, thường, hiếm khi"...

Dùng những tính từ hay đại từ thay tỷ lệ % như bảng sau:

Tỷ lệ

Đề nghị

Chấp nhận

Nên tránh

0%

Không bao giờ

 

Vắng

5% (2-6)

Hầu như không bao giờ

 

Rất đặc biệt

10% 8-15)

Hiếm

 

Khá hiếm, thỉnh thoảng

20% (15-25)

ít gặp

Đôi khi

Không thường xuyên, có thể

30% (25-33)

Không hằng định

 

Có thể

50% (33-55)

Một lần trên hai

 

 

60% (58-62)

Hay gặp

 

Khá thường gặp

70% (65-72)

Thường thấy

Thường gặp

Thông thường, bình thường

75%

Thường

 

 

80% (75-82)

Phần lớn thời gian

 

Nói chung, rất thường thấy, bình thường, một cách bình thường

95% (85-95)

Hầu như hằng định

 

 

100%

Luôn luôn

 

Hằng định, không thay đổi

 

Sự sáng sủa cho phép bài báo được đọc và hiểu

Sự sáng sủa đòi hỏi sử dụng các từ và thuật ngữ đơn giản. Tác giả phải luôn luôn tự hỏi liệu có thể sử dụng một thuật ngữ đơn giản hơn.

Vị trí chủ chốt

Một từ ở vị trí chủ chốt khi nó bắt đầu một câu, một đầu đề hay một đoạn. Vị trí chủ chốt tạo ra sự rõ ràng của bài báo bằng cách thu hút sự chú ý của độc giả.

Việc sử dụng dấu phẩy

Việc đặt một dấu phảy ở đúng vị trí loại bỏ sự tối nghĩa. Ngược với văn chương và thơ ca, trong một bài báo khoa học, ưu tiên sử dụng dấu phảy giữa một loạt các từ, chỉ sử dụng chữ "và" khi nó đứng giữa hai từ có liên quan với nhau.

Sử dụng từ "vân vân"

Et coetera mà dạng viết tắt là etc có nghĩa là "và những cái còn lại" trong một sự tiếp nối có thể xác định. Dạng thức "etc" chỉ được sử dụng trong một bài báo khoa học chỉ sử dụng nếu nó không dẫn tới bất kỳ sự hiểu lầm nào. Việc sử dụng sai "etc" là gần với sự không chính xác của "ví dụ" hay "như là".

Các chữ viết tắt

Việc sử dụng các chữ viết tắt các đơn vị đo lường quốc tế khi chúng đứng sau một số là hợp pháp thậm chí được khuyến khích, có thể viết "bệnh nhân nặng 50 kg" nhưng không được viết "sự tiến triển của trọng lượng bằng kg", trong ví dụ này, kilogramme không có số đứng trước nó nên phải được viết đầy đủ bằng chữ. Nếu bạn không chắc chắn về một chữ viết tắt, hãy kiểm tra lại nó: m là viết tắt của metre, min là chữ viết tắt của minute (không phải là mn), G là viết tắt của gauss, Gy là chữ viết tắt của gray, g của gramme. Những chữ viết tắt các đơn vị này là không đổi. Danh sách các chữ viết tắt quốc tế chủ yếu cùng với danh sách các chữ viết tắt của các đơn vị nằm ở cuối sách.

Ngoài những chữ viết tắt của các đơn vị đo, các chữ viết tắt có lợi ích là làm bài viết được rút ngắn, làm bài viết dễ đọc hơn thay cho các khái niệm hay các từ quá dài, được sử dụng nhiều lần trong bài như ống mật chủ có thể viết tắt là OMC. Nhưng việc lạm dụng các chữ viết tắt sẽ đi ngược lại mục đích của nó là làm cho việc đọc bài báo dễ dàng hơn, do đó chỉ nên sử dụng chữ viết tắt cho một từ khi từ đó được sử dụng trên ba lần trong một bài báo. Hơn nữa không nên dùng quá hai hay ba chữ viết tắt, ngay cả khi nó đã được giải thích vì sẽ dẫn tới việc làm bài báo rất khó đọc, ví dụ: "83 Bn có 1 TV+D, 93 Bn có 1 SV+D và 83 Bn có 1 PVC"!

Tất cả các chữ viết tắt phải được viết đầy đủ khi xuất hiện lần đầu. Phải viết "đã phát hiện sỏi ống mật chủ (OMC)". Từ tiếp sau đó mỗi khi nói tới ống mật chủ, ta chỉ cần sử dụng chữ viết tắt OMC. Qui tắc này áp dụng cho tất cả các chữ viết tắt cho dù chữ viết tắt đó có vẻ rất thông dụng.

Những nguyên tắc này cũng áp dụng cho tóm tắt của bài báo. Tuy nhiên tốt nhất nên tránh chữ viết tắt trong tóm tắt, trừ khi đó là một từ hay một nhóm từ khá dài và được sử dụng trên ba lần trong tóm tắt, mà điều này hiếm khi xảy ra. Cũng như vậy đối với các bảng biểu, tuy nhiên nếu có sử dụng chữ viết tắt ở đây thì phải giải thích bằng chú thích dưới bảng hay trong chú giải của biểu đồ.

Loại bỏ những diễn đạt trống rỗng, những sự lặp lại

Chỉ có một sự lặp lại là được phép và thậm chí là cần thiết đó là nội dung của phần tóm tắt tương quan với bài báo. Ngoài trường hợp này ra phải tránh lặp lại. Không nhắc lại câu đầu tiên của đầu đề trong phần tóm tắt. Đừng nhắc lại các kết quả trong phần bàn luận. Đừng nhắc lại các đoạn của phần đặt vấn đề trong phần bàn luận.

Sự tĩnh lược

Sự súc tích thái quá dẫn tới việc lược bớt những từ hay ý tưởng bắt buộc phải có để có thể hiểu được câu văn hay nội dung bài. Sự quá ngắn gọn cũng có thể làm hỏng tính sáng sủa của một bản trình bày khoa học.

Doctor SAMAN
PGS.TS Hoàng Hà

[]